TIÊU ĐIỂM TUẦN 50 NĂM 2018

Kỹ năng mềm là mấu chốt trong quan hệ khách hàng BHNT; QBE kỳ vọng tăng lợi nhuận 2019; Ngành bảo hiểm ‘chuyển mình’ để đón đầu Big Data

I. Tin trong nước

1. Tin bồi thường, tổn thất
Hai gara ô tô bốc cháy cùng ngày

(VTC News) – Chiều 16/12, 2 gara ô tô tại Quảng Ninh và Nghệ An bùng cháy dữ dội sau tiếng nổ lớn, thiêu rụi nhiều tài sản.

Tối 16/12, trả lời VTC News, bà Nguyễn Thu Hà, Chủ tịch phường Cẩm Phú (Cẩm Phả, Quảng Ninh) cho biết, một gara ô tô ở địa phương vừa bị cháy.
Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 16h50 ngày 16/12, xưởng sửa chữa ôtô nằm cạnh quốc lộ 18A, phường Cẩm Phú, TP Cẩm Phả (Quảng Ninh) bốc cháy dữ dội sau những tiếng nổ lớn.

Xem thêm: bảo hiểm sức khỏeBảo hiểm thai sảnbảo hiểm sức khỏe Bảo Việt

Ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng chức năng và nhiều xe chuyên dụng được điều đến hiện trường dập lửa.

Đến khoảng 17h, đám cháy cơ bản được khống chế. Tại hiện trường, nhiều vật dụng trong xưởng bị thiêu rụi hoàn toàn.

“Vụ cháy không gây thương vong về người. Hiện nguyên nhân vụ việc vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ”, bà Thu cho hay.

Trước đó vào khoảng 13h30 cùng ngày, kho lốp gara Kumho của Công ty CP XNK Nghệ An ở địa chỉ số 50, đường Nguyễn Trãi (phường Hà Huy Tập, TP Vinh, tỉnh Nghệ An) cũng đã bị “bà hỏa” ghé thăm, thiêu rụi nhiều vật dụng trong xưởng.

Theo nhân chứng tại hiện trường, vào thời điểm trên, họ nghe thấy nhiều tiếng nổ lớn. Khi chạy ra thì khói đen đã bốc lên cuồn cuộn, cao hàng chục mét.
Nhận được tin báo, lực lượng chức năng đã đến dập tắt đám cháy không để cháy lan sang các khu vực bên cạnh. Rất may vụ hỏa hoạn không gây thương vong về người.

2. Một vòng doanh nghiệp

Ngành bảo hiểm ‘chuyển mình’ để đón đầu Big Data

(TBTCO) – Hội nghị Định phí Việt Nam 2018 (Vietnam Actuarial Conference 2018 – VAC) vừa được tổ chức với chủ đề về dữ liệu lớn (Big Data), cơ hội và thách thức đối với ngành bảo hiểm.

Hội nghị năm nay do Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam (Prudential) chủ trì, diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, với sự hiện diện của đại diện cơ quan quản lý, Hiệp hội Bảo Hiểm Việt Nam và hơn 200 chuyên gia hoạt động trong ngành bảo hiểm nói chung, chuyên gia tính toán và chuyên viên định phí (Actuary) nói riêng đến từ các công ty bảo hiểm tại Việt Nam và quốc tế.

Các tham luận và đối thoại tại hội nghị năm nay xoay quanh những cơ hội và thách thức đối với ngành bảo hiểm trong xu hướng phát triển Big Data. Hội nghị mang đến những góc nhìn mới từ các chuyên gia quốc tế về thu thập và phân tích dữ liệu, về khoa học dữ liệu trong lĩnh vực tài chính – bảo hiểm và cách tiếp cận từ góc độ nghề định phí, cùng việc ứng dụng Big Data đáp ứng nhu cầu bảo vệ và chăm sóc sức khỏe ngày càng gia tăng tại châu Á và Việt Nam.

Cụ thể đối với nghề định phí, hội nghị nhìn nhận các thách thức từ Big Data mang lại cơ hội để các chuyên viên định phí chuẩn bị sẵn sàng “chuyển mình” trong thời đại công nghệ số. Hội nghị cũng chia sẻ về công việc của chuyên gia khoa học dữ liệu (data scientist) trong thời đại mới và nhìn nhận đây là một lựa chọn phát triển nghề nghiệp mới của chuyên viên định phí.

Các thế mạnh của chuyên gia tính toán và chuyên gia khoa học dữ liệu được kết hợp sẽ giúp thống kê, tính toán, phân tích và dự báo không chỉ các số liệu giả định trên diện rộng mà còn cụ thể hóa đến từng cá nhân, trong từng tình huống cụ thể của người dân. Các chuyên viên định phí với sự am hiểu sâu sắc và toàn diện về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có nhiều cơ hội hơn để phát triển sự nghiệp theo hướng ứng dụng những phân tích có được vào tối ưu hoạt động kinh doanh từ phát triển sản phẩm, thẩm định, chi trả quyền lợi bảo hiểm đến trải nghiệm dịch vụ của khách hàng.

