Văn bản về BHYT làm khó người bệnh: Bộ Y tế giải thích ra sao?

Bệnh nhân nghèo chỉ trông chờ vào BHYT nhưng quy định quá khắt khe và bất hợp lý về thủ tục thanh toán sẽ dẫn đến mất lòng tin ở BHYT. Ảnh: DUY TÍNHTheo Bộ Y tế, trước mắt cứ áp dụng quy định “phải tự chứng minh mình không phạm luật giao thông mới được thanh toán bảo hiểm y tế”, nếu phát sinh nhiều vướng mắc thì sẽ có hướng dẫn cụ thể sau.
Trong các số báo trước, Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh quy định đẩy phần khó cho dân trong Thông tư liên tịch (TTLT) 09 của liên bộ Y tế – Tài chính: Buộc người bị tai nạn giao thông (TNGT) phải có xác nhận của công an về việc không vi phạm pháp luật về giao thông mới được bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán. Trong khi đó, đại diện cơ quan công an khẳng định họ không có trách nhiệm cấp giấy xác nhận này.

Số báo này chúng tôi giới thiệu những lý giải của chính những cán bộ tham gia soạn thảo Luật BHYT và thông tư hướng dẫn nêu trên.
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ phó Vụ Pháp chế – Bộ Y tế:

Cũng đã tính đến nhưng thấy vênh

Thật ra, trong quá trình xây dựng Luật BHYT, Bộ Y tế cũng đã cân nhắc đến phương án tất cả người bị TNGT đều được hưởng BHYT. Song khi xem xét lại thấy vênh so với quy định pháp luật về trách nhiệm bồi thường cho chủ xe cơ giới. Có nghĩa là nếu quy định theo phương án đó thì người bị tai nạn sẽ được hưởng hai lần đền bù từ cơ quan BHYT và bên đương sự đi sai luật. Như vậy thì không hợp lý lắm.

Quy định người bị TNGT phải không có lỗi mới được BHYT thanh toán cũng không phải là quy định mới. Trước đây, người bị TNGT trước khi nhập bệnh viện phải đóng trước một khoản viện phí nhất định. Số tiền này BHYT sẽ thanh toán ngay khi xác định được họ không vi phạm luật. Tuy nhiên, phía BHYT có thể thu hồi chi phí nếu sau này phát hiện người được BHYT chi trả đã vi phạm luật.

Mặc dù phía công an nói họ không được phép cấp giấy xác nhận không phạm luật cho người bị TNGT nhưng về nguyên tắc pháp lý, đây là những vụ bị tai nạn có liên quan đến giao thông đường bộ nên rất cần cán bộ công an xác nhận. Trong quá trình làm rõ trách nhiệm bồi thường mang tính chất dân sự của hai bên thì sẽ có sự chứng kiến của đại diện BHYT. Có nghĩa là người gây tai nạn cũng phải có trách nhiệm cùng với BHYT bồi thường cho người bị TNGT.

Ông Lê Văn Khảm, Vụ phó Vụ BHYT – Bộ Y tế:

Nếu vướng sẽ… tiếp tục hướng dẫn

Đúng là có nhiều địa phương nêu trường hợp người bị TNGT rất khó tìm đủ bằng chứng để xác nhận mình có lỗi vi phạm không. Tuy nhiên, theo quan điểm của Bộ Y tế, trước mắt cứ áp dụng theo đúng quy định tại thông tư trên. Nếu phát sinh nhiều vướng mắc thì sẽ có hướng dẫn cụ thể sau.

Nghị định 63/2005 của Chính phủ (vừa được thay thế bởi Nghị định 62/2009 – PV) quy định không chi trả bảo hiểm cho người vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ. Luật BHYT và TTLT chỉ làm rõ hơn quy định này thôi chứ không phải quy định mới. Từ nay đến lúc phần lớn nội dung Luật BHYT có hiệu lực (ngày 1-10), Tổng Công ty Bảo hiểm xã hội VN cũng sẽ ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể thêm cho các địa phương thực hiện dễ dàng Luật BHYT.

