Ùn ùn mua bảo hiểm xe máy để ‘phòng hờ’ cảnh sát giao thông

Đợt ra quân tổng kiểm soát xử lý vi phạm các phương tiện giao thông của Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) và CSGT các địa phương vô tình giúp bảo hiểm xe máy từ sản phẩm bị ngó lơ trở nên đắt khách, được đổ xô tìm mua.

Mua bảo hiểm bắt buộc xe máy

Theo ghi nhận, những ngày gần đây, các điểm bán bảo hiểm, đại lý bảo hiểm xe máy đông khách đột biến. Người dân đổ xô đến các điểm này tìm mua bảo hiểm xe máy để phòng hờ khi bị CSGT kiểm tra giấy tờ.

Các tuyến đường cửa ngõ ra vào TP.HCM như xa lộ Hà Nội, Phạm Văn Đồng, quốc lộ 1… các điểm bán bảo hiểm xe máy dọc bên đường đắt khách.

Bảo hiểm xe máy bán dọc các tuyến đường có mức giá 65.000 đồng/năm cho cả xe và người, nếu chọn thời hạn 2 năm là 85.000 đồng.

Trường hợp khách chỉ mua bảo hiểm dành cho xe máy là 50.000 đồng/năm và 70.000 đồng/2 năm. Còn mua bảo hiểm cho người mà không mua cho xe giá chỉ có 10.000 đồng/năm và 15.000 đồng/2 năm.

“Trước giờ tôi không để ý, nhưng bữa nay ra đường thấy CSGT đông quá, nên vừa nhắn tin hỏi đứa bạn để mua bảo hiểm xe máy để không bị phạt. Ngoài xe máy của tôi, xe của anh chị, ba mẹ tôi đều chưa mua bảo hiểm” – anh Nguyễn Anh Bảo (20 tuổi) cho biết lý do mua bảo hiểm.

Làm đại lý của một công ty bảo hiểm, chị Lê Thị Kim Dung (27 tuổi, TP.HCM) không khỏi ngỡ ngàng trước lượng khách hàng đổ xô mua bảo hiểm xe máy.

“Bình thường có tuần không bán được bảo hiểm xe máy cho ai. Từ khi có đợt ra quân kiểm tra phương tiện của lực lượng CSGT, khách mua tấp nập” – chị Dung chia sẻ.

Theo chị Dung, ở nơi chị làm, tháng nào cũng nhận từ công ty vài cuốn bảo hiểm xe máy, nhưng ế khách nên cứ mang về rồi để đó, có khi hết tháng lại phải mang trả lại.

Tuy nhiên, nhờ đợt kiểm tra giao thông lần này mà nhóm chị bán hết 150 bảo hiểm xe máy chỉ trong 1 ngày. Để lấy lòng khách hàng, nhiều đại lý bảo hiểm còn tung “chiêu” tặng bảo hiểm xe máy cho khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ.

Tuy nhiên đa số việc mua bảo hiểm để đối phó với lực lượng chức năng mà chưa tìm hiểu tận tường điều kiện, quyền lợi từ các loại bảo hiểm này. Anh Nguyễn Sơn Hà (Q.Phú Nhuận) chia sẻ từng “trần ai” đòi quyền lợi bảo hiểm khi va quẹt xe máy.

Sau khi xe anh Hà va chạm với một xe máy khác năm 2018, anh đã nhiều lần nộp hồ sơ cho công ty bảo hiểm. Các bên được mời lên làm việc mấy lần nhưng anh Hà vẫn không nhận được tiền đền bù, nản quá anh bỏ cuộc.

“Công ty bảo hiểm yêu cầu giấy tờ như biên bản hiện trường, giám định tỉ lệ thương tật, tình trạng hư hỏng của xe, xác nhận của CSGT rằng người điều khiển xe không uống rượu bia, không vi phạm giao thông…

Đó là chưa kể có vụ tai nạn yêu cầu phải có sự chứng kiến của các bên cùng lúc gồm CSGT, nhân viên bảo hiểm, những người liên quan vụ tai nạn… Với những thủ tục phức tạp đó, người mua làm sao đủ điều kiện hưởng bảo hiểm” – anh Hà chán nản nói.

