Xu thế toàn cầu hóa các dịch vụ tài chính và thách thức đối với ngành BH

hiep_hoi_hop_resize.gifHội nghị thường niên lần thứ 15 của Hiệp hội quốc tế của các nhà quản lý bảo hiểm (IAIS) được tổ chức từ ngày 14-17/10/2008 tại Budapest, Hungary là cơ hội để cơ quan quản lý bảo hiểm các nước gặp gỡ, trao đổi với nhau về thông tin cũng như kinh nghiệm quản lý bảo hiểm, những vấn đề nổi trội phát sinh và phương hướng giải quyết. Kết thúc Hội nghị, các cơ quan quản lý bảo hiểm trên toàn thế giới đã cam kết sẽ tăng cường nỗ lực hợp tác và hướng đến phát triển các tiêu chuẩn quản lý, giám sát bảo hiểm.

Theo báo cáo của Ông Peter Braumuller, Chủ tịch uỷ ban điều hành IAIS thì: “ IAIS đã cho thấy khả năng phản ứng nhanh với khủng hoảng bằng việc tăng cường nỗ lực hợp tác. Với nền tảng thành viên rộng khắp gồm đại diện các cơ quan quản lý và giám sát bảo hiểm đến từ 140 quốc gia trên thế giới, IAIS với vị trí đặc biệt của mình tổ chức các diễn đàn cho các cơ quan quản lý bảo hiểm trên toàn thế giới chia sẻ thông tin và chuẩn bị giải pháp quản lý, giám sát phù hợp để giải quyết các vấn đề của thị trường bảo hiểm”.

Các hoạt động xây dựng chuẩn mực của IAIS sẽ tiếp tục được triển khai, trong đó có lưu ý đến các kinh nghiệm, bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính hiện tại, theo đó tăng cường hệ thống giám sát bảo hiểm trên phạm vi toàn cầu, làm vững mạnh thị trường và thúc đẩy bảo vệ quyền lợi khách hàng. Một vấn đề cũng được các đại biểu quan tâm là IAIS cần nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện các tài liệu hướng dẫn về giám sát các tập đoàn bảo hiểm hoạt động trên phạm vi toàn cầu. Một số vấn đề khác cũng cần được nghiên cứu sâu hơn bao gồm việc đánh giá các tác động lan truyền trong bối cảnh khủng hoảng và các vấn đề quản lý thận trọng tầm vĩ mô như tính minh bạch và quản lý rủi ro. Trong bối cảnh thị trường hiện tại, việc IAIS tiếp tục thiết lập các chuẩn mực về quản lý giám sát sẽ góp phần tăng cường hệ thống quy định quản lý giám sát trên toàn thế giới, tăng cường ổn định tài chính và tăng cường bảo vệ chủ hợp đồng bảo hiểm.

Có thể thấy một số chủ đề chính đã được các đại biểu tập trung thảo thuận tại Hội nghị như sau:

Hợp tác và sự minh bạch trong bối cảnh khủng hoảng tài chính

Hội nghị đã thảo luận sự cần thiết của hợp tác và minh bạch giữa các cơ quan giám sát tài chính, giám sát bảo hiểm, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện tại. Các thị trường tài chính, các tập đoàn bảo hiểm và các tập đoàn tài chính đang ngày càng tăng cường mức độ ảnh hưởng toàn cầu; việc bảo vệ khách hàng là trách nhiệm tiên quyết của mỗi cơ quan quản lý của từng quốc gia. Tuy nhiên, việc phản ứng trước các tình huống khủng hoảng cần sự can thiệp trên cả phương diện quốc gia và toàn cầu.

Phản ứng với cuộc khủng hoảng tài chính hiện tại trước tiên cần được giải quyết ở cấp độ mỗi cơ quan quản lý giám sát, trong đó phương thức hợp tác được quan tâm hơn trong thời gian gần đây. Sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các cơ quan quản lý ngay trong giai đoạn đầu tiên sẽ giảm thiểu rủi ro hơn là việc mỗi cơ quan quản lý đưa ra những phản ứng riêng có thể làm tổn hại và ảnh hưởng đến quốc gia khác. Trong tương lai, sự phát triển các mô hình quản lý khác nhau cần được tính đến mức độ ảnh hưởng và mối quan hệ toàn cầu để có thể đẩy lùi được khủng hoảng.

