Vinare đón nhận Huân chương Độc lập Hạng Ba; MetLife ra mắt sản phẩm bảo hiểm liên kết chung mới; Khiếu nại bảo hiểm tăng cao từ khi iPhone 6 xuất hiện

TIÊU ĐIỂM TUẦN 39:

I. Tin trong nước

1. Tin bồi thường, tổn thất, trả tiền bảo hiểm

Cháy lớn ở bar Luxury Hà Nội

(VOV) – Lãnh đạo Sở Cảnh sát PCCC TP Hà Nội cho biết vụ hỏa hoạn xảy ra vào đêm 23/9 tại quán bar Luxury ở 153 Yên Phụ, Hà Nội, đã cơ bản được dập tắt vào khoảng 1h ngày 24/9.

Trước đó, vào khoảng 23h45 tối 23/9, quán bar Luxury (số 153 phố Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội), một tụ điểm vui chơi nổi tiếng của giới trẻ Hà thành bất ngờ bốc cháy.

Các nhân chứng có mặt tại hiện trường kể lại, khi mọi người đang vui chơi thì bỗng nhiên thấy mùi khét, có tiếng nổ và kèm theo đó là ngọn lửa bùng lên trong quán. Hàng trăm người bỏ chạy toán loạn ra ngoài đường. Lửa không ngừng bốc cao và trong thời gian ngắn đã lan ra trùm kín cả quán bar.

Nhận được tin báo, lực lượng cảnh sát PCCC đã điều hơn 10 xe cứu hỏa, cùng hàng trăm chiến sỹ và các phương tiện cứu hộ, chữa cháy đến hiện trường để khống chế vụ hỏa hoạn.

Lực lượng cảnh sát cơ động, công an phường Yên Phụ và các phường lân cận cũng có mặt, tổ chức phân luồng giao thông, giải tán người dân hiếu kỳ để đảm bảo giao thông quanh khu vực xảy ra hỏa hoạn.

Do ngọn lửa bốc cao hàng chục mét khiến việc khống chế hỏa hoạn của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn. Đến 12h30 thì lửa đã thiêu rụi quán bar này, mặc dù lực lượng phòng cháy chữa cháy nỗ lực dập lửa. Rất may đám cháy không gây thiệt hại về người và không lan sang gara taxi cùng bãi trông giữ xe gần đó.

Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân cũng như thiệt hại về tài sản từ vụ hỏa hoạn này.

2. Một vòng doanh nghiệp 

Vinare đón nhận Huân chương Độc lập Hạng Ba

(TBTCO) – Ngày 26/9, tại Hà Nội, Tổng công ty cổ phần tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (Vinare) đã tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập (27/9/1994 – 27/9/2014) và đón nhận Huân chương Độc lập Hạng Ba. 

Ông Trịnh Quang Tuyến, Chủ tịch HĐQT Vinare cho biết, 20 năm xây dựng và phát triển, Vinare đã đạt được những thành tích xuất sắc trong công tác hoạt động kinh doanh: những con số về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách và các chỉ tiêu hoạt động khác là thước đo đánh giá thành tích Vinare đã đạt được. 

Vinare đã vươn lên trở thành doanh nghiệp bảo hiểm hàng đầu tại Việt Nam và là một trong số 500 doanh nghiệp hàng đầu của nền kinh tế; năm 2013, Vinare đạt top 1.000 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất và top 50 doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đã biểu dương và ghi nhận quá trình phấn đấu, trưởng thành đáng khích lệ và những đóng góp quan trọng của Vinare vào việc duy trì sự phát triển an toàn và ổn định của thị trường bảo hiểm Việt Nam trong thời gian qua. 

Đánh giá những thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc liên tục trong suốt 20 năm xây dựng và trường thành, Chủ tịch nước đã tặng thưởng Huân chương Độc Lập Hạng Ba cho Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã thay mặt Nhà nước trao tặng Huân chương cao quý này cho Vinare.

AIA Việt Nam được đề cử “Giải thưởng ngành bảo hiểm châu Á 2014”

(NLĐ) – Công ty Bảo hiểm nhân thọ AIA Việt Nam là 1 trong 3 doanh nghiệp bảo hiểm trên toàn châu Á vừa được đề cử cho giải thưởng “Doanh nghiệp có trách nhiệm với xã hội” trong khuôn khổ “Giải thưởng ngành bảo hiểm châu Á 2014” của Tạp chí Bảo hiểm châu Á (Asia Insurance Review).

