TTCK khởi sắc quý I, thách thức quý II

TTCK hồi phục bất ngờ trong quý I nhờ thông tin khả quan về kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, thông tin này có thể không như mong đợi trong quý II. 

Ba tháng đầu năm 2012, NĐT phấn khởi chứng kiến sự vực dậy của TTCK Việt Nam. Trên sàn HOSE, VN-Index tăng 25,45%, từ 351,55 điểm lên 441,03 điểm (ngưỡng cao nhất 459,26 điểm ngày 26/3/2012); giá trị vốn hóa của thị trường tăng 34,8%, từ 453.784 tỷ đồng lên 611.587 tỷ đồng. Trên sàn HNX, HNX-Index tăng 22,9%, từ 58,74 điểm lên 72,20 điểm. Thanh khoản trên hai sàn tăng mạnh.

Những dự báo tích cực về tình hình kinh tế Việt Nam năm 2012, lạm phát 3 tháng đầu năm ở mức thấp kỷ lục trong những năm gần đây (2,55%), cộng với động thái giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (13/3/2012) là nguyên nhân chính tạo nên đà tăng ấn tượng của TTCK trong quý I.

Liệu đà tăng này có thể tiếp tục trong quý II, khi những tín hiệu vĩ mô thực sự là chưa đủ để trấn an NĐT hay định hướng cho doanh nghiệp?

Thứ nhất, lạm phát tuy ở mức thấp, nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 vẫn chưa “thấm đòn” từ cú sốc tăng giá xăng dầu ngày 7/3/2012. Bên cạnh đó, tin đồn Tập đoàn Điện lực Việt Nam chuẩn bị tăng giá điện, những đề án về các loại phí lưu hành phương tiện giao thông của Bộ Giao thông Vận tải khiến nhiều người nghĩ tới viễn cảnh lạm phát năm 2012 sẽ trên một con số. Hơn nữa, CPI thấp trong những tháng đầu năm phản ánh sự sụt giảm trong sức mua hơn là hiệu quả của chính sách tiền tệ thắt chặt. Sức mua kém dẫn đến dư thừa nguồn cung, sản xuất ngưng trệ. Điều này dễ khiến doanh nghiệp rơi vào hoàn cảnh khó khăn hơn, lãi cơ bản trên cổ phiếu sụt giảm. Đây là một lý do sẽ khiến NĐT trở nên thận trọng.

Thứ hai, tăng trưởng GDP quý I năm nay chỉ đạt 4%, mức thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm qua. Nguyên nhân chính là do hoạt động sản xuất, sức mua trong nước và xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Phải chăng Chính phủ đã quá theo đuổi mục tiêu kiềm chế lạm phát, mà thiếu chú ý đến tăng trưởng đồng đều của cả nền kinh tế, trong đó có sức mua?

Thứ ba, thị trường bất động sản vẫn chưa khởi sắc, bất chấp những nỗ lực hạ giá cắt lỗ của chủ đầu tư. Thêm vào đó, trần lãi suất cho vay thực tế vẫn cao, cộng với những ràng buộc về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với nhiều ngân hàng khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, áp lực ngừng hoạt động, thậm chí phá sản gia tăng. Trên thực tế, đã có bốn công ty chứng khoán phải ngừng giao dịch trên HNX (thông báo của HNX ngày 29/3). Thu hẹp sản xuất, báo cáo thua lỗ, nợ nần chồng chất, nỗi lo phá sản bỗng nhiên trở thành chuyện thường ngày.

alt

Theo thống kê, VN-Index thường tăng điểm trong tháng 4

Báo cáo kiểm toán năm 2011 của các doanh nghiệp niêm yết đã được công bố. NĐT cần nhìn vào báo cáo tài chính của doanh nghiệp để đưa ra quyết định đầu tư, hơn là chạy theo những cơn sóng của thị trường. Nhìn vào báo cáo tài chính của các doanh nghiệp, thị trường đón nhận một nghịch lý khá thú vị là bất chấp báo cáo lỗ nặng nề ở các công ty chứng khoán, giá cổ phiếu của các công ty này vẫn tăng mạnh theo đà tăng của thị trường.

Sự khởi sắc trong quý I của TTCK là điều đáng mừng, nhưng phân nửa số mã chứng khoán vẫn đang giao dịch ở dưới mệnh giá. So với sự suy yếu trong thời gian dài trước đó, thì đây chỉ là “một bát cháo giúp người ốm tạm qua cơn nguy kịch”. Thị trường vẫn cần những liều thuốc thực sự để phục hồi ổn định hơn, quan trọng hơn cả là tìm lại được “sức mua” của NĐT.

Nhìn vào đà tăng của cả hai sàn trong quý I, NĐT có thể nhận thấy tín hiệu giảm dần vào những ngày cuối quý I và những ngày đầu quý II. Mặc dù số liệu thống kê cho thấy VN-Index thường tăng điểm trong tháng 4, nhưng NĐT vẫn nên thận trọng.

Tiêu điểm của sự chú ý trong mùa ĐHCĐ năm nay là xu hướng thâu tóm, sáp nhập của các công ty thuộc nhóm ngành ngân hàng và chứng khoán. Nhiều công ty đang phải đứng trước những lựa chọn, hoặc tinh giản để cố gắng duy trì hoạt động kinh doanh, hoặc sáp nhập để tồn tại, hoặc buộc phải dừng hoạt động kinh doanh. Dù lựa chọn của các công ty là gì, thì NĐT luôn là những người “đứng mũi chịu sào”. Sự phục hồi của thị trường trong quý I vừa qua chỉ là một yếu tố tích cực giúp tăng thanh khoản, cũng như đem lại một khoản lợi nhuận nhất định. NĐT nên chủ động cơ cấu, sàng lọc lại danh mục hàng hóa đầu tư. Thông tin từ các ĐHCĐ thường niên đang diễn ra là cơ sở để NĐT đánh giá lại rổ hàng hóa của mình.

Năm 2012 là năm của định hướng tái cấu trúc, sàng lọc lại thị trường. Ngày 2/3, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính nhiệm vụ triển khai tái cấu trúc TTCK bao gồm: tái cấu trúc các Sở GDCK theo hướng hợp nhất; tái cấu trúc các CTCK, công ty quản lý quỹ phù hợp với chủ trương tái cấu trúc hệ thống tài chính ngân hàng; tái cấu trúc hàng hóa TTCK và tái cấu trúc cơ sở NĐT. Bên cạnh đó, những đề xuất để tạo dòng tiền vào TTCK cũng được đưa ra nghiên cứu. Đây là những tín hiệu tích cực để giúp phục hồi thị trường, nhưng khi nào những thay đổi này mới được thực hiện và tác động đến thị trường như thế nào thì có lẽ phải cần đến thời gian.

(ĐTCK).

Comments are closed.