Vì sao ít người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện?

Người lao động không mặn mà với BHXHTN Hơn 2 năm qua kể từ khi luật BHXH tự nguyện có hiệu lực, tại nhiều địa phương, người nông dân vẫn không mặn mà với chủ trương này. Vậy đâu là giải pháp để tăng tỷ lệ nông dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện?
Theo luật BHXH, từ ngày 1/1/2008, nông dân, xã viên các HTX, người làm thuê công việc mang tính mùa vụ, hay việc làm không ổn định có thể được hưởng phúc lợi xã hội khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Thế nhưng đã hơn 2 năm qua kể từ khi luật này có hiệu lực, tại nhiều địa phương người nông dân vẫn không mấy mặn mà với chủ trương này. Nguyên nhân là do quyền lợi của người tham gia BHXH tự nguyện còn hạn chế.
Bên cạnh đó, nông dân có thu nhập từ sản xuất nông nghiệp thất thường, nhiều tháng phải tiết kiệm chi tiêu mới đủ sống nên không thể đủ tiền đóng phí BHXH tự nguyện hàng tháng.

 

Mặc dù đã nhiều lần được tuyên truyền về BHXH tự nguyện nhưng chị Diệp Thị Loan ở phường Hương Sơn, thành phố Thái Nguyên vẫn không thể tham gia loại hình bảo hiểm này. Bởi theo quy định, mức đóng BHXH tự nguyện hàng tháng do người dân tự lựa chọn, nhưng không được thấp hơn 18% mức lương tối thiểu chung.Qui định này là quá sức với nhiều hộ nông dân như gia đình chị Diệp Thị Loan.

 
Chị Diệp Thị Loan cho biết: “Thu nhập gia đình tôi bấp bênh, chỉ trông vào mấy sào ruộng, nhà lại có 2 cháu ăn họ. Vì vậy, có muốn tham gia BHXH tư nguyện, tôi cũng chưa thể tham gia được”.
 
Theo bà Nguyễn Thị Cậy, Chủ tịch Hội nông dân phường Hương Sơn, người tham gia BHXH bắt buộc được hưởng 5 chế độ (ốm đau, hưu trí, tử tuất, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp) được nhà nước hỗ trợ phí đóng. Đối với BHXH tự nguyện, người tham gia phải đóng 100% phí nhưng chỉ được hưởng hai chế độ (hưu trí và tử tuất). Bên cạnh đó, do thói quen chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt, chưa thấy được lợi ích lâu dài khi tham gia BHXH tự nguyện nên tỷ lệ người dân nông thôn  tham gia loại hình bảo hiểm này còn thấp.
 
Bà Nguyễn Thị Cậy nói: “Theo tôi, cần phải có Bảo hiểm y tế, chế độ thai sản và cũng phải quan tâm tới công tác giám định sức khoẻ để có chế độ nghỉ hưu trước tuổi cho người lao động thì mới có thể mở rộng được đối tượng tham gia BHXH tự nguyện”.
 
Cả tỉnh Thái Nguyên mới chỉ có 300 người tham gia BHXH tự nguyện trong tống số khoảng 300.000 người thuộc diện có thể tham gia. Nhiều trường hợp hết tuổi lao động nhưng chưa đóng đủ 15 năm BHXH bắt buộc nên cũng không được tham gia nối tiếp BHXH tự nguyện.
 
Việc thu hút người dân thuộc diện có thể tham gia loại hình Bảo hiểm này sẽ còn gặp nhiều khó khăn khi theo lộ trình, cứ 2 năm/lần mức phí tối thiểu khi tham gia BHXH tự nguyện sẽ được tăng thêm 2% mức lương tối thiểu.
 
Ông Lê Minh Từ, Giám đốc BHXH Thái Nguyên cho biết: “Cần phải quan tâm đến quyền lợi của những người làm bảo hiểm. Do đặc thù công việc, chúng tôi phải sử dụng mạng lưới cộng tác viên đi đến tận cơ sở vận động từng người dân tham gia BHXH tự nguyện. Hiện, đội ngũ này chưa hề có chế độ gì”.
   
Toàn quốc có khoảng 50 triệu lao động, nhưng chỉ có 1/5 số đó nằm trong diện BHXH bắt buộc, số còn lại là nông dân, xã viên, người làm thuê với các công việc mang tính mùa vụ…đều nằm ngoài chế độ phúc lợi và bảo hiểm xã hội. BHXH tự nguyện ra đời là nhằm khắc phục khoảng trống đó. Chính bởi vậy, việc điều chỉnh một số qui định sao cho phù hợp với thực tế để thu hút ngày càng nhiều người dân tham gia BHXH tự nguyện đang là vấn đề đặt ra cấp thiết.

Tác giả : Xuân Sơn
WWW.VTV.VN – Trang thông tin chính thức của Đài Truyền hình Việt Nam

Comments are closed.