Vì sao bảo hiểm tín dụng xuất khẩu chậm phát triển?

vi_sao_bhtdxk_cham_pt.jpgBảo hiểm tín dụng xuất khẩu chậm phát triển ở Việt Nam vì thói quen xuất nhập khẩu theo hình thức “mua CIF, bán FOB” hay vì các công ty bảo hiểm và ngân hàng ngại tham gia thị trường này.

Mô hình cao su

Đợt rớt giá cao su xuất khẩu thê thảm những năm 1999-2002 đã làm cho các nhà xuất khẩu mủ cao su trong nước thấm đòn với những đột biến bất lợi của thị trường thế giới. Vì vậy, sau khi cao su hồi phục, cuối năm 2006, quỹ bảo hiểm xuất khẩu cao su do Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) được hình thành.

Bà Trần Thúy Hoa, Tổng thư ký VRA, cho biết ngay khi ra đời, quỹ đã xác định kinh doanh phi lợi nhuận, nhằm hạn chế những rủi ro trong xuất khẩu cao su do giá thế giới thay đổi, thị trường bất ổn hoặc rủi ro trong quá trình sản xuất như thiên tai ảnh hưởng cây cao su. Các hội viên của VRA tham gia đóng góp vào quỹ bằng 1% doanh thu xuất khẩu của mình theo định kỳ hàng quý.

Hiện nay, quỹ này còn tính tới chuyện hỗ trợ bảo hiểm tín dụng để giảm thiểu rủi ro trong thanh toán cho các doanh nghiệp nhập khẩu cao su hay đầu tư ra nước ngoài trồng cao su.

Ông Trịnh Thanh Hoan, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm, Bộ Tài chính, cho rằng mô hình quỹ bảo hiểm tín dụng xuất khẩu cao su của VRA là mô hình khá mới mẻ và thành lập từ nhu cầu thúc bách của chính các doanh nghiệp hội viên, nên hoạt động có hiệu quả.  

Từ tháng 8-2002, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định số 110/2002/QĐ-TTg, cho phép các hiệp hội ngành hàng thành lập quỹ bảo hiểm xuất khẩu nhưng đến nay, mới chỉ có VRA là có quỹ bảo hiểm tín dụng xuất khẩu.  

Ông Hoan nói: “Nếu các hiệp hội ngành hàng mạnh, có kim ngạch lớn như dệt may, da giày, thủy sản, cà phê đều có quỹ bảo hiểm như cao su đã làm, thì doanh nghiệp sẽ bớt thiệt hại hơn”.

Mô hình quỹ bảo hiểm xuất khẩu cao su, theo ông Hoan, là khởi đầu của việc hình thành loại hình công ty bảo hiểm tín dụng xuất khẩu chuyên ngành như nhiều nước trên thế giới đã làm.

Bảo hiểm và ngân hàng còn ngại tham gia

Ông Nguyễn Kim Phú, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt (thành viên chuyên về phi nhân thọ của Tập đoàn Bảo Việt), cho rằng bảo hiểm xuất khẩu ở trong nước chưa phát triển là do áp lực chi phí, những cản trở khách quan về giá nguyên liệu đầu vào hay chênh lệch tỷ giá và thói quen kinh doanh, giao dịch dưới hình thức “mua CIF, bán FOB”. 

Mua CIF, bán FOB là gì?

Các hợp đồng ngoại thương được ký kết giữa các công ty Việt Nam và các công ty nước ngoài hiện nay, hầu hết điều kiện về giá cả của các hợp đồng nhập khẩu là CIF (Cost – Insurance – Freight) còn đối với các hợp đồng xuất khẩu là FOB (Free On Board).

Có tình trạng này là do các chủ hàng nội của chúng ta đã quen với tập quán bán FOB tại Việt Nam dẫn tới người mua hàng ở nước ngoài được “mua tận gốc”, có quyền chỉ định tàu chuyên chở và mua bảo hiểm. Mặt khác, các chủ hàng ngoại lại chỉ thích bán CIF tức là “bán tận ngọn” và giành luôn quyền lựa chọn tàu chuyên chở và cả phí bảo hiểm.

 

Ngoài nhận biết về rủi ro pháp lý quốc tế còn hạn chế, nhiều nhà xuất khẩu trong nước thậm chí không có khái niệm bảo hiểm xuất khẩu là một loại chi phí nên không đưa chi phí bảo hiểm vào giá thành.  

Nói như thế không có nghĩa nhà xuất khẩu không có nhu cầu, mà ngay chính các công ty bảo hiểm cũng ngại tham gia thị trường này. “Thông tin thiếu, luật pháp không đồng bộ, dịch vụ kiểm toán chưa đủ độ tin cậy, sổ sách của nhà xuất khẩu tính minh bạch chưa cao, thiếu công ty thu hồi nợ cũng làm nản lòng nhà bảo hiểm”, ông Phú nhận định.

Theo Vụ Bảo hiểm, Bộ Tài chính, doanh thu phí bảo hiểm tín dụng xuất khẩu cả nước năm ngoái chỉ có 3 triệu đô la Mỹ. Trong khi tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 45,8 tỉ đô la Mỹ, một tỉ lệ quá thấp.

Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) là một tổ chức tín dụng của Chính phủ thành lập trên cơ sở Quỹ hỗ trợ Phát triển Việt Nam để thực hiện các chính sách hỗ trợ xuất khẩu của Chính phủ. Thế nhưng, theo bà Phạm Thị Thu Hiền, Phó ban tín dụng xuất khẩu của VDB, tới nay ngân hàng mới chỉ tham gia chính sách tín dụng xuất khẩu, tức cho các nhà xuất khẩu vay ngắn hạn, chứ chưa có 2 nghiệp vụ mà lẽ ra VDB phải làm theo quy định của Chính phủ là bảo lãnh tín dụng xuất khẩu và bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh hợp đồng.

Ông Jef Vincent, phụ trách thị trường châu Á của Công ty Hemmes (Đức), công ty bảo hiểm tín dụng hàng đầu trên thế giới, gợi ý nếu các công ty bảo hiểm Việt Nam tham gia bảo hiểm tín dụng thì mức phí sẽ dựa trên rủi ro. Độ rủi ro càng cao phí càng cao, chẳng hạn hàng hóa EU xuất sang Indonesia chắc chắn rủi ro hơn xuất sang Singapore nên mức phí phải khác dù về địa lý thì hai quốc gia này không xa nhau nhiều.

“Có hợp đồng chúng tôi chỉ thu phí 0,1% nhưng có hợp đồng thì hơn 1%”, ông kể. Trả lời câu hỏi của các doanh nghiệp về hỗ trợ của Nhà nước cho bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, ông Vincent đưa ra trường hợp Chính phủ Singapore trợ cấp 1 phần phí bảo hiểm tín dụng xuất khẩu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và chương trình này khá thành công.

 

 

 

 

Comments are closed.