Giải thưởng nhằm ghi nhận và tôn vinh những đóng góp xuất sắc của các doanh nghiệp trong ngành bảo hiểm tại châu Á. Kết quả xếp hạng và trao thưởng sẽ được tổ chức tại Đài Loan vào ngày 2-11.

Kể từ khi hoạt động tại Việt Nam, AIA đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng như: Tặng học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, tặng phao cho trẻ em nghèo vùng lũ, hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cứu trợ đồng bào vùng lũ… Ngoài ra, AIA còn tặng hàng ngàn xe đạp cho trẻ em nghèo, hiếu học, có nhà ở xa trường.

PTI triển khai dịch vụ truy vấn bồi thường qua mạng

(TBTCO) – Ngày 25/9, Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đã ra mắt website https://sms.pti.com.vn/ truy vấn tiến độ giải quyền hồ sơ bồi thường bảo hiểm xe ô tô. Đây là doanh nghiệp bảo hiểm đầu tiên tại Việt Nam triển khai dịch vụ tiện ích này.

Theo đó, khách hàng mua bảo hiểm xe cơ giới của PTI có thể truy cập vào website sms.pti.com.vn để theo dõi các thông tin liên quan đến hồ sơ của mình như: hồ sơ đang ở giai đoạn nào, những hồ sơ giấy tờ đã có hoặc còn thiếu, xưởng sửa chữa xe hiện tại, ngày xe ra xưởng, ngày thanh toán tiền bảo hiểm…

Ngoài ra, trong website này, PTI còn công bố khoảng thời gian chuẩn cho từng bước trong quy trình bồi thường, qua đó, khách hàng có thể dễ dàng đối chiếu và kịp thời phản ánh lên tổng đài chăm sóc khách hàng nếu thấy hồ sơ bồi thường của mình chưa được giải quyết theo đúng như thời gian cam kết. 

Phó Tổng giám đốc PTI Nguyễn Đức Bình chia sẻ, quá trình thu thập hồ sơ, giải quyết bồi thường xe cơ giới rất phức tạp, liên quan đến nhiều đơn vị như DN bảo hiểm, gara sửa chữa, cảnh sát giao thông… Nếu khách hàng không chủ động theo dõi được quá trình này thì họ sẽ mất đi sự chủ động trong công việc. Vì thế, sự ra đời của website truy vấn bồi thường của PTI sẽ giúp khách hàng tiết kiệm thời gian, công sức và mang lại sự hài lòng cao nhất cho khách hàng.

Theo kết quả nghiên cứu thị trường mới đây, có đến 70% khách hàng không hài lòng tại các khâu giải quyết bồi thường của các DN bảo hiểm. Do đó, việc PTI triển khai dịch vụ này sẽ minh bạch hóa toàn bộ quy trình bồi thường, giúp khách hàng tiết kiệm được thời gian và công sức, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ của thị trường bảo hiểm.

BIDV và Bảo hiểm SGI ký kết hợp tác

(VTCNews) – Ngày 25/9/2914, Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai dịch vụ Bảo hiểm bảo lãnh của SGI cho khách hàng vay vốn của BIDV.

Theo đó, BIDV và SGI sẽ xây dựng cơ chế hợp tác trong việc trao đổi thông tin về nhu cầu thị trường bảo hiểm bảo lãnh tại Việt Nam, triển khai dịch vụ bảo hiểm bảo lãnh của SGI với các khách hàng vay vốn tại BIDV và các nội dung hợp tác khác.

Việc hợp tác sẽ mang lại cho khách hàng của BIDV nhiều dịch vụ tiện ích khi lựa chọn sử dụng sản phẩm, dịch vụ của BIDV.

SGI là một trong những công ty bảo hiểm hàng đầu trong lĩnh vực bảo hiểm bảo lãnh, bảo hiểm tín dụng tại Hàn Quốc.Cổ đông chính của SGI là Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Hàn Quốc (sở hữu 94% cổ phần của SGI). Ngoài trụ sở chính tại Hàn Quốc, SGI hiện có văn phòng đại diện tại Trung Quốc, Hoa Kỳ… Tại Việt Nam, Bộ Tài chính đã chính thức cấp giấy phép hoạt động cho SGI mở chi nhánh tại Việt Nam.

