Về vụ mất hàng trên biển của Geamtraco: Hai ta đều sai

geamtraco.jpg11 giờ 10 phút ngày 28.12.2006, trên vùng biển tỉnh Quảng Ninh, tàu Quốc Việt 09 của Cty TNHH Trung Kiên, gặp gió đông bắc cấp 5, máy hỏng, tàu bị xoay ngang, sóng đánh làm đứt dây chằng hầm hàng. 1.521 bao tinh bột sắn bị rơi xuống biển. Biển lặng, Quốc Việt 09 cập cảng Phòng Thành an toàn. Nhưng sóng gió lại bắt đầu nổi lên trong quan hệ giữa chủ hàng Geamtraco (Cty điện máy Hải Phòng) với chủ tàu Trung Kiên và Cty CP bảo hiểm Viễn Đông (VASS). 

 

 

Chủ tàu tham lợi liều lĩnh

Chủ tàu Trung Kiên là người xã An Lư, huyện Thuỷ Nguyên, TP.Hải Phòng. Ngày 13.12.2006, Geamtraco ký với Trung Kiên một “Hợp đồng thuê tàu chuyến”: Quốc Việt 09 sẽ chở 700 tấn tinh bột sắn từ cảng Vũng Rô (Phú Yên) đi cảng Phòng Thành (TQ). HĐ ghi rõ: “Nếu vì an toàn hàng hải của tàu, chỉ có thể xếp xuống tàu ít hơn số 700 tấn, thì chủ tàu phải chịu mọi chi phí phát sinh do lượng hàng thừa không thể xếp được xuống tàu (chi phí bốc xếp, chi phí vận chuyển trở lại kho tại nhà máy sản xuất (Gia Lai), hoặc phí lưu kho tại cảng (Vũng Rô)…”.

Ngày 18.12.2006, 700 tấn tinh bột sắn đóng trong 14.000 bao 50kg bắt đầu được xếp lên tàu dưới quyền chỉ huy của đại phó tàu Quốc Việt. Tinh bột sắn là hàng nhẹ, nên dù chưa đủ trọng tải của tàu (993 tấn), 700 tấn tinh bột sắn vẫn không chứa hết trong 2 hầm hàng dung tích gần 500 tấn (chú ý: 1 tấn dung tích = 2,73m3). Song vì sợ mất tiền cho chi phí phát sinh từ số lượng hàng không xếp được vào hầm hàng (như dẫn ở trên), chủ tàu đã có quyết định liều lĩnh: Xếp hàng cao hơn cả miệng hầm hàng 0,8m. Do không đóng được nắp hầm, họ phủ lên 2 lớp bạt, chằng buộc bằng dây nylon – một điều tối kỵ trong nghề hàng hải. Quả nhiên khi gặp sóng lớn, Quốc Việt bị mất ổn định, thuyền viên phải ném hàng trên mặt boong xuống biển để cứu tàu và cứu mình.

Chiểu theo HĐ thuê tàu, Geamtraco đòi chủ tàu phải bồi thường số hàng bị mất (76,05 tấn) trị giá 294 triệu đồng. Trung Kiên từ chối, viện cớ tai nạn là bất khả kháng. Thực ra chủ tàu đã phạm sai lầm nghiêm trọng. Luật Hàng hải cấm tàu như Quốc Việt được chở hàng trên mặt boong.

Bảo hiểm VASS trốn trách nhiệm

Ngày 18.12.2006, Geamtraco đến Cty CP bảo hiểm Viễn Đông (VASS) chi nhánh Hải Phòng để mua bảo hiểm cho 700 tấn tinh bột sắn trị giá 2,96 tỉ đồng của mình. VASS đã chấp nhận bảo hiểm theo điều kiện B “Quy tắc bảo hiểm hàng hoá quốc tế của Hội Bảo hiểm London (ICC/1/82)”.

Ngay khi nhận được “Kháng nghị hàng hải” của thuyền trưởng tàu Quốc Việt 09 ngày 29.12, từ cảng Vạn Gia, Móng Cái (Quảng Ninh), Geamtraco đã thông báo về sự cố cho VASS. Và theo yêu cầu của VASS, 14 giờ 30 ngày 4.1.2007, giám định viên của Cty CP giám định hàng hải Phương Bắc (NIC) đã đặt chân lên Quốc Việt đang neo tại cảng Phòng Thành (TQ). Chứng thư giám định của NIC khẳng định: Nguyên nhân tổn thất hàng hoá (76,05 tấn) là do xếp hàng trên boong.

Đương nhiên, Geamtraco đã có văn bản đòi VASS bồi thường 293 triệu đồng. Ngày 18.2.2007, bà Phan Hồng Hạnh, PGĐ VASS (Hải Phòng) đã từ chối việc trả tiền, lý do: Xếp hàng trên boong là vi phạm Luật Hàng hải VN. Sau nhiều lần bị đòi riết, bà Hạnh (lúc này lên chức GĐ) viện dẫn thêm lý do từ chối nữa khiến người ta ngạc nhiên vì sự ấu trĩ của nó: “Căn cứ điều kiện bảo hiểm lô hàng, bảo hiểm sẽ bồi thường cho tổn thất toàn bộ bất kỳ kiện hàng nào rơi mất khỏi tàu, hoặc rơi trong khi xếp hàng…, mà theo chứng thư giám định thì số hàng trên bị tổn thất trong quá trình vận chuyển đường biển”! (tức là không phải rơi mất khỏi tàu ?- PV). Bà Hạnh nguyên là cán bộ bảo hiểm nhân thọ.

Tổn thất hàng hoá xảy ra là sai phạm của chủ tàu. Tuy nhiên VASS có trách nhiệm vẫn phải bồi thường cho người tham gia bảo hiểm về những mất mát của họ. Sau đó VASS sẽ được quyền thay mặt Geamtraco đòi chủ tàu Trung Kiên phải bồi thường thiệt hại hàng hoá họ đã gây nên cho chủ hàng theo HĐ vận chuyển. Nếu đẩy Geamtraco một mình đi “cãi nhau” đòi chủ tàu bồi thường, thì VASS quả là vô trách nhiệm! Và nếu như vậy, thì người chủ hàng cần gì đến người bảo hiểm chỉ biết mỗi chuyện thu phí mà trốn trách nhiệm bồi thường!

 

Theo LD

Comments are closed.