TIÊU ĐIỂM TUẦN 45 NĂM 2016

PVI Sun Life chính thức trở thành Sun Life Việt Nam; MIC tăng vốn điều lệ lên 800 tỷ đồng; Ping An mở hơn 10.000 phòng khám tại Trung Quốc

45-1

I. Tin trong nước

1. Tin bồi thường, tổn thất

Di vật tượng cổ bị cháy rụi trong vụ hỏa hoạn ngôi chùa cổ

45-2(VOV) – Theo phản ánh của người dân, khoảng 23h20′ ngày 4/11, người dân phố Trích Sài phát hiện lửa bốc lên từ khu nhà Tổ chùa Tĩnh Lâu.

Người dân cùng một số nhân viên bảo vệ chung cư gần đó đã dùng nhiều bình cứu hỏa mini lao vào khống chế nhưng lửa mỗi lúc một lớn và lan sang các khu nhà bên cạnh. Ngay sau đó, cảnh sát chữa cháy điều hai xe nước cùng công an phường Bưởi, dân quân tự vệ đến dập lửa. Sau khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ vụ hỏa hoạn cơ bản được dập tắt.

Bà Chu Thị Minh Tân – Trưởng phòng VH&TT quận Tây Hồ cho biết: “Rất may nhà thờ Tổ là nơi thờ các đời sư trụ trì nên không có nhiều hiện vật cổ. Theo báo cáo ban đầu vụ hỏa hoạn chỉ gây thiệt hại 1 di vật tượng Tổ có từ đầu thế kỷ XX, còn lại chủ yếu là hoành phi, câu đối và đồ thờ mới. Hiện chưa có báo cáo xác định thiệt hại cụ thể”.

Hiện nay thời tiết hanh khô nên rất dễ gây các vụ hỏa hoạn. Sau vụ cháy trên quận Tây Hồ cũng khuyến các sư trụ trì và người trông coi chùa trên địa bàn lưu ý việc hương khói ở nơi thờ tự, tránh để hỏa hoạn cho di tích.

Chùa Sải, tên chữ là Tĩnh Lâu tự, nằm bên bờ Hồ Tây được công nhận di tích lịch sử văn hóa năm 1996. Theo các nhà nghiên cứu, chùa có từ thời Lý mang tên Thanh Lâu tự. Đến thời nhà Nguyễn, chùa đổi tên thành Tĩnh Lâu.

2. Một vòng doanh nghiệp

PVI Sun Life chính thức trở thành Sun Life Việt Nam

45-3(ĐTCK) – Tập đoàn Sun Life vừa thông báo đã hoàn tất thương vụ chuyển nhượng 25% cổ phần còn lại của Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ PVI Sun Life từ Công ty Cổ phần PVI sau khi được sự chấp thuận của cơ quan quản lý.

Sun Life cũng chính thức thông báo việc thay đổi tên PVI Sun Life thành Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Sun Life Việt Nam (Sun Life Việt Nam) tương ứng với tư cách pháp nhân mới là Công ty thành viên thuộc sở hữu hoàn toàn của Sun Life.

Khách hàng của Sun Life Việt Nam không cần phải thực hiện bất kỳ thủ tục nào vì thương vụ chuyển nhượng cổ phần hoặc việc thay đổi thương hiệu công ty sẽ không làm thay đổi quy tắc và điều khoản của tất cả các hợp đồng bảo hiểm hiện hữu.

Ông Larry Madge, Tổng giám đốc Sun Life Việt Nam chia sẻ, chúng tôi rất vui khi nắm quyền sở hữu hoàn toàn công ty tại Việt Nam và công bố tên thương hiệu mới.

Tiếp tục phát triển với thương hiệu Sun Life Việt Nam và sự hợp tác của Công ty Cổ phần PVI trong vai trò đối tác kinh doanh, chúng tôi sẽ tiếp tục cam kết giúp khách hàng Việt Nam đạt được sự an toàn về tài chính trọn đời thông qua việc cung cấp danh mục sản phẩm phong phú bao gồm: bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe và tiết kiệm, ông Larry Madge nhấn mạnh.

Kể từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 2013, Sun Life Việt Nam đã đạt được vị trí công ty bảo hiểm nhân thọ lớn thứ 6 trên thị trường và là công ty tiên phong trong lĩnh vực bảo hiểm hưu trí.

Theo ông Kevin Strain, Chủ tịch Tập đoàn Tài chính Sun Life tại Châu Á, Việt Nam là một trong những nền kinh tế có ngành bảo hiểm nhân thọ và hưu trí phát triển nhanh nhất tại Châu Á và thương vụ này sẽ giúp chúng tôi tăng cường nền tảng hoạt động tại thị trường này.

