Đấu thầu 28 gói thầu giai đoạn 1 buýt nhanh Hà Nội

buyt_nhanh.jpgUBND TP Hà Nội vừa phê duyệt kế hoạch đấu thầu giai đoạn 1 của Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội với 3 hợp phần: buýt nhanh (BRT) ; đường giao thông và tăng cường thể chế, chia làm 28 gói thầu.

Hợp phần BRT của giai đoạn 1 dự án này có giá trị 36,062 triệu USD gồm 9 gói thầu đều được đấu thầu rộng rãi quốc tế là: Tư vấn giám sát thi công và lắp thiết bị (1,43 triệu USD); Tuyên truyền cho BRT (1,43 triệu USD); Xây đường, các bến đỗ, trung chuyển tuyến BRT Láng Hạ – Giảng Võ (15,279 triệu USD); Mua và lắp thiết bị cho các bến đỗ, trung chuyển này (1,639 triệu USD); Mua và lắp đèn tín hiệu giao thông (2,805 triệu USD); Xây ga đề-pô kết hợp điểm đầu cuối (3,289 triệu USD); Mua và lắp thiết bị cho đề-pô này (2,893 triệu USD); Đoàn xe BRT (6,633 triệu USD) và giao thông phi cơ giới, người đi bộ (0,664 triệu USD).

Hợp phần đường của giai đoạn 1 Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội có giá trị 56,861 triệu USD chia làm 6 gói cũng đấu thầu rộng rãi quốc tế, gồm: Xây nút giao thông Cầu Giấy (9,37 triệu USD); Xây nút giao thông Bưởi (11,911 triệu USD); Làm đường, vỉa hè, cấp thoát nước, trồng cây, chiếu sáng cho đoạn Bưởi – Cầu Giấy (15,794 triệu USD); Tư vấn giám sát thi công xây đường vành đai II đoạn Nhật Tân – Cầu Giấy (2,574 triệu USD); Xây đường, hè, cấp thoát nước, trồng cây… đoạn vành đai này (15,288 triệu USD) và hỗ trợ Sở QH-KT về qui hoạch đô thị (1,925 triệu USD).

Nhiều gói thầu nhất là hợp phần tăng cường thể chế của giai đoạn này có giá trị 9,811 triệu USD, với 13 gói (trong đó, 9 gói đấu thầu rộng rãi quốc tế và 5 gói đấu thầu rộng rãi trong nước). Tuy nhiên, giá gói thầu lớn nhất của hợp phần này chỉ là 1,921 triệu USD (vốn IDA, tư vấn hỗ trợ kỹ thuật về giao thông đô thị, quản lý giao thông và nhu cầu đi lại), giá gói thầu nhỏ nhất là 0,303 triệu USD (tư vấn hỗ trợ kỹ thuật về quản lý chất lượng không khí). 

Theo UBND TP Hà Nội, thời gian tổ chức đấu cả 28 gói (kể trên) kéo dài từ khoảng tháng 8/2008 đến tháng 9/2010 (tùy mỗi gói) và thời gian thực hiện hợp đồng ít nhất cũng là 8 tháng, nhiều nhất là 40 tháng/gói thầu.

Sở GTVT Hà Nội sẽ là đơn vị triển khai công tác đấu thầu cũng như thực hiện các gói thầu đã đủ thủ tục cần thiết để đẩy nhanh tiến độ dự án này, nhằm hoàn thành đưa vào sử dụng một số hạng mục trong quý III/2010 theo chỉ đạo của Thành phố.

Quý II/2007, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt toàn bộ Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội với tổng mức đầu tư (khái toán) là 452,42 triệu USD (tương đương 7.238 tỉ đồng thời điểm đó) cho cả 2 tuyến buýt nhanh BRT dự kiến (tuyến Láng Hạ – Giảng Võ dài 17,4km với điểm đầu là Ba La Bông Đỏ, điểm cuối tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm; tuyến Giải Phóng dài 10,9km với điểm đầu là đầm Quang Lai, điểm cuối cũng tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm).

Tuy nhiên, dự án được phân kỳ đầu tư làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 chỉ đầu tư đoạn tuyến từ Kim Mã đến Ba La Bông Đỏ (như trên) cùng việc xây dựng đường vành đai II… với mức đầu tư 261,82 triệu USD (trong đó: 99,5 triệu USD vay Ngân hàng Thế giới; 151,17 triệu USD đối ứng từ ngân sách TP Hà Nội; 11,15 triệu USD do GEF hỗ trợ kỹ thuật).

Giai đoạn 2 sẽ được thực hiện trên cơ sở kết quả  triển khai giai đoạn 1, gồm: đầu tư đoạn còn lại của tuyến Láng Hạ – Giảng Võ và tuyến Giải Phóng, đồng thời hoàn chỉnh nút giao thông Bưởi, xây dựng đường Hoàng Quốc Việt kéo dài đến Khu công nghiệp Nam Thăng Long, đường Hoàng Hoa Thám – Thuỵ Khuê… với mức đầu tư dự kiến 190,6 triệu USD (vay WB 34,85 triệu USD; đối ứng 155,75 triệu USD).

Theo VietNamNet

Comments are closed.