Tỷ lệ bồi thường bảo hiểm phi nhân thọ ‘bất ngờ’ tăng cao

Theo số liệu mới nhất từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, 4 tháng đầu năm tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ là 44,55% (ước đạt 4.425 tỷ đồng) cao hơn tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc cùng kỳ năm 2014 (33,74%).

Doanh thu đạt gần 10.000 tỷ đồng

Theo số liệu của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (QLBH), 4 tháng đầu năm thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tăng trưởng tương đối khả quan với tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc ước đạt 9.939 tỷ đồng.

Dẫn đầu thị trường về doanh thu phí bảo hiểm gốc là Bảo hiểm PVI với doanh thu đạt 2.120 tỷ đồng, tăng 13,1% so với cùng kỳ, chiếm 21,34% thị phần. Vị trí thứ hai thuộc về Bảo hiểm Bảo Việt với doanh thu ước đạt 1.790 tỷ đồng, tăng 4,4% so với cùng kỳ, chiếm 18,02% thị phần; Bảo Minh đứng thứ ba với doanh thu ước đạt 910 tỷ đồng, tăng 2,4% so với cùng kỳ, chiếm 9,17% thị phần; PJICO đứng thứ tư với doanh thu ước đạt 706 tỷ đồng, tăng 12,2%, chiếm 7,11% thị phần. Vị trí thứ năm thuộc về Bảo hiểm Bưu điện (PTI) với doanh thu ước đạt 694 tỷ đồng, tăng 36,5%, chiếm 6,99% thị phần…

Ngoài Top 5 DN bảo hiểm dẫn đầu thị trường, 4 tháng đầu năm nhờ nỗ lực của cơ quan quản lý và của chính DN bảo hiểm, một số DN bảo hiểm phi nhân thọ đã đạt được mức tăng trưởng khả quan, với tỷ lệ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt trên 50% so với cùng kỳ năm 2014.

Điển hình như Bảo hiểm Viễn Đông (VASS), sau khi tái cơ cấu thành công, VASS đã tập trung tăng cường công tác giám sát, kiểm tra tính tuân thủ trong quy trình nghiệp vụ, tăng cường quản lý đầu vào nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro xảy ra nhằm bảo đảm an toàn tài chính, theo đó doanh thu 4 tháng của VASS đạt 335 tỷ đồng, tăng 4,68 lần so với cùng kỳ. Một số DN khác như: Bảo hiểm Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VBI) đạt 121 tỷ đồng, tăng 2,23 lần so với cùng kỳ; Bảo hiểm ACE đạt doanh thu 31 tỷ đồng, tăng 88,33%…

Tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm tăng cao

Mặc dù tăng trưởng doanh thu của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tương đối khả quan, tuy nhiên theo Cục QLBH, 4 tháng đầu năm số tiền thực bồi thường bảo hiểm gốc của thị trường phi nhân thọ khá cao. Cụ thể, tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc là 44,55% (ước đạt 4.425 tỷ đồng), cao hơn tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc cùng kỳ năm 2014 (33,74%).

Trong đó, có 9/30 DNBH phi nhân thọ có tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc cao hơn tỷ lệ bồi thường của toàn thị trường và đều trên 50% như: Bảo hiểm MSIG (218,33%), Bảo hiểm UIC (148,98%), Bảo hiểm Cathay (140,25%), Bảo hiểm Fubon (141,61%), Bảo hiểm Phú Hưng (99,45%), Bảo hiểm PVI (64,82%), Bảo hiểm BSH (59,05%), Liberty (55,60%)…

Theo Cục QLBH lý giải, tỷ lệ bồi thường của một số DN bảo hiểm tăng cao, điển hình như Bảo hiểm PVI là do có nhiều vụ tổn thất lớn thuộc nghiệp vụ bảo hiểm tài sản và thiệt hại, như: Tổn thất giếng Cửa Lò 1 thuộc Song Hong Basi, ước số tiền bồi thường là 710 tỷ đồng; bồi thường tổn thất rò rỉ đường ống dẫn khí của mỏ Chim Sáo khoảng 189 tỷ đồng…

Cũng theo Cục QLBH, tỷ lệ bồi thường của Bảo hiểm MSIG cao là do thanh toán bồi thường cho đơn bảo hiểm mọi rủi ro tài sản cho Công ty TNHH Meiko Electronics Vietnam liên quan đến vụ cháy xảy ra vào tháng 9/2013, với số tiền bồi thường trong tháng 4/2015 là 305 tỷ đồng. Tỷ lệ thực bồi thường của Bảo hiểm UIC cao là do năm 2015 bắt đầu thanh toán dần cho 2 vụ cháy lớn trong năm 2014 là vụ cháy Nhà máy mực in Sakata ở Bình Dương vào tháng 9/2014, bồi thường khoảng 150 tỷ đồng và vụ cháy nhà kho Công ty Nippon Express ở Nội Bài, Hà Nội vào tháng 10/2014, bồi thường khoảng 230 tỷ đồng.

Tỷ lệ thực bồi thường của Cathay, Fubon cao là do tháng 4/2015, Cathay và Fubon đã bồi thường cho các DN bị thiệt hại trong vụ việc xảy ra tại Bình Dương vào ngày 13/5/2014 với số tiền lần lượt là 32 tỷ đồng và 53,2 tỷ đồng…

Cơ quan quản lý về bảo hiểm cho biết, trong thời gian tới bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh các sản phẩm chủ lực mang tính thương hiệu của DN, các DN bảo hiểm cần đưa ra nhiều biện pháp để kiểm soát rủi ro, đặc biệt là những nghiệp vụ có tỷ lệ bồi thường cao như nghiệp vụ bảo hiểm tài sản và thiệt hại, bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm cháy nổ…

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý về bảo hiểm cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật nhằm tạo môi trường pháp lý thông thoáng và thuận lợi cho các DN bảo hiểm; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các DN nhằm mang lại lợi ích cho người tham gia bảo hiểm; xây dựng quy chế tự quản ở các DN nhằm ngăn chặn hiện tượng trục lợi bảo hiểm…, đảm bảo sự phát triển bền vững của DN bảo hiểm./.

Theo (ThoibaoTaichinh)

{fcomment}

Comments are closed.