Đối với doanh nghiệp bảo hiểm, hội nghị cũng nêu lên cơ hội phát triển các sản phẩm mới phục vụ nhu cầu bảo vệ và chăm sóc sức khỏe ngày một gia tăng ở châu Á và Việt Nam. Khi dữ liệu về sức khỏe của mỗi cá nhân được tích hợp và tính toán chính xác, các giải pháp bảo vệ tài chính cũng được thiết kế phù hợp cùng các ưu đãi chuyên biệt cho mỗi cá nhân. Big Data giúp doanh nghiệp bảo hiểm dễ dàng tiếp cận và thấu hiểu khách hàng hơn cũng như cung cấp các giải pháp giúp khách hàng chủ động phòng ngừa rủi ro và cân bằng cuộc sống…

Sự phát triển của Big Data cũng góp phần thúc đẩy sự hợp tác của các công ty bảo hiểm, tái bảo hiểm, các công ty khởi nghiệp trong ngành bảo hiểm (insurtech) để cùng giải quyết thách thức và tận dụng cơ hội mà xu hướng này mang lại. Điều này được kỳ vọng sẽ mang đến những cải tiến vượt trội hơn cho ngành bảo hiểm trong một xã hội phát triển và kết nối liên tục hiện nay.

Ông Clive Darren Baker – Tổng giám đốc Prudential chia sẻ: “Chúng tôi xác định Big Data là cơ hội để lắng nghe và thấu hiểu khách hàng của mình tường tận hơn, từ đó cung cấp những giải pháp bảo vệ tài chính và bảo vệ sức khỏe phù hợp nhất, đảm bảo khách hàng được hưởng dịch vụ phù hợp hơn, được thiết kế sản phẩm với mức phí phù hợp nhất, trong khi vẫn đảm bảo hiệu quả hoạt động, đảm bảo an toàn tài chính cho công ty”.

PTI đạt 4.000 tỷ đồng doanh thu năm 2018

(TBTCVN) – Năm 2018, tổng doanh thu BH gốc của PTI dự kiến vượt mốc 4.000 tỷ đồng; trong đó, hai nghiệp vụ chiếm tỷ trọng lớn của PTI là nghiệp vụ BH xe cơ giới và BH con người đều đạt mốc doanh thu cao. Cụ thể, doanh thu từ sản phẩm BH con người dự kiến đạt 1.300 tỷ đồng, tăng trưởng gần 50%, nghiệp vụ xe cơ giới đạt 2.000 tỷ đồng, tăng trưởng 15% so với năm trước.

Các kênh phân phối chính cũng đạt ngưỡng doanh thu ấn tượng: Kênh bancassurance đạt doanh thu 700 tỷ đồng, tăng trưởng 35%, hoàn thành 120% kế hoạch kinh doanh; kênh vnpost đạt doanh thu 620 tỷ đồng, tăng trưởng 10%; kênh môi giới và khách hàng Hàn Quốc đạt 360 tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với cùng kỳ. Với lợi thế về kênh phân phối bán lẻ rộng khắp toàn quốc – hệ thống bưu điện và lợi thế về công nghệ thông tin từ đối tác chiến lược là Bảo hiểm DB (Hàn Quốc), PTI đang vươn mình phát triển thế mạnh về bán lẻ, từng bước chiếm lĩnh các lĩnh vực mới trên thị trường.

Năm 2018, PTI vinh dự nhận 2 giải thưởng quốc tế quan trọng: Doanh nghiệp có nhiều sáng tạo xuất sắc trong hoạt động vì cộng đồng, do Tạp chí châu Á – Thái Bình Dương trao tặng và giải thưởng Thương hiệu xuất sắc thế giới, do tổ chức Laurete trao tặng.
Định hướng là doanh nghiệp BH tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động kinh doanh, PTI đã nghiên cứu và phát triển nhiều phần mềm công nghệ thông tin hiện đại ứng dụng vào công tác điều hành. Một loạt ứng dụng mới được đưa vào hoạt động như app bán hàng online cho tất cả kênh phân phối, app MyPTI cho các giám định viên… Chỉ trong năm 2018, PTI đã ký kết hợp tác với gần 10 doanh nghiệp lớn về thương mại điện tử và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khai thác BH. Hệ thống các đối tác này sẽ tạo nên hệ sinh thái sản phẩm đa dạng của PTI trên tất cả các kênh bán hàng lớn tại Việt Nam.

Bên cạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, PTI cũng nghiên cứu phát triển nhiều dòng sản phẩm mới phù hợp với các phân khúc khách hàng khác nhau như: BH tình yêu, BH Trip insurance, Bảo an khang, Fast protection…, trong đó nổi bật nhất là 2 sản phẩm BH tình yêu và Fast protection. Fast protection là dòng sản phẩm BH theo chuyến đi dành riêng cho khách hàng sử dụng phần mềm đặt xe Fastgo. Sản phẩm đem lại sự bảo vệ toàn diện cho khách hàng với quyền lợi BH lên đến 200 triệu đồng/vụ. Trong khi đó, sản phẩm BH tình yêu lại là dòng sản phẩm hướng đến nhóm khách hàng trẻ. Là sản phẩm lần đầu tiên có mặt tại thị trường Việt Nam, sản phẩm đã thu hút được sự quan tâm rất lớn từ khách hàng. Đến nay đã ghi nhận phát sinh 130.000 khách hàng đăng ký mua BH. 90% khách hàng đều mua BH với mức phí cao nhất là 1,6 triệu đồng… Tiếp nối thành công của 2018, trong năm 2019, PTI đặt mục tiêu doanh thu 4.500 tỷ đồng, tăng trưởng 12%.