Đây cũng là một phần của trong loạt những hoạt động đầu tư vào khu vực này để Sun Life tiếp tục tăng cường sự hiện diện tại Châu Á, ông Kevin Strain cho biết.

BIC bảo hiểm toàn diện cho người quản lý doanh nghiệp

45-4(TBTCO) – Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) vừa triển khai phiên bản mới của sản phẩm bảo hiểm trọn gói kết hợp tai nạn con người và sức khỏe cho người quản lý doanh nghiệp – BIC Bảo an doanh nghiệp.

Theo đó, ngoài việc kế thừa quyền lợi của phiên bản BIC Bảo an doanh nghiệp đầu tiên chia sẻ tổn thất trong trường hợp người quản lý doanh nghiệp không may tử vong hoặc thương tật vĩnh viễn do tai nạn hoặc ốm đau, bệnh tật, ở phiên bản mới năm 2016 của BIC Bảo an doanh nghiệp, doanh nghiệp còn được BIC chi trả các chi phí liên quan khi người quản lý doanh nghiệp gặp các rủi ro về sức khỏe.

Cụ thể người quản lý doanh nghiệp sẽ được chi trả các chi phí như: Chi phí y tế do tai nạn hoặc điều trị ngoại trú do ốm đau, bệnh tật, thai sản; chi phí phẫu thuật, điều trị nội trú do ốm đau, bệnh tật, thai sản; trợ cấp nằm viện, phẫu thuật do tai nạn hoặc ốm đau, bệnh tật. Mức quyền lợi cao nhất là 2 tỷ đồng.

BIC là doanh nghiệp bảo hiểm đầu tiên triển khai sản phẩm bảo hiểm kết hợp tai nạn con người và sức khỏe dành riêng cho người quản lý của doanh nghiệp. Ưu điểm nổi bật của BIC Bảo an doanh nghiệp là mức phí cạnh tranh nhất trên thị trường, được thiết kế theo 4 mức quyền lợi phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của doanh nghiệp. Đặc biệt, chi phí mua bảo hiểm chăm sóc người quản lý doanh nghiệp này được phép tính vào chi phí hợp lý được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp.

Trước đó, BIC Bảo an doanh nghiệp đã hỗ trợ rất nhiều doanh nghiệp khách hàng của BIC, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ vượt qua khó khăn về tài chính khi người quản lý doanh nghiệp không may gặp rủi ro. Đây là sản phẩm mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đã được BIC và BIDV triển khai trên toàn hệ thống BIDV từ năm 2014 và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các khách hàng và chi nhánh ngân hàng.

MIC tăng vốn điều lệ lên 800 tỷ đồng

45-5(MIC) – Ngày 3/11/2016, Bộ Tài chính đã ký Giấy phép điều chỉnh số 43/GPĐC21/KDBH cho phép Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội sửa đổi, bổ sung Giấy phép thành lập và hoạt động sô 43GP/KDBH ngày 8/10/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính với nội dung như sau:

– Vốn điều lệ: Vốn điều lệ của Tổng công ty Cổ phần bảo hiểm Quân đội là 800.000.000.000 (tám trăm tỷ) đồng Việt Nam.

– Cơ cấu vốn điều lệ như sau:

Stt Tên cổ đông Số vốn góp tính bằng tiền (đồng) Tỷ lệ/ Vốn điều lệ (%)
1 Ngân hàng TMCP Quân đội 480.695.500.000 60,087
2 Các cổ đông khác 319.304.500.000 39,913
  Tổng cộng 800.000.000.000 100

– Hiện nay, vốn điều lệ của MIC trong TOP 5 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lớn nhất Việt Nam. Việc tăng vốn điều lệ lần này nằm trong chiến lược phát triển giai đoạn 2015-2020 của MIC, nhằm tham gia vào tất cả các dịch vụ bảo hiểm trên thị trường đặc biệt là các dự án bảo hiểm tài sản công và tăng khả năng giữ lại đối với các dịch vụ bảo hiểm có hiệu quả, tăng thêm lợi nhuận, tạo cơ sở vững chắc hơn để MIC hoàn thành kế hoạch lợi nhuận đã đề ra trong điều kiện môi trường kinh doanh ngày càng khó khăn, phấn đấu trả cổ tức từ 9-10%/năm. Ngoài ra, MIC sẽ phát triển mạng lưới tại một số tỉnh, thành khu vực Miền Trung và phía Nam để phục vụ khách hàng tham gia bảo hiểm cũng như giải quyết bồi thường nhanh chóng.

MIC triển khai Dự án Tái cấu trúc quy trình trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm

45-6(MIC) – Ngày 9/11 tại Hà Nội, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) long trọng tổ chức “Lễ ký kết Dự án Tái cấu trúc quy trình trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm” với Deloitte.

