TIÊU ĐIỂM TUẦN 52 NĂM 2018

Bảo hiểm 2,4 tỷ đồng/người do nổ bom ở Ai Cập; Fubon Life mua lại tòa nhà Eurotower; Hơn 1 tỷ USD tổn thất bảo hiểm do sóng thần tại Indonesia

I, Tin trong nước

1, Tin bồi thường, tổn thất

ABIC chi trả 329 triệu đồng quyền lợi Bảo hiểm

(ABIC) – Ngày 20/12/2018, Agribank Bến Tre phối hợp Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp – Chi nhánh TP.HCM (ABIC – TP.HCM) tổ chức buổi lễ chi trả quyền lợi bảo hiểm Bảo an tín dụng với tổng số tiền 329 triệu đồng cho 03 hộ gia đình khách hàng cư ngụ tại Bình Đại – Bến Tre trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương.

Cụ thể, ABIC – TP.HCM đã chi trả quyền lợi bảo hiểm với số tiền 124.332.000 đồng cho thân nhân gia đình ông Nguyễn Văn Dữa. Được biết, ông Nguyễn Văn Dữa cư ngụ ở ấp 2 xã Tam Hiệp – Bình Đại – Bến Tre có quan hệ vay vốn tại Phòng Giao dịch Châu Hưng – Agribank huyện Bình Đại để sử dụng cho phương án sản xuất kinh doanh của gia đình.

Trong quá trình vay vốn, khách hàng quan tâm đến sản phẩm bảo hiểm Bảo an Tín dụng (BATD) và đã được nhân viên ngân hàng tận tình giải thích đầy đủ về điều kiện tham gia, về phí bảo hiểm đặc biệt là về quyền lợi khách hàng nhận được khi tham gia sản phẩm bảo hiểm này nên ông đã tự nguyện tham gia với mức trách nhiệm do khách hàng lựa chọn phù hợp với khả năng trả phí bảo hiểm và số tiền vay vốn. Sau đó, không may khách hàng trên bị tai nạn đột ngột qua đời. Ngay khi nhận được thông báo từ các gia đình khách hàng, đại diện Agribank chi nhánh Thạnh Phú đến trực tiếp động viên thăm hỏi, phối hợp với ABIC – TP.HCM đã nhanh chóng thực hiện các thủ tục, hồ sơ chi trả bồi thường 100% theo mức trách nhiệm đã tham gia. Ngoài ra, ABIC còn trợ cấp lãi một phần lãi vay từ thời điểm trả lãi lần cuối đến khi được chi trả đền bù và hỗ trợ thêm gia đình 1 triệu đồng tiền mai táng phí.

Chiều cùng ngày, ABIC- TP.HCM tiếp tục thực hiện chi trả quyền lợi bảo hiểm bảo an tín dụng cho hộ ông Nguyễn Văn Gìn (số tiền: 104.333.333 đồng) hiện cư ngụ tại Ấp 2 – xã Thạnh Trị – Bình Đại và hộ bà Trần Thị Ngọc Điệp (số tiền: 101.000.000 đồng) thường trú tại Ấp Bình Huề – Xã Đại Hòa Lộc – Bình Đại. Được biết đây là những khách hàng có quan hệ vay vốn đồng thời tự nguyện tham gia sản phẩm bảo hiểm Bảo an Tín dụng. Đại diện người thân của những gia đình nhận tiền chi trả trong đợt này cho biết số tiền chi trả đền bù như trên đã góp phần tháo gỡ phần nào khó khăn trước mắt.

Các hộ trên nằm trong hàng nghìn trường hợp mà ABIC đã chi trả thông qua chương trình triển khai sản phẩm Bảo an Tín dụng nhằm bảo hiểm cho người vay vốn tại Agribank trong những năm qua. Đây là một trong những sản phẩm bảo hiểm liên kết ngân hàng, khi xảy ra vấn đề bảo hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người vay vốn, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng, Công ty Cổ phần ABIC sẽ thay mặt người vay trả cho ngân hàng số tiền tương ứng với số dư nợ được Bảo hiểm, số tiền còn lại (nếu có) sẽ được chuyển cho người được Bảo hiểm hoặc người thụ hưởng hợp pháp nhằm giảm bớt những khó khăn về tài chính cho gia đình. Ngoài ra, khi khách hàng vay vốn tại Agribank

Bến Tre có tham gia sản phẩm bảo hiểm Bảo an tín dụng sẽ được Ngân hàng hỗ trợ giảm lãi suất tiền vay để mua bảo hiểm Bảo an Tín dụng.

Theo số liệu bồi thường từ ABIC năm 2018, toàn tỉnh phát sinh 143 vụ bồi thường với số tiền trên 7,7 tỷ đồng. Tại địa bàn huyện Bình Đại ABIC đã chi trả và dự kiến chi trả quyền lợi bảo hiểm cho 15 khách hàng với tổng số tiền 878 triệu đồng (tỷ lệ bồi thường trên doanh thu 22,0%). Kết quả chi trả bảo hiểm từ năm 2010 đến nay, ABIC – TP.HCM đã giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho hơn 544 trường hợp khách vay vốn tại Agribank Bến Tre có tham gia bảo hiểm Bảo an Tín dụng không may xảy ra rủi ro với tổng số tiền bồi thường trên 20 tỷ đồng.

