Trợ giúp pháp lý cho những cảnh đời éo le

Vụ án xảy ra đã lâu nhưng những người dân ở xã X. huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định vẫn nhớ như in, “nạn nhân” trong vụ này là cô gái câm điếc bẩm sinh, có cảnh đời rất éo le.

alt


Lỡ “cho”, khó lòng kiện

Dù bị câm điếc bẩm sinh nhưng đúng là trời không nỡ lấy của ai tất cả mọi thứ, bù lại chị N.T.C (xã X. Tuy Phước, Bình Định) khá xinh xắn. Vẻ hiền lành, chịu thương chịu khó của chị khiến nhiều người đàn ông trong xã bắt đầu để mắt đến, trong đó có ông K, một người đàn ông vợ con đề huề nhà bên cạnh. Thấy chị C đã ngoài 30 mà vẫn một mình lẻ bóng, lại sống cô quạnh trong căn nhà vắng vẻ vì mẹ cha đều đã mất, nên ông K lên “kế hoạch” chinh phục người phụ nữ này.

Tối ấy, cũng như mọi lần đi đánh cá đêm, ông K. kiếm cớ vào nhà cô hàng xóm “tâm sự”. Dù không nói, không nghe được nhưng chị C. cũng vẫn tiếp ông K một cách chân tình. Lâu dần thành quen, hàng đêm đi đánh cá, ông K đều ghé nhà chị C. Thế rồi một ngày chị C viết ra mảnh giấy báo với ông K mình đã có thai thì mật độ đi “đánh cá đêm” của ông K bỗng thưa dần. Và sau đó, ông này lặn mất tăm.

Hoàn cảnh kinh tế khó khăn cộng với nỗi tủi phận con sinh ra mà không có cha, sau nhiều lần tìm cách gặp mặt ông K không thành, được người quen mách bảo, chị C tìm đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý đề nghị được giúp đỡ. Trước mắt, chị yêu cầu ông K nhận con rồi sau đó là trách nhiệm nuôi dưỡng đối với đứa con chung của hai người.

Nhắc lại câu chuyện này, những cán bộ của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Bình Định vẫn còn nhớ như in. Họ đã hướng dẫn chị C làm thủ tục để kiện ông K ra tòa để tòa làm thủ tục nhận cha cho con. Nhưng tại tòa ông K. kiên quyết từ chối cốt nhục của mình. Bất đắc dĩ Tòa phải yêu cầu giám định ADN. Chuyện của chị đến bây giờ hàng xóm vẫn nhắc, họ trách ông hàng xóm đã nỡ vô tình với mẹ con chị, dù hàng ngày ra vào họ vẫn nhìn thấy nhau.

Thôn nữ mắc bẫy tình

Một câu chuyện trợ giúp pháp lý khác chúng tôi ghi được ở Trung tâm Trợ giúp pháp lý Hà Nội. Sinh ra ở một xã vùng cao nghèo của tỉnh Lào Cai, V.T.H.T, sinh năm 1987 “trôi dạt” xuống Hà Nội những mong tìm được một công việc để tự nuôi sống bản thân mình. Thân gái dặm trường giữa chốn phồn hoa đô hội, không có tiền, không có việc làm, T ngã vào vòng tay của một kẻ nghiện hút ở phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng.

Để có tiền cho những cơn nghiền thuốc và cũng duy trì cuộc sống chung, chẳng mấy chốc T biến thành công cụ vận chuyển ma túy cho người chồng hờ. Rồi T bị bắt trong một đợt truy quét của Công an. Vì T sống lang thang, không người thân thích lại phạm tội khi còn đang tuổi vị thành niên nên em được Trung tâm Trợ giúp pháp lý cử luật sư bào chữa miễn phí cho em trước tòa.

Người nhận bào chữa miễn phí cho vụ án này là luật sư Dương Văn Tuệ, Văn phòng Luật sư Hằng Nga. Ông Tuệ đã vào tận trại giam gặp T. Khi ấy, T đã khóc mà nói rằng, gia cảnh em nghèo khó, bán cả nhà đi cũng không đủ tiền thuê luật sư, huống hồ em phạm tội “tày trời” như vậy. Luật sư Tuệ đã tận tình giải thích cho em, và cho biết quyền lợi của em là được bảo vệ miễn phí, ngoài ra ông còn cất công tìm được mẹ đẻ của em và báo tin cho bà xuống Hà Nội để thăm gặp, động viên em lao động, cải tạo tốt trong thời gian thụ án.

Khó khăn, hãy đến với Trợ giúp pháp lý

Nếu như 15 năm về trước, những người có hoàn cảnh như chị C, em T… sẽ không biết bấu víu vào đâu khi có vướng mắc về pháp luật thì từ khi có chính sách trợ giúp pháp lý của Nhà nước ra đời (năm 1997) người nghèo, đối tượng chính sách, người mới ra tù, trẻ vị thành niên… đã có nơi để “nương tựa”. Ngoài lực lượng là đội ngũ trợ giúp viên pháp lý, các trung tâm Trợ giúp pháp lý còn mời thêm các luật sư với tư cách cộng tác viên để bảo chữa miễn phí cho người dân trước tòa hay tư vấn cho họ khi có những vấn đề liên quan đến pháp luật.

Hiện nay, thủ tục yêu cầu trợ giúp pháp lý rất đơn giản. Người dân chỉ cần cung cấp giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý; các thông tin, tài liệu có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, tài liệu đó. Trên cơ sở này, tổ chức trợ giúp pháp lý sẽ xem xét, và cử người trợ giúp cho các đối tượng có yêu cầu.

Người được trợ giúp pháp lý :

1. Người nghèo.

2. Người có công với cách mạng.

3. Người già cô đơn, người tàn tật và trẻ em không nơi nương tựa.

4. Người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

(Điều 10 Luật Trợ giúp pháp lý)

Theo Phapluatvn.vn.

Comments are closed.