TIÊU ĐIỂM TUẦN 49 NĂM 2018

Lloyd’s Lab tìm kiếm khởi nghiệp Insurtech; DNBH chạy hết công suất vì ngập lụt Miền Trung; Bảo hiểm VietinBank tiên phong công nghệ 4.0

I. Tin trong nước

1.Tin bồi thường, tổn thất

BIC chi trả hơn 500 triệu đồng quyền lợi bảo hiểm

 (BIC) – Ngày 5/12/2018, Tổng Côngty Bảo hiểm BIDV (BIC) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Bắc Hải Dương (Chi nhánh BIDV Bắc Hải Dương) đã tổ chức gặp gỡ và traohơn 500 triệu đồng tiền bảo hiểm người vay vốn (BIC Bình An) cho thân nhân anhVũ Đình Luyện, cán bộ BIDV Bắc Hải Dương và cũng là khách hàng vay vốn của chinhánh ngân hàng này.

Anh Vũ Đình Luyện sinh năm 1974, đã có 11 năm công tác tại Chi nhánh BIDV Bắc Hải Dương thuộc địa bàn huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Trong thời gian công tác tại Chi nhánh BIDV Bắc Hải Dương, anh Luyện có tham gia bảo hiểm BIC Bình An cho khoản vay thấu chi có thời hạn 12 tháng tại Chi nhánh. Mới đây, anh Luyện đã không may gặp tai nạn khi đi về nhà thuộc địa phận khu dân cư Linh Chấp 6, xã Thái Học, huyện Chí Linh, Hải Dương và không qua khỏi. Ngay khi nhận được tin báo, BIC Hải Dương (đơn vị cấp đơn bảo hiểm) và Chi nhánh BIDV Bắc Hải Dương đã gửi lời thăm hỏi, động viên và gấp rút hoàn thiện các thủ tục để chi trả bảo hiểm cho khách hàng theo quy định. Tổng số tiền chi trả cho gia đình anh Luyện là 525.314.333 đồng, bao gồm: dư nợ gốc, lãi tại thời điểm xảy ra sự kiện bảo hiểm, hỗ trợ tiền lãi vay trong thời gian làm thủ tục chi trả bảo hiểm và tiền trợ cấp mai táng.

Xem thêm: bảo hiểm sức khỏeBảo hiểm thai sảnbảo hiểm sức khỏe Bảo Việt

Năm 2018, đánh dấu kỷ niệm 10 năm triển khai kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (Bancassurance) của BIC. Trong suốt 10 năm qua, sản phẩm BIC Bình An nói riêng và các sản phẩm Bancassurance nói chung đã luôn là người bạn đồng hành tin cậy của khách hàng và ngân hàng. Dự kiến năm 2018, doanh thu của kênh sẽ tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao, trên 50% so với năm 2017. Song song với việc đẩy mạnh doanh thu phí bảo hiểm, BIC cũng đặc biệt chú trọng tới việc giải quyết quyền lợi bảo hiểm nhanh chóng cho khách hàng, đảm bảo khách hàng luôn cảm thấy an tâm khi tin tưởng và lựa chọn tham gia bảo hiểm tại BIC. Đối với các ngân hàng, BIC cam kết sẽ tiếp tục cải tiến, đổi mới sản phẩm, dịch vụ ngày càng ưu việt hơn, cung cấp giải pháp quản lý rủi ro hữu hiệu cho hoạt động của các ngân hàng.

ABIC bồi thường gần 488 triệu đồng cho 5 gia đình khách hàng tại Hòa Bình

(HBĐT) – Chiều ngày 29/11, Công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp – Chi nhánh Hà Nội (ABIC Hà Nội) cùng Agribank Chi nhánh huyện Kim Bôi, chính quyền địa phương đồng hành phối hợp tổ chức chi trả quyền lợi bảo hiểm cho 5 khách hàng của Agribank huyện Kim Bôi. Những khách này khi vay vốn tại Agribank Chi nhánh Kim bôi đã tham gia bảo hiểm Bảo an Tín dụng tại ABIC nhưng không may qua đời. ABIC Hà Nội đã thay mặt gia đình người vay vốn thanh toán toàn bộ số tiền đã vay cho Agribank Kim Bôi.

Tổng số tiền Bảo hiểm ABIC chi trả cho 5 hộ gia đình có người thân vay vốn tại Agribank lên đến gần 488 triệu đồng. Bao gồm: Gia đình ông Bùi Văn Thệu, xã Nam Thượng, số tiền trên 31 triệu đồng; gia đình ông Bùi Văn Huỳnh, xã Vĩnh Đồng, số tiền trên 41,2 triệu đồng; gia đình ông Đinh Công Thọ, xã Mỵ Hòa, trên 102 triệu đồng; gia đình ông Bùi Văn Kiện, xã Cuối Hạ, số tiền gần 103 triệu đồng và gia đình ông Trần Văn Canh, Thị trấn Bo, số tiền gần 202 triệu đồng.