Bảo hiểm 2,4 tỷ đồng/người tử vong do nổ bom ở Ai Cập

(TBKTSG Online) – Chiều ngày 3/1/2019, Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt, doanh nghiệp chịu trách nhiệm bảo hiểm cho đoàn khách du lịch Việt trong vụ nổ bom tại Ai Cập đã thông báo mức bảo hiểm cho nạn nhân. Theo đó, công ty sẽ bồi thường 2,4 tỷ đồng/một người tử vong.

Theo Saigontourist, ngay sau khi nhận tin về đoàn khách Việt Nam bị khủng bố tại Ai Cập, Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt đã nhanh chóng phối hợp với công ty cùng các bên liên quan tại Ai Cập để thẩm định vụ việc.

Theo văn bản từ Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt, mức đền bù cho du khách tử vong là 2,4 tỷ đồng/người. Trường hợp bị thương điều trị tại Ai Cập và Việt Nam, mức đền bù theo chi phí y tế thực tế phát sinh, tối đa là 2,4 tỷ đồng/người.

Về việc đưa ba người tử vong về nước, Saigontourist cho biết hiện đã hoàn tất các thủ tục. Dự kiến, chuyến bay sẽ rời Ai Cập vào trưa ngày 4-1 và sẽ hạ cánh tại Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất vào lúc 1 giờ 05 ngày 6-1. Trước đó, công ty dự kiến là sẽ đến nơi ngày 5-1 nhưng do thời gian quá cảnh kéo dài nên thời gian thay đổi.

Đoàn khách trên có 15 người, gồm 14 khách du lịch và 1 hướng dẫn viên, đi tour Ai Cập từ ngày 22-12 đến 28-12-2018. Vào ngày cuối cùng, trước khi ra sân bay về nước thì bị nổ bom khiến 3 người, gồm một hướng dẫn viên cùng hai khách du lịch thiệt mạng,10 người khác bị thương. Sau vụ nổ, những người đứng đầu của Saigontourist và Sở Du lịch TPHCM đã đến Ai Cập để hỗ trợ du khách.

Trả lời phỏng vấn báo chí sau khi trở về nước, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, cho biết theo kết quả làm việc từ các cơ quan liên quan thì xe chở đoàn khách này đi trên tuyến đường dân sinh, đúng lộ trình cho phép.
Đến nay, 9 người trong đoàn đã về nước. Ba người còn lại đang điều trị tại bệnh viện ở Ai Cập, chờ sức khỏe ổn định sẽ về sau. Sau vụ này, nhiều công ty lữ hành ở TPHCM đã tạm đóng tour Ai Cập.

Chi tiết mức đề bù cho các du khách trong vụ nổ bom ở Ai Cập, theo văn bản của Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt:

1, Đối với trương hợp tử vong

  • Khoản tiền trả 1 lần: 2,4 tỷ đồng/người.
  • Dịch vụ hồi hương thi hài, chi trả toàn bộ chi phí phát sinh.
  • 1 vé khứ hồi tối đa 120 triệu đồng/người/lượt.
2, Trường hợp bị thương điều trị tại Ai Cập và Việt Nam
  • Chi phí y tế ; theo chi phí y tế thực tế phát sinh tối đa 2,4 tỷ đồng/người.
  • Chi phí y tế cho nạn nhân tiếp tục điều trị tại Việt Nam do hậu quả của vụ tai nạn này trong vòng 30 ngày, giới hạn là 2,4 tỷ đồng/người.
  • Trợ cấp nằm viện :1,2 triệu đồng/ngày, tối đa 24 triệu đồng/vụ.
  • Dịch vụ thăm thân: trường hợp nằm viện 5 ngày, cung cấp 1 vé khứ hồi cho người thân sang chăm sóc.

2, Một vòng doanh nghiệp

BSH, VNI được nhận bằng khen trong “Đêm Doanh nghiệp 2018”

(BSH, VNI) – Tối 28/12/2018, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội tổ chức “Đêm Doanh nghiệp 2018” với chủ đề “Kết nối thịnh vượng – Cộng đồng hạnh phúc”. Tại “Đêm Doanh nghiệp 2018” có sự tham dự của đồng chí Vương Đình Huệ – Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đồng chí Nguyễn Đức Chung – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội; Đồng chí Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và đại diện gần 600 doanh nghiệp Thủ đô.

Tại sự kiện này, Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH) tự hào nhận được Bằng khen của UBND TP. Hà Nội cho doanh nghiệp có những thành tích xuất sắc trong hoạt động kinh doanh và phong trào thi đua, đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô Hà Nội cũng như sự phát triển của Hanoisme trong năm 2018. Ngoài ra, BSH cũng vinh dự được trao tặng Kỷ niệm chương cho Nhà tài trợ chính thức của buổi lễ.

Đây là một thành tích đáng khích lệ, ghi nhận những nỗ lực không ngừng nghỉ của BSH trong việc triển khai hoạt động quản trị – kinh doanh hiệu quả, phát triển doanh nghiệp theo hướng bền vững, tích cực tham gia các phong trào thi đua – khen thưởng cũng như công tác an sinh xã hội, từ thiện và hỗ trợ cộng đồng trong năm vừa qua.

Phần thưởng này cũng tạo động lực lớn lao cho tập thể BSH tiếp tục phấn đấu hết mình để đạt được những thành tựu, bước tiến mới nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Thủ đô và xây dựng đất nước, xã hội phát triển giàu mạnh.

