Tranh chấp bảo hiểm: Khó xác định lỗi

altMới đây, Tòa Kinh tế TAND Tối cao đã rút kinh nghiệm toàn ngành một số tình huống tranh chấp kinh doanh thương mại về hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng xây dựng, hợp đồng tín dụng mà các tòa thường hay mắc lỗi sai sót về mặt nội dung.

Theo Tòa Kinh tế TAND Tối cao, khi giải quyết tranh chấp bảo hiểm, các tòa hay gặp lúng túng vì số lượng văn bản pháp luật liên quan khá nhiều, có nhiều quy định chồng chéo hoặc sửa đổi thường xuyên nhưng lại thiếu văn bản hướng dẫn. Hơn nữa, hầu hết án loại này đều có tình tiết phức tạp, nhất là các vụ tranh chấp bảo hiểm hàng hải. Từ đó, tòa các cấp dễ mắc sai sót trong việc áp dụng pháp luật, đánh giá chứng cứ nhằm xác định lỗi của các bên, xác định có hay không sự kiện bảo hiểm xảy ra, vấn đề thu và nộp phí bảo hiểm…

Chỉ rõ lỗi của các bên

Một trong những sai lầm mà các tòa thường mắc phải là khâu xác định lỗi. Chẳng hạn vụ tranh chấp hợp đồng bảo hiểm giữa Công ty TNHH Vận tải Biển Trung Dũng, Công ty Cho thuê Tài chính I – Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với bị đơn Công ty Cổ phần Bảo hiểm Petrolimex. Hoặc vụ tranh chấp giữa Công ty TNHH Thái Bình Minh với Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh.

Trong hai vụ tranh chấp này, bên công ty bảo hiểm không có tài liệu chứng minh là bên được bảo hiểm đã cố ý gây tai nạn chìm tàu để yêu cầu bồi thường tổn thất. Tuy nhiên, bên được bảo hiểm cũng có một phần lỗi như thuyền viên không có chứng chỉ hành nghề, không cảnh giới tốt… Lẽ ra phải xác định là lỗi hỗn hợp thì tòa cấp phúc thẩm lại xác định lỗi hoàn toàn thuộc về bên bảo hiểm hoặc bên được bảo hiểm. Vì vậy, cả hai vụ đều bị cấp giám đốc thẩm hủy án phúc thẩm để giải quyết lại.

Theo Tòa Kinh tế, Bộ luật Dân sự có quy định về lỗi hỗn hợp, trong khi Luật Kinh doanh bảo hiểm và Bộ luật Hàng hải lại không quy định. Vì vậy, khi giải quyết án, các tòa không chỉ căn cứ vào sự kiện bảo hiểm xảy ra để xác định trách nhiệm bồi thường mà còn phải xem xét rõ lỗi của các bên nhằm đánh giá chính xác mức bồi thường tương ứng.

Giám định xây dựng phải khách quan

Tòa Kinh tế lưu ý: Khi giải quyết các tranh chấp hợp đồng xây dựng, nhiều tòa đã thực hiện việc trưng cầu giám định không đúng quy định. Vụ tranh chấp hợp đồng xây dựng giữa Công ty Xây dựng Hoàng Thắng với Công ty TNHH Tâm Phúc Lợi là một ví dụ điển hình.Trong vụ án này, hai công ty tranh chấp về khối lượng công việc đã được nghiệm thu và chưa nghiệm thu. Cả hai cấp tòa sơ, phúc thẩm chỉ căn cứ vào kết quả kiểm định của cơ quan kiểm định do Công ty Hoàng Thắng mời để giải quyết án, trong khi phía Công ty Tâm Phúc Lợi không đồng ý. Việc này không đảm bảo khách quan, không đúng luật.