Theo đại diện ABIC Hà Nội, bằng cả tấm lòng cùng với sự thấu hiểu sâu sắc tới những gia đình có người thân vay vốn của Agribank huyện Kim Bôi nhưng không may qua đời, ABIC Hà Nội đã thanh toán 100% số tiền các khách hàng đã vay. Đồng thời, mong muốn được chia sẻ kịp thời những khó khăn, mất mát lớn lao mà gia đình khách hàng vay vốn tại Agribank Kim Bôi gặp phải. Qua đó, giúp các gia đình khách hàng vay vốn sớm ổn định cuộc sống, có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế.

Được biết, từ khi triển khai sản phẩm Bảo An Tín Dụng tại huyện Kim Bôi, đến nay, ABIC Hà Nội đã chi trả cho khoảng 125 khách hàng vay vốn với số tiền lên đến 2,8 tỷ đồng. Riêng năm 2018, ABIC Hà Nội chi trả bồi thường cho 22 gia đình khách hàng với số tiền 820 triệu đồng. Hiện, toàn địa bàn huyện Kim Bôi mỗi năm có khoảng 4.800 khách hàng vay vốn tại Agribank Kim Bôi tham gia loại hình Bảo An Tín Dụng của ABIC Hà Nội.

Các hãng bảo hiểm chạy hết công suất vì ngập lụt tại Miền Trung

(ĐTCK) – Đêm 8/12 và ngày 9/12, không khí lạnh kết hợp với nhiễu động trong đới gió đông trên cao gây mưa rất to cho Đà Nẵng, Quảng Nam. Tại Đà Nẵng, nhiều đường phố biến thành sông. Tình trạng mưa lũ đã gây ảnh hưởng tới nhiều khách hàng của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ tại các tỉnh thành này.

Tin từ PTI cho biết, tính đến thời điểm hiện tại PTI đang có 34 khách hàng thông báo tổn thất. Tuy nhiên, do trời mưa chủ yếu vào tối nên các xe chủ yếu là bị ngập nước, đặc biệt là một số xe để trong hầm chung cư, nhiều xe bị ngập quá nóc. Tổng thiệt hại của PTI đến thời điểm này tạm ước khoảng 1 tỷ đồng.

Được biết, PTI đã đưa được 20 xe vào xưởng, lập tức triển khai các phương án khắc phục, sấy khô thiết bị để giảm thiểu thiệt hại cho khách hàng. 14 xe còn lại, PTI vẫn đang đẩy nhanh các tiến độ cứu hộ, tuy nhiên, đối với các hầm chung cư còn đang ngập nặng thì việc cẩu kéo xe lên vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Dự kiến công tác cứu hộ sẽ được hoàn thiện trong ngày hôm nay.

Trong khi đó, hãng bảo hiểm PVI cũng đã có những thông tin sơ bộ về tổn thất xe cơ giới với khoảng 62 xe bị ngập nước.

Về tổn thất tài sản, kỹ thuật có khoảng 3 tổn thất do ngập nước cụ thể: Tòa nhà Seabank Đà Nẵng (đường Nguyễn Văn Linh) ngập toàn bộ 2 tầng hầm; Tòa nhà Taseco Đà Nẵng (đường Phan Đăng Lưu) ngập toàn bộ 1 tầng hầm; Tòa nhà CADANA Đà Nẵng (đường Ngô Quyền) ngập toàn bộ 1 tầng hầm…

Tổn thất thiệt hại vẫn đang được tính toán và chưa có con số chính thức, tuy nhiên, theo nhận định của đại diện một công ty bảo hiểm, lần mưa bão này tổn thất của khách hàng khá nặng nề đặc biệt là tổn thất về tài sản.

Trước đó, cơn mưa bão xảy ra tại TP.HCM cũng khiến các doanh nghiệp khối này thiệt hại nặng nề. Theo con số thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, riêng tổn thất bảo hiểm xe cơ giới sau 3 ngày bão tan đã lên tới hàng chục tỷ đồng, đó là chưa kể những tổn thất của bảo hiểm rủi ro cho tài sản.

2.Một vòng doanh nghiệp

Bảo hiểm VietinBank – Tiên phong công nghệ 4.0 tại VietNam Expo 2018

(VBI) – Bảo hiểm VietinBank tham gia Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt Nam và đem đến cho khách hàng những trải nghiệm hoàn toàn mới khi mua bảo hiểm.

Khách hàng được tiếp cận và trải nghiệm ứng dụng MyVBI sở hữu tính năng ưu việt, vượt trội nhất: giám định và bồi thường bảo hiểm trực tuyến. Khi khách hàng phát sinh nhu cầu bồi thường bảo hiểm về ô tô hay sức khỏe, chỉ cần một vài thao tác trên ứng dụng My VBI, chụp ngay hồ sơ gốc ngay tại ứng dụng, My VBI sẽ tiếp nhận trực tiếp và chuyển về bộ phận giám định và bồi thường của Bảo hiểm VietinBank trong vòng 2 giây.

Thay vì quy trình khai báo bồi thường, hoàn tất thủ tục mất 15 ngày, thâm chí đến 1 tháng như trước kia, với ứng dụng My VBI thời gian gian xử lý được rút gọn xuống còn 5 ngày, bằng 1/3 tốc độ trung bình hiện tại trên thị trường bảo hiểm.

Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt Nam lần thứ 16 diễn ra trong 4 ngày từ 4/12 – 8/12 tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc tế Sài Gòn (SECC), 799 Nguyễn Văn Linh, Quận 7, TP.Hồ Chí Minh, góp mặt 750 doanh nghiệp đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Vietnam Expo là sự kiện uy tín để doanh nghiệp tham dự ra mắt sản phẩm mới và phát triển mạng lưới kinh doanh, khách tham quan có cơ hội tiếp cận công nghệ mới, tận dụng các cơ hội hợp tác trọn vẹn trong 4 ngày triển lãm.

PTI hợp tác với Lotte Finance Vietnam

(ĐTCK) – Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu Điện (PTI) vừa chính thức ký kết hợp tác với Công ty tài chính TNHH MTV Lotte Việt Nam (Lotte Finance Vietnam) – công ty 100% vốn chủ sở hữu Hàn Quốc. Lotte Finance là một trong những đối tác được Bảo hiểm PTI lựa chọn nhằm đa dạng kênh phân phối các giải pháp tài chính bảo hiểm.

Thông qua hợp tác này, hai bên sẽ cùng xây dựng những lợi ích gia tăng, đáp ứng nhu cầu bảo hiểm tài chính trọn gói của khách hàng một cách nhanh chóng, hiệu quả.
Lãnh đạo của PTI cho biết, với sự hỗ trợ toàn diện của cổ đông chiến lược là doanh nghiệp bảo hiểm đứng thứ 2 Hàn Quốc – Công ty Bảo hiểm DB, PTI chắc chắn sẽ mang lại cho khách hàng của Lotte Finance những sản phẩm, dịch vụ ưu việt nhất trên thị trường.

Được biết, tính đến hết tháng 11/2018, PTI đạt doanh thu 3.650 tỷ đồng, hoàn thành 105%, tăng trưởng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Hai nghiệp vụ chính là bảo hiểm xe cơ giới tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng 10%, đạt doanh thu 1.820 tỷ đồng; bảo hiểm con người đạt 1.150 tỷ đồng, tăng trưởng gần 40%.

Tập đoàn bảo hiểm AIA chọn Việt Nam để họp Hội đồng quản trị

(ĐTCK) – Bên cạnh việc phát triển chiến lược ưu tiên nhằm khai thác tối đa cơ hội xây dựng vị thế dẫn đầu trong ngành bancassurance tại Việt Nam, việc xây dựng đội ngũ Đại lý ngoại hạng toàn thời gian, tập trung vào những thành phố lớn là một trong những chiến lược ưu tiên của AIA Việt Nam.

Nhận định trên được, ông Ng Keng Hooi, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn AIA phát biểu với báo giới ngay sau chuyến viếng thăm thị trường Việt Nam trong những ngày đầu tháng 12 để tham dự cuộc họp hội đồng quản trị Tập đoàn AIA.

Đây là sự kiện thường niên được tổ chức tại các thị trường khác nhau để Ban lãnh đạo Tập đoàn có cơ hội tới thăm và làm việc, hiểu rõ hơn về thị trường đó.

Năm nay, Việt Nam được chọn là quốc gia đăng cai tổ chức sự kiện quan trọng này. Đây là lần đầu tiên sự kiện được tổ chức ở TP.HCM.

“Chúng tôi rất lạc quan trước triển vọng phát triển của AIA tại đây”, Tổng giám đốc Tập đoàn AIA chia sẻ. Việt Nam là một quốc gia trẻ với 70% dân số ở độ tuổi dưới 35; và tầng lớp trung lưu mới nổi – hiện đang chiếm 13% dân số nhưng dự kiến sẽ đạt 26% vào năm 2026. (Nguồn: Ngân hàng Thế giới).

Ngoài ra, sự mở rộng của tầng lớp trung lưu và mức tăng trưởng kinh tế vượt trội là yếu tố thúc đẩy nhu cầu về các sản phẩm bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống. Sự thay đổi nhanh chóng về cơ cấu dân số học cũng như thành phần xã hội mang lại nhiều cơ hội cho các công ty bảo hiểm nhân thọ.

Được biết, Tập đoàn AIA hiện đang áp dụng sáng kiến mô hình chi nhánh đại lý sáng tạo của Việt Nam.

“Chúng tôi đã thí điểm các mô hình này tại các thành phố lớn của Việt Nam như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Hải Phòng, và được gọi là AIA Exchange.

AIA Exchange cũng thu hút nhiều tài năng trẻ năng động, có hoài bão từ trong và ngoài ngành với các chương trình đào tạo chuyên nghiệp và được hỗ trợ các công cụ kỹ thuật số tiên tiến nhất. Chiến lược này đã rất thành công, giúp AIA khác biệt với những đối thủ cạnh tranh trên phương diện thương hiệu, chất lượng tư vấn và tính chuyên nghiệp của dịch vụ tại các thành phố lớn”, ông Ng Keng Hooi cho biết.

