Về quê chờ ngày “gửi xác” vì không tiền

  Bệnh nhân chạy thận mong kéo dài sự sống từng ngày(Nguoiduatin.vn) – Bệnh nhân nghèo có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ được hỗ trợ chi phí đi khám chữa bệnh theo BHYT, người bệnh sẽ phải cùng chi trả 5%. Thế nhưng, phải cùng chi trả 5% khi khám chữa bệnh khiến bệnh nhân nghèo phải bỏ điều trị vì không thể kham nổi.Mỗi ca bệnh ngốn mấy chục triệu đồng hay những bệnh nhân phải điều trị dai dẳng thì 5% khi dồn lại, chi phí bỗng là con số khổng lồ. Nhiều người đành lòng chờ ngày về quê “gửi xác”… Chúng tôi tìm đến Khoa thận nhân tạo (Bệnh viện Bạch Mai) tìm gặp những bệnh nhân và được chia sẻ với họ về những “nỗi đau riêng” mà họ đang phải cắn răng chịu đựng.

Con số bệnh nhân chạy thận nhân tạo cứ trên đà tăng, trong khi đó bệnh nhân không thể ra viện mà phải sống chung với bệnh cả đời.Tình cờ tôi gặp Nguyễn Thu Hằng (sinh năm 1981, quê ở Ba Vì, Hà Nội)- một người bạn học phổ thông, đã có “thâm niên”… 7 năm chạy thận. Mới lập gia đình được một năm, Hằng đã bị bệnh. Chị thường xuyên ốm yếu chỉ biết nhờ vào BHYT.  Từ khi chuyển xuống điều trị ở viện, cuộc sống của chị chật vật vô cùng. Suốt cả tháng trời bữa cơm của Hằng chỉ toàn rau với đậu phụ đến nỗi bác sỹ yêu cầu phải đổi thực đơn bởi không tốt cho sức khỏe.

Hằng kể, mẹ cô phải đi vay mượn của họ hàng, bạn bè và ngân hàng để có tiền chữa bệnh cho con gái mình. Những ngày ở trọ để chữa bệnh, Hằng đã thử đi bán bánh mì nhưng sức khỏe của cô không cho phép. Hằng mắt đỏ hoe kể về những ngày khốn khổ của mình đang sống lay lắt vì bệnh tật, tiền không có mà tương lai thì vô vọng. “Cứ đà này không bám trụ được nữa, chắc tôi phải về quê. Đành phải trông vào trời thôi, khi nào trời kêu thì… dạ”, chị Hằng bật khóc.

Câu chuyện của bố con bệnh nhân Hùng (quê ở Cẩm Thuỷ, Thanh Hoá) cũng thật xót thương. Hùng đã mắc bệnh suy thận cấp hồi còn học lớp 7, nay đã được 10 năm rồi. Số tiền chữa trị cho con quá lớn đã khiến mọi đồ đạc trong nhà ông Hiệu (bố của Hùng) lần lượt ra đi. Hai bố con ông phải làm đủ thứ nghề để có tiền chữa bệnh và sống. Mọi người thường gọi ông Hiệu là “ông phích” bởi mỗi ngày ông nấu đến 50-100 phích nước sôi đem bán cho những bệnh nhân trong Bệnh viện Bạch Mai.
Lúc đầu ông Hiệu bị bảo vệ bệnh viện xua đuổi nhưng về sau thông cảm cho hoàn cảnh cùng cực của hai bố con, họ đã châm chước cho ông được bán hàng trong khuôn viên của bệnh viện. Rồi ông làm thêm đủ thứ từ bán kem, sửa xe, chăm sóc bệnh nhân thuê, dọn vệ sinh trong viện… cốt có tiền chạy thận cho con. Ông Hiệu cho biết: “Tôi sống ở xóm chạy thận này 10 năm rồi, nhà cũng chẳng còn nổi thứ gì đáng giá nữa. Bệnh tình của con tôi thì vẫn thế. Đến khi nào không còn đủ sức kiếm tiền cho con chữa bệnh, khi ấy tôi cũng đành cho con về quê “gửi xác”, ông Hiệu bỗng khóc tức tưởi.

Khi nghe ông Hiệu nói về “xóm chạy thận”- nằm sâu trong ngõ Cột Cờ (phường Hai Bà Trưng, Hà Nội) tôi đã tìm đến. Hầu hết họ đều là bệnh nhân bị suy thận, đang lọc thận trong Bệnh viện Bạch Mai. Cả xóm có 108 con người đang lầm lũi, oằn mình chống chọi với bệnh tật. Mỗi người một quê, người từ  Sơn La, Lào Cai, Hoà Bình tìm xuống, người từ Thanh Hoá, Nghệ An… tìm ra. Mọi người nương tựa vào nhau, người bệnh nhẹ chăm người bệnh nặng.

Anh Nguyễn Duy Đ. mắc bệnh suy thận mãn tính đang bước sang năm thứ 4. Dù được hưởng BHYT hộ nghèo, nhưng mỗi tháng cũng ngót nghét mất 500 nghìn đồng tiền thuốc men chữa trị. Anh Đ. tâm sự: “Chi phí sinh hoạt hàng ngày thì đắt đỏ, trong nhà cũng chẳng có thứ gì đáng giá để cầm cố vay mượn. Loay hoay mãi, tôi cũng đành giảm bớt số lần chạy thận xuống, thay vì 3 lần như trước đây”.

