Tiêu dùng tuần qua: Gân cổ cái lý ‘ông Bảo hiểm’

Không khó để bỏ tiền mua một sản phẩm/dịch vụ nhưng đến khi sự cố xảy ra, người tiêu dùng lại bẽ bàng với cảnh long đong nhiều tháng đòi quyền lợi, ngậm ngùi “tự bơi” để được hưởng dịch vụ.

Người tiêu dùng thất thế

Một nghịch lý trong tiêu dùng, người mua muốn được hưởng quyền lợi thì phải có bằng chứng còn quyết định cuối cùng lại thuộc về người bán. Vậy mới có chuyện công ty bảo hiểm khăng khăng từ chối bồi thường bảo hiểm sau tai nạn, mặc khách thắc mắc “tại sao”. Giằng co cái lý, công ty chỉ hẹn: bằng chứng sẽ được đưa nếu… ra tòa. Ngay cả với trường hợp hóa đơn nước sạch bị “phù phép” tăng đến 6 lần, kết luận có thu nhầm hay không cũng lại hoàn toàn phụ thuộc vào ý kiến của… “ông” nước sạch.

Thậm chí, nếu khách có chụp lại được bằng chứng như trường hợp mì ăn liền mốc trước hạn, nhà sản xuất vẫn dửng dưng từ chối trách nhiệm vì “mất niêm phong”. Không thể cãi lý, “thượng đế” đành chấp nhận thiệt thòi, bù lại, được bài học đắt giá: luôn biết nghi ngờ, như việc thuê xe tự lái phải đặt vấn đề cái bẫy hạn đăng kiểm.

Hợp đồng hay thỏa thuận mua bán đôi khi cũng chỉ là hình thức mà phần thiệt không bao giờ thuộc về kẻ bán. Đôi khi, doanh nghiệp còn dùng thỏa ước khiến người lao động muốn xin nghỉ việc phải “ngậm đắng” trả tiền phạt đến 12 triệu đồng. Người mua nước sạch hay dịch vụ truyền hình cáp cũng không may mắn hơn. Dù có hợp đồng mua bán đàng hoàng, khách hàng đành “tự bơi” khắp nơi, cốt sao “được” dùng dịch vụ.

Bởi vậy đến nay, nhiều “gian thương” vẫn ung dung thực hiện đủ mánh khóe để “móc túi” người tiêu dùng. Còn nếu có bức xúc về chất lượng sản phẩm: máy laptop xách tay liên tục hỏng, sơn giả hay đậu phụ trộn thạch cao, … người dùng cũng chỉ âm thầm tự nhắc mình cẩn trọng với những kẻ bán hàng “siêu trộm” mà thôi.

DOANHNHAN360.COM.VN

Comments are closed.