Trên cơ sở một mô hình tổ chức được xác lập rõ ràng, theo chuẩn mực quốc tế cùng với hệ thống KPI tương xứng, năm 2017 MIC tiếp tục hướng tới nhiệm vụ củng cố nền tảng vận hành – đặc biệt là các quy trình liên kết quan trọng trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.

Sau quá trình tìm hiểu và đánh giá cẩn thận các phương án thực hiện, cách tiếp cận và năng lực thực hiện của các đơn vị tư vấn, MIC đã quyết định lựa chọn Deloitte là đối tác hợp tác với MIC triển khai Dự án Dự án Tái cấu trúc quy trình trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm … gọi tắt là Dự án E2E.

Theo đó, 2 quy trình lõi được MIC quyết định triển khai trong phạm vi dự án là Quy trình khai thác và Quy trình giám định bồi thường, áp dụng cho 2 nghiệp vụ Xe cơ giới và Tài sản, nhằm nâng cao hiệu quả và hiệu năng hoạt động, nâng cao mức độ hài lòng của khách hàng và tăng cường quản trị rủi ro trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Lợi ích đem lại cho MIC cũng như đối tác, khách hàng khi triển khai dự án tái cấu trúc quy trình hoạt động kinh doanh bảo hiểm (E2E) là:

– Tạo được hiệu suất công việc cao nhất khi cải tiến các quy trình cốt lõi theo chuẩn mực quốc tế để đáp ứng tham vọng tăng trưởng nhanh của MIC.

– Tạo ra sự phối hợp hiệu quả giữa các cá nhân, bộ phận, đơn vị trong chuỗi giá trị cung ứng đồng thời đem lại sự hài lòng của khách hàng khi sử dụng dịch vụ bảo hiểm của MIC.

– Tạo ra lợi thế cạnh tranh và hiện thực hóa các giá trị cốt lõi mà MIC đang theo đuổi “Tin cậy

– Hợp tác – Chia sẻ – Chăm sóc khách hàng – Sáng tạo”.

– Tạo đà tăng trưởng mạnh và bền vững khi kết hợp với các sáng kiến chiến lược về công nghệ thông tin, chiến lược kinh doanh sẽ bắt đầu triển khai thực hiện trong năm 2017.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Uông Đông Hưng – Phó TGĐ MB, Chủ tịch MIC khẳng định MIC đã xây dựng thành công mô hình tổ chức & KPI, để hỗ trợ tốc độ tăng trưởng đầy tham vọng của MIC trong các năm tiếp theo, các nền tảng cần tiếp tục được củng cố nhằm tạo đà tăng trưởng mạnh mẽ cả về chất và lượng.

Các nền tảng đó bao gồm: Nâng cao hiệu quả phát triển nguồn nhân lực, Quản trị rủi ro hàng đầu & Giám định bồi thường chuyên nghiệp, Tối ưu hoá vận hành và Dịch vụ trải nghiệm khách hàng. Dự án E2E với mục tiêu đem đến hiệu suất công việc cao nhất, tạo sự liên kết chuỗi các giá trị trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, ưu tiên hàng đầu đối với quy trình khai thác giám định bồi thường cho các nghiệp vụ quan trọng của MIC.

Ông Hưng vui mừng vì MIC đã lựa chọn được đối tác có năng lực, uy tín và bề dầy kinh nghiệm là Công ty Deloitte làm đối tác hợp tác tư vấn cho MIC trong việc xây dựng quy trình E2E. Chủ tịch mong rằng, dự án End-to-End sẽ được truyền thông sâu rộng đến CBNV trên toàn hệ thống nắm vững và nhận thức sâu sắc về hoạt động chung của Tổng công ty, nhằm nâng cao ý thức tự giác, nỗ lực, phấn đấu tích cực, phát huy hết khả năng, trí tuệ để thực thi chiến lược mà HĐQT đề ra.

Với việc lựa chọn Deloitte tư vấn dự án tái cấu trúc này, MIC hi vọng tạo dựng một nền tảng bền vững về quy trình kinh doanh, kiến trúc hạ tầng hệ thống nhằm cung cấp khả năng, năng lực đáp ứng được các nhu cầu kinh doanh và đạt được các mục tiêu tăng trưởng trong tương lai của MIC. Deloitte là Hãng Tư vấn và Kiểm toán hàng đầu trên thế giới đã hoạt động tại thị trường Việt Nam hơn 25 năm.

Deloitte có kinh nghiệm dày dạn trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, tái bảo hiểm, môi giới và quản lý tư vấn tài chính độc lập cùng nhiều dịch vụ như kiểm toán báo cáo tài chính, đảm bảo an toàn công nghệ thông tin, tái cấu trúc quy trình kinh doanh, bồi thường, tính phí bảo hiểm,…

Dự kiến thời gian triển khai dự án khoảng 04 tháng, bắt đầu từ tháng 11/2016 và kết thúc vào tháng 3/2017.

