Tổng doanh thu ngành Bảo hiểm đến năm 2020 sẽ đạt 4% GDP

Theo Chiến lược Phát triển thị trường bảo hiểm (BH) giai đoạn 2011 – 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 193/QĐ-TTg, đến năm 2020, thị trường BH dự kiến đạt tổng doanh thu 3% – 4% GDP; quy mô các quỹ dự phòng nghiệp vụ BH đến năm 2020 tăng gấp 4,5 lần so với năm 2010.

 

Đại diện cơ quan quản lý BH chụp ảnh cùng đại diện lãnh đạo các DNBH nhân thọ tại hội nghị thường niên thị trường bảo hiểm 2016.

Cơ bản hoàn thành mục tiêu Giai đoạn 2011 – 2015

Triển khai thực hiện Chiến lược Phát triển thị trường bảo hiểm (BH) theo Quyết định số 193/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (QLBH), Bộ Tài chính cho biết, trong giai đoạn 2011 – 2015, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan liên quan, việc triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp hoàn thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), thị trường BH đã duy trì mức độ tăng trưởng khá tích cực, các mục tiêu tổng quát của Chiến lược đã từng bước được thực hiện, bảo đảm yêu cầu đặt ra.

Theo đó, đến hết năm 2015, tổng doanh thu toàn thị trường BH đạt 84.506 tỷ đồng, đạt khoảng 2% GDP, hoàn thành chỉ tiêu nêu tại Quyết định 193/QĐ-TTg. Mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 – 2015 đạt 16,8%/năm, trong đó, lĩnh vực BH phi nhân thọ tăng bình quân 13,41%/năm, lĩnh vực BH nhân thọ tăng bình quân 22,9%/năm.

Cũng theo Cục QLBH, tính đến hết năm 2015, tổng dự phòng nghiệp vụ nhằm sẵn sàng đáp ứng nghĩa vụ chi trả bồi thường cho khách hàng của các DNBH đạt 119.540 tỷ đồng, tăng 2,16 lần so với năm 2010, hoàn thành chỉ tiêu nêu tại Quyết định 193/QĐ-TTg.

Tổng nguồn vốn đầu tư trở lại nền kinh tế của các DNBH giai đoạn 2011 – 2016 đạt 160.466 tỷ đồng, tăng gấp 2,02 lần so với năm 2010, hoàn thành vượt chỉ tiêu nêu tại Quyết định 193/QĐ-TTg, góp phần bổ sung nguồn vốn đầu tư dài hạn ổn định cho nền kinh tế. Trong đó, tổng số tiền đầu tư của các DNBH vào trái phiếu Chính phủ đạt gần 89.000 tỷ đồng, với 82% trái phiếu Chính phủ có thời hạn trên 5 năm, góp phần thực hiện thành công các kế hoạch phát hành trái phiếu của Chính phủ, ổn định kinh tế vĩ mô; các DNBH cũng đã đóng góp vào ngân sách nhà nước 7.558 tỷ đồng, tăng gấp 1,85 lần so với năm 2010.

Tính đến hết 2015, toàn thị trường BH có 1.189 sản phẩm BH. Các sản phẩm BH ngày càng đáp ứng nhu cầu BH đa dạng của các tổ chức, cá nhân, góp phần ổn định nền kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, khung khổ pháp lý về hoạt động kinh doanh BH dần được hoàn thiện theo hướng đơn giản hóa và giảm bớt thủ tục hành chính, tạo môi trường pháp lý đồng bộ, công khai, minh bạch và bình đẳng giữa các DNBH; công tác quản lý, giám sát nhà nước về kinh doanh BH cũng được đẩy mạnh theo hướng kết hợp giữa quản lý, giám sát từ xa và kiểm tra tại chỗ, tăng cường đối thoại trực tiếp với DNBH để giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ DNBH phát triển…

Theo báo cáo tự đánh giá của Diễn đàn các nhà quản lý BH Đông Nam Á, thị trường BH Việt Nam đã tuân thủ hoàn toàn 13/26 các nguyên tắc quản lý, giám sát BH theo thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, hoạt động quản lý, giám sát BH cũng được tăng cường và chuẩn hóa theo các chuẩn mực quản lý, giám sát do Hiệp hội Các nhà quản lý BH quốc tế ban hành, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển với các quốc gia trong khu vực.

Hoàn thiện môi trường pháp lý, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN

Phát biểu tại Hội nghị Thường niên thị trường BH 2016 mới đây, Cục trưởng Cục QLBH Phùng Ngọc Khánh cho biết, năm 2016 là năm bản lề cho việc thực hiện Chiến lược Phát triển thị trường BH giai đoạn 2016 – 2020.

Theo đó, nhằm hoàn thành mục tiêu của Chiến lược Phát triển thị trường BH đến năm 2020 tổng doanh thu ngành BH đạt 3% – 4% GDP; quy mô các quỹ dự phòng nghiệp vụ BH tăng gấp 4,5 lần so với năm 2010 (năm 2010 là 55.324 tỷ đồng); tổng nguồn vốn huy động cho nền kinh tế của các DNBH tăng gấp 3,5 lần so với năm 2010… Cục đã tổng kết đánh giá việc thực hiện các giải pháp phát triển thị trường BH giai đoạn 2011 – 2015, trên cơ sở đó đã trình Bộ Tài chính các giải pháp phát triển thị trường BH giai đoạn 2016 – 2020.

Cụ thể, trong giai đoạn 2016 – 2020, Cục sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh BH, chú trong vào sửa Luật Kinh doanh BH số 24/2000/QH10 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh BH số 61/2010/QH12. Đồng thời, ban hành Nghị định thay thế các Nghị định về kinh doanh BH, tập trung vào các nhóm vấn đề giúp đỡ, hỗ trợ, thúc đẩy DN tăng trưởng hiệu quả…

Bên cạnh đó, sẽ giám sát, đôn đốc DNBH tự đánh giá, xếp loại theo quy định, để có biện pháp quản lý, giám sát phù hợp, đảm bảo duy trì an toàn tài chính và hiệu quả hoạt động của DN. Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ các DNBH phát triển và đa dạng hóa sản phẩm BH; đa dạng và chuyên nghiệp hóa các kênh phân phối BH như phân phối BH qua thương mại điện tử, phân phối BH qua điện thoại di động…

Lãnh đạo Cục cũng cho biết, trong giai đoạn 2016 – 2020 sẽ đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra, giám sát DNBH để có những khuyến nghị, cảnh báo kịp thời cho các DNBH và sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách cho phù hợp với thực tế. Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý, đảm bảo thực hiện tốt chức năng quản lý, giám sát, hỗ trợ thị trường BH phát triển an toàn, ổn định, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia BH, sớm hoàn thành mục tiêu đề ra./.

Trong giai đoạn 2011 – 2015, tổng giá trị được BH là 11,7 triệu tỷ đồng, trong đó tổng giá trị kinh tế tài sản được BH của khu vực doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế lên tới hơn 10 triệu tỷ đồng, tổng giá trị được BH trong lĩnh vực BH nhân thọ là 1 triệu tỷ đồng; trong lĩnh vực BH y tế, sức khỏe là 700 nghìn tỷ đồng.

Theo (TBTCVN)

Comments are closed.