Trớ trêu thay, bớt được gần 200 nghìn đồng mỗi tháng để có thêm tiền chi tiêu thì sức khỏe anh lại càng sa sút vì độc tố trong người không được lọc ra hết. “Biết là nguy hiểm nhưng không có tiền thì cũng đành phải chịu thôi. Mấy ngày trước, một bệnh nhân trong phòng tôi cũng vì chắt chiu chi tiêu để dành tiền mua thuốc nhưng chưa kịp mua thuốc thì áp huyết lên đột ngột, co thắt cơ tim và tắc thở. Tôi cũng chẳng thể làm cách nào khác. Có khi cũng đành phải về quê chờ chết, đỡ làm khổ gia đình”, anh Đ. tâm sự.  Anh Đ. Bảo: “Trong “xóm chạy thận” này cứ thỉnh thoảng lại có người rời trần thế ra đi. Mới đây một bệnh nhân, sau gần 4 năm chữa chạy hết tiền đành về quê chờ ngày… “gửi xác”…”

Có bảo hiểm vẫn chờ chết

Phần lớn những bệnh nhân nghèo lại là những bệnh nhân mắc phải các bệnh mãn tính nguy hiểm. Những người nghèo tham gia BHYT với mong muốn có được tấm “bùa hộ mệnh” cho họ trong quá trình điều trị bệnh. Thế nhưng, khi được hỏi, phần lớn những bệnh nhân nghèo tham gia BHYT lại nói rằng “sợ” quy định cùng chi trả 5% vì quá trình chữa trị càng lâu dài đồng nghĩa với việc số tiền cùng chi trả sẽ càng lớn.

Khoa thận nhân tạo phần lớn là bệnh nhân nghèo đang chữa trị, có những gia đình có tới 2 người cùng chạy thận. Nếu áp khoản cùng chi trả thì trung bình, một tháng bệnh nhân sẽ tốn thêm 500 nghìn đồng viện phí. Đối với người nghèo từ nông thôn lên thành phố chữa bệnh tiền bạc đã kiệt quệ thì khoản tiền này có mơ cũng chẳng thấy.

Quy định mới của Luật BHYT, đối với các dịch vụ y tế kỹ thuật cao, chi phí lớn thì quỹ BHYT khống chế mức thanh toán tối đa không quá 40 tháng lương tối thiểu cho một đợt điều trị (tương đương mức thanh toán tối đa cho một đợt điều trị là 26 triệu đồng).

Trên thực tế, có nhiều loại bệnh nặng, chi phí lên đến vài chục triệu đồng/đợt điều trị do buộc phải áp dụng dịch vụ kỹ thuật cao (như các bệnh liên quan đến tim mạch, ung thư) dẫn đến chi phí sẽ rất lớn. Trừ đi 26 triệu đồng được thanh toán, số còn lại bệnh nhân phải tự chi trả. Khổ nỗi, bệnh nhân mắc các bệnh hiểm nghèo cần dùng đến các kỹ thuật cao trong điều trị thông thường lại là người nghèo! Với họ, cuộc sống không có phép mầu để kiếm tiền triệu một cách dễ dàng.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng- Phó trưởng Khoa thận nhân tạo (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: “Hầu hết các bệnh nhân nghèo còn phải tiếp tục được chạy thận là nhờ vào BHYT. Trong số những bệnh nhân đang điều trị tại đây phần lớn  được hưởng mức 5% (cùng chi trả 5%-PV), trong khi đó hầu hết rơi vào bệnh nhân nghèo nên tiền thuốc và chạy thận đối với họ là một gánh nặng. Đáng buồn, thời gian gần đây, có rất nhiều trường hợp bệnh nhân vì lý do kinh tế nên đã phải giảm số lần chạy thận từ 3-4 lần/tuần xuống 1-2 /tuần khiến chúng tôi rất lo lắng. Ai cũng hiểu bệnh nhân thận là người nghèo nhưng không có tiền thì khó có thể vực được bệnh. Bệnh nặng, cảnh nghèo càng khiến họ thêm túng quẫn và bi quan”.

Bác sĩ Dũng cũng cho biết, tại Khoa thận nhân tạo hiện nay có trên 500 bệnh nhân chạy thận, trong đó đa số là bệnh nhân nghèo chưa có thẻ BHYT. Nhằm hỗ trợ phần nào cho bệnh nhân nghèo, Bệnh viện đã cố gắng giảm từ mức 300 nghìn đồng xuống 150 nghìn đồng/lần chạy thận cho những người không có thẻ bảo hiểm có hoàn cảnh khó khăn (100 nghìn đồng/lần cho bệnh nhân nghèo và quá nghèo).

Rõ ràng đây là một khoản kinh phí khổng lồ nằm ngoài tầm tay của nhiều gia đình có người mắc căn bệnh này. Bởi để duy trì sự sống, mỗi tháng bệnh nhân cần phải chạy thận 13 lần, mỗi lần 300 nghìn đồng, đó là chưa kể tiền thuốc bổ trợ, tiền trọ, tiền ăn… Đây là bệnh mãn tính kéo dài đến cuối cuộc đời người bệnh, tức là số tiền tốn kém phải tính theo đơn vị hàng trăm triệu đồng.

Bác sĩ Hoàng Thị Nhung (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ: “Ngay cả lãnh đạo Bộ Y tế cũng đã lường trước được việc bệnh nhân nghèo không có khả năng cùng chi trả 5% viện phí, tuy nhiên trong quá trình thực tế thì việc “bao trọn gói” cho người nghèo lại khó thực hiện được. Và theo ý kiến một số bác sĩ, cũng vì BHYT khó “cứu” được bệnh nhân nên Bộ Y tế, các cơ quan có trách nhiệm lại phải tìm cách trợ giúp bị động, luẩn quẩn… 

Ngân Giang
Báo điện tử Người đưa tin – http://nguoiduatin.vn

Comments are closed.