3. Nhịp đập thị trường

“Đại dương xanh” cho mảng bảo hiểm vi mô

(ĐTCK) – Với sự phát triển của công nghệ, sự thay đổi trong thói quen và cách thức mua hàng của khách hàng, các công ty bảo hiểm sẽ phải thay đổi cách thiết kế cũng như phân phối sản phẩm bảo hiểm thay vì chỉ làm theo cách truyền thống. Đây là lý do bảo hiểm vi mô (micro insurance) được nhận định sẽ trở thành xu hướng trong thời gian tới.

Nửa đêm thứ Bảy, ngày 17/12/2016, ông Brandon – khách hàng của Hãng bảo hiểm Lemonade bị mất áo khoác lông ngỗng Canada hiệu Langford Parka, giá hơn 900 USD. Sau 6 ngày tìm kiếm, ông quyết định đòi Lemonade bồi thường chiếc áo.

5 giờ 43 phút chiều thứ Sáu ngày 23/12, ông mở ứng dụng AI Jim của Lemonade trên iPhone, nhập thông tin khiếu nại và mô tả diễn biến sự việc (hết 61 giây). 5 giờ 49 phút 7 giây, ông Brandon ấn nút “Gửi khiếu nại” (Submit). Khoảng 3 giây sau, lúc 5 giờ 49 phút 10 giây, khiếu nại của Brandon được thanh toán.

Như vậy, trong khoảng thời gian 3 giây, AI Jim claim bot đã thực hiện hàng tỷ phép tính, xử lý các công việc như: Đánh giá khiếu nại, kiểm tra chéo với hợp đồng bảo hiểm của Brandon, chạy các thuật toán phát hiện trục lợi bảo hiểm, quyết định chấp nhận bồi thường, gửi lệnh thanh toán đến nhà băng với giá trị 729 USD (áo của Brandon được bảo hiểm với mức khấu trừ là 250 USD) và gửi phản hồi chấp nhận bồi thường.

Đây là câu chuyện được ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam chia sẻ mới đây tại cuộc nói chuyện với các sinh viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM. Lemonade của Mỹ là doanh nghiệp công nghệ bảo hiểm (Insurtech) chuyên bán các sản phẩm bảo hiểm thuộc lĩnh vực tài sản cá nhân, hộ gia đình qua mạng và giải quyết bồi thường cũng qua mạng.

“Phí bảo hiểm cho áo của Brandon là 5 USD/tháng, rẻ hơn khoảng 82% so với phí bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm truyền thống”, ông Dũng nói và nhấn mạnh, việc tìm kiếm, phát triển sản phẩm ở các phân khúc ngách với phương thức duyệt hợp đồng, chi trả bồi thường nhanh gọn như vậy không chỉ là “sân chơi” độc quyền của các hãng bảo hiểm tại nước ngoài, mà sắp tới sẽ trở thành xu hướng tại Việt Nam.

Thực tế, trong vài năm gần đây, khái niệm bảo hiểm vi mô (micro insurance) đã bắt đầu phát triển tại Việt Nam, tạo ra một “đại dương xanh” để các doanh nghiệp phát triển thị trường ngách, tránh sự cạnh tranh trực tiếp. Bảo hiểm vi mô thực chất là dòng sản phẩm bảo hiểm với quyền lợi đơn giản, mức phí thấp, được bán cho số đông và không phải thẩm định hay kiểm tra trước khi cấp đơn.

Trước đây, bảo hiểm vi mô thường được xây dựng cho người nghèo nhằm giúp họ có cơ hội tiếp cận được các dịch vụ bảo hiểm với mức phí rất nhỏ, nhưng hiện nay, khái niệm này đã không còn chính xác. Bảo hiểm vi mô ngày nay được xây dựng dành cho tất cả đối tượng khách hàng, bao gồm tầng lớp trí thức có thu nhập khá tại các thành phố. Sản phẩm được đóng gói đơn giản đến mức chỉ cần click chuột, khách hàng đã hoàn thiện được việc mua hàng, cũng như nhận tiền bồi thường.

Theo các chuyên gia, đây là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh thị trường bảo hiểm phi nhân thọ có mức độ cạnh tranh khốc liệt, chủ yếu tập trung vào các dòng sản phẩm truyền thống lâu đời như bảo hiểm xe cơ giới, con người, tài sản kỹ thuật, hàng hải. Hiện tại, do đặc điểm của sản phẩm bảo hiểm vi mô là mức phí khá nhỏ nên việc thu phí gặp rất nhiều khó khăn, tốn thời gian và nhân lực. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm lâu đời chưa mặn mà với dòng sản phẩm này.

Để khắc phục được các hạn chế, tại nhiều nước phát triển, doanh nghiệp bảo hiểm thường xây dựng các dòng sản phẩm trên nền tảng online để khách hàng có thể tự động đóng phí, thậm chí không cần đến giấy chứng nhận bảo hiểm mà các quyền lợi bồi thường vẫn được đảm bảo thực hiện nhanh chóng.

Tại Việt Nam, một ví dụ của sản phẩm bảo hiểm vi mô là Fast protection mà PTI đang xây dựng độc quyền cho phần mềm đặt xe Fastgo. Sản phẩm này bảo hiểm cho khách hàng theo mỗi chuyến đi, với mức phí chỉ 2.000 đồng/chuyến, số tiền bảo hiểm tối đa có thể lên đến 200 triệu đồng.