MIC hợp tác bancasurance với Ocean Bank

(MIC) – Vừa qua, tại Hà Nội, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) đã ký thỏa thuận hợp tác bảo hiểm với Ngân hàng TMCP Đại Dương (Ocean Bank). Thông qua thỏa thuận hợp tác, hai bên ưu tiên sử dụng dịch vụ của nhau và giới thiệu, tạo điều kiện hỗ trợ cho nhau tiếp cận với những khách hàng có nhu cầu về các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm qua mạng lưới kinh doanh của MIC và Ocean Bank trên toàn quốc. 

Việc MIC và Ocean Bank ký thỏa thuận hợp tác nhằm mục đích nâng cao chất lượng dịch vụ đem lại sự hài lòng cho khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm cũng như cam kết giải quyết bồi thường nhanh chóng. 

Với mục tiêu trở thành doanh nghiệp thuận tiện hàng đầu trong lĩnh vực bán lẻ, MIC ngày càng nỗ lực mở rộng mạng lưới, hợp tác với nhiều đối tác tiềm năng, ngân hàng (bancasurance), phát triển thêm nhiều sản phẩm bảo hiểm tiện ích, nâng cấp website bán bảo hiểm trực tuyến (baohiem247.vn), hỗ trợ khách hàng và tư vấn bảo hiểm qua tổng đài 1900-558891, thành lập thêm trung tâm cứu hộ giao thông miễn phí cùng nhiều quà tặng cho khách hàng tham gia bảo hiểm tại MIC.

MIC tiên phong áp dụng nhắn tin chống làm giả bảo hiểm 

(MIC) –Tổng công ty Bảo hiểm Quân đội vừa cho ra mắt dịch vụ nhắn tin kiểm tra ấn chỉ bảo hiểm trong nỗ lực phòng chống trục lợi bảo hiểm.

MIC đã đưa vào áp dụng công nghệ nhắn tin SMS, theo đó giấy chứng nhận bảo hiểm khi được bán cho khách hàng đều yêu cầu mỗi đại lý nhắn tin báo phát sinh về hệ thống cơ sở dữ liệu trực tuyến của MIC thông qua cú pháp:

MIC (cách) 1 (cách) Mã số tin nhắn (cách) Biển KS hoặc số khung gửi 8037

Bên cạnh đó MIC còn cung cấp các đầu số nhắn tin trực tiếp đến cho khách hàng, khách hàng đều có thể chủ động nhắn tin theo cú pháp:

MIC KT MA_SO_NHAN_TIN Gửi đến tổng đài 8037 (MA_SO_NHAN_TIN: là một mã số được bảo mật và được in trên từng giấy chứng nhận của MIC). 

Với cú pháp trên, ngay lập tức khách hàng có thể kiểm tra được giấy chứng nhận bảo hiểm vật chất ô tô là thật hay giả khi mua bảo hiểm ở một điểm bán bất kỳ của MIC. Ngoài ra khi soạn cú pháp này, khách hàng cũng có thể kiểm tra được tính hiệu lực của ấn chỉ bảo hiểm sau thời điểm 5 ngày kể từ ngày mua.

Bên cạnh đó, bất kỳ thắc mắc, khiếu nại nào của các khách hàng cũng đều được MIC hỗ trợ qua tổng đài 1900-558891.

3. Quản lý thị trườngbảo hiểm

Cục QLGS bảo hiểm được thí điểm cơ chế tự chủ tài chính

(TBTCO) – Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định về việc thí điểm cơ chế tài chính đối với Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm – Bộ Tài chính. Theo đó, thời gian thực hiện thí điểm cơ chế tài chính đối với Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm – Bộ Tài chính từ năm 2015 đến hết năm 2019. 

Nguồn kinh phí giao tự chủ cho Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm bao gồm: Ngân sách nhà nước cấp đảm bảo hoạt động thường xuyên theo quy định hiện hành;Khoản đóng góp từ các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhằm tăng cường công tác quản lý, giám sát thị trường bảo hiểm. 

Các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm đóng góp trực tiếp cho Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm và Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm được sử dụng 100% khoản đóng góp này để chi tăng cường công tác quản lý, giám sát. Mức đóng góp bằng 0,03% doanh thu phí bảo hiểm gốc hàng năm (đối với doanh nghiệp bảo hiểm); 0,03% doanh thu phí nhận tái bảo hiểm hàng năm (đối với doanh nghiệp tái bảo hiểm); 0,03% hoa hồng môi giới bảo hiểm hàng năm (đối với doanh nghiệp môi giới bảo hiểm). Khoản đóng góp này được hạch toán vào chi phí hợp lệ của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm; 

Khoản thu từ công tác nghiên cứu, đào tạo và thi cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm: đơn vị sự nghiệp thuộc Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm tổ chức thu theo quy định;Các nguồn kinh phí hợp pháp khác. 