Cuộc khủng hoảng tài chính cũng cho thấy nhu cầu minh bạch hoá ngày càng cao. Hai gợi ý được nêu tại Hội nghị gồm:

(1) thông tin đầy đủ hơn về rủi ro sẽ thúc đây sự nhận thức và quản trị rủi ro;
(2) duy trì đối thoại và tính minh bạch giữa các doanh nghiệp được giám sát và các cơ quan giám sát sẽ làm giảm tình trạng đổ vỡ thị trường trong bối cảnh khủng hoảng.

Trong giai đoạn này, một số bài học được rút ra là: việc quá tin tưởng vào các định mức tín nhiệm (từ các công ty định mức tín nhiệm) và mô hình được cho là chuẩn; thất bại trong quản lý rủi ro chưa thực sự được công khai; và quản trị không hiệu quả các hoạt động đầu tư. Các biện pháp có thể hỗ trợ ngăn ngừa khủng hoảng tài chính trong tương lai bao gồm quản trị rủi ro tốt và có sự can thiệp giám sát sớm. Cần đặc biệt chú ý đến sự độc lập giữa chức năng quản trị rủi ro và trách nhiệm giải quyết các rủi ro đã xảy ra. Các doanh nghiệp bảo hiểm cần có kế hoạch quản trị khủng hoảng như là một phần của quản trị kinh doanh liên tục – một khái niệm cũng cần được áp dụng đối với các cơ quan quản lý giám sát, và điều này cần được ưu tiên thực hiện khi xảy ra khủng hoảng.

Tác động của các chuẩn mực về khả năng thanh toán trong tương lai

Chuẩn mực khả năng thanh toán II đang trong giai đoạn hoàn thiện cuối cùng tại Liên minh châu Âu và các thành viên của nhóm này đã thực hiện việc nghiên cứu để có thể áp dụng vào mỗi nước. Tại Hội nghị, các chuyên gia của Liên minh châu Âu cũng chỉ rõ phương thức tiếp cận quản lý rủi ro hiện hữu, cũng như các bài học từ khủng hoảng tài chính hiện tại (cả dưới góc độ quốc gia và khu vực). Các chuyên gia cũng đưa ra lời kêu gọi chung cho sự phát triển thực sự của hệ thống khả năng thanh toán toàn cầu nhằm đối phó với các vấn đề khủng hoảng. Việc thảo luận về phương thức tiếp cận mang tính toàn cầu về khả năng thanh toán là yếu tố quan trọng nhằm tăng cường quản lý, giám sát các tập đoàn bảo hiểm hoạt động xuyên quốc gia.

Sự chuyển đổi giữa các lĩnh vực

Hội nghị cũng đã đề cập đến sự khác biệt cơ bản giữa rủi ro của các ngân hàng và rủi ro của các doanh nghiệp bảo hiểm và cũng nhận thức rằng ranh giới giữa hai ngành trên đang ngày càng bị lu mờ. Một thông điệp quan trọng là cần thiết phải nhận thức rõ bản chất kinh tế của các giao dịch và các sản phẩm. Sự phức tạp ngày càng tăng của các giao dịch tài chính yêu cầu việc quản lý phải minh bạch và lành mạnh. Một vài giao dịch có thể liên quan đến nhiều cơ quan phản lý và đây cũng là thách thức lớn đối với tính minh bạch. Việc quản lý giám sát được coi là hiệu quả khi xem xét được tất cả các loại rủi ro và đánh giá được các rủi ro ngoài bảng cân đối kế toán trên cả góc độ chi tiết và tổng thể.

Việc cải cách có thể đem lại lợi ích cho cả người tham gia bảo hiểm và thị trường, do đó không phải là nhân tố kìm hãm sự phát triển sản phẩm. Điều quan trọng là các doanh nghiệp bảo hiểm và các cơ quan quản lý cần nhận thức rõ về sản phẩm và khuôn khổ giám sát và cần phản ứng nhanh với sự phát triển mới bằng dựa trên cách tiếp cận cơ bản là phải nhận dạng và nắm bắt được các rủi ro.