Khi lên xe, khách hàng chỉ cần xác nhận tham gia là đã được PTI bảo vệ cho toàn bộ hành trình mà không cần đến bất kỳ giấy chứng nhận bảo hiểm nào. Hoặc dòng sản phẩm bảo hiểm tai nạn được đóng gói cho các khách hàng của các công ty viễn thông: Bảo Tâm An (Bảo Long), Bảo An Khang (PTI)…

Theo các chuyên gia trong ngành, để phát triển được dòng sản phẩm vi mô này, các doanh nghiệp bảo hiểm cần đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, tận dụng được thế mạnh của nền công nghiệp 4.0… nhằm cung cấp gói dịch vụ thuận tiện từ khâu bán hàng, thanh toán đến chi trả bảo hiểm.

4. Tin đào tạo

Tổ chức Khóa đào tạo cơ bản về bảo hiểm phi nhân thọ

(IRT) – Sáng ngày 03/12/2018 Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo bảo hiểm tổ chức khai giảng khóa đào tạo cơ bản về bảo hiểm phi nhân thọ cho 22 học viên là cán bộ của Công ty cổ phần Bảo hiểm OPES tại Hà Nội.

Trong 40 giờ đào tạo, khóa học trang bị cho các học viên những kiến thức liên quan tới lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ như: Tổng quan về bảo hiểm, Hợp đồng bảo hiểm; Bảo hiểm con người, bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm hàng hóa, bảo hiểm tàu thuyền, bảo hiểm tài sản, bảo hiểm kỹ thuật, bảo hiểm trách nhiệm.

Đây là khóa đào tạo được tổ chức theo nhu cầu riêng của doanh nghiệp bên cạnh các khóa đào tạo chung cho toàn thị trường đã liên tục được tổ chức hằng tháng tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Khóa học này cũng là khóa đào tạo phi nhân thọ cơ bản cuối cùng trong năm 2018 của Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Bảo hiểm.

5. Bảo hiểm với cộng đồng

VBI tặng quà cho bệnh nhi tại bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội

(VBI) – Sáng ngày 11/12, nối tiếp hành trình chia sẻ yêu thương, Bảo hiểm VietinBank Thăng Long đã thăm và tặng quà cho các bệnh nhân nhi có hoàn cảnh đặc biệt đang điều trị tại bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội.

Khoa Nhi bệnh viện Xanh Pôn hiện đang điều trị cho 60 ca bệnh nhân nhi. Phần lớn hoàn cảnh của gia đình vô cùng khó khăn và các cháu đang phải điều trị bệnh nặng với chi phí vô cùng lớn.

Bảo hiểm VietinBank Thăng Long phối hợp với Bệnh viện Xanh Pôn tổ chức chương trình thiện nguyện với thông điệp “Lan tỏa yêu thương” vì mầm non tương lai, gửi tặng các cháu các phần quà nhỏ hi vọng các cháu sớm khỏe mạnh.

Phần quà bảo hiểm VietinBank gửi tặng gồm 150 hộp sữa bột, 50 thùng sữa tươi và các quà tặng từ bảo hiểm VietinBank gồm áo mưa, ba lô rút, mũ bảo hiểm.

Manulife mang “Điểm Check-in Hạnh phúc” tới khu vực đi bộ Bờ Hồ (Hà Nội)

(ĐTCK) – Trong hai ngày 15-16/12/2018, khu vực phố đi bộ, gần tượng đài Cảm tử ở Hà Nội sẽ diễn ra sự kiện “Điểm Check-in Hạnh phúc” dành cho cộng đồng do Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Manulife tổ chức.

Đây là điểm nhấn trong chuỗi “Hành trình Hạnh phúc giản đơn” của Manulife Việt Nam. Đúng như tên gọi, “Điểm check-in hạnh phúc” đem đến những trải nghiệm vui cùng nhiều hoạt động ý nghĩa và cơ hội nhận những phần quà hữu ích từ Manulife Việt Nam.
Các hoạt động khuyến khích người tham gia gửi những lời nói yêu thương mà có thể lâu nay họ lãng quên hoặc ngại ngùng thổ lộ, hay thực hiện những hành động quan tâm… giúp gắn kết các thành viên trong gia đình, bạn bè và đồng nghiệp… Đây còn là một “trạm dừng chân” cho mọi người giữa nhịp sống hối hả của thành thị, một điểm vui chơi cuối tuần cho gia đình, để cùng cảm nhận niềm hạnh phúc giản đơn mỗi ngày.

Với nỗ lực đem lại cho khách hàng những giải pháp đơn giản, hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn, Manulife Việt Nam thực hiện chiến dịch “Hành trình Hạnh phúc giản đơn” từ cuối tháng 11/2018 đến hết tháng 12/2018 nhằm khuyến khích mọi người hưởng ứng và lan toả thông điệp về Hạnh phúc giản đơn cùng lối sống và suy nghĩ tích cực đến những người xung quanh.