Nội dung sử dụng kinh phí giao tự chủ, đối với chi cho công tác quản lý, giám sát, Quyết định nêu rõ, chi tiền lương bình quân với hệ số tiền lương tối đa không quá 2 lần mức lương đối với cán bộ, công chức do nhà nước quy định (lương ngạch, bậc và các loại phụ cấp, trừ chế độ trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ); chi hành chính theo định mức quy định; chi mua sắm tài sản phục vụ cho việc quản lý, giám sát; chi tăng cường công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra; chi hoạt động đặc thù; các khoản chi khác theo quy định của pháp luật. 

Ngoài ra, chi phục vụ các hoạt động của đơn vị sự nghiệp (có tư cách pháp nhân, tự đảm bảo kinh phí hoạt động). 

Nguồn kinh phí giao tự chủ nếu có tiết kiệm, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm được chi cho các nội dung theo quy định tại các Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với cơ quan nhà nước, Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 7/10/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 130/2005/NĐ-CP và các quy định của pháp luật có liên quan. 

Ngoài mức kinh phí giao tự chủ, hàng năm Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm được ngân sách nhà nước bố trí kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ đặc thù theo chế độ quy định.

4. Tin đào tạo

MIC đào tạo nâng cao cho cán bộ quản lý 

(MIC) – Ngày 25/9/2014, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội đã tổ chức khóa đào tạo cán bộ quản lý nâng cao năm 2014 cho hơn 100 CBNV là cán bộ quản lý của Hội sở và Lãnh đạo các đơn vị Khu vực phía Bắc. 

Chủ tịch HĐQT MIC, ông Nguyễn Quang Hiện đã đến dự khai mạc và phát biểu “Vai trò của cán bộ quản lý tại các đơn vị là vô cùng quan trọng, là xương sống trong hệ thống nguồn nhân lực, là lực lượng tiên phong trong việc triển khai, thực hiện các chiến lược phát triển của Tổng công ty, trong đó có nhiệm vụ chính trị và kinh doanh. MIC quyết tâm xây dựng lực lượng cán bộ quản lý trẻ, vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ, giỏi về quản lý và vận hành hoạt động của đơn vị hiệu quả”. 

Khóa đào diễn ra trong 2 ngày, tạo tập trung vào 4 chuyên đề lớn bao gồm: Tái bảo hiểm nâng cao, triển khai bán lẻ đối với bảo hiểm phi nhân thọ, xây dựng và quản lý chi phí của đơn vị hiệu quả, phát triển. Đặc biệt, trong khóa đào tạo, lãnh đạo các đơn vị đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm quản lý, kinh doanh để hỗ trợ nhau và không ngừng nâng chất lượng dịch vụ.

II. Tin quốc tế

Lloyd’s: phí thu giảm, lợi nhuận tăng

(Insurancenews) – Trong báo cáo bán niên 2014, Lloyd’s cho biết tổng doanh thu phí bảo hiểm của thị trường này trong 6 tháng đầu năm đã giảm 4,1%, xuống mức 14,8 tỷ Bảng.

“Mặc dù có sự đóng góp của các nghiệp đoàn mới và sự tăng trưởng tại một số bộ phận khác, song vẫn không đủ bù đắp được mức giảm 3,3% của phí điều chỉnh rủi ro tổng thể. Điều này chủ yếu xuất phát từ tình trạng giảm phí các hợp đồng tái bảo hiểm cố định tài sản và bảo hiểm năng lượng”, Lloyd’s giải thích.

Tuy vậy, Lloyd’s vẫn ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế 1,6 tỷ Bảng trong 6 tháng đầu năm, tăng so với 1,3 tỷ Bảng cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ kết hợp tăng từ 86,9% lên 88,2%.

Chi bồi thường trong 6 tháng giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2013: từ mức 6,5 tỷ Bảng còn 5,6 tỷ Bảng.

Lloyd’s cho biết dù tổn thất giảm nhưng bảo hiểm hàng không bị thiệt hại quá nhiều trong năm nay.

“Khi tới mùa tái tục bảo hiểm hàng không, các điều kiện, điều khoản và biểu phí cho lĩnh vực bảo hiểm này sẽ phải điều chỉnh để tương ứng với mức độ rủi ro.