Về phần mình, năm 2018 Bảo hiểm Hàng không (VNI) có tốc độ tăng trưởng doanh thu đứng thứ 2 trên thị trường (tăng tưởng hơn 35,6% so cùng kỳ), thị phần tăng 3 bậc, đứng thứ 13/30 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, tổng tài sản đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Bảo hiểm Hàng không (VNI) còn có nhiều hoạt động chia sẻ lợi ích với cộng đồng, tích cực góp phần vào sự phát triển chung của thành phố Hà Nội.

Theo báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố, năm 2018, nhiều doanh nghiệp thành viên đã hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất – kinh doanh, tiếp tục vượt khó và chủ động hội nhập. Ngày càng có thêm nhiều đơn vị đẩy mạnh đầu tư công nghệ, từng bước hiện đại hóa dây chuyền sản xuất nhằm gia tăng chất lượng, giá trị sản phẩm, duy trì chỗ đứng cũng như chiếm lĩnh thị phần trong nước kết hợp hoạt động xuất khẩu.

Phát biểu tại Đêm Doanh nghiệp, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung ghi nhận những đóng góp và kết quả hoạt động của hiệp hội cũng như các doanh nghiệp thành viên trong thời gian qua. Đồng chí Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh vai trò to lớn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa với sự đóng góp khoảng 40% GDP của thành phố bên cạnh việc tổ chức được nhiều hoạt động xã hội giàu ý nghĩa, hiệu quả. Thành phố luôn xác định người dân, doanh nghiệp là mục tiêu quan trọng hàng đầu để phục vụ. Vì vậy, Hà Nội đang tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời, hiệu quả với 55% dịch vụ công được thực hiện ở cấp độ 3, 4, cùng những ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đăng ký thành lập mới.

Thời gian tới, thành phố sẽ tập trung hỗ trợ các đơn vị trong tiếp cận các nguồn lực, hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường và đối tác mới để phát triển nhanh, bền vững. Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho rằng, các doanh nghiệp cần đoàn kết, phát huy bản lĩnh và sự quyết tâm trong hoạt động sản xuất – kinh doanh; duy trì hoạt động kinh doanh bài bản, nâng cao sức cạnh tranh và tinh thần chủ động; nâng cao trình độ, tự giác ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ mới; nâng cao ý thức, sự hiểu biết để hội nhập quốc tế một cách chủ động; tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp nhằm tạo ra chuỗi sản phẩm, nâng cao chuỗi giá trị kết hợp đẩy mạnh sáng tạo…

“Chủ động lái xe – An toàn ngày Tết” săn thưởng 40 triệu đồng

(PTI) – Nằm trong chuỗi sự kiện phát triển thương hiệu trong năm 2019 với thông điệp “Sống chủ động”, PTI triển khai cuộc thi ảnh đến hết 31/01/2019 với trị giá giải thưởng lên tới gần 40 triệu đồng.

Trước sức nóng của vé tàu xe dịp Tết Nguyên đán, nhiều người đã chọn giải pháp lái ô tô đưa cả gia đình về quê ăn Tết. Du lịch bằng xe ô tô cá nhân ngày Tết cũng là sự lựa chọn thường xuyên của một số gia đình. Việc nắm vững kinh nghiệm lái xe đường dài sẽ giúp mọi người yên tâm hơn khi lên xe.

Cuộc thi “Chủ động lái xe – An toàn ngày Tết” được triển khai nhằm tạo sân chơi cho khách hàng chia sẻ kỉ niệm đẹp trong ngày đầu xuân. Qua đó, PTI hi vọng những kinh nghiệm thực tế của khách hàng sẽ góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông trong ngày Tết, đem lại một năm mới bình an và trọn vẹn cho mỗi gia đình.

Khách hàng khi tham gia chương trình chỉ cần gửi ảnh hoặc clip kèm theo những chia sẻ kinh nghiệm lái xe an toàn, những kỉ niệm vui/buồn khi đi nghỉ lễ ngày tết, hình ảnh xe ô tô được bảo dưỡng/tân trang để chuẩn bị đón Tết và gửi về cho Ban tổ chức. Chi tiết thể lệ chương trình xem tại đây (https://www.epti.vn/kinh-nghiem-va-tu-van/cuoc-thi-chu-dong-lai-xe-an-toan-ngay-tet-z2a400.htm ).

Bài dự thi có tổng điểm cao nhất sẽ nhận được giải thưởng của chương trình. Tổng giải thưởng bằng tiền mặt lên tới gần 40 triệu đồng. Thời gian nhận bài bắt đầu từ 0h1’ ngày 15/12/2018 tới 23h59’ ngày 31/01/2019. Thời gian bình chọn từ khi bài dự thi được đăng tải trên Fanpage Bảo hiểm Bưu điện đến 23h59’ ngày 31/01/2019

Thí sinh tham gia cuộc thi gửi email (epti.vn@gmail.com) về cho Ban Tổ chức. Tiêu đề email ghi rõ: “CHỦ ĐỘNG LÁI XE – AN TOÀN NGÀY TẾT – [TÊN NGƯỜI GỬI]”.