Theo Tòa Kinh tế, việc giám định trong lĩnh vực xây dựng phải tuân theo các Thông tư số 03/2011, số 35/2009 và 27/2009 của Bộ Xây dựng. Trong trường hợp đôi bên tranh chấp về khối lượng, chất lượng công việc thực tế đã làm thì các tòa phải yêu cầu các bên thỏa thuận lựa chọn cơ quan giám định. Nếu không thỏa thuận được thì một trong các bên yêu cầu và tòa sẽ ra quyết định trưng cầu giám định. Chỉ có như vậy thì kết quả giám định mới đúng pháp luật.

Tín dụng: Phải xác định tài sản chung hay riêng

Hiện nay có nhiều trường hợp chỉ ghi tên chồng (vợ) trên giấy đỏ, giấy hồng chứ không ghi tên cả hai. Sau khi chồng (vợ) đem thế chấp nhà, đất thì có phòng công chứng yêu cầu cả hai vợ chồng cùng ký vào hợp đồng thế chấp, có nơi lại không. Đến khi tranh chấp ra tòa, có tòa chấp nhận hợp đồng thế chấp chỉ có một mình chồng (vợ) ký là hợp pháp nhưng cũng có tòa tuyên bố hợp đồng vô hiệu.

Ngoài ra, có không ít trường hợp người đứng tên trên giấy tờ mang tài sản đi thế chấp bảo lãnh và cố tình giấu không cho ngân hàng biết đây là tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng. Vì vậy, hợp đồng bảo đảm sau đó được công chứng, chứng thực và đăng ký giao dịch bảo đảm. Khi giải quyết tranh chấp liên quan đến hợp đồng bảo đảm, có tòa chưa xác minh là tài sản thuộc sở hữu chung hay riêng đã vội tuyên án, dẫn đến việc bản án bị xem xét lại.

Chẳng hạn vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng tại Đà Nẵng giữa Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Á với Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Tuyết Trang. Trong vụ này, bà Lê Thị Tuyết Trang đã dùng tài sản nhà, đất do bà đứng tên để đảm bảo khoản vay của công ty tại ngân hàng. Tòa sơ thẩm công nhận sự thỏa thuận giữa bà Trang với ngân hàng về việc xử lý tài sản bảo đảm nhưng lại không làm rõ khối tài sản này là tài sản riêng hay chung của vợ chồng bà Trang. Đồng thời, trước khi tòa thụ lý vụ kiện, một tòa án khác đã thụ lý vụ án ly hôn của vợ chồng bà Trang, trong đó có cả yêu cầu phân chia tài sản đang thế chấp nói trên. Vì vậy, sau khi tòa ra quyết định công nhận sự thỏa thuận trong vụ kinh doanh thương mại thì chồng bà Trang đã có đơn đề nghị cấp giám đốc thẩm xem lại về phần xử lý tài sản bảo đảm.

Theo Tòa Kinh tế, khi giải quyết các trường hợp này, các tòa địa phương cần phải xác minh, làm rõ khối tài sản bảo đảm là tài sản chung hay riêng, căn cứ vào Luật Hôn nhân và Gia đình cùng Nghị quyết số 02/2000 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.

Trên thực tế, có trường hợp đã chuyển nhượng tài sản cho người khác nhưng vẫn đem thế chấp, bảo lãnh để đảm bảo cho một khoản vay trong hợp đồng tín dụng. Hoặc có trường hợp làm giả cả giấy đỏ, giấy hồng để thế chấp, bảo lãnh và qua mặt được công chứng viên.

Theo Tòa Kinh tế, khi giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản thế chấp như trên, các tòa cần phải yêu cầu đương sự cung cấp chứng cứ để chứng minh nguồn gốc tài sản, ai đang quản lý, sử dụng tại thời điểm giải quyết. Đồng thời, tòa cũng phải tiến hành xác minh. Trên cơ sở đó mới xác định được những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để đưa họ vào tham gia tố tụng…

Nguồn phapluatttp.vn

{fcomment}

Comments are closed.