Manulife tăng vốn điều lệ, khẳng định cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam

(TBTCVN) – Manulife Việt Nam hiện là doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ duy nhất trên thị trường bảo hiểm Việt Nam chỉ trong năm 2018 đã 3 lần tăng vốn điều lệ.
Với việc làm này, Manulife Việt Nam đã cán mốc 9.695 tỷ đồng – trở thành doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn nhất thị trường; tiếp tục khẳng định cam kết đầu tư lâu dài tại thị trường bảo hiểm Việt Nam.

Tháng 7/2018, Bộ Tài chính đã cấp Giấy phép điều chỉnh số 13/GPĐC24/KDBH cho phép công ty sửa đổi, bổ sung Giấy phép thành lập và hoạt động. Theo đó, Manulife Việt Nam được phép tăng vốn điều lệ lên 9.695 tỷ đồng và trở thành công ty bảo hiểm nhân thọ lớn nhất tại Việt Nam tính theo vốn điều lệ.

Theo các chuyên gia trong ngành bảo hiểm, đây là động thái thể hiện cam kết mạnh mẽ của Manulife Việt Nam đối với thị trường Việt Nam; là nền tảng tài chính vững chắc để công ty đẩy mạnh hoạt động đầu tư và phát triển các lĩnh vực quan trọng nhằm phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn, bởi nguồn lực tài chính vững mạnh là một tiêu chí quan trọng để công ty bảo hiểm nhân thọ trở thành điểm tựa tài chính tin cậy cho khách hàng trước mọi rủi ro trong cuộc sống.

Được biết, sau 19 năm có mặt tại thị trường Việt Nam, doanh nghiệp này hiện đang cung cấp một danh mục các sản phẩm đa dạng từ sản phẩm bảo hiểm truyền thống đến sản phẩm bảo hiểm sức khỏe, giáo dục, liên kết đầu tư, hưu trí…, phục vụ khách hàng của hơn 900.000 hợp đồng thông qua đội ngũ đại lý hùng hậu và chuyên nghiệp tại 61 văn phòng trên 45 tỉnh.

Những năm gần đây, Manulife Việt Nam liên tục đạt được những kết quả kinh doanh ấn tượng, với mức tăng trưởng trung bình cao hơn mức trung bình của thị trường. Manulife Việt Nam hiện là công ty bảo hiểm giữ vị trí số 1 về bảo hiểm liên kết qua ngân hàng. Bên cạnh đó, công ty cũng luôn nỗ lực nâng cao dịch vụ, mang đến cho khách hàng nhiều tiện ích mới và thuận tiện hơn trong giao dịch…

Với kết quả kinh doanh vượt trội và đầu tư hiệu quả trong năm 2017, đầu tháng 11/2018, Manulife đã chi trả thêm 68 tỷ đồng lãi suất cho khách hàng mua sản phẩm bảo hiểm có chia lãi của công ty trước ngày 1/1/2006. Được biết, cùng kỳ năm ngoái, Manulife cũng đã trả thêm khoản bảo tức trị giá 58 tỷ đồng cho các khách hàng mua sản phẩm bảo hiểm có chia lãi. Như vậy, bên cạnh việc được Manulife bảo vệ, khách hàng còn được đảm bảo lãi suất ổn định theo từng năm, được chia thêm bảo tức hấp dẫn và được hưởng dịch vụ bảo hiểm cao cấp nhờ vào chất lượng kinh doanh hiệu quả và phương châm “khách hàng là trọng tâm” của Manulife.

Đại diện Manulife Việt Nam khẳng định: “Việc tăng vốn là cơ sở để Manulife Việt Nam tập trung phát triển các dự án số hóa chuyên biệt cho dịch vụ khách hàng và đội ngũ tư vấn tài chính, mang đến cho khách hàng những giải pháp quản lý tài chính, sức khỏe và các vấn đề toàn diện của cuộc sống, cũng như tiếp tục cải tiến dịch vụ; đồng thời hiện thực hóa cam kết phát triển bền vững và lâu dài của công ty tại thị trường Việt Nam”.

Với tiềm lực tài chính mạnh mẽ, Manulife Việt Nam đang dần hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược của mình, mới đây doanh nghiệp này cũng chính thức ra mắt EasyClaims (https://boithuongbaohiem.manulife.com.vn/), trang web hỗ trợ khách hàng hoàn tất và nộp chứng từ yêu cầu bồi thường bảo hiểm trong vòng 1 phút. EasyClaims được Manulife Việt Nam kỳ vọng sẽ tạo nên một bước tiến lớn trong hành trình ứng dụng công nghệ trong quản lý giao dịch và dịch vụ khách hàng. Thành quả gặt hái từ dự án EasyClaims sẽ là nền tảng quan trọng để Manulife Việt Nam tiếp tục triển khai các dự án tự động hóa khác nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Với những nỗ lực vượt bậc, Manulife Việt Nam đã vinh dự nhận được giải thưởng “Công ty bảo hiểm nhân thọ tốt nhất Việt Nam 2017” do Tạp chí Global Business Outlook Anh bình chọn. Bên cạnh đó, công ty cũng nhận được giải thưởng “Thương hiệu xuất sắc 2017” và Giấy chứng nhận “Doanh nghiệp xuất sắc về chỉ số hài lòng khách hàng 2017” do Hội đồng Nghiên cứu Kinh tế và Hiệp hội Thương mại Toàn cầu (GTA) trao tặng, vì những nỗ lực luôn đặt khách hàng vào vị trí trọng tâm trong mọi hoạt động kinh doanh…

3. Nhịp đập thị trường

Dòng vốn Hàn Quốc đổ bộ thị trường bảo hiểm Việt

(ĐTCK) – Thông tin trên một số phương tiện truyền thông Hàn Quốc mới đây cho biết, KB Insurance – một thành viên thuộc Tập đoàn Tài chính KB của Hàn Quốc và cũng là công ty bảo hiểm lớn thứ 4 tại quốc gia này muốn mua lại 17% cổ phần của Tổng CTCP Bảo hiểm Bảo Minh.