Bảo hiểm PVI: Chuyên nghiệp hóa trong kinh doanh là mục tiêu xuyên suốt

(TBTCVN) – Báo cáo số liệu từ Bảo hiểm PVI cho thấy, kết thúc năm 2018, Tổng công ty đã hoàn thành các kế hoạch đề ra, với tổng doanh thu đạt 8.300 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 450 tỷ đồng tiếp tục duy trì vị trí số 1 thị trường trong lĩnh vực Bảo hiểm công nghiệp. Cụ thể, đối với lĩnh vực Dầu khí – Năng lượng, DN đã tái tục thành công 100% đơn bảo hiểm trọn gói năng lượng giai đoạn 2017/2018 cho PVN và PVEP, VSP, PVD, JVPC, Petronas, Premier Oil… Cấp đơn bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu cho PTSC, PV Trans, VSP, Cuu Long JOC…; cấp đơn bảo hiểm xây dựng lắp đặt cho Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu, Thái Bình 2…

Với những nỗ lực và thành công đạt được, năm 2018, Bảo hiểm PVI đã được tổ chức xếp hạng tín nhiệm Quốc tế A.M. Best xác nhận tiếp tục duy trì kết quả xếp hạng năng lực tài chính (FSR) ở mức “B++” (Tốt) và xếp hạng năng lực tín dụng của tổ chức phát hành (ICR) ở mức “bbb”. Kết quả này phản ánh khả năng đáp ứng yêu cầu về vốn, kết quả kinh doanh bảo hiểm khả quan, chiến lược đầu tư thận trọng và khả năng thanh khoản an toàn của Bảo hiểm PVI. Bảo hiểm PVI cũng vinh dự 2 năm liên tiếp được bình chọn trong danh sách Top 10 Công ty bảo hiểm uy tín năm 2018; lần thứ 4 được bình chọn trong Bảng xếp hạng VNR500 – Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2018…

Bảo hiểm PVI cũng trở thành nhà bảo hiểm tài sản và trách nhiệm cho BP Nam Côn Sơn, Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1; tiếp tục cung cấp các dịch vụ bảo hiểm tài sản cho Nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ 2.2, Tổng công ty phát điện 3, Nhiệt điện Duyên Hải; Nhiệt điện Vĩnh Tân 4,…; bảo hiểm xây dựng lắp đặt cho Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 2; Tổng công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam; Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình quận 7 TP. Hồ Chí Minh, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu kinh tế, công nghiệp…; Bảo hiểm trách nhiệm cho Alstorm thi công gói thầu số 6 dự án tuyến đường sắt thí điểm thành phố Hà Nội, Deloitte Vietnam, ATSI Energy Services…

Có thể thấy trong bối cảnh thị trường tiếp tục cạnh tranh gay gắt, nhưng với uy tín, năng lực tài chính vững mạnh và vị thế nhà bảo hiểm dẫn đầu thị trường, Bảo hiểm PVI đã được hầu hết khách hàng lựa chọn và trở thành đơn vị bảo hiểm ở hầu khắp các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế.

Đặc biệt, với mục tiêu mang đến cho khách hàng những dịch vụ bảo hiểm chuyên nghiệp nhất, trong năm 2018, Bảo hiểm PVI đã đẩy mạnh mở rộng mạng lưới, nâng cao chất lượng dịch vụ, ra mắt nhiều sản phẩm mới… nhằm khẳng định trách nhiệm cao nhất của một doanh nghiệp BH chuyên nghiệp.

Theo đó, năm 2018 Bảo hiểm PVI đã ra mắt thêm 3 đơn vị thành viên mới, nâng tổng số đơn vị thành viên lên con số 36. Năm 2018, Bảo hiểm PVI cũng giới thiệu ra thị trường một số sản phẩm mới ưu việt như Bảo hiểm bệnh ung thư & Bảo hiểm bệnh hiểm nghèo.

Khách hàng có thể tham gia sản phẩm qua nhiều hình thức như đại lý trực tiếp, tư vấn qua hotline 24/7: 1900545458 hoặc các kênh trực tuyến, đặc biệt là qua kênh eBaohiem, một trong những kênh bán bảo hiểm trực tuyến lớn nhất hiện nay. Ngoài ra, Bảo hiểm PVI cũng đã phối hợp bán chéo sản phẩm bảo hiểm với nhiều tên tuổi lớn trên thị trường như sản phẩm Ngũ Phúc Ưu Việt với Asahi, bán các sản phẩm bảo hiểm qua ứng dụng mobile apps trên hệ thống các đối tác ngân hàng lớn của VNPAY, sản phẩm Bảo hiểm tai nạn cá nhân, bảo hiểm viện phí với Smart Buddy. Cùng với hệ thống công nghệ hiện đại của Smart Buddy, Bảo hiểm PVI đã thực hiện cấp giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử từ đó rút ngắn khoảng cách, xóa bỏ khung thời gian mua hàng và giảm thiểu thời gian giao dịch, cung cấp cho khách hàng các sản phẩm, dịch vụ trực tuyến trọn gói.

Đại diện Bảo hiểm PVI cho biết, báo cáo doanh thu hợp nhất của PVI Holdings năm 2018 ước đạt 10.250 tỷ đồng, đạt 113,02% kế hoạch; dự kiến chia cổ tức 19%. Đây cũng là năm đầu tiên doanh thu hợp nhất của PVI Holdings vượt mốc 10.000 tỷ đồng, đóng góp vào thành quả chung ấy là kết quả kinh doanh khả quan của Bảo hiểm PVI (doanh thu 8.300 tỷ đồng). Bảo hiểm PVI tiếp tục giữ vững và duy trì vị trí số 1 thị trường về bảo hiểm công nghiệp và hiệu quả nghiệp vụ kinh doanh bảo hiểm.

