Triển khai bảo hiểm nông nghiệp, không dễ!

Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ đề án bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2010 – 2012. Trước những biến động ngày càng thất thường của thời tiết, việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp trên diện rộng với nhiều sản phẩm khác nhau được kỳ vọng sẽ hạn chế đáng kể rủi ro cho người làm nghề nông. Tuy nhiên, loại hình này đang đặt ra không ít thách thức với các DN bảo hiểm.
Chỉ hai cơn bão (số 9 và số 10) năm 2009 đã làm các ngư dân và các tỉnh miền Trung thiệt hại một lượng tài sản rất lớn. Dịch bệnh tai xanh, lở mồm, long móng đang diễn ra cũng khiến người chăn nuôi lao đao. Hoặc câu chuyện về trứng gà có sử dụng chất tẩy trắng trong năm 2009 (tuy là thất thiệt) cũng khiến người dân thiệt hại lớn.

Với số dân trên 70% làm nông nghiệp và sống tại nông thôn, có thể nói, thị trường cho mảng dịch vụ bảo hiểm này còn rất rộng lớn. Trong khi đó, ngân sách nhà nước hàng năm chỉ dành từ 200 tỷ đồng đến 400 tỷ đồng để hỗ trợ nông dân đối phó dịch bệnh. Theo thống kê của Bộ Tài chính, tỷ trọng tham gia bảo hiểm của nông dân rất thấp, chưa tới 1% tổng diện tích cây trồng, vật nuôi. Mỗi khi thiên tai xảy ra, Nhà nước thường có sự hỗ trợ người dân. Tuy nhiên, việc hỗ trợ nhiều lúc chỉ là vấn đề trước mắt và không đến tay đầy đủ người cần hỗ trợ. Việc này một phần cũng tạo tâm lý ỷ lại vào Nhà nước. Do đó, việc ngân sách nhà nước hỗ trợ nông dân một phần phí bảo hiểm để họ tích cực tham gia, hạn chế tổn thất là cách làm dài hạn.

Theo tinh thần của đề án bảo hiểm nông nghiệp, Chính phủ sẽ có một cơ chế thống nhất để tất cả các DN bảo hiểm trên thị trường triển khai. Người tham gia bảo hiểm nông nghiệp sẽ được hưởng lợi cao hơn người không tham gia trên cùng địa bàn. Các hộ nông dân nghèo, cá nhân nghèo sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp có thể được hỗ trợ cao nhất lên đến 80 – 90% phí bảo hiểm. Hộ nông dân, cá nhân không thuộc diện nghèo được hỗ trợ 60%. Mức hỗ trợ 50% được áp dụng cho các tổ chức sản xuất nông nghiệp (DN nhà nước, DN tư nhân, hợp tác xã).

Sự cần thiết triển khai bảo hiểm nông nghiệp thì đã rõ nhưng, làm như thế nào theo các DN lại là câu chuyện dài. “Rõ ràng, bảo hiểm nông nghiệp là một lĩnh vực hết sức rủi ro, nếu không các DN bảo hiểm phi nhân thọ đã tích cực triển khai. Các DN bảo hiểm làm kinh doanh nên chịu sức ép của cổ đông và họ không thể tham gia vào lĩnh vực quá rủi ro”, tổng giám đốc một CTCP bảo hiểm cho biết. Đánh giá đúng thiệt hại là vấn đề không đơn giản đối với bảo hiểm nông nghiệp. Trong khi đó, người dân ngại tham gia bảo hiểm vì chi phí đầu vào cao, chu kỳ sản xuất dài, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng khó khăn… Điều này cũng dễ hiểu vì sao những lĩnh vực truyền thống đã cạnh tranh rất khốc liệt, nhưng DN không mở rộng sang các lĩnh vực khác, trong đó có bảo hiểm nông nghiệp.

Trao đổi với ĐTCK, ông Trần Trọng Phúc, Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt nói rằng, là một trong những DN hàng đầu nên khi triển khai những sản phẩm mang tính xã hội hóa cao như bảo hiểm nông nghiệp, Bảo Việt sẵn sàng tham gia. “Chúng tôi chưa tính toán đến lợi nhuận, nhưng nếu rủi ro thua lỗ lớn thì cũng phải cân nhắc. Mặc dù là sản xuất nông nghiệp nhưng khi thiệt hại xảy ra sẽ rất lớn”, ông Phúc nói. Điều ông Phúc bận tâm là sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam vẫn manh mún, nhỏ lẻ, việc đánh giá thiệt hại theo những chỉ số nào là cả vấn đề lớn. Để thực hiện thành công bảo hiểm này, theo ông Phúc là rất cần sự cam kết hỗ trợ của Nhà nước, bởi khi rủi ro xảy ra DN bảo hiểm là người gánh chịu.

Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam thì cho rằng, mấu chốt nhất khi triển khai bất cứ sản phẩm bảo hiểm nào, trong đó có bảo hiểm nông nghiệp là quy tắc, điều khoản bảo hiểm ra sao. Đối với sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, phải chỉ rõ điều này mới tính được mức phí và mức hỗ trợ của Nhà nước đối với người nông dân. Ông Lộc cũng cho rằng, triển khai bảo hiểm nông nghiệp là lĩnh vực rất khó khăn, trước khi triển khai cần tính toán kỹ. “Sự ngần ngại của các DN khi tham gia vào lĩnh vực này trong thời gian qua nói lên sự rủi ro của bảo hiểm nông nghiệp như thế nào”, ông Lộc cho biết.

Nhiều chuyên gia cũng đồng tình rằng, bảo hiểm nông nghiệp không phải là nghiệp vụ kinh doanh đơn thuần mà nó mang tính xã hội rất cao, khó có thể thực hiện thành công nếu như Nhà nước chưa xây dựng một chính sách chuẩn về bảo hiểm nông nghiệp.
Ngân Giang
Đầu tư Chứng khoán điện tử

Comments are closed.