“Nửa đầu năm 2014 cũng chứng kiến một loạt các tổn thất do thiên tai gây ra, như thời tiết lạnh giá tại Bắc Mỹ và Nhật Bản, bão nhiệt đới tại Hoa Kỳ, bão Ela và lũ lụt tại Anh”. Song theoLloyd’s, những thiên tai này không gây ảnh hưởng đáng kể tới hoạt động kinh doanh của thị trường.

Về bảo hiểm trách nhiệm: trong kỳ ghi nhận sự tăng trưởng nhất định về phí thu, chủ yếu là tại Bắc Mỹ. Chi bồi thường cho lĩnh vực này có tăng nhưng với tốc độ chậm.

MetLife ra mắt sản phẩm bảo hiểm liên kết chung mới

(Businesswire) – Công ty bảo hiểm MetLife của Hoa Kỳ vừa giới thiệu sản phẩm liên kết chungkết hợp giữa tính năng bảo vệ và quyền lợi linh hoạt, có tên gọi Secure Flex Universal Life.

Sản phẩm này cam kếtchi trả số tiền bảo hiểm trong trường hợp tử vong, cho tới khi khách hàng đạt một độ tuổi nhất định nào đó, tối đa tới 90 tuổi, tùy vào độ tuổi khi tham gia bảo hiểm.

Bên cạnh đó, tại thời điểm kết thúc thời hạn bảo hiểm tử vong, nếu chủ hợp đồng còn sống, họ sẽ được nhận một khoản tiền để có thể tiếp tục đóng phí bảo hiểm cho giai đoạn tiếp theo.

Ngoài ra,Secure Flex còn cung cấp cho khách hàng giá trị tiền mặt tích lũy chậm trả thuế. So với các sản phẩm liên kết chung khác có thông số tương tự thì Secure Flex đem lại giá trị tiền mặt cao hơn. Quyền lợi này cho phép khách hàng có thể linh hoạt lựa chọn giữa việc tiếp tục duy trì hợp đồng, giảm phí bảo hiểm phải nộp, chấm dứt hợp đồng, hoặc sử dụng giá trị tiền mặt này nếu cần.

Sản phẩm mới này là một phần trong nỗ lực của MetLife nhằm bổ sung danh mục sản phẩm BHNT của mình và nối tiếp xu hướng giảm phí từ sản phẩm bảo hiểm tử kỳ đảm bảo Guaranteed Level Term mới tung ra thị trường hồi tháng 8 năm nay. 

New Zealand: khiếu nại bảo hiểm tăng cao từ khi iPhone 6 xuất hiện

(Asiainsurancereview) – Làn sóng gian lận khiếu nại bảo hiểm từ việc ra mắt phiên bản iPhone 6 (ngày 25/9 vừa qua) dự kiến sẽ diễn ra tại New Zealand trong thời gian tới.

Hội đồng Bảo hiểm New Zealand (ICNZ) cho biết mỗi khi công nghệ mới ra đời, thường sẽ kéo theo tình trạng khiếu nại bảo hiểm tăng lên do khách hàng có xu hướng khai báo các thiết bị (sử dụng công nghệ cũ) của họ bị hỏng hóc hoặc mất cắp.

Phát biểu ngày 26/9, ông Tim Grafton, Chủ tịch ICNZ, cho biết “Các hãng bảo hiểm New Zealand dự kiến số vụ khiếu nại bồi thường liên quan đến điện thoại sẽ tăng 25% trong những tuần tới, tiếp sau sự kiện ra mắt iPhone 6”.

Do vậy, ngành bảo hiểm cần giám sát để nhận biết các khiếu nại gian lận, ông nói. Thông qua trung tâm dữ liệu khiếu nại bồi thường Insurance Claims Register (ICR), các công ty bảo hiểm có thể kiểm tra tính chính xác của các thông tin trong hợp đồng bảo hiểm và khiếu nại bồi thường.

Theo ông Dave Ashton, Giám đốc ICR, trung tâm dữ liệu này lưu trữ tài liệu của 6 triệu vụ khiếu nại bảo hiểm tại rất nhiều công ty bảo hiểm khác nhau. Vì vậy, ICR có thể trợ giúp các hãng bảo hiểm trong việc phát hiện và ngăn chặn khiếu nại gian lận, đặc biệt là 

“Trong quá trình đánh giá rủi ro trước khi cấp đơn hoặc giải quyết khiếu nại bồi thường, các hãng bảo hiểm có thể kiểm tra lịch sử khiếu nại bảo hiểm của khách hàng để kiểm soát được nguy cơ gian lận”.

