Tìm đường “xuất ngoại”

Ảnh: InternetSau một thời gian tăng trưởng nóng, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ trong nước đã có bước phát triển theo chiều sâu với nhiều chiến lược kinh doanh dài hạn: đẩy mạnh xuất khẩu bảo hiểm, tham gia thị trường nước ngoài. “Bắt tay” với các nhà tái bảo hiểm lớn trên thế giới là hướng đi của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm trong năm 2011.

CôngThương – So với các ngân hàng hay công ty chứng khoán thì kinh doanh bảo hiểm có phần gặp nhiều khó khăn hơn trong việc phát triển, mở rộng thị trường cũng như dịch vụ. Theo ước tính, nếu mỗi người dân Nhật Bản chi 3.000 USD/người/năm cho các loại hình bảo hiểm thì ở Việt Nam con số này là 14 USD. Ngoại trừ một số bảo hiểm bắt buộc như y tế, xã hội.. hầu hết người dân chưa có thói quen tham gia bảo hiểm.

Lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ phát triển khá mạnh nhưng so với nhiều quốc gia khác thì Việt Nam vẫn là một thị trường rất tiềm năng. Tương tự với bảo hiểm phi nhân thọ, hầu hết các DN kinh doanh trong lĩnh vực này mới chỉ tham gia ở các sản phẩm truyền thống như bảo hiểm xe cơ giới và tài sản kỹ thuật. Bởi thế, mở rộng thị phần trong nước và quốc tế bằng các sản phẩm và thế mạnh riêng biệt đang là hướng đi mà nhiều DN bảo hiểm trong nước thực hiện.

Từ năm 2011, thị trường bảo hiểm được đánh giá là có sự cạnh tranh khốc liệt khi Luật Kinh doanh Bảo hiểm sửa đổi chính thức được áp dụng; các công ty hoạt động trong lĩnh vực này sẽ chỉ có mô hình cổ phần và DN có vốn đầu tư nước ngoài chứ không có công ty nhà nước…, đây chính là những yếu tố đòn bẩy tạo nên sức cạnh tranh mạnh trên thị trường. Ông Phạm Quang Tùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) đánh giá: thị trường bảo hiểm đang ghi nhận sự phát triển theo chiều sâu thay vì chạy theo số lượng và tăng trưởng rộng như trước đây. Các DN bảo hiểm “cẩn thận” hơn trong chiến lược của mình để không chỉ đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận mà còn hạn chế những rủi ro như giai đoạn tăng trưởng nóng trước.

Với những doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, năm 2011 được xem là năm khởi đầu cho nhiều kế hoạch kinh doanh mới mà một trong những trọng tâm được đặt ra là xuất khẩu các sản phẩm bảo hiểm ra quốc tế. Ông Bùi Vạn Thuận, Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo hiểm dầu khí Việt Nam (PVI) cho hay: Với thế mạnh về tài chính, quản trị DN PVI có thể tham gia nhiều hợp đồng bảo hiểm lớn cũng như bắt tay với các “nhà tái” lớn trên thế giới.

Hơn thế, DN này còn nhận bảo hiểm nhiều dự án tại Nga, nhận tái bảo hiểm cho hãng bảo hiểm lớn trên thế giới là Sogaz. Ông Thuận chia sẻ: để có thể vươn tới thị trường nước ngoài, nơi mà nhiều nhà bảo hiểm lớn trên thế giới có mặt thì các DN Việt Nam bên cạnh yếu tố quản trị DN, năng lực tài chính tốt thì còn cần “giấy thông hành” là uy tín của thương hiệu. Muốn hội nhập thị trường bảo hiểm quốc tế chắc chắn phải có thương hiệu, đây chính là “chứng chỉ” niềm tin để bước vào sân chơi mới.

Cùng hướng đi xuất khẩu thương hiệu bảo hiểm ra thị trường quốc tế như PVI nhưng BIC lại chọn cách đầu tư và mở rộng thương hiệu của mình ra nước ngoài bằng việc thành lập các liên doanh bảo hiểm. Ông Phạm Quang Tùng cho biết: Hiện nay BIC có hai công ty con đang hoạt động tại Lào và Campuchia là Liên doanh Bảo hiểm Lào Việt (BIC góp vốn cùng Ngân hàng Ngoại thương Lào – BCEL và Ngân hàng Liên doanh Lào Việt – LVB) và Công ty Bảo hiểm Cambodia Việt Nam (BIC được giao quản lý và chịu trách nhiệm điều hành toàn bộ hoạt động kinh doanh của CVI). Việc đầu tư ra nước ngoài đối với BIC ngoài ý nghĩa mở rộng kinh doanh ra các thị trường mới còn là cách để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước khi có thể phục vụ cho các khách hàng có quan hệ hợp tác đầu tư và thương mại đối với các quốc gia này.

Theo ông Tùng: đây là hai thị trường mới nổi và có môi trường đầu tư khá thuận lợi, thị trường bảo hiểm còn nhỏ nhưng nhiều tiềm năng, kết thúc 2 năm hoạt động của LVI và 1 năm hoạt động của CVI cả hai liên doanh đều bắt đầu có lợi nhuận và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Lĩnh vực bảo hiểm cũng giống như các dịch vụ khác, để có chữ tín và chỗ đứng trên thị trường thì chất lượng dịch vụ phải thực sự cạnh tranh, điều này chỉ có thể có được từ chính sự nỗ lực nội tại của các doanh nghiệp, không thể dựa vào sự hỗ trợ của bất kỳ ai. Cũng bởi vậy mà năm 2011, các DN bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam sẽ hướng nhiều hơn tới những sản phẩm dịch vụ, nhất là kênh bán hàng liên kết ngân hàng- bảo hiểm (Bancassurance), bán bảo hiểm trực tuyến.

Duy Minh
EPI.

Comments are closed.