Năm 2019, Bảo hiểm PVI đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 9.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 450 tỷ đồng. Theo đó, Tổng công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng hệ thống bán lẻ hiệu quả, xây dựng các chương trình tái bảo hiểm cạnh tranh; giữ vững khách hàng truyền thống trên cơ sở xây dựng chương trình bảo hiểm an toàn và hiệu quả…

Bên cạnh đó, Bảo hiểm PVI sẽ tiếp tục đón đầu xu hướng và tận dụng lợi thế do công nghệ mới mang lại, hướng tới phát triển hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng các chuẩn mực quốc tế; cải tiến các quy trình kinh doanh và quản trị rủi ro dựa trên nền tảng công nghệ nhằm tiết giảm tối đa thời gian và chi phí hoạt động, chi phí vận hành đồng thời, đẩy mạnh kênh tương tác với khách hàng qua call center, mạng xã hội, qua kênh gián tiếp như sms, web selfservice…, cùng với các phân tích về dữ liệu khách hàng để đưa ra chính sách chăm sóc riêng biệt, tăng sự hài lòng của khách hàng…

Đặc biệt, Bảo hiểm PVI sẽ duy trì và phấn đấu nâng hạng tín nhiệm tài chính quốc tế theo tiêu chuẩn của A.M Best. Đối với công tác quản trị sẽ tiếp tục đẩy mạnh, nhằm đảm bảo quyền lợi, chất lượng dịch vụ hậu mãi cho khách hàng, đồng thời đem lại hiệu quả kinh doanh cho toàn hệ thống…

3, Quản lý thị trường bảo hiểm

Năm 2018, tổng chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 36.415 tỷ đồng

(TBTCO) – Trong năm 2018, tổng chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 36.415 tỷ đồng, trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) phi nhân thọ ước đạt 17.756 tỷ đồng, DNBH nhân thọ ước đạt 18.650 tỷ đồng.

Thông tin trên được công bố tại hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và phương hướng nhiệm vụ năm 2019 do Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Cục QLGSBH) tổ chức vào chiều ngày 28/12/2018. Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Tại hội nghị, bà Phạm Thu Phương- Phó Cục trưởng Cục QLGSBH cũng đã cung cấp các thông tin liên quan tới kết quả hoạt động thị trường bảo hiểm năm 2018, như: thị trường bảo hiểm hiện có 64 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm (trong đó có 30 DNBH phi nhân thọ, 18 DNBH nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 14 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và 1 chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài).

Số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 319.610 tỷ đồng (tăng 29,53% so với cùng kỳ năm trước); tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ước đạt 241.225 tỷ đồng (tăng 27,75% so với cùng kỳ năm trước).

Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 133.654 tỷ đồng (tăng 23,97% so với cùng kỳ năm trước); tổng phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới năm 2018 ước đạt 9.654 tỷ đồng tăng 11,4% so với năm trước, trong đó: môi giới bảo hiểm gốc ước đạt 5.077 tỷ đồng, tăng 12,7% so với năm trước; môi giới tái bảo hiểm ước đạt 4.577 tỷ đồng, giảm 11,1% so với năm 2017.

Cũng theo bà Phương, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng Cục QLGSBH đã hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2018, bao gồm nhiệm vụ được giao theo kế hoạch và nhiệm vụ đột xuất, như: công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế; phát triển thị trường và nâng cao chất lượng dịch vụ bảo hiểm; giám sát từ xa, thanh tra, kiểm tra tại chỗ và giải quyết khiếu nại, tố cáo; đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Đề cập tới các hoạt động trong năm 2019, bà Phương cho biết, Cục QLGSBH sẽ tập trung hoàn thiện đề án sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm với mục tiêu minh bạch, an toàn hiệu quả để phù hợp với điều kiện, định hướng phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và các chuẩn mực quốc tế; đáp ứng nhu cầu bảo hiểm cơ bản của mọi lĩnh vực kinh tế và tầng lớp dân cư; góp phần ổn định nền kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.

Cụ thể dự kiến một số kết quả của thị trường bảo hiểm năm 2019 đó là: tổng tài sản ước tăng 14,93%; đầu tư trở lại nền kinh tế ước tăng 13,89%; tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ước tăng 15,71%; tổng doanh thu phí bảo hiểm ước tăng 20,37%; hoạt động môi giới bảo hiểm với tổng số bảo hiểm thu xếp qua môi giới ước tăng 12,7%.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải đã ghi nhận các kết quả đạt được của Cục QLGSBH trong năm 2018, đồng thời biểu dương, đánh giá cao thành tích mà tập thể cán bộ, công chức của Cục QLGSBH đạt được.

Đề cập tới nhiệm vụ năm 2019, Thứ trưởng chỉ đạo, mặc dù Cục QLGSBH đã trình Bộ để trình Thủ tướng Chính phủ về định hướng tái cơ cấu thị trường bảo hiểm trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 và định hướng tới năm 2025, nhưng Cục cần kết nối, cụ thể hóa định hướng vào chương trình công tác hàng năm, hướng tới mục tiêu đạt và vượt chỉ tiêu tự đặt ra và đã đăng ký với Bộ, với Chính phủ trong kế hoạch tái cơ cấu thị trường bảo hiểm đến năm 2020.

Thứ trưởng lưu ý, công tác quản lý thị trường bảo hiểm không được rời bỏ nhiệm vụ là làm sao để thị trường phát triển ổn định, bền vững, ngày càng minh bạch.

