(Webbaohiem) – Theo báo cáo mới đây của Công ty bảo hiểm Doanh nghiệp và Chuyên biệt toàn cầu Allianz (AGCS), “giá trị trung bình 1 vụ khiếu nại lớn về bảo hiểm tài sản gián đoạn kinh doanh (GĐKD) hiện nay đã vượt trên 2,4 triệu USD, cao hơn 36% so với giá trị trung bình 1 vụ khiếu nại bảo hiểm tài sản tương ứng là 1,7 triệu USD”.
Bản báo cáo có tựa đề: “Nhìn lại khiếu nại bảo hiểm toàn cầu năm 2015: trọng tâm Bảo hiểm gián đoạn kinh doanh”, phân tích hơn 1.800 vụ khiếu nại lớn về bảo hiểm GĐKD từ 68 quốc gia trong giai đoạn 2010-2014 với tổng giá trị trên 3,2 tỷ USD. Báo cáo kết luận: “Khiếu nại bồi thường bảo hiểm GĐKD đang tăng lên cả về tần suất và mức độ nghiêm trọng, và ngày nay tỷ trọng của tổn thất bảo hiểm GĐKD trong tổng giá trị tổn thất cao hơn rất nhiều so với 10 năm trước”.
Ông Chris Fischer Hirs, Tổng Giám đốc AGCS, giải thích: “Sự tăng lên của khiếu nại bảo hiểm GĐKD có nguyên nhân chính từ sự gia tăng liên kết lẫn nhau giữa các doanh nghiệp, chuỗi cung ứng toàn cầu và quy trình sản xuất tinh gọn (lean production). Nếu như trong quá khứ, một vụ cháy, nổ lớn chỉ ảnh hưởng một hoặc hai doanh nghiệp thì giờ đây, tổn thất gây tác động tới ngày càng nhiều doanh nghiệp, thậm chí đe dọa tới toàn ngành trên phạm vi toàn cầu. Với đội ngũ chuyên gia nghiên cứu sâu về vấn đề này, AGCS có đầy đủ năng lực để xử lý rủi ro GĐKD”.
Những vụ tổn thất bảo hiểm GĐKD lớn nhất thế giới
Theo phân tích của AGCS, phần lớn các vụ tổn thất GĐKD có nguồn gốc từ công nghệ hoặc con người (88%) chứ không phải từ thiên tai. 10 nguyên nhân hàng đầu gây ra tổn thất GĐKD chiếm tới hơn 90% giá trị tổn thất, trong đó hỏa hoạn và nổ là các nguyên nhân chính – chiếm 59% tổng giá trị tổn thất GĐKD toàn cầu.
Dưới đây là 10 nguyên nhân hàng đầu gây ra rủi ro GĐKD xếp theo giá trị tổn thất, giai đoạn 2010-2014:
1 – Cháy, nổ
2 – Bão
3 – Đổ vỡ máy móc
4 – Lỗi thiết kế/nguyên vật liệu/sản xuất
5 – Đình công/bạo loạn/phá hoại
6 – Mất diễn viên (ngành giải trí)
7 – Lụt
8 – Đổ, sập
9 – Rủi ro con người/ rủi ro hoạt động
10 – Mất điện
Tại Bắc Mỹ, cháy, nổ chiếm tới 52% tổn thất GĐKD, tiếp sau đó là bão (14%) và mất diễn viên trong ngành giải trí (8%).
Xu hướng bảo hiểm gián đoạn kinh doanh
Bản báo cáo kết luận: tổn thất GĐKD trung bình “cao nhất đối với các tổn thất có nguồn gốc năng lượng với 4,3 triệu USD, tài sản 2,4 triệu USD, máy móc 1 triệu USD và giải trí 300.000 USD”.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng “chi phí bồi thường các vụ tổn thất bảo hiểm năng lượng lớn đang tăng lên, trong đó bảo hiểm GĐKD đang chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng giá trị tổn thất do các nhà máy lọc dầu có quy mô lớn và gia tăng sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các doanh nghiệp”.
“Trong ngành giải trí, rủi ro ốm đau hay tai nạn của diễn viên là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến gián đoạn kinh doanh, chiếm tới 60% tổng số khiếu nại bồi thường. Thương tích hay bệnh tật của các ngôi sao có thể khiến hoạt động sản xuất phải trì hoãn, dẫn tới thiệt hại hàng triệu USD. Việc tạo các hiệu ứng trong phim thường rất tốn kém và phải ký hợp đồng thuê các chuyên gia bên ngoài, nên nếu quá trình đóng phim bị lùi lại, sẽ gây tổn thất rất lớn”.
Ngoài ra, cũng xuất hiện những rủi ro mới. Theo AGCS, nguyên nhân là do “ảnh hưởng của sự liên kết lẫn nhau và phụ thuộc lẫn nhau”, và đang trở thành “mối quan ngại ngày càng lớn, đóng vai trò quan trọng trong nhiều rủi ro mới xuất hiện như biến đổi khí hậu, rủi ro mạng máy tính, bệnh dịch và mất nguồn điện”.
Ông Alexander Mack, Giám đốc Khiếu nại bồi thường AGCS, chỉ ra rằng “Rủi ro GĐKD cao nhất đối với những ngành có mức độ liên kết cao và giá trị công nghệ cao, hoặc có sự tập trung rủi ro tại một địa điểm, như công nghiệp ô tô, chế tạo bán dẫn, các nhà máy điện và hóa dầu. “Chuỗi cung ứng hiện đại khá linh hoạt và tiết kiệm chi phí, song lại rất dễ bị đổ vỡ. Ngày nay, bảo hiểm GĐKD đang trở thành một bộ phận không thể thiếu trong đơn bảo hiểm của nhiều doanh nghiệp trên thế giới”.
(Theo Allianz Global Corporate & Specialty).
Comments are closed.