“Xù” tiền bảo hiểm

nhanvien1.jpgChết vì bị người đua xe trái phép gây tai nạn, còn bị “xù” quyền lợi bảo hiểm chỉ bởi trong người có mùi cồn… Mới đây, chị Nguyễn Thị Bích Liên, ngụ xã Bình Quới, Châu Thành (Long An) đã gửi đơn kiện lên TAND thị xã Tân An yêu cầu tòa buộc Công ty Bảo Việt nhân thọ Long An giải quyết quyền lợi bảo hiểm theo hợp đồng.

Chết vì bọn đua xe

Trước đây, vào dịp Tết Đinh Hợi năm 2007, chồng chị Liên đang trên đường từ cơ quan về nhà thì bị ba thanh niên đua xe trái phép ngược chiều, lấn trái gây tai nạn, làm anh chết. Theo kết quả giám định, chồng chị Liên bị “chấn thương vùng ngực gây gãy xương ức, vỡ động mạch chủ vùng đáy tim”. Kết quả này cũng cho thấy trong máu của chồng chị Liên có nồng độ cồn.

Sau đó, ba thủ phạm gây ra cái chết của chồng chị Liên đã bị khởi tố, truy tố về tội đua xe trái phép. Vừa qua, TAND thị xã Tân An đã đưa vụ án ra xử, nhận định chồng chị Liên lưu thông đúng phần đường, đúng tốc độ quy định. Ba bị cáo có lỗi hoàn toàn khi đua xe với tốc độ cao, không làm chủ tay lái, lấn trái gây ra tai nạn, làm chồng chị Liên chết… Cuối cùng, tòa tuyên phạt ba bị cáo tổng cộng 13 năm tù. Về trách nhiệm dân sự, ba bị cáo này phải liên đới bồi thường cho gia đình chị Liên hơn 50 triệu đồng.

Bị từ chối bảo hiểm

Vấn đề là trước khi chết, năm 2002, chồng chị Liên có mua hợp đồng an sinh giáo dục của Công ty Bảo Việt nhân thọ Long An cho con gái. Hợp đồng này trị giá 10 triệu đồng, có thời hạn 11 năm. Trong hợp đồng, chồng chị Liên là người tham gia bảo hiểm, con gái là người được bảo hiểm. Chương II, Điều 5.4 hợp đồng này quy định: Trường hợp người tham gia bảo hiểm chết do tai nạn xảy ra trong thời hạn bảo hiểm của hợp đồng, Bảo Việt sẽ dừng thu phí kể từ ngày đến hạn nộp phí ngay sau ngày xảy ra tai nạn và hợp đồng vẫn được duy trì. Đồng thời, người được bảo hiểm được nhận trợ cấp hàng năm bằng 25% số tiền bảo hiểm.

Như vậy, theo chị Liên, sau khi chồng mất, con gái của họ sẽ được nhận trợ cấp hàng năm và khi đến hạn sẽ được chi trả toàn bộ số tiền theo hợp đồng. Tuy nhiên, lãnh đạo Bảo Việt nhân thọ Long An lại cho rằng Chương II, Điều 6.1.4 hợp đồng an sinh giáo dục quy định: Bảo Việt không giải quyết quyền lợi bảo hiểm khi người tham gia bảo hiểm chết do ảnh hưởng của rượu, bia, ma túy hoặc các chất kích thích khác. Từ đó, lãnh đạo Bảo Việt nhân thọ Long An đã thẳng thừng từ chối giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho con gái chị Liên, chấm dứt hợp đồng ngay ngày xảy ra tai nạn dẫn đến cái chết của chồng chị.

Phải giải quyết quyền lợi?

Gia đình chị Liên rất bức xúc, bất bình khi Bảo Việt giải thích như thế. Chồng chị là lao động chính trong gia đình, nhà còn mẹ già, vợ và hai đứa con nhỏ dại, gia cảnh vốn khó khăn. Vì vậy, chị Liên đã khởi kiện ra tòa.

Nhìn về mặt pháp lý, một vị phó chánh án TAND tỉnh Long An đã tỏ ra rất ngạc nhiên khi cơ quan bảo hiểm “xù” chi trả quyền lợi bảo hiểm cho con gái chị Liên. Theo vị này, chỉ khi nào trong điều khoản của hợp đồng bảo hiểm ghi rõ là không đền khi người chết mà trong người có rượu, bia thì cơ quan bảo hiểm mới “thoát”. Còn trong trường hợp này, chồng chị Liên chết là do bị bọn đua xe trái phép đụng phải thì cơ quan bảo hiểm không thể vin vào lý do nạn nhân đã có rượu, bia trong người để từ chối giải quyết.

Đồng tình, nhiều chuyên gia cho rằng điều khoản cơ quan bảo hiểm “không giải quyết quyền lợi khi người tham gia bảo hiểm chết do ảnh hưởng của rượu, bia, ma túy hoặc các chất kích thích khác” phải hiểu là rượu, bia hoặc các chất kích thích là nguyên nhân hoặc có gây ảnh hưởng đến cái chết của người tham gia bảo hiểm. Chẳng hạn như người tham gia bảo hiểm say rượu tự gây tai nạn hoặc “đấu” rượu với bạn mà bị ngộ độc… Ở đây, chồng chị Liên dù có uống rượu, bia ngày Tết nhưng cơ quan tố tụng đã kết luận rằng anh không có lỗi trong tai nạn, nguyên nhân cái chết của anh là do bọn đua xe gây ra chứ đâu phải là do ảnh hưởng của rượu, bia! Giả sử trong vụ này anh không uống rượu, bia thì cũng bị chết như thường, bởi chuyện anh uống hay không uống đâu liên quan gì đến việc bọn đua xe trái phép, chạy ẩu, lấn trái gây tai nạn.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc vụ từ chối bảo hiểm khá lạ này.

 

 

 

 

Theo HỮU DANH (Pháp luật TPHCM Online)

 

Comments are closed.