II, Tin quốc tế

Fubon Life mua lại tòa nhà Eurotower nổi tiếng tại Frankfurt

(IAN) – Tòa nhà văn phòng Eurotower 40 tầng (ảnh) tại Frankfurt đã được Bảo hiểm nhân thọ Fubon, thuộc tập đoàn tài chính Fubon Financial Holdings, mua lại.
Mặc dù giá giao dịch chưa được tiết lộ nhưng có thể hiểu Fubon đã mua bất động sản này với giá khoảng 575 triệu Euro (658 triệu USD). Tòa nhà văn phòng, một trong những tòa tháp nổi tiếng nhất ở quận tài chính Frankfurt, từng là trụ sở của ECB, cho đến năm 2015 và được coi là nơi khai sinh của đồng Euro.

Tòa nhà, vẫn có một đồng Euro lớn mang tính biểu tượng bên ngoài, là văn phòng đầu tiên của Ngân hàng Trung ương châu Âu. ECB kể từ đó đã chuyển phần lớn hoạt động ra khỏi tòa nhà đến một khu vực khác của Frankfurt.

Fubon Life cũng sở hữu tòa nhà là bảo tàng tượng sáp nổi tiếng Madame Tussauds ở Marylebone, Luân đôn. Công ty đã mua tòa nhà với giá khoảng 540 triệu đô la Mỹ vào năm 2015 sau khi công bố kế hoạch đầu tư 3 tỷ USD vào tài sản tài sản toàn cầu sau khi thay đổi quy định đầu tư tại Đài Loan.

Việc mua lại tòa nhà của Eurotower, được xây dựng vào năm 1977, là thỏa thuận đầu tiên của Fubon tại Đức. Công ty bất động sản châu Âu Patrizia Immobilien, có trụ sở tại Augsburg, Đức, đã thay mặt cho Fubon Lifethực hiện giao dịch này.

Tập đoàn Hồng Kôngmua lại FT Life với giá 2,75 tỷ USD

(IAN) – Một công ty con thuộc sở hữu của NWS Holdings đã ký thỏa thuận với công ty cổ phần riêng(private equity firm) JD Capital của Trung Quốc để mua toàn bộ vốn cổ phần đã phát hành của FT Life với giá 21,5 tỷ đô la Hồng Kông (2,75 tỷ USD) bằng tiền mặt.

Tập đoàn New World Development của Hồng Kông là cổ đông lớn của NWS Holdings, công ty chuyên kinh doanh về cơ sở hạ tầng và dịch vụ vận tải, với tỷ lệ sở hữu khoảng 61%.

Đây là một trong những thỏa thuận bảo hiểm lớn nhất từ trước đến nay tại Hồng Kông với khoản lợi nhuận đáng kể cho JD Capital – công ty đã mua FT Life với giá khoảng 1,4 tỷ USD vào năm 2015 từ Ageas.

FT Life cung cấp bảo hiểm nhân thọ, bao gồm các sản phẩm bảo hiểm trọn đời, bảo hiểm có kỳ hạn, niên kim nhân thọ, liên kết đầu tư, bảo hiểm tai nạn và bảo hiểm sức khỏe. FT Life có một mạng lưới gồm hơn 2.500 đại lý và quan hệ đối tác gắn liền với hơn 230 nhà môi giới và cố vấn tài chính độc lập tại Hồng Kông.

Giao dịch này mang lại cho NWS Holdings cơ hội lớn để khai thác khách hàng Trung Quốc và bảo hiểm cho dân số già ở Hồng Kông.

Ông Keith Cheng, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc điều hành NWD, nói: “FT FT Life sẽ là sự bổ sung tuyệt vời cho đại gia đình New World. Giao dịch này là một bước quan trọng hướng tới mục tiêu của chúng tôi là xây dựng một hệ sinh thái phong phú các dịch vụ chất lượng cao cho khách hàng và cộng đồng. Với nguồn gốc lâu đời ở Hồng Kông và tập trung vào Khu vực Greater Bay, chúng tôi tin rằng chúng tôi là nền tảng phù hợp để FT Life hiện thực hóa toàn bộ tiềm năng của mình trong dài hạn”.

Chủ tịch của FT Life, Fang Lin, nhận xét: “Chiến lược phát triển của New World Development và bề dày kinh nghiệm lâu năm của NWS Holdings tại Hồng Kông và tập trung vào Khu vực Greater Bay rất đồng bộ với tầm nhìn dài hạn của FT Life về bám gốc vững chắc ở Hồng Kong, hội nhập với Trung Quốc đại lục và mở rộng khắp châu Á và tập trung chiến lược vào Khu vực Greater Bay”.

“NWS Holdings sẽlà một cổ đông cam kết và lâu dài của FT Life. Cùng nhau, chúng ta sẽ đạt được sự hợp lực tiềm năng trong các khía cạnh như nguồn lực khách hàng, mạng lưới khu vực, sản phẩm và dịch vụ, hợp tác kinh doanh, tạo nền tảng vững chắc hơn để cùng nâng cao tiêu chuẩn dịch vụ của khách hàng và khả năng cạnh tranh cốt lõi để tiếp tục đạt được sự tăng trưởng lâu dài bền vững”.
JD Capital còn được gọi là Công ty Quản lý đầu tư Tongchuangjiuding.