Như vậy, nếu thương vụ diễn ra thành công, KB Insurance sẽ vượt qua Bảo hiểm AXA để trở thành cổ đông lớn thứ 2 của Bảo Minh. Động thái này diễn ra trong bối cảnh nhiều công ty bảo hiểm của Hàn Quốc đã mở rộng hoạt động sang thị trường bảo hiểm Việt Nam thông qua hoạt động mua bán – sáp nhập (M&A).

Trong 3 năm qua, có 4 doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam đã có cổ đông chiến lược là các doanh nghiệp bảo hiểm Hàn Quốc với tỷ lệ cổ phần nắm giữ khá cao từ 17-37% vốn điều lệ, trong đó có 3 doanh nghiệp thuộc Top 5 công ty bảo hiểm phi nhân thọ lớn nhất của Việt Nam.

Mở màn xu hướng M&A giữa doanh nghiệp bảo hiểm Hàn Quốc và Việt Nam là việc Bảo hiểm DB – công ty bảo hiểm đứng thứ 2 tại Hàn Quốc mua 37% cổ phần của Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện (PTI) vào năm 2015. Đây là tỷ lệ sở hữu cao nhất mà một doanh nghiệp bảo hiểm Hàn Quốc nắm giữ tại một doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam hiện nay.
Tiếp đó, năm 2017, Samsung Fire & Marine Insurance mua 20% cổ phần của Tổng CTCP Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) để trở thành cổ đông lớn thứ hai của doanh nghiệp này.
Mới nhất, vào tháng 11 vừa qua, Hyundai Marine & Fire Insurance công bố sẽ mua 25% cổ phần của VietinBank Insurance. Nếu thương vụ này hoàn thành, Hyundai cũng sẽ là cổ đông lớn thứ hai của VietinBank Insurance.

Theo một số chuyên gia bảo hiểm, có 2 nguyên nhân dẫn đến sự đổ bộ của các doanh nghiệp bảo hiểm Hàn Quốc vào Việt Nam. Thứ nhất, do thị trường bảo hiểm Hàn Quốc đang bắt đầu bão hòa, không còn tăng trưởng tốt như giai đoạn trước, nên các doanh nghiệp bảo hiểm muốn hướng ra thị trường nước ngoài để mở rộng hoạt động kinh doanh.

Mặt khác, việc Chính phủ Hàn Quốc không cho phép các công ty bảo hiểm phi nhân thọ của quốc gia được tăng mức phí bảo hiểm ô tô, bất chấp tỷ lệ tổn thất đang ngày càng tăng, cũng là lý do khiến các hãng bảo hiểm phải chuyển hướng.

Thứ hai, thị trường bảo hiểm Việt Nam đang có đà tăng trưởng ổn định, với mức tăng trung bình 2 con số mỗi năm. Việt Nam cũng là đất nước có dân số đông, trong khi tỷ trọng người mua bảo hiểm lại chưa cao, nên còn nhiều tiềm năng để phát triển.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán xung quanh việc đánh giá tiềm năng của các thị trường để mở rộng hoạt động, đại diện vốn tại một công ty bảo hiểm cho biết, các doanh nghiệp bảo hiểm Hàn Quốc thường hướng đến 4 thị trường là Mỹ, Trung Quốc, châu Âu và Đông Nam Á.

“Tuy nhiên, Mỹ và châu Âu là những thị trường đã rất phát triển với nhiều thương hiệu bảo hiểm có năng lực cạnh tranh cao nên các doanh nghiệp bảo hiểm Hàn Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn để giành thị phần. Với Trung Quốc, tuy là thị trường rộng lớn, nhưng lại có nhiều rào cản và chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi chủ nghĩa dân tộc. Tại khu vực Đông Nam Á, các nước như Indonesia, Malaysia đã có thị trường bảo hiểm phát triển khá tốt nên được nhiều công ty bảo hiểm châu Âu thâu tóm, trong khi các nước còn lại thì hoặc chưa mở cửa thị trường (Myanma), hoặc có quá nhiều rủi ro về thiên tai (Thái Lan, Philippines). Vì vậy, Việt Nam là lựa chọn tối ưu để các doanh nghiệp bảo hiểm Hàn Quốc đầu tư mở rộng thị phần”, vị này phân tích.

Chia sẻ lý do lựa chọn PTI để đầu tư, ông Kim Kang Wook – Phó chủ tịch HĐQT PTI kiêm đại diện vốn của Bảo hiểm DB cho biết, trước đó, các công ty bảo hiểm thành viên của một số tập đoàn lớn tại Hàn Quốc như Samsung, Huyndai hay LG đã thành lập các công ty liên doanh, chi nhánh tại Việt Nam, nhưng chủ yếu cung cấp sản phẩm bảo hiểm cho các công ty con của mình hay các doanh nghiệp Hàn Quốc sang đầu tư tại Việt Nam.
Với Bảo hiểm DB, khi đầu tư vào Việt Nam mang tâm thế khác: DB muốn cùng với PTI đóng góp cho sự phát triển của thị trường bảo hiểm Việt Nam…

“Với tiềm năng lớn, thời gian tới sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc muốn tìm kiếm cơ hội tại thị trường Việt Nam. Sự tham gia của các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ mang tới công nghệ hiện đại, nguồn lực tài chính dồi dào, góp phần thúc đẩy thị trường bảo hiểm Việt Nam phát triển bền vững”, ông Kim Kang Wook nhìn nhận.

