Tp. Hồ Chí Minh bắt đầu chi trả bảo hiểm thất nghiệp

Khác với các tỉnh thành khác, Tp. Hồ Chí Minh thí điểm giao cho Trung tâm Giới thiệu việc làm (thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) phụ trách mảng bảo hiểm thất nghiệp. Từ ngày 4/1/2010, trung tâm này chính thức thực hiện chi trả bảo hiểm thất nghiệp.

Để tạo thuận lợi cho người lao động đến đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp, Trung tâm thành lập 6 địa điểm tiếp nhận đăng ký. Ngoài địa điểm 1 đặt tại văn phòng chính của trung tâm, các địa điểm còn lại đều nằm tại các khu vực tập trung đông khu công nghiệp, khu chế xuất.

Bà Trịnh Thị Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Bắt đầu từ ngày 4/1/2010, các địa điểm tiếp nhận đăng ký bảo hiểm thất nghiệp của trung tâm đã chuẩn bị xong nhân sự để chính thức hoạt  động. Ngoài ra, để tạo điều kiện tốt cho người lao động, Tp.HCM còn cải tiến hình thức chi trả, cho phép người lao động chọn một trong hai hình thức: nhận trợ cấp trực tiếp tại các địa điểm chi trả hoặc nhận qua thẻ ATM”.

Bà Nguyễn Thị  Dân, Trưởng phòng Lao động – Tiền công – Tiền lương (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Tp.HCM) cho biết, người lao động có thể đăng ký nhận bảo hiểm thất nghiệp tại bất cứ văn phòng nào tiện lợi nhất cho mình và có thể chọn hình thức nhận tiền mặt hoặc sẽ được làm thẻ ATM của Ngân hàng Đông Á miễn phí.

Theo số liệu từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, trên địa bàn Tp.HCM có khoảng 3 triệu lao động, trong đó gần 1,5 triệu lao động tham gia bảo hiểm xã hội và gần 1,3 triệu lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Theo dự báo, năm 2010 sẽ có khoảng 470.000 lao động thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động (khoảng 30.000 người/tháng).

Đến ngày 1/1/2010, các đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp nếu thất nghiệp sẽ đủ điều kiện để được hưởng trợ cấp thất nghiệp (tham gia tối thiểu 12 tháng), các đơn vị chức năng sẽ bắt đầu chi trả trợ cấp này cho người lao động.

Vừa qua, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tp.HCM đã ký quyết định số 5941/QĐ-UBND về bổ sung dự toán chi ngân sách để thực hiện chế độ đóng bảo hiểm thất nghiệp năm 2009. Theo đó Ủy ban sẽ giao bổ sung chỉ tiêu dự toán chi ngân sách cho các sở, ban, ngành và ủy ban nhân dân các quận, huyện để chi đóng bảo hiểm thất nghiệp năm 2009 là gần 10 tỷ đồng. Trong đó bổ sung cho các đơn vị sở, ban, ngành là trên 3 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Dân khẳng định: người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp đủ 1 năm khi mất việc sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp, giới thiệu việc làm mới hoặc tư vấn học nghề phù hợp.

Ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhấn mạnh rằng, đây là chính sách mới có tác động trực tiếp đến người lao động, người sử dụng lao động và vấn đề an sinh xã hội, nhằm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ thất nghiệp.

Với những quy định như phải đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật; đã đăng ký với cơ quan lao động khi bị mất việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động và chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày đăng ký với cơ quan lao động theo qui định, tối thiểu phải tới 1/1/2010, các lao động bị thất nghiệp có đóng bảo hiểm thất nghiệp mới bắt đầu được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Trong năm 2009 mới tiến hành thu phí bảo hiểm thất nghiệp. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền trợ cấp thất nghiệp sẽ là 3 tháng nếu có từ đủ 12 tháng đến dưới 36 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp; 6 tháng nếu có đủ 36 tháng đến dưới 72 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp; 9 tháng nếu có từ đủ 72 tháng đến dưới 144 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp; 12 tháng nếu có từ đủ 144 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp trở lên.

Cũng theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đến nay, bộ này cũng vẫn chưa nhận được thông báo về số lao động thất nghiệp của cả nước.

Các từ khóa theo tin:
(Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam)

Comments are closed.