Ngày 24/9/2010, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam và một số tổ chức quốc tế phối hợp tổ chức Hội thảo phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Tham dự hội thảo có bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Graig Burgess, Quyền Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam; đại diện các bộ, ngành, đoàn thể và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố.
Tại hội thảo, các đại biểu được nghe đại diện các bộ, ngành thông tin tổng quan về tình hình bạo lực, xâm hại trẻ em; bạo lực học đường; tội phạm xâm hại trẻ em và tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên; tình hình bạo lực gia đình và thực hiện Luật Phòng chống bạo lực gia đình; thực trạng xâm hại, bạo lực trẻ em và các giải pháp phòng chống ở một số địa phương.
Theo ông Nguyễn Hải Hữu, Cục trưởng Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong hai năm 2008 – 2009 cả nước đã xảy ra 5.956 vụ trẻ em bị bạo lực. Theo báo cáo của Bộ Công an thì bình quân một năm xảy ra trên 100 vụ giết trẻ em, 800 vụ xâm hại tình dục với khoảng 900 em là nạn nhân và 50 vụ bắt cóc, buôn bán trẻ em được phát hiện và xử lý hình sự, trong đó có một số vụ gây bức xúc trong dư luận xã hội. Tình trạng bạo lực ở trong và ngoài nhà trường vẫn tiếp tục xảy ra và là nỗi bức xúc, bất an đối với các bậc phụ huynh và những người quan tâm đến sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ đầu năm học 2009 – 2010 đến nay, trên toàn quốc đã xảy ra khoảng 1.598 vụ học sinh đánh nhau ở trong và ngoài nhà trường. Số trẻ em bị buôn bán, bắt cóc vì mục đích thương mại có xu hướng gia tăng. Năm 2008 có khoảng 208 em là nạn nhân của việc buôn bán người thì đến năm 2009 con số này tăng lên khoảng 628 em.
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: “Trước hết cần thống nhất quan điểm: Bạo lực và xâm hại trẻ em làm tổn hại đến truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc, đến tính ưu việt xã hội chủ nghĩa của xã hội chúng ta. Cần phải kiên quyết phòng ngừa và ngăn chặn mọi hành vi bạo lực gia đình, bạo lực xã hội, mọi hành vi xâm hại đến sự an toàn, phẩm giá con người, đặc biệt đối với đối tượng dễ bị tổn thương là trẻ em.
Cần nhìn nhận và phân tích đầy đủ các nguyên nhân và tác động đến tình hình bạo lực, xâm hại trẻ em, cả về tác động tiêu cực của tăng trưởng kinh tế cũng như những vấn đề xã hội đang và sẽ nảy sinh. Trong nhiều nguyên nhân và tác động dẫn đến bạo lực và xâm hại trẻ em, tôi đề nghị chúng ta nghiên cứu sâu hơn nguyên nhân về quản lý Nhà nước và trách nhiệm của hệ thống chính quyền các cấp…
Để có các giải pháp bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại lâu dài và bền vững, tôi đề nghị chú trọng việc xây dựng hệ thống bảo vệ trẻ em và cần làm ngay hai việc để đáp ứng các yêu cầu an toàn cho trẻ em, đó là:
– Thứ nhất: Củng cố và kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức, cán bộ xã hội, cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp, đặc biệt ở cấp xã, phường, thôn, bản, cụm dân cư.
– Thứ hai: Củng cố, hình thành các dịch vụ xã hội bảo vệ trẻ em có tính hệ thống, liên tục và chuyên nghiệp theo cả hai hình thức công ích Nhà nước và xã hội hoá ./.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
www.molisa.gov.vn
Comments are closed.