4. Bảo hiểm với cộng đồng

“Ấm áp yêu thương – Nâng bước tới trường” cùng các em học sinh trường mầm non Hùng Đô

(VNR) – Hướng tới kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Tổng công ty, Công đoàn, Đoàn thanh niên phối hợp với Ban Marketing Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm Quốc Gia Việt Nam (VINARE) đã tổ chức cho gần 30 cán bộ đến thăm các cô giáo và các em học sinh Trường mầm non xã Hùng Đô, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, mang theo những món quà được chuẩn bị từ chính số tiền quyên góp được qua các hoạt động tập thể gây Quỹ thiện nguyện của VINARE.

Hùng Đô là một xã miền núi khó khăn của huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, nơi đây là địa bàn sinh sống của các đồng bào dân tộc thiểu số như Mường, Tày, Nùng, Khơ-me. Năm học 2018-2019, trường mầm non Hùng Đô có 90 cháu học sinh trong độ tuổi từ 2 đến 5 tuổi. Tuy không bị ảnh hưởng trực tiếp từ đợt bão lũ vừa qua, nhưng cơ sở vật chất, học cụ của trường còn nhiều thiếu thốn và hạn chế; điều kiện kinh tế khó khăn nên phụ huynh học sinh cũng không có khả năng đóng góp xây dựng trường.

Xúc động trước sự đón tiếp nồng hậu của các cô giáo và các em học sinh, bà Lương Bích Loan – Chủ tịch công đoàn – thay mặt đoàn thiện nguyện Tổng công ty kính chúc các cô giáo nhiều sức khỏe để tiếp tục chăm sóc và dạy dỗ nhiều thế hệ học trò, chúc các bé luôn vui khỏe. Ông Đào Mạnh Dương – Giám đốc Ban Marketing – đại diện Tổng công ty trao tặng cho các em học sinh của trường phần quà trị giá hơn 30 triệu đồng, bao gồm chăn ấm, đồ chơi, giáo cụ mầm non và bánh kẹo. Ông Dương nhấn mạnh các em chính là những mầm non tương lai của đất nước, đó cũng là lý do vì sao Tổng công ty mang đến cho các em những món quà nhỏ nhưng ý nghĩa, giúp nâng cao chất lượng chăm sóc và học tập của các em.

Ngoài ra, đoàn thiện nguyện VINARE đã có phần giao lưu đầy ắp tiếng cười với các bé qua các trò chơi vui nhộn với sự tham gia hào hứng của các bé. Các bạn nhỏ cũng rất tự tin biểu diễn tài năng của mình.

Các cô giáo và học sinh trường mầm non Hùng Đô đã bày tỏ sự cảm kích trước tấm lòng tương thân tương ái, vì cộng đồng của các cán bộ công nhân viên VINARE. Các cô giáo cũng xin gửi lời chúc sức khỏe đến Lãnh đạo và cán bộ Tổng công ty, chúc VINARE tiếp tục phát triển và giữ vững vai trò lá cờ đầu trong ngành bảo hiểm Việt Nam.

II. Tin quốc tế

Kỹ năng mềm là mấu chốt trong quan hệ khách hàng BHNT

(INJ) – Theo MetLife, khách hàng vẫn ưa thích các kỹ năng mềm của tư vấn viên trong khi ngành bảo hiểm đang tập trung vào năng lực truyền đạt và năng lực chuyên môn.
Báo cáo mới nhất của MetLife cho thấy, ba thuộc tính hàng đầu mà khách hàng mong muốn từ các tư vấn viên bảo hiểm đều liên quan đến các kỹ năng mềm. Cụ thể gồm: “thật sự quan tâm đến tôi”, “nói bằng một ngôn ngữ dễ hiểu”, và “thành thật và đáng tin”.
Khoảng 60% số người được hỏi đánh giá tư vấn viên của họ là “rất giỏi”, “giỏi” hoặc “xuất sắc” nhờ những đánh giá cao về các kỹ năng mềm.

MetLife cho rằng, tư vấn viên bảo hiểm phải thay đổi phương thức liên lạc với thế hệ khách hàng trẻ: 84% người tiêu dùng trong độ tuổi 18-39 thích email hoặc nhắn tin (18%), trong khi những người trên 60 thích giao tiếp trực tiếp (52%) hoặc gọi điện thoại (47%). Tuy nhiên, 53% chủ doanh nghiệp nhỏ trẻ thích gọi điện thoại, trong khi 80% khách hàng lớn tuổi thích email.

Cũng theo MetLife, khách hàng sẽ không ngần ngại thay đổi tư vấn viên nếu họ thiếu kỹ năng mềm, đặc biệt đối tượng khách hàng là chủ doanh nghiệp nhỏ.

Trưởng phòng bán lẻ Matt Lippiatt nói: “Các tiêu chuẩn đào tạo mới sẽ nâng cao trình độ đào tạo chính quy trong toàn ngành, nhưng chúng ta không được phép bỏ qua số lượng người tiêu dùng và các doanh nghiệp nhỏ đánh giá cao các kỹ năng tư vấn cá nhân”.

Ông nhận định, sự kỳ vọng của người tiêu dùng đang tăng lên và giờ đây, nếu chỉ có mình năng lực chuyên môn là không đủ.

