Trong thời gian gần đây, hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) phát triển nhanh, mạnh cả về quy mô hoạt động và tốc độ tăng trưởng. Hầu hết các đơn vị đầu tư hệ thống công nghệ thông tin hiện đại trong các hoạt động kinh doanh đã mang lại hiệu quả, nâng cao uy tín, hình ảnh đơn vị, đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển ngoạn mục đó, còn những bất cập, xuất phát từ nguyên nhân chủ quan, khách quan mà nhiều NHTMCP chưa thực sự quan tâm khắc phục. Một trong những vấn đề đó là việc thực hiện quy định của Nhà nước về tính và nộp phí bảo hiểm tiền gửi (BHTG).
Sai sót thường gặp trong cách tính phí
Theo quy định, các tổ chức tham gia BHTG – trong đó gồm NHTMCP – có nghĩa vụ nộp phí BHTG bốn kỳ trong năm, định kỳ hàng quý với mức phí 0,15%/năm tính trên toàn bộ số dư bình quân được bảo hiểm.
Căn cứ đối tượng tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn tính, nộp phí BHTG của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (DIV), các NHTMCP tổ chức hạch toán kế toán và ứng dụng phần mềm tùy thuộc điều kiện của mỗi đơn vị để tính phí một cách nhanh chóng, đơn giản.
Thế nhưng, việc triển khai thực hiện tính và nộp phí BHTG tại một số NHTMCP thời gian qua chưa được quan tâm đúng mức, thậm chí được xem như là công việc hoàn thiện sau, mặc dù đã qua 8 năm thực hiện. Trong đó, nhiều NHTMCP từng được các đoàn kiểm tra của DIV kiến nghị khắc phục chỉnh sửa tại đợt kiểm tra trước đây, nhưng việc nộp thừa, thiếu phí vẫn tiếp tục xảy ra.
Qua đợt kiểm tra mới đây đối với các NHTMCP có trụ sở chính tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, 2/3 số đơn vị tính và nộp thừa phí, có đơn vị số phí nộp thừa lên tới trên tỉ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do các đơn vị chưa xác định đúng đối tượng tiền gửi được bảo hiểm và không loại trừ đối tượng không được bảo hiểm.
Điều này xuất phát từ việc, ngay từ đầu các đơn vị chưa thực sự quan tâm việc tổ chức hạch toán kế toán tiền gửi tiết kiệm của khách hàng là cá nhân, tiền gửi của tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế một cách thống nhất, đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước tại Quyết định 479/2004QĐ-NHNN và Quy chế tiền gửi tiết kiệm tại Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN.
Đồng thời, chưa chú trọng việc tổ chức hạch toán nhóm tiền gửi thuộc đối tượng tiền gửi được bảo hiểm. Từ đó dẫn đến việc tính phí cho cả số dư tiền gửi của tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế, tiền gửi bằng ngoại tệ là những đối tượng không được bảo hiểm, làm tăng chi phí không đáng có cho đơn vị, giảm đáng kể nguồn vốn trong thời gian dài mà không được phát hiện.
Một thách thức khác mà các NHTMCP đang phải tìm cách vượt qua, đó là trong điều kiện gia tăng một số lượng đáng kể các chi nhánh, điểm giao dịch mở ra, thì việc tìm kiếm, bố trí nguồn nhân lực lành nghề, phù hợp và ứng dụng kịp thời phần mềm cho hoạt động nói chung và cho công tác thống kê, báo cáo cũng như tính phí là việc làm khó khăn.
Xung quanh việc tính và nộp phí BHTG, đã nhiều năm nay các tổ chức tham gia BHTG có ý kiến với cơ quan chức năng sớm hoàn thiện, đưa cơ chế chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực hoạt động này đi vào cuộc sống, phù hợp với thực tế.
Hầu hết các đơn vị muốn sự minh bạch, công bằng trong chính sách BHTG, rằng họ phải nhận được lợi ích từ phía tổ chức bảo hiểm tiền gửi, tương xứng với nghĩa vụ đóng góp phí BHTG, như được cảnh báo sớm rủi ro, được hỗ trợ tài chính khi cần thiết…
Những đơn vị hoạt động lành mạnh không thể đánh đồng cùng với đơn vị yếu kém, với mức phí BHTG đồng hạng là 0,15%/năm như hiện nay. Hầu như các tổ chức tham gia BHTG đều thống nhất thu phí BHTG theo mức độ rủi ro và có những tiêu chí đánh giá, xếp hạng phù hợp, chính xác.
Những tồn tại, bất cập trong việc thực hiện chính sách pháp luật về BHTG, những yêu cầu tất yếu khách quan xuất phát từ thực tế hoạt động BHTG, đòi hỏi cấp thiết phải có cơ sở pháp lý cao nhất là Luật Bảo hiểm tiền gửi, đồng bộ, nhất quán với các luật khác liên quan.
Trên cơ sở pháp lý của luật, mọi hành vi hoạt động của tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động BHTG được điều chỉnh kịp thời, nâng cao trách nhiệm, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mỗi chủ thể tham gia, đặc biệt bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người gửi tiền.
Hiện nay, Luật về Bảo hiểm tiền gửi đã được đưa vào chương trình xây dựng của Quốc hội cuối năm 2008. Khi dự luật này được phê chuẩn và ban hành, quyền lợi của người gửi tiền được bảo vệ triệt để và đầy đủ hơn bởi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức BHTG được mở rộng, cụ thể và rõ ràng.
Nhưng dù ở mức nghị định hoặc cao hơn là luật, thì pháp luật về BHTG cũng đều công bằng và mỗi chủ thể là tổ chức, cá nhân tham gia đều có nghĩa vụ thực hiện theo quy định.
Một số khuyến nghị nhằm khắc phục
1. Các tổ chức tham gia BHTG tổ chức hạch toán đúng, đối tượng tiền gửi tiết kiệm của cá nhân, tiền gửi của tổ chức theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, để có cơ sở tính phí BHTG chính xác.
2. Trên cơ sở hạch toán đúng các loại tiền gửi và tiền gửi thuộc đối tượng được bảo hiểm, nên ứng dụng phần mềm phù hợp để tính phí BHTG một cách chính xác.
3. Có biện pháp theo dõi và hạch toán tiền gửi của các đối tượng phải loại trừ khỏi số dư tính phí như: Thành viên hội đồng quản trị, ban điều hành, ban kiểm soát…
4. Tổ chức, phân quyền kiểm tra, kiểm soát hệ thống tài khoản mở mới của tổ chức, cá nhân – đặc biệt đối với hệ thống NHTMCP giao dịch trực tuyến, trước khi cập nhật.
Theo Kinh Tế Và Đô Thị
Comments are closed.