Y tế – bảo hiểm chưa thống nhất, bệnh nhân bối rối

Bắt đầu từ 1/1/2010, nhiều quy định mới về Bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ chính thức có hiệu lực, trong đó, việc cấp thẻ BHYT mới sẽ liên quan trực tiếp đến cách thức thực thi quyền lợi của bệnh nhân. Tuy nhiên, ngay trước giờ G, Bộ Y tế và cơ quan BHYT vẫn chưa có tiếng nói thống nhất, khiến bệnh nhân không khỏi bối rối và lo lắng.

Nhập Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 ngay gần ngày 1/1/2010 – thời điểm nhạy cảm chuẩn bị thực hiện những quy định mới về BHYT, khiến ông Nguyễn Văn Thỏa (Phú Thọ) không khỏi bối rối. Thẻ BHYT của ông có thời hạn hết năm 2009. Sau khi bác sỹ cho nhập viện, cán bộ giám định BHYT đã ghi “khoa yêu cầu bệnh nhân trình và phô tô thẻ BHYT mới từ ngày 1/1/2010” vào bệnh án của ông. Tuy vậy, đến tận ngày 30/12/2009, ông vẫn chưa nhận được thẻ mới. Ông rất lo lắng sẽ phải bỏ dở điều trị, vì không có đủ tiền để tự chi trả viện phí khi thời điểm sang năm mới 2010 đang cận kề.

Về vấn đề này, bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, đối với thẻ BHYT có giá trị sau 1/1/2010, dù chưa có thẻ mới, bệnh nhân vẫn được thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) bình thường. Còn với thẻ hết hạn trước 31/12/2009, về nguyên tắc, bệnh nhân sẽ không được thanh toán. Tuy nhiên, Bộ Y tế có quan điểm, sẽ áp dụng luật một cách linh hoạt để đảm bảo nhiều quyền lợi nhất cho bệnh nhân. Theo đó, phía bệnh viện phải có trách nhiệm liên hệ với cơ quan BHXH để xem xét tiếp tục chi trả cho những bệnh nhân đang điều trị nhưng thẻ BHYT hết hạn.

Tuy nhiên, một đại diện cơ quan BHYT cho biết, đối với trường hợp người có thẻ BHYT bắt buộc thì việc thanh toán này là khá đơn giản, nhưng còn đối tượng đóng BHYT tự nguyện thì khá khó khăn, nếu hết đợt điều trị, họ không tham gia mua BHYT nữa thì sẽ giải quyết số tiền thâm hụt quỹ như thế nào?
Hiện cả nước ta có khoảng gần 50 triệu người tham gia BHYT, trong đó số thẻ BHYT cũ còn hạn sử dụng sau thời điểm 1/1/2010 ước tính vào khoảng 38 triệu thẻ. Theo quan điểm của Bộ Y tế, số người có thẻ BHYT cũ còn hạn sử dụng nói trên thì không cần thiết phải đổi thẻ mới, vì thẻ BHYT cũ và mới về cơ bản không khác nhau nhiều, in lại hàng triệu thẻ sẽ gây lãng phí. Tuy nhiên, theo phía BHYT thì bệnh nhân sử dụng thẻ cũ sẽ khiến cán bộ giám định BHYT rất khó xác định được đối tượng theo quy định mới, từ đó, sẽ khó thực hiện chính xác các quyền lợi KCB.

Ông Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Giám định y tế – Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, trường hợp chưa được nhận thẻ BHYT mới có thể đến cơ quan BHXH gần nhất để yêu cầu cấp giấy xác nhận là đối tượng tham gia BHYT và đang đợi cấp thẻ mới.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại thời điểm nhạy cảm này, do chưa có quan điểm thống nhất từ trên xuống, khi bệnh nhân thắc mắc, các cán bộ giám định BHYT cũng như bệnh viện đều chưa có giải đáp cụ thể. Chưa kể, nếu linh hoạt đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân, phía bệnh viện sẽ có tâm lý ngại những rắc rối về sau có thể phát sinh khi thanh toán với BHYT. Do đó, phía Bộ Y tế và BHXH Việt Nam cần sớm thống nhất quan điểm và nhanh chóng phổ biến tới từng cán bộ giám định BHYT để giải đáp cho người dân KCB

Thanh Loan

Comments are closed.