Thị trường bảo hiểm Philippines tăng trưởng mạnh

(IAN) – Theo Ủy ban Bảo hiểm Philippines, 9 tháng đầu năm 2018, doanh thu phí trên toàn thị trường bảo hiểm nhân thọ, P&C và bảo hiểm vi mô nước nàyđạt tốc độ tăng trưởng 18%.

Dữ liệu từ Ủy ban cho thấy thị trường ghi nhận tổng doanh thu phí bảo hiểm là 218,9 tỷPeso (4,16 tỷ USD) trong khoảng thời gian từ ngày 1 tháng 1 đến ngày 30 tháng 9. Con số này cao hơn 18% so với 185,51 tỷ Peso được ghi nhận trong cùng kỳ năm ngoái.
Lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ đạt doanh thu kỷ lục 174,15 tỷ Peso, chiếm 79,6% tổng phí bảo hiểm toàn thị trường, đồng thời cao hơn 20,4% so với 144,63 tỷ Peso cùng kỳ năm 2017.
Trong khi đó, doanh thu phí bảo hiểm thuần lĩnh vực bảo hiểm P&C tăng 7,34% lên 36,83 tỷ Peso từ mức 34,31 tỷ Peso năm 2017.
Nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới là động lực chính cho tăng trưởng trong lĩnh vực bảo hiểm P&C của Philippines, đóng góp tới 51,4% tổng doanh thu phí bảo hiểm thuần. Tiếp đó, bảo hiểm hỏa hoạn chiếm 13% phí bảo hiểm và bảo hiểm tai nạn đóng góp 10%.
Thị trường Philippines đã sẵn sàng để có bước tăng trưởng hơn nữa và dự kiến sẽ kết thúc năm 2018 theo cách tương tự như chín tháng đầu năm nay.

Công ty BHNT lớn thứ 3 Hàn Quốc sẽ IPO vào năm tới

(IAN) –Kyobo Life, công ty bảo hiểm nhân thọ lớn thứ ba Hàn Quốc về giá trị tổng tài sản, đã quyết định sẽ tổ chức chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) vào năm tới để huy động vốn nhằm đáp ứng các quy định về vốn dựa trên rủi ro mới.
Quyết định này được đưa ra trong cuộc họp Hội đồng quản trị của Kyobo Lifengày 11 tháng 12 tại Seoul.

Nếu IPO thành công, Kyobo sẽ trở thành công ty bảo hiểm nhân thọ đại chúng thứ6 trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc cùng với Hanwha Life, Mirae Asset, Orange Life, Samsung Life và Yong Yang.

Động thái này được đưa ra sau cuộc họp Hội đồng quản trị tháng 7 thảo luận về cách tăng vốn đệm để chuẩn bịđáp ứng các tiêu chuẩn quy định chặt chẽ hơn sẽ đo lường sức mạnh tài chính doanh nghiệp bảo hiểm.

Bắt đầu từ năm 2021, cơ quan quản lý Hàn Quốc sẽ đưa ra quy định về tỷ lệ vốn dựa trên rủi ro có tên gọi “Tiêu chuẩn vốn bảo hiểm Hàn Quốc”, trong khi các quy định kế toán mới được cập nhật – Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế, IFRS 17 – sẽ có hiệu lực vào tháng 1 năm 2022, sau 12 tháng trì hoãn.

Tỷ lệ RBC của Kyobo Life lên tới 292% trong tháng 9, trên mức tối thiểu do các cơ quan tài chính Hàn Quốc khuyến nghị là 150%.

Quy mô vốn của Kyobo Life sẽ tăng sau kế hoạch IPO kể trên. Ngoài ra còn có một số nhà đầu tư lớn trong công ty đang mong đợi hiện thực hóa thu nhập.

Anbang thoái vốn 2,4 tỷ USD

(IAN) –Bảo hiểm Anbang đã quyết định bán 35% cổ phần của mình tại Ngân hàng Thương mại Nông thôn Thành Đô với mức giá 16,8 tỷ Rmb (2,44 tỷ USD), căn cứ hồ sơ gửi tới Sở Giao dịch Tài sản Tài chính Bắc Kinh trong tuần vừa qua. Anbang là cổ đông lớn nhất của ngân hàng được nhà nước hậu thuẫn.

Đây là động thái mới nhất trong một loạt các hoạt động của Anbang nhằm bán tài sản để củng cố bảng cân đối kế toán kể từ khi chính phủ Trung Quốc nắm quyền kiểm soát người khổng lồ bảo hiểm này vào tháng Hai. Hồi tháng 6 năm 2017, hãng đã gặp rắc rối sau khi một vụ mua bán nhanh chóng kết thúc và Chủ tịch Wu Xiaohui bị bắt vì tội phạm kinh tế. Đầu năm nay, Wu đã bị kết án 18 năm tù về tội gian lận và tham ô.

Tháng trước, Anbang đã chỉ định ngân hàng Bank of America thực hiện dịch vụ bán Strategic Hotels & Resort, một danh mục khách sạn hạng sang ở Mỹ mà công ty đã mua vào năm 2016 với giá 5,5 tỷ USD.

Hiện nay Anbang đang sở hữu nhiều tài sản bảo hiểm và bất động sản trên toàn cầu. Hãng đã cố gắng thoái vốn nhiều tài sản kể trên trong năm nay, bao gồm các công ty bảo hiểm ở châu Âu và Hàn Quốc, đồng thời cũng đang tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược cho toàn bộ danh mục.