Công ty bảo hiểm Mỹ mua cổ phần tại Singapore Life

(IAN) – Công ty bảo hiểm nhân thọ và ung thư toàn cầu có trụ sở tại Georgia, Aflac đã đầu tư 20 triệu đô la Mỹ vào Singapore Life, công ty bảo hiểm nhân thọ tập trung vào kỹ thuật số.

Ngoài ra, công ty con American Family Life Assurance Company of Columbus có kế hoạch tham gia vào một thỏa thuận tái bảo hiểm đối với một số sản phẩm bảo vệ với Singapore Life.

Ông Walter de Oude, Tổng Giám đốc Singapore Life, nhận xét: “Chúng tôi rất vui khi Aflac, với sức mạnh thương hiệu, sự tin cậy và vị trí dẫn đầu trong các lĩnh vực bảo hiểm ung thư và các chính sách y tế bổ sung khác, giờ đây vừa là nhà đầu tư cũng vừa là đối tác tại Singapore Life”.

“Chúng tôi mong muốn được hợp tác với Aflac trong quá trình tiếp tục phát triển các dịch vụ tài chính của Singapore Life nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng”.

Động thái này diễn ra sau khi Michael Spencer, người sáng lập công ty môi giới các nhà đầu tư mua cổ phần ICAP, hiện được gọi là Tập đoàn Nex, đã mua thêm 33,8% cổ phần của Singapore Life với giá 52,7 triệu USD thông qua công ty đầu tư IPGL có trụ sở tại Luân đôn. Ông đã mua cổ phần từ Chong Sing Holdings có trụ sở tại Hồng Kông vào tháng 12/2018.

Công ty đầu tư IPGL của Spencer đã sở hữu 29,4% cổ phần tại Singapore Life, nghĩa là khoản đầu tư này mang lại cho ông quyền kiểm soát công ty với 63,2% cổ phần, định giá công ty bảo hiểm ở mức 156 triệu USD.

Ấn Độ: Generali hoàn tất đầu tư vào liên doanh tại thị trường tiềm năng cao

(IAN) – Generali Group đã hoàn tất thỏa thuận tăng tỷ lệ sở hữu trong liên doanh bảo hiểm Ấn Độ với Tập đoàn Future Group lên 49% từ 25,5%.

Generali sẽ trả khoảng 120 triệu Euro (tương đương 137,3 triệu USD) cho các liên doanh gồm Công ty bảo hiểm nhân thọ Future Generali Ấn Độ, Công ty bảo hiểm phi nhân thọ Generali Future Generali Ấn Độ tương lai và liên doanh phân phối mới thành lập FG & G Distribution Private.

Ông Jaime Anchustegui Melgarejo, Tổng Giám đốc Quốc tế của Generali, bình luận: “Chiến lược mới của Generali đang tập trung vào các thị trường bảo hiểm tiềm năng cao. Ấn Độ sẽ đóng một vai trò quan trọng trong kế hoạch mở rộng của chúng tôi ở châu Á”.

“Việc tăng cường hợp tác của chúng tôi với Tập đoàn Future là một tín hiệu rõ ràng về cam kết của Generali Group trong việc đầu tư hơn nữa vào việc phát triển hệ thống khách hàng đối tác với tham vọng mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng”, ông nói thêm.

Ông Kishore Biyani, Tổng Giám đốc Tập đoàn Future Group, khẳng định: “Chúng tôi cam kết rằng các doanh nghiệp bảo hiểm của Tập đoàn sẽ tập trung vào khách hàng hơn và cùng với chuyên môn toàn cầu của Generali, chúng tôi tin rằng có thể tạo ra các nền tảng độc đáo và khác biệt ở Ấn Độ”.

Một thay đổi gần đây về quy định cho phép các công ty nước ngoài sở hữu 49% cổ phần ở Ấn Độ đã kéo theo một loạt các công ty nước ngoài tăng cổ phần trong các liên doanh Ấn Độ trong ba năm qua, bao gồm Axa và Allianz.

Trong khi đó, Ageas đã ký một thỏa thuận vào tháng 11 để mua 40% vốn cổ phần của Royal Sundaram – công ty bảo hiểm P&C Ấn Độ có trụ sở tại Chennai và là công ty con của Sundaram Finance – với giá 186 triệu Euro (210 triệu USD).

Ấn Độ: Liên doanh Carlyle-GIC dự kiến mua 742 triệu USD cổ phần tại SBI Life

(IAN) – Theo thời báo Ấn Độ Times, công ty cổ phần riêng khổng lồ Hoa Kỳ Carlyle Group đã cùng với quỹ quản lý tài sản GIC thuộc sở hữu của chính quyền Singapore thành lập một liên doanh để mua 10% cổ phần công ty Bảo hiểm nhân thọ SBI với giá khoảng 51 tỷ rupee (742 triệu USD).

Công ty Bảo hiểm nhân thọ SBI là liên doanh giữa Ngân hàng Nhà nước Ấn Độ, sở hữu khoảng 70% và ngân hàng Pháp BNP Caribas Cardif, sở hữu khoảng 26%.

Liên doanh mới thành lập sẽ mua cổ phần chiến lược từ BNP Caribas Cardif – công ty đã tuyên bố ý định giảm 26% cổ phần của mình trong Bảo hiểm nhân thọ SBI một phần hoặc toàn bộ cho một hoặc nhiều nhà đầu tư. Theo quy định của chính quyền địa phương, các nhà đầu tư phải thành lập

Công ty phục vụ mục đích đặc biệt (SPV) cho bất kỳ thỏa thuận nào để sở hữu 10% vốn trở lên trong liên doanh bảo hiểm.