Luật sư Lê Trung Phát (Hãng luật Lê Trung Phát):

Mua bảo hiểm ngoài đường vẫn bị phạt

Theo quy định tại thông tư 22/2016 của Bộ Tài chính thì: “Chủ xe cơ giới khi tham gia giao thông trên lãnh thổ Việt Nam phải tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe”.

Trường hợp người đi xe máy không có hoặc không mang theo bảo hiểm thì bị phạt số tiền từ 100.000 – 200.000 đồng, theo quy định tại điều 21 nghị định 100/2019.

Đây là dạng bảo hiểm nhằm giúp chủ xe trong trường hợp chẳng may gây ra tai nạn, sẽ có bảo hiểm đứng ra bồi thường cho bên mình gây ra tai nạn.

Hiện nay, bảo hiểm xe máy có thể chia làm 4 sản phẩm: bảo hiểm trách nhiệm dân sự, bảo hiểm vật chất xe, bảo hiểm mất cắp, bảo hiểm tai nạn cho người ngồi trên xe.

Bảo hiểm bán ngoài đường với giá 10.000 đồng/bảo hiểm là bảo hiểm tự nguyện, dành cho bồi thường tính mạng cho người ngồi phía sau người lái, giá trị bồi thường cao nhất khoảng 10 triệu đồng/vụ.

Nhưng đó là dạng bảo hiểm tự nguyện chứ không bắt buộc như bảo hiểm xe máy (bảo hiểm trách nhiệm dân sự) nên cầm theo bảo hiểm này người đi xe vẫn bị cảnh sát giao thông xử phạt nếu bị dừng xe kiểm tra.

Phạt nhiều trường hợp không có bảo hiểm

Một cán bộ Phòng cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an TP.HCM cho biết họ đã xử phạt rất nhiều trường hợp không có bảo hiểm xe máy hoặc sử dụng bảo hiểm xe máy không có giá trị pháp lý, mức phạt từ 100.000 – 200.000 đồng/trường hợp.

Cũng theo vị này, vấn đề người dân chủ quan, coi thường bảo hiểm xe máy vì họ cho rằng bảo hiểm xe máy không thực sự cần thiết, thủ tục đền bù bảo hiểm quá rườm rà.

Trong khi mức phạt tiền không có bảo hiểm xe máy ít nên không đủ tính răn đe. Dẫn đến người dân không mặn mà tham gia bảo hiểm xe máy thực chất.

Vị này đề xuất Nhà nước cần phải có chính sách quản lý lại thị trường bảo hiểm, có kế hoạch kiểm tra, xử lý các điểm bán “lập lờ” cố tình lừa đảo khách hàng.

Đối với các đại lý, công ty bán bảo hiểm khi bán bảo hiểm phải có hợp đồng cam kết thực hiện đầy đủ trách nhiệm bồi thường đối với người tham gia bảo hiểm.

Ông Lê Đăng Doanh – chuyên gia kinh tế – cho rằng cơ quan quản lý cần phải nghiên cứu, đơn giản hóa thủ tục quy trình bồi thường cho khách hàng khi mua bảo hiểm xe máy.

Hiện các công ty bảo hiểm vẫn ở “cửa trên” với khách hàng khi đưa ra hàng loạt thủ tục rườm rà, đẩy thế khó cho người dân.

Còn theo luật gia Phạm Đức Toàn, khi xảy ra tai nạn giao thông, người dân đã mua bảo hiểm xe máy nhưng không được bồi thường theo quy định cần mạnh dạn làm đơn yêu cầu bồi thường.

Theo Tuổi trẻ