Để hiểu rõ hơn về kế hoạch thoái vốn đầy kịch tính của Bảo hiểm Anbang, vui lòng xem tại đây.

Beazley bổ nhiệm hai cán bộ quản lý dòng sản phẩm tài chính tại Singapore

(IAN) – Harry Goh và Jessica Schappell vừa được tuyển dụng làm việc cho văn phòng hãng bảo hiểm Beazley, Singapore tại Capita Green (ảnh) vào tháng 1 năm 2019. Ông Goh sẽ làm việc với tư cách là Chuyên gia đánh giá rủi ro sản phẩm tài chính còn bà Schappell quản lý bồi thường trong khu vực.

Ông Harry Goh có hơn 20 năm kinh nghiệm đánh giá rủi ro cho các khoản bồi thường bảo hiểm nghề nghiệp và rủi ro sai sót y tế tại Singapore, giờ đây đảm nhận vai trò mới là đánh giá rủi ro dòng sản phẩm tài chính quốc tế. Ông sẽ chịu trách nhiệm bđánh giá rủi rocho các dòng sản phẩm bao gồm bảo hiểm không gian mạng, bảo hiểm giám đốc và người điều hành (D&O), tổ chức tài chính, sơ suất y tế và bồi thường nghề nghiệp

Vai trò gần đây nhất của ông Goh là tại công ty bảo hiểm Ergo thuộc sở hữu của Munich Re, với việc phát triển các nghiệp vụ bảo hiểm tài chính, và chịu trách nhiệm về bảo hiểm thiệt hại và quản lý tài khoản các nhà môi giới quốc tế.

Về phần mình, bàSchappell sẽ chịu trách nhiệm quản lý khiếu nại bồi thường sản phẩm tài chính khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Hiện, bà đang làm việc tại văn phòng Beazley từ New York, nơi bà đã làm việc từ tháng 1 năm 2007 trong lĩnh vực bồi thường bảo hiểm chuyên biệt. Ban đầu, bà quản lý các khiếu nại trên mạng và gần đây, đã quản lý các khiếu nại phức tạp trên các danh mục y tế, bệnh viện và chăm sóc dài hạn của Beazley. Trước khi gia nhập Beazley, Schappell là một nhà phân tích khiếu nại cho AIG ở New York.
Ông Nicholas Tey, Giám đốcsản phẩm tài chính quốc tế khu vực châu Á của Beazley,nhận xét: “Chúng tôi rất mong được chào đón Goh và Schappell vào công ty. Kinh nghiệm sâu sắc về rủi ro và bồi thường của họ sẽ giúp chúng tôi phát triển hơn nữa dịch vụ của mình ở Châu Á Thái Bình Dương”.

Lloyd’s bổ nhiệm Giám đốc khu vực Châu Á-Thái Bình Dương

(IAN) – Ông Iain Ferguson, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Lloyd’s Nhật Bản, (ảnh) vừa được bổ nhiệm làm Giám đốc khu vực Lloyd’s Châu Á Thái Bình Dương. Ông sẽ tiếp tục làm việc tại trụ sở ở Tokyo.

Theo cơ cấu lại, Lloyd’s khu vực Châu Á Thái Bình Dương sẽ bao gồm khu vực Châu Á-Thái Bình Dương hiện tại và Trung Quốc.

Ông Ferguson gia nhập Lloyd’s vào năm 2007 và đã làm việc 20 năm trước đó tại công ty bảo hiểm RSA có trụ sở ở Anh.

Bên cạnh đó, ông Linmao Li được bổ nhiệm làm Giám đốc quốc gia của Trung Quốc, kế nhiệm cho ông Eric Gao nghỉ hưu vào cuối năm nay sau 10 năm cầm quyền. Quyết định bổ nhiệm ông Li còn phải chờ sự thông qua của Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc (CBIRC).

Ông Li bắt đầu sự nghiệp của mình với Lloyd’s trong vai trò chuyên viên đánh giá rủi ro tại London trước khi chuyển đến Catlin, sau đó là XL Catlin (nay là Axa XL), với tư cách là Giám đốc đánh giá rủi ro XL Catlin, Lloyd’s Trung Quốc, và chịu trách nhiệm về hoạt động của XL Catlin tại Trung Quốc đại lục.

Trong một thay đổi khác tại Lloyd’s Châu Á, ông Jonathan May đã được bổ nhiệm làm Giám đốc tài chính Châu Á Thái Bình Dương. Đồng thời, ông sẽ kiêm nhiệm vị trí Giám đốc quốc gia Trung Quốc tạm thời cho đến khi ông Li chính thức nhận nhiệm vụ vào năm mới.

Ông May bắt đầu làm việc tại Lloyd’s Luân đôn từ năm 2006 trước khi chuyển đến Trung Quốc vào năm 2016. Trước đó, ông làm việc tại bộ phận kiểm toán bảo hiểm của E&Y ở Luân đôn và Madrid.

Ông Kent Chaplin là cựu Tổng Giám đốc Châu Á Thái Bình Dương trước khi rời đi vào đầu tháng 10 năm nay.

Myanmar: cấp phép kinh doanh bảo hiểm cho doanh nghiệp nước ngoài từ năm 2019

(IAN) – Theo Cục Quản lý Tài chính Myanmar, các công ty bảo hiểm nước ngoài sẽ có thể bắt đầu hoạt động tại nước này từ tháng 4 năm sau.