Ông Ashton bổ sung: “Chúng tôi có rất nhiều phương pháp và công nghệ để nhận diện các trường hợp nghi vấn gian lận, đồng thời các doanh nghiệp bảo hiểm cũng rất chú trọng việc rà soát kỹ các trường hợp này”.

Ông Tim Grafton, Chủ tịch ICNZ, tiết lộ: “Chúng tôi đã gặp những khách hàng nói rằng điện thoại di động của họ bị gạch hoặc búa rơi trúng. Khi đó họ có thể phải trải qua quá trình xác minh xem nguyên nhân thực sự có đúng như vậy không.Ngoài ra, còn có những trường hợp khách hàng nói rằng bị mất điện thoại nhưng chỉ một thời gian sau chiếc điện thoại đó đã thấy xuất hiện trên thị trường”.

State Insurance(IAG) dự kiến đóng cửa các chi nhánh tại New Zealand

(Insurance-business-review) –State Insurance, công ty con của hãng bảo hiểm lớn nhất nước Úc Insurance Australia Group (IAG), đang cân nhắc việc đóng cửa hầu hết (21/22) chi nhánh của mình tại New Zealand.

Chi nhánh duy nhất được để lại là Riccarton tại Christchurch nhằm giải quyết khiếu nại bồi thường của khách hàng về rủi ro động đất.

Quyết định này sẽ dẫn tới việc 91 nhân công đang làm việc tại 21 chi nhánh mất việc.

Tổng Giám đốc State Insurance, ông Craig Olsen, nói kế hoạch này nhằm đảm bảo cho công ty có cơ cấu kinh doanh phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu hiện tại và tương lai của khách hàng. “Ngành bảo hiểm đang tăng trưởng từng ngày, từng giờ. Trong 5 năm vừa qua, chỉ có rất ít khách hàng lui tới các chi nhánh của chúng tôi mà họ sử dụng hình thức gọi điện, truy cập website của công ty hoặc dùng các kênh trực tuyến khác”, ông Craig Olsen bổ sung.

“Chiến lược của chúng tôi là vẫn tiếp tục duy trì sự hiện diện tại đây thông qua kênh bán bảo hiểm trực tiếp của công ty.Bất cứ khi nào và ở đâu khách hàng cần chúng tôi, họ đều sẽ được đáp ứng với các sản phẩm hấp dẫn, có giá cả phải chăng và chất lượng phục vụ vượt trội.Tuy nhiên, để làm được điều đó, chúng tôi cần tính đến tính hiệu quả”.

State Insurance hiện đang có khoảng 1.400 lao động, dự kiến sẽ ra quyết định cuối cùng về vụ việc này vào giữa tháng 10 năm nay.

Công ty cũng cho biết xấp xỉ 94% số khách hàng sử dụng website hoặc gọi điện cho công ty trong giao dịch bảo hiểm, và con số này vẫn tiếp tục tăng qua các năm.

Pakistan: Bảo hiểm vi mô phát triển tốt

(Asiainsurancereview) – Bảo hiểm vi mô tại Pakistan đang chứng kiến sự tăng trưởng ổn định với số lượng chủ hợp đồng tăng 4,7% mỗi quý, đạt 3,3 triệu người vào thời điểm cuối quý II/2014. Đồng thời, tổng số tiền được bảo hiểm tăng thêm 3,3 tỷ Rupi (tương ứng 7,8%), đạt 45,6 tỷ Rupi.

Tờ báo The Express Tribune dẫn lời Ủy ban Chứng khoán Pakistan, cơ quan giám sát thị trường bảo hiểm và thị trường vốn Pakistan, cho biết tổng số hợp đồng bảo hiểm vi mô tại nước này hiện vào khoảng 31,5 triệu – tương ứng với tỷ lệ xâm nhập thị trường 10,5%.

Ngược lại, nếu dựa vào chỉ tiêu doanh thu phí bảo hiểm trên tổng GDP thì năm 2013, các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ truyền thống tại Pakistan chỉ đạt tỷ lệ xâm nhập 1,1%, so với 3,2% của Ấn Độ.

So với bảo hiểm vi mô, các sản phẩm BHNT truyền thống đắt đỏ hơn, phải trải qua nhiều quy trình và tốn nhiều thủ tục giấy tờ hơn. Bên cạnh đó, một báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Pakistan công bố năm 2012 cho biết có khoảng 20% dân số nước này vẫn đang sống dưới mức chuẩn nghèo và khoảng 45% dân số dễ bị tổn thươngbởi các tác động bên ngoài.

BTV (tổng hợp).

{fcomment}

Comments are closed.