Luật BHYT quy định người bị TNGT phải hoàn thành thủ tục để được thanh toán BHYT tại những cơ quan có liên quan. Chúng tôi cũng đang tính đến phương án yêu cầu Bảo hiểm xã hội VN sẽ là đầu mối hoàn thành tất cả hồ sơ, bệnh án cho người bệnh. Bởi cơ quan này sẽ dễ dàng có được thông tin dọc từ các cơ quan chức năng có liên quan hơn là để người dân phải tự liên hệ.

Trong hai ngày 10 và 11 tới, Bộ Y tế tiếp tục tổ chức hội nghị tập huấn công tác thực hiện Luật BHYT cho các tỉnh phía Nam tại Đà Lạt và sẽ giải đáp các thắc mắc của địa phương.

Chờ xác minh, bệnh nhân chết mất!

Theo PGS-TS Dương Minh Mẫn, Trưởng khoa Chấn thương sọ não, Bệnh viện Chợ Rẫy, trung bình mỗi ngày nơi đây tiếp nhận 80-100 ca chấn thương do TNGT các ngày lễ, Tết lên đến 200 ca, trong đó có 2/3 là chấn thương sọ não. Các ca nhẹ thì 1-2 ngày cho về, viện phí 2-3 triệu đồng, còn các ca nặng phải chụp CT, phẫu thuật thì tốn 15-20 triệu đồng. “Nếu có BHYT thì bệnh nhân sẽ rất đỡ, có người khi xuất viện chỉ đóng vài trăm ngàn đồng viện phí vì đã có BHYT chi trả” – ông Mẫn nói.

Ông Phan Văn Nh., 56 tuổi (quận 8, TP.HCM) nhập bệnh viện đêm 7-9 do bị TNGT làm nứt sọ não, chấn thương trán và tay chân. Ông Nh. cho biết ông bị một xe tải ngược chiều lấn đường tông bất tỉnh và được người đi đường, công an xã đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy. Hai ngày qua, ông mới phải ứng trước hơn 1,5 triệu đồng để xét nghiệm và mua thuốc. “Tôi đang chờ người nhà mang thẻ BHYT trình bệnh viện để làm thủ tục thanh toán viện phí. Có BHYT cũng đỡ, lỡ tốn nhiều tiền thì mình chỉ chi 20%, còn BHYT chi 80%” – ông Nh. nói.

Không may mắn có người làm chứng, có công an đưa vào và xác nhận xe tải sai để có thể được BHYT thanh toán như ông Nh., anh Nguyễn Minh T. (Tiền Giang) phải chờ công an xác minh, sau đó mới biết có được hưởng BHYT hay không.

Anh T. kể, rạng sáng 5-9, anh bị một xe taxi cắt qua ngã tư đụng và bất tỉnh. Phía anh T. nói mình đi đèn xanh – đúng, tài xế taxi cũng cho rằng mình đi đèn xanh – đúng. Trong khi chờ công an xác minh ai đúng, ai sai, trong bốn ngày qua anh T. đã phải tạm ứng viện phí hơn ba triệu đồng.

Một bác sĩ chuyên về chấn thương do TNGT bức xúc: BHYT thì vận động người dân đóng tiền nhưng khi người ta bệnh thì BHYT lại khó khăn, chỉ uống một viên thuốc mà thủ tục nhiêu khê quá. Người dân mua BHYT không phải để trông chờ vào TNGT để được… hưởng BHYT! TNGT là ngoài ý muốn, BHYT đừng lấy lý do này kia mà không thanh toán cho người ta. “Việc ai sai, ai đúng thì ra tòa án để xử chứ bắt người ta chứng minh này nọ là không nên, không nhân bản” – bác sĩ này nói.

Một bác sĩ khác cho biết thêm, nếu theo quy định mới, chờ xác minh người bị TNGT đi đúng hay sai cũng mất rất nhiều thời gian. Trong khi đó có người bị nạn phải phẫu thuật ngay, tốn tiền rất nhiều, nếu họ khó khăn thì phần phí này ai sẽ trả và họ mua BHYT để làm gì? “BHYT không trả thì bệnh nhân nghèo thiệt thòi và gánh nặng cuối cùng vẫn đè lên bệnh viện” – vị này kết luận.

DUY TÍNH

Comments are closed.