Vốn đổ vào startup công nghệ-bảo hiểm tăng mạnh tại châu Á

(Webbaohiem) – Các ngân hàng và công ty bảo hiểm kinh doanh theo phong cách truyền thống đang phải đối mặt với thực trạng chi phí tuân thủ tăng lên, thu nhập đầu tư thấp và nền kinh tế đình trệ. Tuy vậy, vẫn có những tín hiệu lạc quan, đáng chú ý là sự hội tụ giữa tăng trưởng và đổi mới công nghệ tại các thị trường mới nổi.

 

Nguồn vốn rót vào các dự án kết hợp tài chính và công nghệ (fintech), đặc biệt là tại Trung Quốc và Ấn Độ, đang tăng lên rất nhanh do nhà đầu tư tin tưởng vào tiềm năng của các dự án khởi nghiệp (startup) tại những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới.

Theo nghiên cứu của CB Insights và KPMG, năm 2015 vừa qua, khởi nghiệp về fintech tại châu Á đã huy động được 4,5 tỷ USD (lớn hơn tổng nguồn vốn huy động được của 4 năm trước cộng lại) từ tổng số 130 giao dịch.

Trong số đó, hơn một nửa số vốn chảy về Trung Quốc với các dự án khởi nghiệp Dianrong và Lu.com thu hút được hơn 2,6 tỷ USD. Còn tại Ấn Độ, tổng số vốn huy động được trong lĩnh vực fintech lần đầu tiên vượt qua con số 1 tỷ USD.

 

Theo ông Anand Sanwal, Tổng Giám đốc CB Insights: “Châu Á, và đặc biệt là Trung Quốc, được hưởng lợi từ sự có mặt của các doanh nghiệp địa phương trong cả hai lĩnh vực công nghệ và dịch vụ tài chính, như Alibaba, Tencent và Ping An. Những doanh nghiệp này đang tăng cường đầu tư và xây dựng dịch vụ về fintech”.

“Thêm vào đó còn có sự tham gia của các quỹ đầu tư mạo hiểm và ngân hàng. Điều này khiến các công ty fintech châu Á có được môi trường huy động vốn thuận lợi nhất từ trước tới nay”.

Theo khảo sát của Accenture, hơn một nửa nguồn vốn đầu tư vào fintech trong quý I năm nay được rót vào doanh nghiệp khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Các dự án bảo hiểm mới chỉ thu hút được một phần nhỏ trong số đó, song tỷ trọng này đang gia tăng nhanh chóng.

Các giao dịch đáng chú ý của nửa đầu năm nay có thể kể đến dự án bảo hiểm Huize Insurance, dự án công nghệ thông tin Xishan và dự án bảo hiểm trên nền điện thoại thông minh Trov với tổng số vốn huy động được đạt trên 75 triệu USD.

Huize là một nền tảng giao dịch đại lý bảo hiểm trực tuyến ra đời tại Thâm Quyến, Trung Quốc. Nền tảng này kết nối hệ thống giao dịch nội bộ của hơn 60 công ty bảo hiểm, cho phép khách hàng so sánh và mua hơn 700 sản phẩm bảo hiểm tùy thuộc vào mức độ “ưa thích rủi ro” của mình.

Về phần mình, startup Công nghệ thông tin Xishan đặt trụ sở tại thành phố Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang và do công ty bảo hiểm Ping An tài trợ. Dự án này vận hành website Datebao.com có chức năng cung cấp các sản phẩm bảo hiểm giá trị cao với mức phí giảm.

Trov là ứng dụng “bảo hiểm theo yêu cầu” được công ty Trov có trụ sở tại San Francisco, Hoa Kỳ, tung ra thị trường Australia vào cuối tháng 5, là phát minh của nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc công ty, ông Scott Walchek. Trov cho phép người dùng chuyển chế độ (bật hoặc tắt) bảo hiểm đối với các vật dụng cá nhân của mình chỉ bằng một vuốt nhẹ trên thiết bị di động.

 

Trên toàn cầu, các giao dịch công nghệ-bảo hiểm đáng chú ý khác có thể kể đến như Oscar Health, Next Insurance, Lemonade và Slice Labs.

Ông John Cusano, Giám đốc cấp cao về bảo hiểm toàn cầu của Accenture, nhận định: “Mức độ toàn cầu hóa của ngành công nghệ-bảo hiểm ngày càng cao thực sự là tín hiệu tốt cho doanh nghiệp bảo hiểm, nhất là các công ty toàn cầu”.

“Điều này sẽ làm tăng cơ hội cho các hãng bảo hiểm lớn trong việc đầu tư vào dự án mạo hiểm, thúc đẩy sự phát triển của các giải pháp bảo hiểm mới và tăng khả năng cung cấp những sản phẩm, dịch vụ được dị biệt hóa theo đặc thù địa phương”.

Tuy nhiên, ông Cusano cũng cảnh báo rằng doanh nghiệp bảo hiểm không có thế mạnh vượt trội so với những thử thách họ phải đối mặt.

“Các nhà đầu tư fintech nhận ra rằng ngành bảo hiểm có thể bị đình trệ và sa sút. Ngành bảo hiểm thường chậm chân hơn các ngành khác, nhất là ngân hàng, trong việc tiếp cận công nghệ số. Doanh nghiệp bảo hiểm cần tăng chi tiêu vào đổi mới công nghệ để vượt qua các thách thức cạnh tranh và thu hút thêm nhiều khách hàng mới”.

Thu Phương (Theo IAN).

 

Comments are closed.