Từ ngày mai 1/1/2010: Thủ tục thanh toán BHYT sẽ được rút gọn

KTĐT – Người bệnh BHYT được thanh toán tại bệnh viện khi vượt tuyến, những thủ tục hành chính rườm rà được giảm bớt, nhiều bệnh sẽ được đưa vào thanh toán trọn gói… ông Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết đây là những điểm mới sẽ được thực hiện khi Luật BHYT có hiệu lực đầy đủ và toàn diện đối với người tham gia BHYT bắt đầu từ ngày mai 1/1/2010.

      – Một trong những vướng mắc mà người bệnh “kêu” nhiều khi Luật triển khai trong thời gian qua là sự phiền phức trong thủ tục thanh toán khi đi khám chữa bệnh (KCB) vượt tuyến, xin ông cho biết, sang năm 2010 có sự thay đổi gì không?

      + Theo hướng dẫn của Thông tư liên tịch 09 của liên Bộ Y tế – Tài chính ngày 14/8/2009, thì các trường hợp đi KCB không đúng tuyến chuyên môn sẽ phải tự thanh toán toàn bộ chi phí tại cơ sở KCB, sau đó mang chứng từ đến BHXH nơi mình tham gia để được thanh toán lại. Tuy nhiên, đã có nhiều ý kiến phản ánh từ phía người bệnh, bệnh viện cho rằng điều này gây phiền hà, khó khăn cho người bệnh khi phải đi lại nhiều lần, còn cơ sở KCB cũng không chủ động…Vì thế, BHXH Việt Nam cũng đã kiến nghị với liên bộ để thay đổi hình thức thanh toán này. Theo đó, người bệnh sẽ thanh toán 30%, 50% hay 70% ngay tại cơ sở KCB. Phương án này đã được liên bộ chấp thuận và xây dựng hướng dẫn để quy định này được áp dụng tại các cơ sở KCB ngay từ 1/1/2010.

      – Các thủ tục hành chính rườm rà cũng là điều mà người bệnh BHYT thấy ngại khi đến cơ sở KCB?

      + Một trong những lo ngại khi Luật được thực hiện đầy đủ, đó là khối lượng công việc của các cơ sở y tế tăng lên do số người tham gia BHYT tăng lên rất nhiều. Vì vậy các cơ sở KCB phải tổ chức lại việc đón tiếp bệnh nhân BHYT sao cho khoa học, cải cách hành chính để giảm bớt thời gian chờ đợi của người bệnh. Người bệnh BHYT cũng kêu nhiều về việc để được thanh toán BHYT trước khi ra viện phải có 6-7 chữ ký của các bộ phận liên quan, nên chúng tôi đề xuất, từ 1/1/2010 thủ tục này cũng được rút gọn. Theo đó, khi người bệnh xuất viện, trên giấy xuất viện chỉ còn lại 4 chữ ký. Cụ thể, sẽ chỉ cần chữ ký của bác sĩ điều trị, người lập biểu, người bệnh (hoặc đại diện người bệnh), đây là 3 chữ ký cần thiết và không khó khăn gì và chỉ cần 3 chữ ký này người bệnh có thể xuất viện. Còn chữ ký cuối cùng là của đại diện lãnh đạo bệnh viện, chữ ký này có nhiệm vụ hoàn tất thủ tục để thanh toán với bên BHXH.

      – Việc chuyển đăng ký KCB ban đầu về tuyến y tế quận, huyện, xã phường cũng có nhiều ý kiến, xin ông cho biết các địa phương đã thực hiện tới đâu?

      + Việc đưa đăng ký KCB ban đầu về các tuyến cơ sở là một chủ trương tốt góp phần giảm tải tuyến trên và giúp người dân tiếp cận y tế cơ sở gần hơn. Để thực hiện được việc này cần phải có một quá trình, BHXH Việt Nam cũng chỉ đạo các địa phương, chuyển đổi nhưng không được làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia BHYT. Vì thế, chỉ chuyển khi các cơ sở y tế tuyến huyện, xã đã đạt tiêu chuẩn về chất lượng KCB thì mới đưa thẻ BHYT đăng ký từ các BV tuyến tỉnh về. Đồng thời, BHXH Việt Nam cũng có kiến nghị với Bộ Y tế nhanh chóng nâng cao chất lượng KCB của y tế tuyến xã, phường để có thể dần dần chuyển hết số thẻ đăng ký KCB ban đầu vào năm 2014, 2015. Năm 2010, với khoảng 50 triệu thẻ BHYT, hiện đã có khoảng 60% số thẻ được chuyển về đăng ký ở các tuyến xã, phường, quận, huyện tương đương, còn khoảng 40% hiện vẫn đăng ký ở các BV tuyến tỉnh, Trung ương.

      – Vậy nếu người tham gia BHYT không hài lòng với cơ sở KCB mà mình đã đăng ký, liệu họ có chuyển được không, thưa ông?

      + Nếu nơi đăng ký KCB ban đầu đó không tốt, người tham gia có thể chuyển đăng ký KCB về cơ sở y tế phù hợp, thuận tiện với họ hơn, nhưng ở tuyến tương đương. Cơ quan BHXH sẽ đổi thẻ vào hàng quý, cuối tháng của quý này sẽ đổi thẻ cho quý sau. Ví dụ, như tháng 4 đối tượng tham gia không muốn đăng ký KCB ở cơ sở này nữa, thì khoảng cuối tháng 3 người tham gia chỉ cần mang thẻ đến đổi và điền vào mẫu để đổi thẻ ở cơ quan BHXH, hoặc thông qua các đại lý ở xã phường, những người thuộc cơ quan, doanh nghiệp thì thông qua phòng hành chính, nhân sự…

      – Xin cảm ơn ông!

 

H.Lý

Comments are closed.