Xung quanh việc hàng loạt khách hàng Prudential tại Thanh Hoá đồng loạt hủy hợp đồng: “Bút sa, gà chết”!

Trong những ngày gần đây, nhiều khách hàng đến trụ sở Prudential (PR) Thanh Hoá để hủy hợp đồng bảo hiểm, lý do bởi họ không đủ khả năng tài chính theo đuổi hợp đồng đến khi đáo hạn.

Khi  nghe nhân viên ở đây thông báo về số tiền được nhận lại, tất cả đều đi từ bất ngờ đến bất bình bởi họ đã gần như “mất không” số tiền đã nộp cho PR.  Đến lúc này, các khách hàng mới mang hợp đồng đã ký ra xem và mới ngã ngửa bởi “bút sa, gà chết”.

Khách hàng bức xúc…

Theo lời kể của chị ĐNT ở 154, phố Đào Duy Từ, phường Ba Đình, Tp. Thanh Hoá: Năm 2005, khu phố chị có tư vấn viên về giới thiệu, mời tham gia bảo hiểm nhân thọ. Ai nghe cũng thấy lợi ích to lớn của nó mang lại, thấy hay hay và cũng là chỗ quen biết nên chị ký hợp đồng (HĐ) mua bảo hiểm (BH) Phú – tích luỹ định kỳ gia tăng (BH có bảo tức) với PR Thanh Hoá. Theo đó, HĐ có thời hạn 12 năm, mức đóng phí hàng năm 6.150.000 đồng, số tiền được nhận khi đáo hạn là 97.950.790 đồng. Chị T đã đóng hoàn chỉnh được 3 năm theo mức trên, đến năm thứ 4, do được cộng tiền bảo tức theo định kỳ nên chỉ phải đóng thêm 1.150.000 đồng nữa. Như vậy, tính đến năm 2008, chị T đã đóng phí hoàn chỉnh được 4 năm, với tổng số tiền 19.600.000 đồng. 

Sau đó, do không còn khả năng theo đuổi HĐ, chị T đã ngừng nộp phí từ năm 2009. Cũng trong năm 2009, chị đến PR để thanh lý HĐ. Tại trụ sở của Công ty này, chị được nhân viên PR cho biết, số tiền chị được nhận lại (do đã trừ đi số BH mà Công ty đã tự đóng cho khách hàng) chỉ có 8.907.366 đồng. Thấy quá thiệt thòi bởi số tiền được nhận lại so với số đã nộp chưa bằng một nửa, chị T không đồng ý nhận và được nhân viên tại đây tư vấn, nên để HĐ lại, vài năm sau hãy phá thì số tiền được nhận sẽ cao hơn. Tin tưởng sự tư vấn của nhân viên PR “Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”, chị T ra về. Đợi mãi đến cuối tháng 7 năm 2012 vừa qua, chị T mới trở lại PR Thanh Hoá để làm thủ tục thanh lý HĐ.

alt

Tuy nhiên, cũng như lần trước, lần này mức tiền mà chị T được nhận lại theo tính toán của nhân viên PR cũng chỉ có 8.907.366 đồng. Trả lời thắc mắc của chị, nhân viên BH lại đưa ra lý do cũ, rằng bởi chị không nộp phí khi đến hạn nên Công ty đã tự đóng, và vì phải trừ đi số phí này, cộng thêm “lãi suất” của số tiền mà Công ty tự đóng, nên số tiền mà chị T được nhận chỉ còn có gần 9 triệu đồng. 

Theo chị T, điều vô lý là khoản tiền mà PR “tự đóng” cho khách hàng được rút từ chính số tiền mà họ đã nộp nhưng khách hàng vẫn phải chịu “lãi suất” cho khoản “tự đóng” này? Trước câu hỏi của chị T về mức lãi suất cụ thể cho mỗi lần “tự đóng” thay cho khách hàng của Công ty là bao nhiêu, nhân viên PR không đưa ra được lời giải thích rõ ràng, minh bạch mà chỉ trả lời một cách chung chung. Như vậy, trong trường hợp của chị T, so sánh giữa số tiền  đã đóng và số được nhận lại, cộng thêm trượt giá qua từng ấy năm, có thể nói chị  T đã  “mất đứt” cho PR  hơn 2/3 số tiền đã nộp. Đáng chú ý là, trong suốt thời gian ngừng đóng phí, chị T cũng như nhiều khách hàng khác cùng hoàn cảnh đều không hề nhận được thông báo rõ ràng của PR về việc “nếu không tiếp tục đóng phí hàng năm, khách hàng sẽ bị Công ty tự động đóng và trừ vào số tiền đã nộp”. Thay vào đó, chỉ có thông báo yêu cầu đóng phí được gửi đến khách hàng mỗi năm vào hạn nộp tiền. Chưa hết, khi tiến hành ký HĐ, nhân viên BH cũng không hề có sự tư vấn rõ ràng, cụ thể để khách hàng nắm bắt tường tận vấn đề trên. Cũng tương tự như vậy, trên HĐ được ký giữa khách hàng với PR cũng chỉ có những điều khoản mơ hồ, khó hiểu về “giá trị hoàn lại, giảm thu nhập đầu tư …” khiến khách hàng như lâm vào “ma trận”, không thể nào biết được quyền lợi của mình sẽ bị “khấu trừ” nếu không tiếp tục đóng phí.

Cần xem kỹ hợp đồng trước khi đặt bút ký!

Trước những thông tin trên, PV đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Thanh Hải, Trưởng Văn phòng PR Thanh Hoá và ông Đỗ Minh Thuyết, phụ trách trung tâm khách hàng thì được giải thích: Người dân ta có thói quen là không xem xét kỹ hợp đồng. Chỉ thích nghe chứ không thích đọc. Sau khi ký cũng chẳng buồn xem lại bỏ vào tủ cất ngay. Đến khi có vướng mắc xảy ra là chạy tới trụ sở công ty gây ồn ào. Chúng tôi hoạt động rất có uy tín, ai đồng ý tham gia thì các tư vấn viên đã đưa ra cho xem bảng minh hoạ về quyền lợi bảo hiểm. Khi khách hàng hủy hợp đồng sớm thì họ phải chấp nhận. Đối với chị T, nhận lại được trên vẫn còn là “may”, bởi nếu để thêm một thời gian nữa, toàn bộ số tiền còn lại mà chị T đã đóng sẽ “tự động bốc hơi” theo số lần mà Công ty “tự động đóng phí” cho khách hàng.

Quy trình và nguyên tắc của bảo hiểm được triển khai trên toàn quốc thì ai cũng đã rõ. Nhưng khi thông qua đội ngũ tư vấn viên thì liệu khách hàng có được thông tin đầy đủ về lợi và không có lợi của bảo hiểm hay không? Chính vì thế mà khách hàng khi tham gia bất kỳ một giao dịch gì (không chỉ là bảo hiểm) cần phải cân nhắc kỹ lưỡng những lợi ích và điều kiện ràng buộc khi mình tham gia. Có như vậy khi xảy ra xung đột pháp lý, khách hàng mới không bị “tiền mất, tật mang”. 

(Báo Công Lý).

Comments are closed.