Baoviet Fund được cấp giấy phép chào bán Quỹ mở thứ ba

45-7(MIC) – Ngày 11/11/2016, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã cấp giấy phép chào bán chứng chỉ quỹ mở cho Quỹ đầu tư cổ phiếu triển vọng Bảo Việt (BVPF) của Công ty Quản lý Quỹ Bảo Việt (Baoviet Fund). Đây là quỹ mở thứ ba của Baoviet Fund, sau hai quỹ ra đời trước đó là Quỹ đầu tư cổ phiếu năng động Bảo Việt (BVFED) và Quỹ đầu tư trái phiếu Bảo Việt (BVBF).

Quỹ BVPF lựa chọn chiến lược đầu tư chủ động, tập trung vào các cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam song song với việc áp dụng các biện pháp quản lý rủi ro chuyên nghiệp . Danh mục đầu tư của Quỹ BVPF sẽ kết hợp đầu tư cổ phiếu giá trị và cổ phiếu tăng trưởng để mang lại hiệu quả đầu tư cao nhất cho khách hàng.

Tham gia mua chứng chỉ quỹ mở, nhà đầu tư sẽ được sở hữu một danh mục cổ phiếu đa dạng hơn so với hình thức tự đầu tư. Phát huy kinh nghiệm và sự chuyên nghiệp của đội ngũ chuyên gia đầu tư Baoviet Fund, Quỹ BVPF phù hợp với những nhà đầu tư mong muốn đạt được lợi nhuận tối ưu trong trung và dài hạn.

Quỹ BVPF sẽ chính thức ra mắt đông đảo nhà đầu tư thông qua chương trình giới thiệu được tổ chức vào 15h00 ngày 16/11/2016, tại Hội trường Tầng 2, Tòa nhà Bảo Việt, số 8 Lê Thái Tổ, Hà Nội. Thời gian chào bán chính thức từ ngày 11/11/2016 đến hết ngày 9/12/2016. Trong thời gian này, nhà đầu tư tham gia mua chứng chỉ quỹ sẽ được ưu đãi miễn phí phát hành và với số tiều đầu tư tối thiểu là 1 triệu đồng.

Đơn vị tham gia phân phối chứng chỉ quỹ BVPF là Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt và Công ty Quản lý Quỹ Bảo Việt.

9 tháng, ABIC tăng trưởng 44,2% doanh thu phí bảo hiểm gốc

45-8(ĐTCK) – Tin từ Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC) cho biết, 9 tháng đầu năm, doanh thu phí bảo hiểm gốc của Công ty tăng trưởng 44,2% so với cùng kỳ, hoàn thành 86,5% kế hoạch năm.

Cũng theo ABIC, doanh thu đầu tư tài chính tăng 24,2% so với cùng kỳ, hoàn thành 85,8% kế hoạch năm; Lợi nhuận trước thuế tăng 26,4% so với cùng kỳ, hoàn thành 85,8% kế hoạch năm

ABIC cũng cho biết, thị trường bảo hiểm 9 tháng duy trì tăng trưởng tích cực với doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ toàn thị trường 9 tháng năm 2016 ước đạt 26.985 tỷ đồng, tăng trưởng 10% so với cùng kỳ.

Tổng chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 9.192 tỷ đồng, giảm 9,8% so với cùng kỳ.

3. Nhịp đập thị trường

Thị trường bảo hiểm: Tiếp tục duy trì đà tăng trưởng hai con số

45-16(TBTCVN) – Báo cáo số liệu từ Cục QLBH cho thấy, 9 tháng đầu năm tổng doanh thu phí thị trường BH phi nhân thọ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng hai con số, tăng 12,48%, đạt 26.883 tỷ đồng.

Về thị phần thị trường BH phi nhân thọ, Bảo hiểm PVI tiếp tục dẫn đầu thị trường với doanh thu phí BH gốc đạt 5.262 tỷ đồng, chiếm 19,57% thị phần, vị trí thứ 2 thuộc về Bảo hiểm Bảo Việt với doanh thu đạt 4.714 tỷ đồng, chiếm 17,53% thị phần.

Bảo Minh sau nhiều tháng đầu năm 2016 lùi về vị trí thứ 4 đã vươn lên giành lại vị trí thứ 3 của năm 2015, với doanh thu đạt 2.253 tỷ đồng, chiếm thị phần 8,38%. Bảo hiểm PTI nhường lại vị trí thứ 3 cho Bảo Minh, đứng ở vị trí thứ tư với doanh thu đạt 2.188 tỷ đồng, chiếm 8,14% thị phần; vị trí thứ 5 thuộc về PJICO với doanh thu đạt 1.782 tