Từ vụ Ái Mộ, nhìn lại trách nhiệm bồi thường bảo hiểm

Cùng với quy định mới về nâng mức trách nhiệm bồi thường, không ít người tỏ ra băn khoăn về những trường hợp bị loại trừ trong bảo hiểm trách nhiệm dân sự, đặc biệt trong trường hợp sử dụng xe của người khác, chẳng hạn như trong vụ tai nạn thương tâm tại Ái Mộ (Hà Nội) vừa qua khiến 3 người tử vong.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, đại diện doanh nghiệp đang đứng đầu về thị phần bảo hiểm ô tô cho biết, trước hết, cần kiểm tra xem chiếc xe gây tai nạn này nếu đã mua bảo hiểm thì là của nhà bảo hiểm nào, từ đó, dựa trên các quy tắc bảo hiểm đính kèm để kiểm tra các điểm loại trừ.

Tuy nhiên, nếu theo các điều kiện, điều khoản bảo hiểm vật chất xe cơ giới do doanh nghiệp này đang cấp, trong tình huống người cầm lái không có bằng lái xe thì sẽ bị từ chối bồi thường bảo hiểm cho cả phần trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới (bắt buộc) lẫn bảo hiểm vật chất xe (tự nguyện) cho dù chủ xe cầm lái hay không cầm lái.

Cùng quan điểm các lỗi chủ quan, khách quan do lái xe/chủ xe gây ra tai nạn đều có thể được công ty bảo hiểm bồi thường nếu các lỗi đó không vi phạm các điểm loại trừ theo quy định, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm có thị phần bảo hiểm ô tô lớn khác xin giấu tên cũng khẳng định, nếu người điều khiển xe không có giấy phép lái xe hợp lệ và đã sử dụng rượu bia thì sẽ không thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm (vi phạm điểm loại trừ). Điều này cũng đồng nghĩa với việc bên bảo hiểm sẽ từ chối bồi thường bảo hiểm do không thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm.

Còn theo đại diện MIC, để xem có thuộc phạm vi bảo hiểm hay không, cần phải xem xét thêm người điều khiển xe tại thời điểm tai nạn xem có đủ các điều kiện lái xe theo quy định không. Ngoài bằng lái, tình trạng sức khỏe (có các chất kích thích hay không),  còn phải xem lái xe có phải là người được chủ xe cho phép sử dụng xe hay không? Nếu trong trường hợp chủ xe cho phép người điều khiển xe không đủ điều kiện điều khiển xe mà gây hậu quả nghiêm trọng thì chủ xe còn bị quy trách nhiệm theo quy định của pháp luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ (Điều 205, Bộ luật Hình sự).

Các doanh nghiệp bảo hiểm khuyến cáo chủ xe ô tô, nếu phải cho mượn xe hoặc giao xe cho người khác sử dụng thì nên giao cho người đủ điều kiện để điều khiển xe theo quy định của pháp luật như có giấy phép lái xe hợp lệ với loại xe được điều khiển, tại thời điểm giao xe thì người điều khiển phải tỉnh táo, không sử dụng chất cồn và chất kích thích…

Bởi thực tế, nếu người điều khiển xe không vi phạm các điểm loại trừ thì quyền lợi bảo hiểm vẫn được giải quyết bình thường theo quy định, nếu ngay cả chủ xe điều khiển mà gây tai nạn vi phạm các điểm loại trừ bảo hiểm thì cũng không được công ty bảo hiểm bồi thường.

“Khi có bất cứ vấn đề gì xảy ra, lái xe phải chịu trách nhiệm trước tiên, nhưng giải quyết các vấn đề liên quan vẫn là chủ xe chịu trách nhiệm chính. Do đó, cần cân nhắc kỹ trước khi cho mượn xe – một trong những phương tiện có thể gây rủi ro cao. Nếu đã lường định hết và chấp nhận tất cả các rủi ro có thể xảy ra thì hãy giao chìa khóa xe cho người khác”, một chuyên gia xe cơ giới khuyến cáo.

Điều 205, Bộ luật Hình sự

1. Người nào điều động hoặc giao cho người không có giấy phép hoặc bằng lái xe hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến ba năm.

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”.

Theo (ĐTCK)

Comments are closed.