Vụ BHYT làm khó người bệnh: Lẽ ra phải tập trung cứu người trước

Nếu công an nói không biết nên không chứng nhận thì người bị tai nạn giao thông phải được Bảo hiểm xã hội chi trả tiền trị bệnh. Ảnh: DUY TÍNHNếu không có công an, không xác định được vi phạm thì người bị tai nạn giao thông vẫn được hưởng bảo hiểm y tế. Như Pháp Luật TP.HCM đã có nhiều tin, bài phản ánh, Thông tư liên tịch 09/2009 hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) có quy định buộc người bị tai nạn giao thông (TNGT) phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc mình không phạm luật mới được BHYT chi trả.

Bên lề hội nghị triển khai các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BHYT diễn ra tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) ngày 10-9, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với bà Tống Thị Song Hương (ảnh), Vụ trưởng Vụ BHYT – Bộ Y tế, xung quanh vấn đề này.

Phạm luật thì không được hưởng

. Thưa bà, tại sao Thông tư 09 lại quy định người bị TNGT phải không phạm luật mới được hưởng BHYT?

+ Trước hết, cần hiểu rằng tất cả quy định về BHYT phải đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân và an sinh xã hội nhưng mặt khác cũng phải đảm bảo về tài chính y tế. Nếu tất cả trường hợp TNGT đều được thanh toán thì Bảo hiểm xã hội sẽ nói rằng không có cơ sở vì có nhiều trường hợp vi phạm luật giao thông. Nhưng nếu không thanh toán sẽ vấp phải phản ứng của dư luận.

Tuy nhiên, để đảm bảo việc tuân thủ các quy định về giao thông thì luật quy định là không thanh toán các trường hợp vi phạm pháp luật. Ý nghĩa của quy định này nhằm để giáo dục ý thức cho người dân biết rằng khi tham gia giao thông, nếu vi phạm luật giao thông thì sẽ không được quỹ BHYT chi trả.

Do đó, câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để xác định được người tham gia BHYT không vi phạm pháp luật. Đó là trách nhiệm của các cơ quan thi hành pháp luật, cụ thể là công an giao thông chứ ngành y tế không lo việc này được.

“Mới nghi chưa phải phạm tội”

. Nếu chưa xác định được là có vi phạm pháp luật về giao thông hay không thì người bị TNGT có phải tự thanh toán các chi phí điều trị?

+ Trong khi chưa xác định được thì quỹ BHYT sẽ lo cho người bệnh nếu họ có BHYT. Thí dụ người nào đó bị nghi là ăn cắp nhưng chưa xác định được họ ăn cắp thì người đó vẫn được xem là không phạm tội. Thực hiện BHYT cũng vậy, nếu chưa xác định được người bị TNGT phạm lỗi thì họ phải được hưởng BHYT. Tùy từng trường hợp và điều kiện cụ thể để xem xét, vận dụng. Quan điểm của ngành y tế là phải tập trung cứu người, còn việc xác định có vi phạm hay không thì để sau.

Nên nhớ rằng chi phí điều trị TNGT là rất lớn. Nếu không có sự hỗ trợ của quỹ BHYT thì người bệnh sẽ rất thiệt thòi. Mặt khác, những người tham gia BHYT lâu năm mà không được hưởng là vô lý.

. Như bà nói ở trên thì cơ quan công an sẽ xác định người bị TNGT phạm luật hay không. Vậy không có công an thì sao?

+ Nếu có công an thì công an phải xác định. Nếu không có công an, không xác định được vi phạm thì bệnh nhân vẫn được vẫn được hưởng BHYT như đã nói ở trên. Tuy nhiên, nếu hai người cùng bị tai nạn mà ai cũng nói mình đúng thì tự người bị TNGT phải chứng minh với công an là mình đúng.

. Xin cảm ơn bà.

Ông Cao Văn Sang, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM:

Đáng lẽ phải quy định ngược lại!

Tôi nghĩ quy định về thanh toán BHYT trong trường hợp bị TNGT tại Thông tư 09 cần phải nói ngược lại: Nếu y tế không chứng minh được người bị TNGT phạm luật thì Bảo hiểm xã hội phải thanh toán cho bệnh nhân nếu họ có BHYT (trước đây là căn cứ vào nồng độ cồn trong máu).

Thí dụ, một người bị TNGT nhưng hiện trường không có công an, không có ai làm chứng, sau đó đến công an địa bàn đó trình báo mình bị tai nạn. Nếu công an nói không biết, không xác nhận thì tức là người đó không có lỗi và Bảo hiểm xã hội phải thanh toán. Bởi cũng không có công an nào chịu cấp chứng nhận anh đúng hay sai khi họ không có tại hiện trường, không điều tra.

Bộ Y tế cần có văn bản giải thích

Những giải thích của Vụ trưởng Vụ BHYT Tống Thị Song Hương đã giúp các cơ quan liên quan cũng như bạn đọc sáng tỏ một số vấn đề. Điều đáng nói là giải thích của bà vụ trưởng tuy hợp tình nhưng lại có nhiều điểm lấn cấn với quy định tại Thông tư 09 do chính cơ quan này tham mưu soạn thảo.

Chẳng hạn, theo bà Hương, trong khi chưa xác định được vi phạm thì quỹ BHYT sẽ lo cho người bệnh nếu họ có BHYT. Thế nhưng Thông tư 09 lại quy định trong trường hợp này, người bị TNGT phải tự thanh toán các chi phí điều trị với cơ sở y tế.

Bà Hương khẳng định cơ quan công an có trách nhiệm xác định vi phạm của người bị TNGT nhưng điều này lại không được quy định trong Thông tư 09.

Bà Hương giải thích nếu không có công an, không xác định được vi phạm thì bệnh nhân vẫn được hưởng BHYT. Ngược lại, Thông tư 09 quy định đối với trường hợp chưa xác định được ngay là có phạm luật hay không thì người bệnh chỉ được BHYT thanh toán “khi có xác nhận không vi phạm pháp luật về giao thông của cơ quan có thẩm quyền”…

Rõ ràng là từ quy định tại Thông tư 09 đến những lý giải của bà vụ trưởng đã có độ vênh khá lớn. Vẫn biết thực hiện được như những giải thích của bà Hương là thuận lợi cho dân và hợp tình hợp lý. Nhưng, cái khó là ở chỗ khi triển khai thì phải căn cứ vào quy định pháp luật. Vì thế, để thống nhất cách hiểu cũng như cách làm, Bộ Y tế cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về những lấn cấn nêu trên.

THANH HOA

Nguồn  Pháp Luật TPHCM Online

Comments are closed.