Tăng uy tín với các nhà nhập khẩu Mỹ: DN cần có bảo hiểm vận chuyển và trác

Trong buổi hội thảo “Những rủi ro trong xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mỹ” được tổ chức mới đây tại TP.HCM, ông Terence Aderson, Tổng giám đốc AIG Việt Nam cho biết, để tăng tính cạnh tranh ở thị trường Mỹ và thêm uy tín với các nhà nhập khẩu Mỹ, DN Việt Nam nên có bảo hiểm phòng ngừa rủi ro cho hàng hóa trong vận chuyển và bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm.
Trong buổi hội thảo “Những rủi ro trong xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mỹ” được tổ chức mới đây tại TP.HCM, ông Terence Aderson, Tổng giám đốc AIG Việt Nam cho biết, để tăng tính cạnh tranh ở thị trường Mỹ và thêm uy tín với các nhà nhập khẩu Mỹ, DN Việt Nam nên có bảo hiểm phòng ngừa rủi ro cho hàng hóa trong vận chuyển và bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm. Vì sao cần bảo hiểm vận chuyển hàng hóa. Thường một lô hàng từ khi xuất xưởng đến tay người tiêu dùng phải qua nhiều khâu vận chuyển (hàng không, thủy, bộ…), chuyển tải qua nhiều chặng, qua nhiều thời gian lưu kho, bãi, bến cảng… Vì thế chuyện bị hư hỏng, hao hụt, mất cắp… luôn có nguy cơ xẩy ra ngoài ý muốn của các đơn vị vận chuyển. Theo thống kê của Tập đoàn AIG, hàng hóa bị tổn thất trong quá trình vận chuyển do va đập là 44% (các container va vào nhau trong quá trình bốc dỡ, ngã  đổ do sắp xếp không hợp lý), 30% do ngẫu nhiên (chất lượng sản phẩm), 20% do trộm cướp (mất toàn bộ, bị tráo hàng…), cháy nổ, mắc cạn, 6% do bị ướt. Ngoài ra còn có trường hợp khi gặp sự cố trên đường vận chuyển, thuyền trưởng có thể quyết định hy sinh một phần hàng hóa để cứu những phần còn lại và những chủ hàng khác phải chịu khoản chi phí cho chủ hàng bị hy sinh. Hàng hóa từ Việt Nam sang Mỹ sẽ phải qua nhiều chặng, nhiều phương tiện vận chuyển hơn so các nước vì thế việc hư hỏng, hao hụt, mất cắp… có nguy cơ xảy ra nhiều hơn. Thường quy trình này là từ nhà sản xuất vận chuyển đường bộ đến các cảng, trung chuyển sang cảng khu vực như Singapore (vì tàu nước ngoài trọng tải 4, 5 ngàn DWT không vào được các cảng Việt Nam), vận chuyển trên biển đến cảng của Mỹ, vận chuyển từ cảng Mỹ đến các kho hàng của nhà nhập khẩu Mỹ, vận chuyển đến các đại lý, cửa hàng trong các bang của Mỹ… rồi mới đến người tiêu dùng. Khi xảy ra sự cố, dù các hãng tàu cũng có trách nhiệm, nhưng thường có mức bồi thường ở mức độ nhất định và lệ thuộc vào nhiều yếu tố, trong khi nhà sản xuất sẽ bị mất uy tín với đối tác do không có sản phẩm giao đúng hạn, sản phẩm bị hư hỏng, bị đánh tráo, không đủ số lượng… Điều này dẫn đến nguy cơ sẽ mất các hợp đồng kế tiếp, tổn hại đến uy tín, hoạt động của nhà sản xuất. Bà Vũ Hồng Vân, Trưởng Bộ phận bảo hiểm vận chuyển của AIG tại Việt Nam cho biết, hiện đa phần các DN Việt Nam đều mua bảo hiểm hàng hóa trong vận chuyển, nhưng loại bảo hiểm này thường thông qua các chủ tàu khi có hàng xuất khẩu. Đây là bảo hiểm truyền thống cho một lô hàng vì thế điều kiện đền bù thường không tốt, trong khi nếu sử dụng loại bảo hiểm mở (bảo hiểm toàn bộ hàng hóa cho DN trong xuất nhập khẩu), bảo hiểm năm (trọn năm cho tất cả các loại hàng hóa) sẽ có điều kiện đều bù tốt hơn và DN còn có thể tính