Sau khi công bố thông tin bán cổ phần lần đầu tiên, KKR và Temasek Holdings cũng bày tỏ sự quan tâm đến việc mua cổ phần. Tuy nhiên, theo Ấn Độ Times, liên doanh Carlyle-GIC đã thắng thầu.

Mặc dù BNP Paribas, Carlyle và GIC chưa đưa ra tuyên bố chính thức nào song bản báo cáo cho biết đề xuất đầu tư đã được gửi đến Cơ quan quản lý và phát triển bảo hiểm Ấn Độ để phê duyệt.

Thị trường bảo hiểm Ấn Độ là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới khi số người trong tầng lớp trung lưu tăng lên và chính phủ giúp các công ty nước ngoài dễ dàng thực hiện hoạt động kinh doanh trong nước.

Indonesia: hơn 1 tỷ USD tổn thất bảo hiểm do núi lửa và sóng thần

(IAN) – Trong bối cảnh vẫn tồn tại nguy cơ đe dọa xảy ra các vụ phun trào núi lửa khác, chính phủ Indonesia đang phải đối mặt với nhiều khó khăn phía trước do núi lửa Anak Krakatau hoạt động trở lại ngày 22/12.

Núi lửa phun trào kéo theo cơn sóng thần bất ngờ đã giết chết ít nhất 430 người ở Java và Sumatra. Những con sóng cao tới năm mét đổ ập xuống bờ biển cạnh Sunda Stait. Hơn 150 người mất tích và mưa lớn đã cản trở việc tìm kiếm nạn nhân.

Hàng trăm ngôi nhà, khu nghỉ dưỡng khách sạn, bãi biển, xe cộ, cửa hàng và doanh nghiệp đã bị thiệt hại do sóng thần trong khi các chuyến bay và du lịch đã bị gián đoạn. Mặc dù thiệt hại vẫn đang được đánh giá, một số báo cáo cho thấy thiệt hại được bảo hiểm có thể lên tới hơn 1 tỷ USD.

Chính phủ đã cảnh báo các cộng đồng eo biển Sunda ở cách xa bờ biển ít nhất 1 km vì nguy cơ các trận sóng thần khác gây ra bởi các vụ phun trào đang diễn ra ở Krakatau. Trong khi đó, các chuyến bay đang được định tuyến lại để tránh tro từ núi lửa.

Vụ phun trào này xảy ra nhiều tháng sau trận động đất và sóng thần Sulawesi đã giết chết 2.256 người ở Donggala, Pala, Sigi và Parigi Moutang và làm hư hại khoảng 70.000 công trình.

Chính phủ Indonesia đã phải rất vất vả để tìm cách để cung cấp thêm các chính sách bảo hiểm và quản lý rủi ro cho người dân, đồng thời sẽ bắt đầu bảo hiểm các tòa nhà chính phủ từ năm tới.

79 tỷ USD ước tổn thất thảm họa được bảo hiểm toàn cầu năm 2018

(IAN) – Theo ước tính sơ bộ của Swiss Re, thảm họa tự nhiên và thảm họa nhân tạo năm 2018gây thiệt hại cho các công ty bảo hiểm và tái bảo hiểm khoảng 79 tỷ USD, đây là năm có tổn thất cao thứ tư trong hồ sơ Sigma.

Trong số 79 tỷ USD, Swiss Re ước tính rằng thảm họa tự nhiên đóng góp tới 71 tỷ USD tổn thất bảo hiểm và tái bảo hiểm, còn thảm họa nhân tạo chiếm 8 tỷ USD.

Sau nửa đầu năm tương đối yên ả, thị trường đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi một loạt các thảm họa thiên nhiên trong quý thứ ba và thứ tư của năm. Một loạt các cơn bão ở Nhật Bản, các vụ cháy rừng gây tổn thất kỷ lục ở California (từ 9 tỷ đến 13 tỷ USD), cơn bão Florence và cơn bão Michael đã đóng góp đáng kể vào tổng số thiệt hại kể trên.

Aon ước tính rằng tổn thất được bảo hiểm toàn cầu nửa đầu năm 2018 là 21 tỷ USD.
Thiệt hại kinh tế ước tính đối với các chính phủ, công ty và cá nhân khoảng 155 tỷ USD, trong đó 79 tỷ USD không được bảo hiểm.

Năm 2017 là một năm kỷ lục về chi phí bồi thường bảo hiểm sau khi bão Harvey, Irma và Maria tàn phá vùng biển Caribbean và Hoa Kỳ, tiêu tốn hơn 90 tỷ USD trong tổng số hơn 140 tỷ USD tổn thất cả năm.

Ước tính kể trênchưa bao gồm thiệt hại mới đây từ vụ phun trào núi lửa Anak Krakatau ở Indonesia. Hơn 430 người đã thiệt mạng sau khi những con sóng khổng lồ bất ngờ đổ xuống bờ biển gần eo biển Sunda. Gần 1.500 người mất tích và 22.000 người phải sơ tán.

Ước tính này cũng không bao gồm tổn thất từ cơn mưa đá khổng lồ ở Sydney vào cuối tháng 12 với trên 200 triệu USD khiếu nại bồi thường.

BTV (Tổng hợp).