Trước khi đến với Thủ đô Hà Nội, sự kiện “Điểm check-in hạnh phúc” đã có mặt tại TP. Hồ Chí Minh vào dịp cuối tuần vừa qua và đã thu hút hơn 2.000 lượt người tham dự.

II. Tin quốc tế

QBE thoái vốn tại Indonesia, Philippines và Puerto Rico

(IAN) – Theo một thông báo giao dịch chứng khoán vào ngày 11 tháng 12, QBE đang trong quá trình bán các hoạt động bảo hiểm của mình tại Indonesia, Philippines và Puerto Rico. Kết hợp lại, các bộ phận này có tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới hàng năm khoảng 100 triệu USD.

Hoạt động kinh doanh tại Indonesia, nơi QBE có quyền sở hữu đa số, đang được bán cho Great East với giá khoảng 28 triệu USD và tất cả các thỏa thuận đều phải được chấp thuận theo quy định. QBE hiện đang sở hữu 75% QBE Seaboard tại Philippines, nơi công ty đã có sự hiện diện từ năm 2013.

Tập đoàn QBE, dưới sự điều hành của Tổng Giám đốc Pat Regan, cũng đang thực hiện chương trình hiệu quả hoạt động ba năm nhằm giảm chi phí ròng 130 triệu đô la Mỹ và giảm tỷ lệ chi phí khoảng 14% vào năm 2021. QBE dự báo chi phí tái cấu trúc giai đoạn 2019-2020 khoảng 95 triệu USD. Gần đây, hãng cũng đã công bố kế hoạch tái cấu trúc ban điều hành tại Úc và thực hiện việc thay đổi cấu trúc các khối chức năng.

Nhà khổng lồ bảo hiểm cũng đã xây dựng chương trình tái bảo hiểm năm 2019, được cấu trúc để phù hợp hơn với “danh mục đầu tư đơn giản” và cải thiện hồ sơ kinh doanh bảo hiểm.

QBE cho biết, động thái này cho thấy “rủi ro trước các thảm họa cực đoan hơn đã giảm bớt”. Ví dụ, tổn thất tối đa có thể xảy ra đối với các sự kiện lốc xoáy ở Úc hàng năm là 1:20 và 1: 200 sẽ giảm tương ứng khoảng 20% và 35%, đồng thời tổn thất tối đa có thể xảy ra đối với rủi ro bão của Mỹ hàng năm từ mức 1:20 và 1: 200 sẽ giảm khoảng 20% và 25% tương ứng.

Chương trình năm 2019 dự kiến sẽ tiết kiệm cho công ty bảo hiểm khoảng 125 triệu đô la chi phí tái bảo hiểm. Tuy nhiên, QBE cho biết điều này sẽ được bù đắp nhiều hơn bằng việc tăng khoản trợ cấp ngân sách cho rủi ro cá nhân lớn và các yêu cầu thảm họa lên tới khoảng 1,4 tỷ USD, tăng so với mức khoảng 1,2 tỷ USD hiện nay, với sự thay đổi lớn hơn về doanh thu phí tái bảo hiểm.

QBE dự kiến sẽ lợi nhuận năm 2018 đạt khoảng 50 triệu đến 100 triệu USD. Tuy nhiên, tỷ lệ hoạt động kết hợp được cải thiện và lợi nhuận tổng thể năm 2019 cao hơn so với năm 2018, nhờ gia tăng doanh thu phí bảo hiểm và sự tiếp tục cải thiện tỷ lệ bồi thường và chương trình hiệu quả.

Công ty con của Tokio Marine bổ nhiệm CIO

(IAN) – Producers Ag Insurance Group, công ty con về bảo hiểm nông nghiệp của Tập đoàn bảo hiểm Tokio Marine, đã bổ nhiệm ông Benji Borner làm Giám đốc Công nghệ thông tin (CIO).

Tại vị trí này, ông Borner sẽ phối hợp với đội ngũ công nghệ hàng đầu ProAg để thúc đẩy sự hiện diện kỹ thuật số của công ty và cải thiện trải nghiệm khách hàng kỹ thuật số.
Ông Borner có xuất thân ngoài ngành bảo hiểm. Chức vụ gần đây nhất của ông là Phó Giám đốc Công nghệ khách hàng thân thiết tại Aimia Inc – công ty chuyên về chương trình tiếp thị và khách hàng thân thiết. Trước đó, ông làm việc tại Carlson Marketing, công ty hoạt động trong cùng lĩnh vực với Aimia Inc.

Producers Ag Insurance Group cũng đã thuê Scott Schaefers làm Phó Giám đốc cấp cao về Marketing và Đổi mới. Gần đây nhất, ông Scott Schaefers là Phó giám đốc Marketing chiến lược cho Travelers. Ngoài ra, hãng cũng tuyển dụng ông Becky Piechowski làm Phó Giám đốc cấp cao về Hoạt động sau khi làm việc cho State Farm, Traveller và CUNA Mutual.

Ông Kendall Jones, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc ProAg, nói: “Chúng tôi rất vui mừng được thông báo ba thành viên mới của đại gia đình ProAg trong quá trình nỗ lực để củng cố tổ chức, xây dựng mối quan hệ đại lý, gắn kết tốt hơn với khách hàng và dẫn đầu với công nghệ trong ngành nông nghiệp”.