được giá thành sản phẩm ổn định. Theo kinh nghiệm của mình, ông Terence Aderson cho rằng, nếu DN Việt Nam mua các hợp đồng bảo hiểm hàng hóa vận chuyển từ các đơn vị bảo hiểm có uy tín trên thương trường thì độ an toàn cho hàng hóa trong vận chuyển sẽ cao hơn, và đây cũng sẽ là một trong những yếu tố giúp tăng uy tín đối với các nhà nhập khẩu Mỹ. Và bảo hiểm trách nhiệm hàng hóaMột loại hình bảo hiểm nữa mà DN Việt Nam cần có khi xuất khẩu hàng sang Mỹ là bảo hiểm trách nhiệm hàng hóa. Ông Marc Breuil, Trưởng bộ phận bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm Công ty AIG khu vực Đông Nam á và đại lục Trung Quốc cho biết, dù với tư cách là nhà sản xuất, nhà cung cấp, người kinh doanh hay nhà xuất, DN đều phải đối mặt với rủi ro về trách nhiệm sản phẩm. Bởi trong thực tế, bất kỳ một mắt xích nào trong dây chuyền thương mại cũng đều gánh chịu rủi ro này. Và nhà sản xuất hoàn thiện nào trên thế giới cũng có thể sẽ phải đối mặt với những khiếu nại phát sinh từ các cấu phần hoặc chi tiết sản phẩm mà họ nhập từ các nhà sản xuất thiết bị ban đầu, vì trách nhiệm sản phẩm có thể mở rộng đến mọi khâu từ đóng gói, vỏ bao bì, các chi tiết, phụ kiện… Như thế với tư cách là một khâu trong quy trình thương mại, DN sẽ luôn đối mặt với những rủi ro trên. Nhiều DN cho rằng, họ có thể tin tưởng tuyệt đối sản phẩm của mình không tì vết nên sẽ tránh được nguy cơ này, nhưng có thể họ sẽ gặp rắc rối khi người sử dụng chúng sai mục đích. Tại một số nước, thậm chí việc cố ý sử dụng sai mục đích cũng có thể trở thành căn cứ để tiến hành một khiếu kiện về trách nhiệm sản phẩm. Mặc dù một số trường hợp người bị kiện liên quan đến trách nhiệm sản phẩm có thể thắng tại toà, song hầu hết các vụ kiện đều kéo theo một quy trình pháp lý tốn kém cả thời gian lẫn tiền bạc. Ông Marc Breuil cho biết, ở Mỹ thường đa số các vụ kiện của người tiêu dùng đều thành công. Vì ở Mỹ có hệ thống các luật sư chuyên về các vụ kiện này và họ có phương châm “Không thắng không nhận tiền”, nhưng lúc thắng họ hưởng đến 30% giá trị đền bù theo phán quyết của toà án. Nhiều DN cũng cho rằng, việc áp dụng những chuẩn mực khắt khe của các tiêu chuẩn quốc tế như ISO, HACCP… sẽ an toàn. Thật ra các tiêu chuẩn này chỉ có thể giảm thiểu một phần rủi ro, không thể loại bỏ hoàn toàn rủi ro về trách nhiệm sản phẩm. Đã có những trường hợp người sử dụng không áp dụng đúng kỹ thuật dẫn đến sự cố rồi gây khó khăn cho DN dù trên sản phẩm có ghi rõ chỉ dẫn. Song các luật sư chuyên nghiệp sẽ bỏ công tìm những khiếm khuyết của sản phẩm liên quan gián tiếp đến tai nạn để thắng kiện. Trước các nguy cơ kiện cáo như thế, nên hầu hết các nhà phân phối tại Mỹ đều cần được đảm bảo rằng họ cũng đang được bảo vệ trước những nguy cơ kiện tụng này. Vì thế sản phẩm nào có bảo hiểm trách nhiệm hàng hóa sẽ được họ ưu tiên trong xem xét nhập hàng.
Hàng hóa Việt Nam ngày càng xâm nhập mạnh và sâu vào thị trường của Mỹ, để cạnh tranh và để được ưu tiên nhập hàng từ các nhà nhập khẩu Mỹ, sản phẩm nên có bảo hiểm trách nhiệm hàng hóa. Hiện các loại sản phẩm có nguy cơ bị kiện nhiều nhất về trách nhiệm hàng hóa tại Mỹ là bàn ghế, đồ điện – thiết bị điện gia dụng, xe đạp, ôtô, thực phẩm chế biến… Ngọc Long

Comments are closed.