Triển khai bảo hiểm nông nghiệp: Vẫn khó

Thí điểm triển khai bảo hiểm nông nghiệp dù đã được triển khai hơn 1 tháng (1-7-2011), nhưng trên thực tế, bảo hiểm nông nghiệp chưa thực sự được quan tâm nhiều, người dân vẫn chưa được tiếp cận để mua bảo hiểm nông nghệp còn doanh nghiệp lại tỏ ra không mặn mà vì loại hình bảo hiểm này khó triển khai mà lợi nhuận không cao. Đó là ý kiến của các đại biểu tham gia buổi tọa đàm trực tuyến “Bảo hiểm nông nghiệp- Chỗ dựa của nhà nông” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ vừa tổ chức.

Doanh nghiệp “chê” lợi nhuận thấp, chính quyền chưa nắm được chủ trương

Quyết định 315 của Chính phủ về thí điểm thực hiện bảo hiểm nông nghiệp đã có hiệu lực từ 1-7, nhằm chia sẻ rủi ro trong trồng trọt và chăn nuôi cho người nông dân, nhưng hiện nay các địa phương vẫn đang lúng túng, bà con nông dân cũng chưa biết tới khi nào mới được bảo hiểm còn địa phương thì hầu như vẫn “án binh bất động”.

Ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng Cục kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Sản xuất nông nghiệp ở nước ta phần lớn vẫn manh mún nhỏ lẻ, chưa thống nhất, việc đánh giá thiệt hại theo những chỉ số nào. Riêng với bảo hiểm cây lúa, thời gian bảo hiểm ở mỗi địa phương một khác, ảnh hưởng của thời tiết cũng khác nhau, vì vậy việc áp dụng khung thời vụ cố định là chưa phù hợp. Điều khó nhất để bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) thành hiện thực là phải xác định đúng, chính xác thiệt hại để cả người sản xuất và các doanh nghiệp tham gia bảo hiểm không thua lỗ. Nông nghiệp vốn là lĩnh vực kinh tế tiềm ẩn nhiều rủi ro, liên tục xảy ra thiên tai, dịch bệnh. Mức chi đền bù thì cao trong khi mức thu phí thấp khiến các doanh nghiệp bảo hiểm dè dặt. Còn người nông dân mỗi khi gặp thiên tai đều được nhận hỗ trợ từ Chính phủ nên không nhiệt tình khi phải bỏ ra một khoản tiền mua BHNN.

Nói về lý do khiến BHNN dù đã nhận rất nhiều hỗ trợ từ phía Nhà nước nhưng vẫn khó triển khai không chỉ nằm ở phía người dân mà còn nằm ở cán bộ. Ông Lộc cho biết, BHNN là vấn đề mới không chỉ với nông dân mà ngay cả cán bộ liên quan ở các cấp cũng chưa hiểu một cách thấu đáo, đó là lý do khiến chính sách hay cũng khó đi vào cuộc sống.

Ngoài ra, còn nhiều vướng mắc từ phía người dân, chính quyền và doanh nghiệp tham gia bảo hiểm. Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Ban Quản lý nghiệp vụ bảo hiểm (Bảo Minh) cho biết: mặc dù bảo hiểm nông nghiệp là một sản phẩm bảo hiểm truyền thống nằm trong hơn 500 sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ, nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà. Bởi vì khó khăn lớn mà các doanh nghiệp bảo hiểm nông nghiệp gặp phải là mâu thuẫn giữa mức thu phí bảo hiểm đưa ra và khả năng cân đối lãi. “Nếu phí bảo hiểm quá cao, nông dân không đủ sức đóng góp, nếu phí quá thấp thì doanh nghiệp bị thua lỗ”. Ông Nguyễn Quang Phi, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt cho rằng: Bảo Việt sẵn sàng tham gia chương trình này và quan điểm là không vì lợi nhuận. Mặc dù là một doanh nghiệp, song chúng tôi cũng xác định đây là một nhiệm vụ chính trị của doanh nghiệp, thực hiện theo tinh thần doanh nhân với nông dân và tinh thần doanh nghiệp nhà nước với chủ trương của Chính phủ. Tuy nhiên, để triển khai BHNN trên diện rộng là khó bởi: “Bản thân chi nhánh của Bảo Việt tại các địa phương chỉ có vài chục người nhưng đang làm rất nhiều nghiệp vụ”.

Sẽ không để doanh nghiệp chịu lỗ

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai thí điểm BHNN đến các địa phương Ông Tăng Minh Lộc đề xuất: Trước hết phải nâng cao công tác tuyên truyền. Chúng ta phải thông tin một cách đầy đủ với nhiều hình thức đến từng người dân ở tất cả các khu dân cư trên cả nước biết về BHNN . Để làm được điều này, trước hết, với các tỉnh được chỉ định thực hiện chính sách bảo hiểm này, phải thành lập ban chỉ đạo, tổ công tác từ cấp tỉnh, huyện, xã và đội ngũ này phải được tập huấn kỹ để có thể tổ chức hướng dẫn lại cho người nông dân. Đối với người dân, phải thông tin đầy đủ thế nào là BHNN, tại sao nên tham gia, đối tượng nào được tham gia, công ty nào trực tiếp giúp thực hiện BHNN, thủ tục ra sao, cơ quan nào tư vấn giúp đỡ, để được bảo hiểm bồi thường thì phải làm sao, khi sự cố xảy ra, nếu xảy ra tranh chấp, báo cho ai, ai thụ lý. Chỉ khi thành viên ban chỉ đạo, tổ công tác ở các cấp hiểu sâu thì mới hướng dẫn cho dân được và người dân hiểu sâu thì mới nắm rõ trách nhiệm và quyền lợi của mình… Chính vì vậy, thời gian tới, các địa phương, phải tập huấn cho cán bộ để họ đủ kiến thức hướng dẫn người dân tham gia.
Để giải quyết những băn khoăn của các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia thí điểm BHNN, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hồ Xuân Hùng khẳng định: Chính phủ đã giao Bộ Tài chính lựa chọn doanh nghiệp đủ sức tham gia, không phải doanh nghiệp nào cũng dược tham gia. Dù BHNN không phải mảnh đất mầu mỡ cho doanh nghiệp kiếm lợi nhuận nhưng nguyên tắc bảo hiểm là số đông bù số ít, nếu biết cách tổ chức vận động tốt, nhất định bảo hiểm sẽ đủ để trang trải chi phí. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, doanh nghiệp tham gia không phải vì mục tiêu lợi nhuận, cho nên sẽ hỗ trợ nếu doanh nghiệp thua lỗ. “Chắc chắn không để doanh nghiệp lỗ”, ông Hùng khẳng định.

Lục Bình
Báo Đại Đoàn Kết

Comments are closed.