Tăng tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng giao thông

tainan_resize.jpgCả nước đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa, phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó có hệ thống giao thông vận tải là vấn đề vô cùng cấp thiết. Các đơn vị thuộc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) hiện có khoảng 220 nghìn lao động đang làm việc trên khắp mọi miền tổ quốc. Với đặc thù công việc, nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp rất cao, đặc biệt là khối xây dựng cơ bản.

Thời gian gần đây, dư luận cả nước đã không ít lần bàng hoàng, xót xa trước các vụ tai nạn lao động (TNLĐ) nghiêm trọng trong lĩnh vực xây dựng cơ bản giao thông. Bên cạnh những yếu tố khách quan, nhiều ý kiến đã nêu rõ sự chủ quan và thiếu quan tâm thích đáng tới vấn đề này. 

Tai nạn nối tiếp tai nạn

Trên thực tế, những năm qua, ngành GTVT luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao tới công tác bảo hộ lao động, nhưng đáng tiếc, số vụ tai nạn vẫn cao. Theo Chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam Tạ Đăng Mạnh, thì tỷ lệ TNLĐ trong ngành thường giữ vị trí thứ 3 sau ngành Công thương và Xây dựng. Điều đáng nói là số vụ tai nạn trên các công trường xây dựng giao thông lại có chiều hướng diễn biến phức tạp.

Tại hội nghị về công tác an toàn lao động do Bộ GTVT tổ chức mới đây đã có nhiều ý kiến bàn thảo nhằm đánh giá, hạn chế tình trạng TNLĐ hiện nay. Bởi lẽ vài năm qua, trong lĩnh vực xây dựng giao thông này đã xảy ra những tai nạn kinh hoàng. Điển hình nhất là vụ sập 2 nhịp cầu dẫn cầu Cần Thơ ngày 26/9/2007 làm 54 người chết, 80 người bị thương. Đây là một trong những vụ tai nạn lao động đau buồn nhất trong lịch sử xây dựng cầu đường Việt Nam cũng như thế giới. Tưởng như sau vụ tai nạn đáng tiếc này, tình hình sẽ được cải thiện, nhưng ngay đầu năm 2009 liên tiếp xảy ra hai vụ tai nạn nghiêm trọng khi thi công cầu, làm 6 người thiệt mạng. Vụ thứ nhất xảy ra ngày 10/3/2009 tại công trường cầu Chợ Đệm (TP Hồ Chí Minh) do Công ty cổ phần cầu 11 Thăng Long (Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long) thi công làm 1 người chết, 2 người bị thương. Vụ thứ hai nghiêm trọng hơn xảy ra ngày 12/4 tại công trình cầu Trà Ôn (Vĩnh Long) làm 5 người thiệt mạng. Công trình này do Công ty cổ phần cầu 12 (Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1) thi công. So với tai nạn giao thông, con số người thiệt mạng còn kém xa, nhưng những vụ tai nạn lao động này thường hết sức thương tâm, khiến dư luận bức xúc. 

Thiếu ý thức + chủ quan

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) Lê Thanh Hà, có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến an toàn lao động trong xây dựng giao thông. Về khách quan, các công trường giao thông vận tải thường trải dài trên nhiều địa bàn, nhiều nơi điều kiện thi công khó khăn, bị ảnh hưởng lớn từ thời tiết, địa chất…Công việc cần thực hiện cũng hết sức đa dạng, phức tạp như: đào đắp, nổ phá, kích kéo…Song ông Hà cũng thẳng thắn chỉ rõ, các nhà thầu (đặc biệt là nhà thầu tư nhân) chưa quan tâm thích đáng đến bảo đảm an toàn lao động, thường cắt giảm chi phí cho công tác này.

Chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam Tạ Đăng Mạnh tán đồng với đánh giá trên. Ông cho biết, công tác bảo đảm an toàn lao động tại các công trường xây dựng rất kém. Chi phí cho bảo hộ lao động nhìn chung là thấp, thường chưa đến 1% chi phí sản xuất, có nơi chỉ 0,5%. Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức rất bức xúc về những vụ việc đã xảy ra. Theo ông, ngoài những nguyên nhân nêu trên, thiết bị cũ kỹ, sử dụng thợ không đúng cấp bậc, chức danh công việc cùng sự non kém trong thiết kế phương án, tổ chức thi công cũng là nguyên nhân có thể gây ra TNLĐ nghiêm trọng.

Không chỉ nhà thầu chủ quan mà chủ đầu tư cũng thiếu trách nhiệm, khoán trắng cho nhà thầu. Sự thiếu quan tâm của chủ đầu tư thể hiện ngay trong hội nghị của Bộ. Khi Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng chỉ định đại diện của hai Ban Quản lý dự án lớn thuộc Bộ là Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận và Ban Quản lý dự án Thăng Long phát biểu tham luận thì… đều vắng mặt. Dĩ nhiên, ông Bộ trưởng không thể hài lòng và lập tức “phê bình vắng mặt”, đặc biệt là Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, chủ đầu tư 2 dự án xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng (sập cầu dẫn cầu Cần Thơ và cầu Chợ Đệm).

Sau hội nghị, Bộ GTVT sẽ có chỉ đạo gắt gao hơn về vấn đề này. Một số công việc phải làm ngay là kiện toàn nhân sự và tổ chức lực lượng làm công tác bảo hộ lao động, trong đó bố trí cán bộ chuyên trách cho công tác này; bố trí lao động đúng ngành nghề đào tạo. Ban Quản lý dự án ngoài việc chỉ đạo tư vấn, nhà thầu thực hiện nghiêm công tác an toàn lao động, còn phải cử cán bộ giám sát chặt chẽ an toàn lao động, bảo hộ lao động… Hy vọng với những biện pháp quyết liệt đó sẽ được thực hiện quyết liệt trên thực tế, nhằm hạn chế tối đa những vụ TNLĐ đáng tiếc xảy ra.

Theo Cauduongcang.com

 

Comments are closed.