Tổng kết 20 năm đầu tư nước ngoài tại VN, có rất nhiều thành tựu được đưa ra. Nhưng đến nay dù đã 20 năm, theo các nhà đầu tư, họ vẫn gặp khó khăn và do vậy VN cần tiếp tục đổi mới.
Trong vòng 20 năm thu hút được 98 tỉ USD, theo các nhà đầu tư tham dự hội nghị tổng kết 20 năm đầu tư nước ngoài tại VN diễn ra ngày 24-1, là không lớn nếu so với Trung Quốc nhưng là con số ấn tượng đối với nền kinh tế VN.
Nhiều thăng trầm
Đánh giá lại chặng đường dài đã qua, GS.TS Nguyễn Mại – nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về hợp tác và đầu tư – cho rằng mặc dù đạt được những thành tựu lớn nhưng cũng phải nhìn lại, VN đã bỏ lỡ một số cơ hội lớn. Điển hình là trong cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á 1997-1998, trong khi các nước Đông Nam Á gặp khó khăn, VN hoàn toàn có thể khơi dậy tiềm năng để vươn lên nhưng chúng ta đã không làm được, vốn đầu tư nước ngoài giảm mạnh.
Theo GS Lưu Văn Đạt – nguyên trưởng tiểu ban soạn thảo Luật đầu tư nước ngoài đầu tiên, việc hoạch định các chính sách về đầu tư thường gặp khó khăn, trong đó lớn nhất là tư duy đổi mới. Không chỉ trong thời điểm bắt đầu đổi mới mà ngay năm 1997 vẫn còn hai luồng tư tưởng đối chọi nhau: mở cửa hay không mở cửa.
Tuy vậy cho đến nay, theo Bộ Kế hoạch – đầu tư, đã có 9.500 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn 98 tỉ USD vào VN. Trong đó, vốn thực hiện đạt khoảng 40 tỉ USD. 82 quốc gia và vùng lãnh thổ, 100 trong tổng số 500 tập đoàn lớn của thế giới đã đầu tư vào VN. Riêng năm 2007, đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài vào ngân sách lên tới 1,5 tỉ USD, tạo việc làm cho 1,2 triệu lao động trực tiếp và nhiều triệu lao động gián tiếp.
Cần tiếp tục đổi mới
Mặc dù có những đóng góp không thể thiếu vào nền kinh tế VN nhưng hiện tại các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài vẫn gặp không ít khó khăn. Bộ trưởng – chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận hiện nhiều bộ, ngành vẫn còn tư tưởng bao cấp, cát cứ, cố tình tạo thuận lợi cho đơn vị, ngành mình khi ban hành các qui định, văn bản qui phạm pháp luật. Thủ tục hành chính phiền hà vẫn là rào cản gây tốn kém, làm tăng chi phí cho các nhà đầu tư.
Để giải quyết, ông Phúc cho biết Thủ tướng đã phê duyệt đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính (đề án 30). Đề án này sẽ thống kê, tổng hợp, rà soát lại tất cả thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh từ trước đến nay để loại bỏ những thủ tục không cần thiết, chuẩn hóa các mẫu đơn, qui trình thủ tục hành chính…
Đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ nhưng TS Nguyễn Quang A – viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển IDS, người từng là tổng giám đốc tại một trong hai công ty liên doanh đầu tiên ở VN, với nhiều “bầm dập và thất bại” – cho rằng: Nhà nước nên xác định lại mình sẽ làm gì, và những việc gì nên giao lại cho các tổ chức nghề nghiệp, tổ chức xã hội dân sự để tránh quá tải, ôm đồm. Trên cơ sở những việc cụ thể còn lại mới nên tiến hành cải cách thủ tục hành chính. Còn nếu chỉ sửa thủ tục hành chính sẽ không cơ bản.
Ông Park Keun Hyung, phó giám đốc Phòng Xúc tiến đầu tư Hàn Quốc tại VN, cho rằng với việc tăng lương tối thiểu hai lần trong thời gian ngắn vừa qua, lợi thế giá rẻ của lao động VN không còn hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc nữa. Điều đáng lưu ý là không ít chính sách hỗ trợ, giảm chi phí đã được công bố nhưng thực tế các nhà đầu tư đang phải trả chi phí ngày càng cao hơn. Lấy ví dụ, ông Park Keun Hyung cho biết hiện chi phí thuê đất trong các khu công nghiệp của VN đang tăng rất nhanh, có nơi tăng đến 90%.
Về chính sách vĩ mô, ông Park Keun Hyung cho rằng vẫn không thừa khi nhắc lại một điều đã cũ: “Các chính sách của VN thay đổi là tốt, nhưng cũng không nên thay đổi quá nhanh như hiện nay”. Theo ông Park, các chính sách của VN thường không tham khảo ý kiến các nhà đầu tư và nhà đầu tư không thể vui vẻ với việc thường xuyên bị bất ngờ, nhất là khi bất ngờ đó ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thành công của nhà đầu tư nước ngoài cũng là thành công của VN
Ngày 24-1, trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 38 tại Davos (Thụy Sĩ), Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có buổi đối thoại trực tiếp với gần 50 nhà lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Phó thủ tướng cho biết năm 2007 đã có tới 20,3 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào VN, gấp đôi con số của năm 2006. Đó là chưa kể một loạt dự án qui mô lớn đang chờ các cơ quan chức năng của VN xem xét, có khả năng mở ra triển vọng thu hút FDI kỷ lục trong năm 2008 và khơi dậy một làn sóng FDI mới vào VN.
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định với những thành công đạt được, VN sẽ tiếp tục cải cách sâu rộng, thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, ổn định và bền vững, trở thành một trung tâm mới cho các cơ hội ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương năng động. Phó thủ tướng nhấn mạnh: “Một khi các doanh nhân nước ngoài đến đầu tư, làm ăn ở VN thì họ đã trở thành một bộ phận của nền kinh tế VN, thành công của họ cũng là thành công của VN, do đó Chính phủ VN có trách nhiệm bảo vệ các lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư”.
CẦM VĂN KÌNH – Tuổi trẻ online
Comments are closed.