Trong đơn kêu cứu gửi về Tòa soạn, hơn 200 CBCNV của Công ty cổ phần công nghiệp ô tô Trường Sơn đã phản ánh: Từ năm 2004 đến nay họ không có lương, nợ BHXH, bảo hiểm y tế… khiến nhiều người muốn chuyển công tác không chuyển được, về hưu không về được. Nhà máy đóng cửa, trừ vài người bảo vệ, còn lại công nhân đều phải nghỉ việc, đời sống vô cùng khó khăn… Lần theo đơn của các ông bà: Hoàng Văn Thắng, Trần Võ Tuấn, Nguyễn Văn Định, Đoàn Quang Toàn, Nguyễn Thành Long, Nguyễn Văn Nam, Nguyễn Bá Hoàng… chúng tôi được biết: Ngay từ khi mới đi vào hoạt động, đầu năm 2005 Nhà máy ô tô Trường Sơn đã không lo nổi việc làm cho người lao động, đến tháng 4-2008 thì đóng cửa hoàn toàn, toàn bộ CBCNV rơi vào tình cảnh thất nghiệp.
Từ đó đến nay chỉ còn 12 người bao gồm bảo vệ và ban giám đốc đi làm cầm cự giữ nhà máy. Hơn 200 công nhân rơi vào “đem con bỏ chợ”, không lương, không được đóng BHXH, BHYT… đời sống của họ và gia đình rơi vào cảnh hết sức khó khăn. Họ đã làm đơn kêu cứu gửi đi nhiều nơi, nhưng không ai đứng ra giải quyết.
Phóng viên Báo GTVT đã làm việc với Ban giám đốc cũng như Ban chấp hành Công đoàn Tổng công ty ô tô Việt Nam. Cả chính quyền và Công đoàn đều thừa nhận đơn kêu cứu của người lao động là đúng, là hợp tình, hợp lý. Nhưng… do khó khăn quá, nhất là sau đợt khủng hoảng kinh tế tài chính năm 2008-2009 nên Tổng công ty chưa quan tâm đến đơn vị này được. Rằng phải ưu tiên giải quyết những khó khăn lớn hơn trước và năm 2010 tới đây sẽ quan tâm giải quyết, vực Nhà máy ô tô Trường Sơn hoạt động trở lại. Điều này đã được đưa vào Nghị quyết của Ban giám đốc Tổng công ty…
Theo ông Đinh Việt Phương, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty ô tô VN: Nhà máy ô tô Trường Sơn thuộc Công ty cổ phần công nghiệp ô tô được đầu tư xây dựng từ năm 2004 tại Khu công nghiệp Bắc Vinh, tỉnh Nghệ An với diện tích đất 432.000m2, tổng vốn đầu tư 2 giai đoạn lên tới 372 tỷ đồng, giai đoạn 1 với gần 84 tỷ đồng. Quy mô của nhà máy với công suất 12.000 xe/năm, trong đó giai đoạn 1 với 500 xe/năm. Thời gian hoạt động 49 năm, số lao động dự kiến là 1.528 người.
Ngành nghề sản xuất kinh doanh là: Sản xuất mua bán các loại ô tô khách, ô tô buýt, ô tô chuyên dùng, ô tô du lịch, thiết bị phụ tùng ô tô xe máy; dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng ô tô và các phương tiện xe cơ giới. Công nghệ thiết bị được chuyển giao từ Nhà máy ô tô Cát Lâm thuộc tập đoàn ô tô số 1, Trung Quốc; Công ty ô tô Honyuan và Giải Phóng, Trung Quốc; Công ty ô tô Yuejin. Trung Quốc; Công ty cơ khí ô tố 1-5; Nhà máy ô tô Hòa Bình, Công ty cơ khí ô tô 3-2 và Trancommeco.
Mục tiêu của dự án là sản xuất ô tô tải, ô tô khách, ô tô chuyên dùng từ 700 kg đến 15 tấn, chở khách từ 24 chỗ đến 46 chỗ. Tuy nhiên, do đầu tư và đi vào hoạt động đúng thời điểm không thuận lợi, nên ngay từ khi mới đưa vào sản xuất, nhà máy đã gặp khó khăn, sản phẩm làm ra không bán được. Dẫn đến tình trạng sản xuất cầm chừng, công nhân lần lượt nghỉ việc. Nợ lương, nợ BHXH vì thế cứ kéo dài.
Chủ tịch Công đoàn Vinamotor- Nguyễn Bá Thanh cũng khẳng định, Công đoàn rất chia sẻ khó khăn với người lao động ở Nhà máy ô tô Trường Sơn, Công đoàn cũng đã có công văn gửi Công đoàn Công ty cổ phần công nghiệp ô tô Trường Sơn đề nghị sớm can thiệp giải quyết dứt điểm 4 kiến nghị của người lao động, không nên để tình trạng này kéo dài. Với trách nhiệm của mình, Công đoàn sẽ cùng với chuyên môn là Tổng công ty ô tô VN xem xét để có biện pháp vực Nhà máy sớm hoạt động trở lại.
Khẳng định với phóng viên Báo GTVT, ông Đinh Việt Phương cho rằng, tới đây Tổng công ty sẽ “bơm thêm vốn” để vực nhà máy này hoạt động trở lại, nhưng theo ông Phương, khâu khó nhất không phải tiền mà còn là vấn đề nhân sự, giải quyết các tồn đọng.
Về mặt chiến lược nhà máy này sẽ phải thay đổi hướng đầu tư, tập trung sản xuất xe ô tô chở khách loại nhỏ thay cho dòng xe tải vốn đã có quá nhiều nơi đầu tư, sản xuất lắp ráp. Hy vọng rằng với những giải pháp mạnh tay, can thiệp kịp thời, những khó khăn của người lao động ở Nhà máy ô tô Trường Sơn, Nghệ An sẽ sớm được giải quyết.
Hồ Thu
Comments are closed.