Tuần qua, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai phối hợp với Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Trung cấp nghề khu vực Long Thành – Nhơn Trạch đã tổ chức buổi tọa đàm “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Đồng Nai trong năm 2010 và giai đoạn tới”.
Ông Lâm Duy Tín – Phó Giám đốc Sở LĐ – TBXH tỉnh Đồng Nai cho biết: Mục đích của cuộc tọa đàm trên là nhằm gặp gỡ, đối thoại và tìm ra biện pháp tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong công tác đào tạo nguồn nhận lực và công tác tuyển dụng lao động giữa các cơ quan quản lý Nhà nước về lao động địa phương, các đơn vị đào tạo nghề và giới thiệu việc làm và các đơn vị tuyển dụng lao động.
Tại buổi tọa đàm, các đơn vị, doanh nghiệp cũng đã thẳng thắn nêu ra những vấn đề bức xúc như: Công tác đào tạo nghề hiện nay chưa sát với nhu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt là về kỹ năng, tác phong công nghiệp của lao động cũng chưa được thiết kế theo tiêu chuẩn công nghiệp. Các cơ sở đào tạo chưa chủ động trong việc phối hợp với các doanh nghiệp để tiếp nhận thông tin phục vụ đào tạo; chưa có kênh thông tin để kết nối doanh nghiệp với nhà trường và cơ quan quản lý lao động địa phương; nhu cầu lao động tuyển khó, lao động phổ thông thường xuyên nghỉ việc và nghỉ số lượng nhiều, tính kỷ luật lao động còn hạn chế và chưa được định hướng học để làm gì. Đặc biệt là, phương pháp giảng dạy học chưa được sự hỗ trợ tích cực, thường xuyên cho học sinh ngay từ khi đang ngồi trên ghế nhà trường. Nhiều lao động sau khi được tuyển dụng vào làm việc chỉ quan tâm duy nhất một việc làm của mình đã được ký kết trong hợp đồng mà không quan tâm đến một số công việc khác khi doanh nghiệp cần. Với thái độ này sẽ gây phản cảm và khó có thể làm việc lâu dài.
Đại diện lãnh đạo của Công ty Mabuchi Việt Nam tại Đồng Nai đã nêu ra một dẫn chứng mà công ty khảo sát người lao động đã qua đào tạo cho thấy 40% kiến thức học ở trường ứng dụng rất ít hoặc không liên quan gì đến công việc đang làm. Ngoài ra, người lao động hiện rất hạn chế kỹ năng về tin học, ngoại ngữ, vận hành máy móc, đặc biệt là các thiết bị, máy móc hiện đại.
Kết thúc buổi tọa đàm, các đơn vị, doanh nghiệp, các trường đào tạo nghề và trung tâm giới thiệu việc làm đã thống nhất trong thời gian tới sẽ phối hợp hỗ trợ các trường đào tạo nghề, trung tâm giới thiệu việc làm huấn luyện giáo viên, học sinh sinh viện thực tập tại doanh nghiệp. Các trường, trung tâm GTVL sẽ có kế hoạch cụ thể trong việc đăng ký với các đơn vị, doanh nghiệp cho giáo viên tham quan và học sinh thực tập tại nhà máy. Trường và doanh nghiệp sẽ chủ động phối hợp thông tin, kế hoạch đào tạo giáo viên, học sinh thực tập, đặc biệt hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo, lao động ở tỉnh xa có công ăn việc làm và thu nhập ổn định. Đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển của doanh nghiệp hiện nay.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Comments are closed.