Các điều kiện tiên quyết để thực hiện các chuẩn mực

IAIS tin tưởng vững chắc về việc tuân thủ và thực hiện các chuẩn mực của các thành viên nhằm cải tạo khung pháp lý, lành mạnh hoá thị trường bảo hiểm trong nước và quốc tế, đóng góp vào sự ổn định của tài chính thế giới. Trong nỗ lực này, IAIS chú ý đến nhu cầu của các nước đang phát triển, thúc đẩy sự hiểu biết về chuẩn mực, nguyên tắc của IAIS, hỗ trợ tăng cường năng lực của cơ quan quản lý để tuân thủ các nguyên tắc, chuẩn mực này, hỗ trợ cơ quan quản lý trong các vấn đề giám sát cụ thể nhằm thúc đẩy trao đổi kinh nghiệm giữa các nước thành viên. Trong những năm gần đây, các nền kinh tế đang nổi đã có những đóng góp đáng kể trong việc đem lại giám sát hiệu quả. Nhiều nước đã thực hiện các cơ chế quản lý giám sát mới dựa trên các chuẩn mực quốc tế của IAIS. Ngoài ra, các nước này cũng đã cố gắng nâng cao năng lực nhằm tạo điều kiện cho việc thực thi các nguyên tắc, chuẩn mực này.

Hội nghị đã thảo luận về tầm quan trọng của các điều kiện tiên quyết để thực hiện các chuẩn mực quản lý, giám sát bảo hiểm. Các chuẩn mực không những chỉ cần được ban hành mà chúng cần phải được triển khai thực hiện hiệu quả. IAIS hỗ trợ việc thực hiện các chuẩn mực đối với các thị trường mới nổi thông qua việc dịch các tài liệu hướng dẫn về quản lý giám sát cũng như thông qua các hoạt động hỗ trợ đào tạo khác. IAIS đã nâng cao được nhận thức về tầm quan trọng của các điều kiện tiên quyết để thực hiện các chuẩn mực bảo hiểm cơ bản. Điều kiện tiên quyết chưa đầy đủ sẽ làm suy yếu các quy định quản lý và cản trở việc giám sát hiệu quả. Các điểm yếu cụ thể của các thị trường mới nổi là sự thiếu hụt các chuẩn mực về kế toán và về nghề nghiệp tính phí bảo hiểm cũng như các nền tảng hạ tầng yếu kém của thị trường.

Tái bảo hiểm trong nền tài chính hiện đại

Một chủ đề chung bao trùm các cuộc thảo luận là sự cần thiết có khuôn khổ phù hợp trong việc ghi nhận chung về quản lý, giám sát hoạt động tái bảo hiểm. Việc Hội nghị thường niên IAIS lần này tại Budapest ban hành tài liệu hướng dẫn của IAIS về việc ghi nhận chung trong công tác quản lý, giám sát hoạt động tái bảo hiểm đã được đánh giá cao. Các đại diện ngành bảo hiểm và các thành viên IAIS đã khuyến khích IAIS tiếp tục nỗ lực xác định và tạo các bước thuận lợi để đạt được thoả thuận cụ thể về vần đè này. Tái bảo hiểm là công cụ quan trọng làm giảm rủi ro cho các doanh nghiệp bảo hiểm do đó phương pháp tiếp cận về quản lý giám sát hoạt động tái bảo hiểm cần được cải thiện để có thể nhận biết các rủi ro tái bảo hiểm đa dạng trên phạm vi toàn cầu.

Giám sát các tập đoàn bảo hiểm

Hội nghị đã đánh giá bản chất của bảo hiểm toàn cầu, tập trung vào việc mở rộng hoạt động của các tập đoàn bảo hiểm. Hội nghị cũng thảo luận về đặc điểm của một hệ thống giám sát tốt nhất có thể phù hợp với các thị trường và đem lại lợi ích thông tin chia sẻ cho các nước. Điều này bao gồm cả việc đánh giá các cách tiếp cận quản lý về giám sát các tập đoàn bảo hiểm và tập trung chủ yếu vào các thực thể pháp lý trong một nước, phân tích ảnh hưởng của cơ quan quản lý lên doanh nghiệp bảo hiểm là công ty con của một tập đoàn lớn. Hội thảo cũng thảo luận về một số vấn đề liên quan đến thực hiện quyền pháp lý trong việc cung cấp và sử dụng dịch vụ qua biên giới liên quan đến các doanh nghiệp bảo hiểm là công ty con của tập đoàn có vấn đề về tài chính.