Tuần trước, trong Hội nghị Bảo hiểm và Thị trường vốn Vương quốc Anh tại Yangon, ông U Thant Sin, Cục trưởng Cục Quản lý Tài chính Myanmar, cho biết các hãng bảo hiểm nước ngoài đủ điều kiện sẽ có thể có được giấy phép hoạt động trong vòng 16 tuần tới.
Động thái này là một phần trong nỗ lực của chính phủ nhằm mở cửa thị trường bảo hiểm để cạnh tranh nhiều hơn nhằm giúp ngành bảo hiểm cung cấp dịch vụ tốt hơn. Theo ông Sin, cạnh tranh nước ngoài cũng sẽ giúp ngành bảo hiểm Myanmar đưa ra các sản phẩm và kênh phân phối đạt chất lượng tốt hơn. Ông nói thêm rằng Myanmar sẽ mong đợi một lượng vốn lớn, lên tới 30% tổng số đầu vào cần thiết từ các công ty bảo hiểm, sẽ được sử dụng để mua trái phiếu chính phủ.

Các công ty bảo hiểm nước ngoài từ 14 quốc gia đã thành lập tổng cộng 31 văn phòng đại diện tại Myanmar với dự đoán chính phủ cho phép đầu tư nước ngoài đầy đủ vào bảo hiểm nhân thọ và liên doanh trong bảo hiểm P&C.

Các công ty bảo hiểm nước ngoài muốn hoạt động tại Myanmar sẽ cần phải nộp 14 triệu USD lệ phí cấp giấy phép.

QBE kỳ vọng tăng lợi nhuận năm 2019

(AIR) – QBE, công ty bảo hiểm toàn cầu lớn nhất của Úc, dự kiến lợi nhuận năm 2019 sẽ bị ảnh hưởng bởi những “cơn gió ngược” với quy mô khoảng 50 triệu – 100 triệu USD. Tuy nhiên, QBE vẫn tự tin đạt được tỷ lệ hoạt động kết hợp được cải thiện và lợi nhuận tổng thể cao hơn vào năm 2019 so với năm 2018, được hỗ trợ từ tỷ lệ phí bảo hiểm tăng, dự kiến sẽ cải thiện tỷ lệ bồi thường và chương trình hiệu quả mới công bố gần đây.
Trong bản tin cập nhật thị trường, QBE cho biết họ đã xây dựng xong kế hoạch tái bảo hiểm năm 2019 và công bố “chương trình hiệu quả hoạt động” ba năm.

Kế hoạch tái bảo hiểm 2019 dự kiến sẽ tiết kiệm khoảng 125 triệu USD, tuy nhiên, sẽ phải bù đắp cho khoản tăng lên về chi phí bồi thường rủi ro và thảm họa cá nhân (từ mức 1,2 tỷ USD hiện nay lên 1,4 tỷ USD).

Kế hoạch tái bảo hiểm mới được cấu trúc để phù hợp hơn với danh mục đầu tư đơn giản hóa của Tập đoàn và cải thiện hồ sơ đánh giá rủi ro. Các đặc điểm chính của kế hoạch bao gồm:
• giảm đáng kể mức giữ lại rủi ro thảm họa;
• tăng cường các bảo vệ chống lại mức độ nghiêm trọng của thảm họa;
• bảo vệ chống lại tần suất của thảm họa cỡ trung bình;
• giảm đáng kể việc duy trì yêu cầu rủi ro cá nhân lớn;
• cải thiện các bảo vệ chống lại mức độ nghiêm trọng của yêu cầu rủi ro cá nhân lớn; và
• tăng bảo vệ chia sẻ hạn mức bảo vệ để tiếp tục giảm biến động về chi phí bồi thường.

Về khía cạnh quản lý hoạt động: Tập đoàn QBE tập trung vào việc nâng cao hiệu quả và tính hợp lý trong hoạt động, hợp nhất các công cụ công nghệ, giảm chi phí vận hành CNTT, tái thiết kế và tự động hóa các quy trình. Các tính năng chính của chương trình hiệu quả hoạt động của Tập đoàn giai đoạn 2019-2021 bao gồm:

• tiết kiệm hơn 200 triệu USD vào năm 2021 trước khi tính đến khoản lạm phát cơ bản và đầu tư thêm vào chương trình Brilliant Basics (xoay quanh việc định giá tốt hơn, lựa chọn rủi ro và quản lý yêu cầu bồi thường), công nghệ và số hóa;
• giảm khoảng 130 triệu đô la chi phí thuần vào năm 2021 từ mức khoảng 1,8 tỷ USD hiện tại;
• hướng đến mục tiêu tỷ lệ chi phí khoảng 14% vào năm 2021, tương ứng cải thiện khoảng 1,5%, bao gồm tăng trưởng phí bảo hiểm ở mức rất khiêm tốn và có chọn lọc; và
• khoảng 95 triệu đô la chi phí tái cấu trúc sẽ phát sinh trong giai đoạn 2019-2020.

QBE cũng cho biết họ đã hoàn thành chương trình đơn giản hóa danh mục đầu tư của Tập đoàn với việc bán các hoạt động bảo hiểm của mình tại Puerto Rico, Indonesia và Philippines. Quá trình bán còn chờ sự phê duyệt theo quy định. QBE cũng đã bán hoạt động kinh doanh tại Thái Lan và rời khỏi thị trường Mỹ Latinh bằng việc bán lại hoạt động tại Argentina, Brazil, Colombia, Ecuador và Mexico.

BTV (Tổng hợp).