ProAg hiện đang sử dụng khoảng 400 nhân viên hỗ trợ cho hoạt động bảo hiểm nông nghiệp ở 41 nước.

Tokio Marine Kiln tăng cường năng lực bảo hiểm tài sản tại Singapore

(IAN) – Tokio Marine Kiln đã bổ nhiệm ông Jamie Tang làm Chuyên gia Đánh giá rủi ro tài sản tại Singapore. Ông Tang sẽ làm việc với team bảo hiểm tài sản và chịu trách nhiệm phát triển danh mục sản phẩm trên toàn khu vực châu Á.

Tang có một thập kỷ kinh nghiệm đánh giá rủi ro bảo hiểm, đặc biệt tập trung vào Úc, nơi ông có nền tảng vững chắc về bảo hiểm tài sản phức tạp và phát triển các mối quan hệ môi giới.

Ông Alex Dugand, Tổng Giám đốc Tokio Marine Kiln khu vực châu Á, cho biết: “Chúng tôi rất vui khi được chào đón ông Tang đến với công ty. Danh mục sản phẩm bảo hiểm tài sản tại khu vực châu Á là một phần cốt lõi và lâu dài trong hoạt động kinh doanh của công ty. Thành công của chúng tôi ở đây là minh chứng cho trình độ chuyên môn mạnh của các chuyên gia đánh giá rủi ro cũng như chất lượng của các mối quan hệ mà họ xây dựng”.
Ông nói thêm: “Việc có thêm ông Tang trong ban điều hành sẽ hỗ trợ cho hoạt động cung cấp bảo hiểm tài sản của công ty trên toàn khu vực trong thời điểm chúng tôi có thể nhìn thấy nhiều cơ hội mới, bất chấp môi trường thị trường đầy thách thức”.

Gần đây, Tokio Marine Kiln đã quyết định đóng cửa văn phòng Hồng Kông sau khi xem xét bối cảnh thị trường.

Theo ông Charles Franks, Tổng Giám đốc Tập đoàn Tokio Marine Kiln: “Đội ngũ Hồng Kông của chúng tôi đã có những đóng góp to lớn cho nỗ lực chung của Tập đoàn ở châu Á và chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ họ trong giai đoạn khó khăn này.
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cam kết chắc chắn với chiến lược châu Á của mình, đồng thời các văn phòng Singapore và Thượng Hải sẽ tiếp tục vận hành và theo đuổi các chiến lược tăng trưởng tương ứng; tập trung vào bảo hiểm tai nạn và sức khỏe, hàng không, hàng hóa hàng hải, tín dụng thương mại, rủi ro chính trị, tài sản, tái bảo hiểm cố định nông nghiệp và tái bảo hiểm cố định tài sản trên toàn châu Á”.

BHSI rút khỏi Tổ hợp rủi ro khủng bố Hồng Kông

(IAN) – Công ty bảo hiểm chuyên biệt Berkshire Hathaway đã trở thành công ty bảo hiểm đầu tiên ở Hồng Kông cung cấp bảo hiểm khủng bố bồi thường người lao động (EC) cho khách hàng sau khi rút khỏi tổ hợp bảo hiểm khủng bố tập trung tại Hồng Kông vào ngày 1 tháng 12.

Tổ hợp bảo hiểm khủng bố tập trung EC của Hồng Kông được thành lập để cung cấp bảo hiểm rủi ro khủng bố cho các chủ hợp đồng EC của Hồng Kông sau sự kiện khủng bố ngày 11 tháng 9 tại New York năm 2001 khi năng lực bảo hiểm trên thị trường quốc tế bị giảm sút. Việc tham gia của doanh nghiệp bảo hiểm là tự nguyện.

Tổ hợp này cung cấp giới hạn bảo hiểm tối đa là 10 tỷ đô la Hồng Kông (1,28 tỷ USD), được chia sẻ giữa tất cả các chủ hợp đồng của EC cho tất cả các khiếu nại khủng bố trên cơ sở rủi ro nào xảy ra trước được phục vụ trước.

Các công ty bảo hiểm tham gia vào tổ hợp phải thu một khoản thuế 3% trên phí bảo hiểm đối với các chủ hợp đồng EC để nộp cho chính phủ Hồng Kông.

Từ ngày 1 tháng 12, phạm vi bảo hiểm khủng bố của EC do BHSI cung cấp không còn chịu bất kỳ hạn chế nào của tổ hợp trên. Khách hàng của BHSI, không còn phải chịu mức thuế 3% và các khoản bồi thường rủi ro khủng bố không còn phụ thuộc vào khoản thanh toán hoặc bồi hoàn từ tổ hợp nữa.

Ông Marc Breuil, Giám đốc BHSI Khu vực châu Á và Trung Đông, cho biết: “phản hồi từ khách hàng và các nhà môi giới đối với quyết định này của chúng tôi là khá thuận lợi.

