Vì đâu AIG lỗ nặng hơn các ngân hàng?

aig_resize.jpgNgày 2-3, khi tập đoàn bảo hiểm American International Group (AIG) thông báo lỗ 61,7 tỉ đô la Mỹ trong quí 4-2008, một người viết blog trên trang web của Wall Street Journal tính rằng cứ mỗi phút, tập đoàn này bốc hơi 465.421 đô la.

Trong thực tế, AIG thua lỗ đến 99,3 tỉ đô la trong năm 2008, nhiều hơn gấp 3 đến 4 lần bất cứ ngân hàng thương mại nào, theo Le Monde.

Từ tháng 9 năm ngoái, Bộ Tài chính Mỹ và Cục Dự trữ liên bang đã bỏ ra 150 tỉ đô la để cứu AIG. Đầu tuần rồi, lại thêm 30 tỉ đô la được bổ sung. Chuyện có quốc hữu hóa hay không chưa phải là đề tài bàn luận lúc này.

Dù ban lãnh đạo cũ của tập đoàn vẫn đang đương nhiệm, AIG đã chính thức đặt dưới sự giám hộ của nhà nước đang nắm giữ 80% cổ phần. Câu hỏi đặt ra là tại sao Chính phủ Mỹ không thể tránh được chuyện bỏ tiền ra cứu AIG?

Nhờ nắm được thông tin nội bộ từ Robert Arvanitis, một cựu lãnh đạo cao cấp của AIG, cuộc điều tra của New York Times đăng tải ngày 28-2 đã đáp ứng được thắc mắc đang đặt ra: làm thế nào giải thích rằng trong khủng hoảng tài chính, một công ty bảo hiểm lại thua lỗ nhiều hơn tất cả các ngân hàng thương mại?

Câu trả lời là bằng cách giao cho một cơ sở ở London phụ trách việc bán hợp đồng bảo hiểm những sản phẩm tài chính có độ rủi ro cao để giúp nhà đầu tư tránh những tổn thất có thể xảy ra.

Và ở đây cũng phải nói đến cơ chế chứng khoán hiện hành. Khi chấp nhận bảo hiểm cho thảm họa thiên nhiên, công ty phải nộp bảo chứng số tiền liên quan. Nhưng trong trường hợp các cổ phiếu hoàn toàn “không được điều tiết”, AIG tin rằng họ có thể bỏ qua chuyện nộp bảo chứng.

Việc đánh giá khoản nợ của tập đoàn được các công ty chuyên ngành xác định cao đến mức không thể tưởng tượng được: AAA, tức gần như tương đương với mức rủi ro bằng 0. Kết luận này giúp cho các hợp đồng trao đổi (swaps) của AIG có độ tin cậy thuộc loại ngoại hạng. Và tiền hoa hồng cũng thuộc loại cao ngất.

Các ngân hàng, các quỹ hưu trí và đầu tư và các quỹ đầu cơ đã mua swaps của AIG vì họ cho rằng có thể giảm thiểu rủi ro bằng cách chuyển nó cho nhà bảo hiểm. AIG thu tiền vào, nhưng không bảo chứng rủi ro. Xem như tập đoàn đã sử dụng một kẽ hở của hệ thống để bỏ qua chuyện đó.

Vậy đâu là nguy cơ mà AIG gặp phải, bởi thị trường đầu cơ giá cao sẽ không bao giờ có điểm dừng? Trong thực tế, bảo chứng cũng đồng nghĩa là mất mọi lợi nhuận của hoạt động đầu tư chứng khoán. Lúc đỉnh điểm, AIG nắm giữ 450 tỉ đô la các cổ phiếu dạng này.

Vào ngày quả bóng bất động sản nổ tung, kéo theo sự sụp đổ của nhiều sản phẩm tài chính rủi ro cao khác, AIG đối mặt với khả năng mất thanh khoản của chính mình, do đã bảo hiểm rủi ro thua lỗ cho hàng trăm tổ chức tài chính trên toàn thế giới. Nếu AIG không thực hiện được những cam kết này, cả lĩnh vực tài chính thế giới sẽ lo sợ hiệu ứng domino làm phá sản hàng loạt ngân hàng và các quỹ đầu tư.

Để tránh thảm họa nặng nề hơn, Chính phủ Mỹ buộc phải thực hiện thay các cam kết của AIG.

Theo Baohiem.pro.vn

Comments are closed.