Mặc dù việc đánh giá mức độ đầy đủ về vốn vẫn được thừa nhận là một yếu tố quan trọng khi đánh giá về khả năng thanh toán, nhưng các chuyên gia tại hội nghị cũng cảnh báo về sự nguy hiểm khi một số các mô hình đánh giá khả năng thanh toán vẫn xem nhẹ các yếu tố về định tính. Quản trị doanh nghiệp, quản lý rủi ro và kiểm soát nội bộ được coi là các cấu phần quan trọng của hệ thống cảnh báo sớm trong công tác quản lý giám sát, đặc biệt đối với quản lý giám sát các tập đoàn bảo hiểm. Sự quan tâm thích đáng đối với các yếu tố này là rất cần thiết đối với mỗi quốc gia.

Quản lý nghiệp vụ bảo hiểm

Hội nghị cũng thảo luận về tầm quan trọng của việc thực hiện tốt các quy định về quản lý nghiệp vụ trong việc duy trì sự tin tưởng của khách hàng đối với lĩnh vực bảo hiểm, đặc biệt trong thời kỳ thị trường có sự bất ổn. Các cơ quan quản lý bảo hiểm đang tập trung phát triển các khuôn khổ pháp lý về quản lý nghiệp vụ để có thể giải quyết hiệu quả các tranh chấp, các chương trình bảo vệ khách hàng và sự công khai, minh bạch đối với các tài liệu giới thiệu sản phẩm. Hội nghị cũng nhấn mạnh rằng các cơ quan quản lý giám sát bảo hiểm cần nhận thức được rằng các quy định về quản lý nghiệp vụ tốt sẽ trở nên đặc biệt quan trọng khi thị trường không thể tự thực hiện chức năng điều tiết phù hợp.

Việc ứng dụng các chuẩn mực quản lý giám sát bảo hiểm

Chuẩn mực giám sát bảo hiểm do IAIS ban hành và là chuẩn mực quốc tế được công nhận rộng rãi. Nói cách khác, các chuẩn mực này được áp dụng trên tất cả các quốc gia dù mức độ phát triển thị trường ở mỗi quốc gia là khác nhau, và giám sát tất các sản phẩm bảo hiểm, bao gồm cả bảo hiểm dành cho người nghèo và bảo hiểm dành cho người theo đạo Hồi… Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là điều đó có thực sự khả thi? Liệu các chuẩn mực được thừa nhận đầy đủ ở các quốc gia và đối với các sản phẩm? Đâu là thách thức chủ yếu đối mà cơ quan quản lý giám sát các nước phải đối mặt trong việc thực hiện các chuẩn mực này, đặc biệt đối với các nền kinh tế đang phát triển?

Qua thảo luận, các chuyên gia tham dự Hội nghị đã cho rằng các nguyên tắc cơ bản và chuẩn mực bảo hiểm quốc tế là tương đối linh hoạt và có thể được phát triển và áp dụug phù hợp với từng lĩnh vực bảo hiểm, từng mức độ phát triển của  môic nước. Các nguyên tắc cơ bản về bảo hiểm hình thành nền tảng chung và cơ bản nhất cho các tiêu chuẩn quản lý, giám sát phù hợp và rất cần thiết cho sự phát triển theo trật tự của mỗi thị trường, mỗi quốc gia.

Tại phiên toàn thể, Hội nghị thường niên IAIS lần thứ 15 cũng đã thông qua 10 tài liệu về quản lý giám sát, trong đó có 6 tài liệu hướng dẫn đánh giá khả năng thanh toán, 2 tài liệu hướng dẫn về quản lý giám sát các tập đoàn lớn, 1 tài liệu hướng về quản lý, giám sát tái bảo hiểm, và 1 tài liệu hướng dẫn xây dựng quy định quản lý giám sát đối với các công ty bảo hiểm chuyên ngành (các công ty bảo hiểm nằm trong các tập đoàn).

Có thể nói, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu, các nội dung thảo luận tại Hội nghị lần này thực sự có ý nghĩa với các đại biểu tham dự Hội nghị nói chung và đặc biệt là các đại biểu đại diện cho các cơ quan quản lý bảo hiểm. Đây là cơ hội quý báu để các cơ quan quản lý bảo hiểm và các hiệp hội bảo hiểm chuyên ngành trao đổi quan điểm, chia sẻ kinh nghiệp nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý quản lý giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại quốc gia mình, đồng thời thảo luận cách thức tăng cường nỗ lực hợp tác, xây dựng một thị trường bảo hiểm toàn cầu lành mạnh.

Theo Hiệp Hội Bảo Hiểm Việt Nam

 

Comments are closed.