Các hợp đồng bảo hiểm bồi thường người lao động của BHSI hiện nay hoàn toàn do BHSI đảm bảo bằng sức mạnh tài chính của mình – có cùng mức xếp hạng tín nhiệm S&P như chính quyền đặc khu Hồng Kông – đồng thời chúng tôi cung cấp bảo hiểm khủng bố EC mà khách hàng không có nghĩa vụ phải trả tiền thuế”.

BHNT Châu Á-Thái Bình Dương dự kiến tăng trưởng ổn định

(IAN) – Theo Moody’s, tăng trưởng phí bảo hiểm nhân thọ đang ở mức trung bình so với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng trong những năm vừa qua.

Moody’s nhận thấy các công ty bảo hiểm đang chuyển từ sản phẩm nhạy cảm với lãi suất ngắn hạn sang các hợp đồng bảo vệ và đầu tư với tính năng chia sẻ lợi nhuận. Dân số già sẽ hỗ trợ nhu cầu ngày càng tăng về đầu tư dài hạn, bảo hiểm sức khỏe và hưu trí.

Trong khi đó, nhiều công ty bảo hiểm P&C cá nhân đang tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới ngoài bảo hiểm xe cơ giới vì các kỷ luật trong giá ngày càng trở nên quan trọng để bảo vệ lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt.

Rủi ro tài sản đang tăng lên do sự gia tăng đối với các tài sản phi truyền thống có năng suất cao hơn và mở rộng sự không phù hợp về tiền tệ do lãi suất thấp kéo dài trong vài năm qua. Các thị trường vốn biến động hơn sẽ gây áp lực cho các công ty bảo hiểm châu Á Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, lãi suất tăng dần đang làm giảm rủi ro tỷ suất lợi nhuận âm và khuyến khích các công ty bảo hiểm đầu tư vào các tài sản rủi ro để có lợi suất cao hơn.

Việc thắt chặt các yêu cầu pháp lý đối với quản lý trách nhiệm về vốn và tài sản sẽ tăng cường năng lực của thị trường để hấp thụ các cú sốc, nhưng cũng khiến cho nhiều công ty bảo hiểm phải tăng cường sự phụ thuộc vào việc phát hành công cụ nợ để bổ sung vốn.

Moody’s nói rằng việc áp dụng công nghệ sâu hơn sẽ định hình lại mô hình kinh doanh của thị trường, trong khi đầu tư sớm của những doanh nghiệp lớn vào Insurtech sẽ giúp giảm thiểu mối đe dọa cạnh tranh từ những doanh nghiệp mới tham gia.

Tăng trưởng chung của các nền kinh tế trên toàn châu Á Thái Bình Dương dự kiến sẽ ở mức vừa phải so với năm 2018; tất nhiên mỗi quốc gia sẽ tăng trưởng với tốc độ khác nhau.

Liberty, Chubb tính toán tổn thất từ cháy rừng ở California

(INN) – Chubb và Liberty Mutual đã ghi nhận tổn thất thảm họa dự kiến từ các vụ cháy rừng gần đây ở California.

Các khoản tổn thất có thể làm Chubb giảm lợi nhuận sau thuế quý IV khoảng 195 triệu USD. Thiệt hại trước thuế ước tính khoảng 225 triệu USD, bao gồm cả tái bảo hiểm.
Chubb cũng cho biết, thiệt hại ước tính từ cơn bão Michael có khả năng nằm ở phần trên của phạm vi 150-250 triệu USD.

Liberty Mutual ước tính, tổn thất được bảo hiểm khoảng 300 triệu USD từ các vụ cháy rừng và khoảng 230 triệu USD từ cơn bão Michael.

Theo công ty mô hình rủi ro RMS, các vụ cháy rừng vào tháng trước gây ra tổn thất nặng nề nhất trong lịch sử California, trong đó riêng tổn thất được bảo hiểm từ vụ cháy tại Camp ước tính đã lên tới 7,5 – 10 tỷ USD.

Trung tâm Đổi mới Lloyd’s Lab tìm kiếm khởi nghiệp Insurtech

(INN) – Trung tâm đổi mới Lloyd’s Lab đã bắt đầu tìm kiếm các doanh nhân và doanh nghiệp khởi nghiệp.

Các ý tưởng khởi nghiệp cần tập trung vào đánh giá rủi ro bảo hiểm dựa trên dữ liệu, nâng cao trải nghiệm của khách hàng, hiệu quả của văn phòng và các sản phẩm hoặc dịch vụ bảo hiểm thế hệ tiếp theo.

Quá trình nộp hồ sơ sẽ kết thúc vào ngày 3 tháng 2, sau đó những ý tưởng hấp dẫn nhất sẽ được công bố vào ngày 20 tháng 3.

Mười công ty khởi nghiệp được lựa chọn sẽ có 10 tuần để phát triển ý tưởng của họ, với quyền truy cập vào không gian làm việc chung của Lloyd’s ở Luân đôn và cố vấn chuyên môn từ thị trường.

Nỗ lực tìm kiếm Insurtech đầu tiên của Lloyd’s đã giúp tạo ra gần 220 ứng dụng từ 36 quốc gia.

BTV (Tổng hợp).