Với những diễn biến đa chiều của thị trường tài chính, có nhiều quan điểm khác nhau được đưa ra bàn thảo và phân tích. Tuy nhiên, có một yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến những động thái của thị trường đó là niềm tin của công chúng thì chưa được đề cập nhiều. Chuyên gia kinh tế Vụ trưởng Vụ Tài chính- Tiền tệ, Bộ kế hoạch đầu tư, PGS-TS Lê Quốc Lý có cuộc trao đổi với báo chí về vấn đề này.
PV: Nếu chỉ dùng 2 từ để nói về mong muốn của những nhà quản lý đối với công chúng và ngược lại trong thời điểm hiện nay với những diễn biến đa chiều của thị trường tài chính nước ta, Ông sẽ nói gì?
Ông Lê Quốc Lý: Đó là “niềm tin”.
Niềm tin của công chúng là một yếu tố đặc biệt quan trọng đối với thị trường tài chính nói chung và thị trường tiền tệ nói riêng. Một khi niềm tin không trọn vẹn, họ có thể có những phản ứng gây ảnh hưởng không chỉ đến một tổ chức tín dụng (TCTD) mà đến cả hệ thống ngân hàng thậm chí là nền kinh tế. Ví dụ khi người dân thiếu tin tưởng vào hệ thống ngân hàng thay vì việc gửi tiền tiết kiệm vào hệ thống ngân hàng họ có thể mua vàng để cất giữ. Xét riêng về hành động đó của từng cá nhân thì không ảnh hưởng, nhưng xét trên toàn bộ nền kinh tế thì điều đó không có lợi đặc biệt là ở những nước đang phát triển khi rất cần vốn cho đầu tư.
PV: Vậy theo ông, làm thế nào để xây dựng niềm tin của công chúng đối với hệ thống tài chính – ngân hàng?
Ông Lê Quốc Lý: Niềm tin của người dân đối với hệ thống tài chính – ngân hàng được hình thành bởi nhiều yếu tố như tin tưởng vào chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ, trong đó có chính sách tài chính – tiền tệ, chính sách điều hành thị trường tiền tệ, chính sách cải cách hệ thống tài chính ngân hàng, chính sách bảo vệ người gửi tiền và đảm bảo an toàn hệ thống…Trong đó chính sách bảo vệ người gửi tiền và đảm bảo an toàn hệ thống là một trong những yếu tố quan trọng để tạo lập niềm tin đối với công chúng vì nó gắn kết trực tiếp đến quyền lợi của người gửi tiền. Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, Chính phủ sử dụng bảo hiểm tiền gửi (BHTG) như là công cụ tài chính hữu hiệu trong việc xây dựng niềm tin của công chúng đối với người gửi tiền và đảm bảo an toàn hệ thống tài chính – ngân hàng.
Nếu như trước đây khi nền kinh tế còn trong cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, thì vai trò và chức năng của bảo hiểm tiền gửi có thể bị hạn chế và chưa cần thiết vì mọi biến động của nền kinh tế Nhà nước có thể ra tay can thiệp. Nhưng đến nay khi nước ta đã hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới và có một thị trường đầy đủ hơn thì vai trò của tổ chức BHTG cũng phải theo xu hướng phát triển của hệ thống bảo hiểm tiền gửi trên thế giới, đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang gặp nhiều thách thức.
PV: Theo ông, xu hướng đó là gì?
Ông Lê Quốc Lý: Tổ chức bảo hiểm tiền gửi thực hiện một số chức năng như kiểm tra, giám sát, xử lý đổ vỡ TCTD. Thông qua việc kiểm tra, giám sát tổ chức tham gia BHTG, nếu phát hiện tổ chức nào gặp vấn đề, BHTG sẽ đưa ra những cảnh báo sớm đối với các cơ quan chức năng để có những ứng phó kịp thời. Cảnh báo sớm là một công tác vô cùng quan trọng, giúp chúng ta lường trước được những căn bệnh, nguy cơ rủi ro đang tiềm ẩn và có phương thuốc kịp thời chữa trị. Như vậy, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (DIV) sẽ thực hiện nhiệm vụ vô cùng quan trọng như cha ông ta thường nói “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Với những chức năng đó người gửi tiền sẽ an tâm hơn vì luôn có một tổ chức chuyên nghiệp “giám sát” TCTD mà họ gửi tiền. Bên cạnh đó, sử dụng công cụ BHTG trong việc xử lý đổ vỡ tín dụng thể hiện tính chuyên nghiệp và nguyên tắc thị trường, giảm sự can thiệp hành chính và dùng ngân sách nhà nước để xử lý đổ vỡ TCTD. Và DIV cần nâng cao năng lực, trong đó có năng lực tài chính để đảm đương tốt vai trò của mình trong tình hình mới.
Theo Thời báo Ngân hàng, số ra ngày 15/4/2008 do Thúy Sen thực hiện
Comments are closed.