Tập đoàn bảo hiểm tiền gửi Mỹ muốn cải tổ Citigroup

citigroup0805b.jpgChủ tịch tập đoàn bảo hiểm tiền gửi Mỹ Sheila Bair muốn cải tổ ban lãnh đạo, đánh giá lại sức khỏe ngân hàng này.

FDIC đang thúc đẩy cải tổ lãnh đạo cao cấp tại Citigroup, gây sức ép lên CEO Vikram Pandit, một nguồn tin giấu tên cho biết.

Việc FDIC mạnh tay với tổ chức tài chính lớn và lắm vấn đề nhất nước gây tranh cãi giữa các nhà điều tiết – một số không đồng tình với bước đi của FDIC – và giữa FDIC và Citigroup, khi các quan chức ở đây cáo buộc bà Bair lạm quyền.

Citigroup đã thu gọn hoạt động và giải quyết mớ hổ lốn tài chính. Tháng trước, kết quả thanh tra ngân hàng này của FED tốt hơn dự kiến.

Một số quan chức trong chính phủ vẫn chán nản vì nhịp độ thay đổi tại Citi. Đặc biệt, FDIC lo ngại thiếu quan chức cao cấp có kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng thương mại.

Các quan chức liên bang đã tiếp xúc với Jerry Grundhofer, cựu CEO của U.S. Bancorp và hiện đang ở trong HĐQT Citi, thử xem ông có hứng thú với công việc này không.

Thái độ quyết liệt của FDIC ngay trước đợt cải tổ hệ thống giám sát tài chính lớn của chính quyền Obama dự kiến vào giữa tháng 6. Một vài cơ quan điều tiết, gồm cả FDIC, đang muốn giành thêm quyền lực.

Gia tăng ảnh hưởng

Ảnh hưởng của FDIC gia tăng trong năm ngoái vì bà Bair muốn thách thức các đồng nghiệp của mình, cũng như vai trò trung tâm của cơ quan bà trong khủng hoảng tài chính. Bà Bair đã cảnh báo về cuộc khủng hoảng nhà đất trước nhiều đồng nghiệp của mình.

FDIC gần như không bao giờ tham gia quản lý các công ty lớn, nhưng nó đang tài trợ cho thỏa thuận chia sẻ thua lỗ khoảng 300 tỷ USD với Citi.

Nó cũng bảo hiểm cho nhiều tài khoản của Citi tại các ngân hàng Mỹ. Citigroup đã phát hành gần 40 tỷ USD nợ do FDIC bảo đảm kể từ tháng 12.

Kể từ cuối năm 2007, Citigroup đã bút toán giảm và vỡ nợ cho vay 50 tỷ USD. Tình hình tại Citi này tồi tệ hơn nhiều các ngân hàng khác, gần đây nhiều trong số đó đã phải huy động thêm hàng tỷ USD.

FED, trong đợt thanh tra 19 ngân hàng lớn nhất nước gần đây, ước tính Citigroup có thể phải chịu 104,7 tỷ USD nợ xấu cho đến năm 2010 theo kịch bản kinh tế tồi tệ nhất của chính phủ. Đợt thanh tra phát hiển Citi có thể lỗ thêm 20 tỷ USD từ danh mục thẻ tín dụng khổng lồ.

Tuy vậy, kết luận của FED rằng Citi cần tăng vốn 5,5 tỷ USD để chống đỡ với bối cảnh kinh tế suy thoái khiến nhiều nhà đầu tư và giới phân tích bất ngờ, lo ngại công ty sẽ tiếp tục thâm hụt mạnh hơn.

Năm ngoái, dưới sức ép từ các cơ quan điều tiết, ngài Pandit đồng ý thu hẹp gã khổng lồ tài chính này và từ bỏ các tài sản rủi ro, gồm cả tách nhánh môi giới Smith Barney thành một công ty liên doanh với Morgan Stanley.

Mối bất hòa giữa Citigroup và FDIC bắt đầu từ mùa thu năm ngoái. Tháng 9, Citigroup đồng ý mua lại Wachovia Corp. trong một thương vụ có sự đạo diễn từ chính phủ. Tuy vậy, vài ngày sau, Wells Fargo & Co. nhảy vào chào giá cao hơn. Lãnh đạo Citigroup cảm thấy bị đâm sau lưng và chỉ trích bà Bair đã khuyến khích Wells Fargo vào cuộc.

Trong một hội nghị khi đó, ngài Pandit đã buông những lời tục tĩu về Chủ tịch FDIC, trái hẳn với tích cách mềm mỏng thường ngày.

Citigroup sau đó khởi kiện Wells Fargo và Wachovia, buộc tội họ hủy hợp đồng với Citigroup một cách phi pháp. Quan chức Citigroup cho rằng thương vụ bất thành đó chính là chất xúc tác khiến giá cổ phiểu Citigroup sụt thảm hại khiến ngân hàng này phải nhận tiền cứu trợ liên bang.

Hòa giải

Sau nhiều tháng không tiếp xúc với FDIC, trong vài tháng gần đây, các quan chức Citigroup đã cố hòa giải với cơ quan này.

Các thành viên HĐQT gồm cả ngài Chủ tịch mới Parsons đã tiếp cận các quan chức FDIC. Trong một tuyên bố công khai, bà Bair từ chối bình luận về Citigroup.

Tronng các cuộc nói chuyện riêng với vài cơ quan khác, các quan chức FDIC lập luận rằng chính phủ nên mạnh tay hơn với Citigroup. Ủy ban giám sát tiền tệ phản pháo rằng thay đổi ban lãnh đạo ngân hàng sẽ gây nhiều hậu quả. Cơ quan giám sát nhánh ngân hàng toàn quốc của Citigroup, tin rằng Citi cần thêm thời gian để xoay chuyển tình hình.

Tháng 3, các quan chức cao cấp từ FDIC và Ủy ban giám sát tranh cãi về đánh giá sức khỏe bí mật chính phủ giành cho nhánh Citibank của tập đoàn này. FDIC muốn hạ đánh giá. Ngân hàng bị chấm điểm 4 hoặc 5 trên thang điểm từ 1 đến 5 bị xếp vào loại “có vấn đề”, nghĩa là có nguy cơ đổ vỡ lớn.

Quan chức chính phủ quyết định không xếp Citigroup vào loại “có vấn đề” trong danh sách vào cuối tháng 3.

Các quan chức Citigroup vẫn tin rằng FDIC sẽ đưa họ vào danh sách “có vấn đề” nếu họ không sa thải ngài Pandit. Họ lo ngại rằng nếu ở trong danh sách thì khả năng tiếp cận các chương trình liên bang, tìm đối tác kinh doanh và lôi kéo khác hàng của Citigroup sẽ gặp hạn chế.

Minh Tuấn (Theo FT)

Comments are closed.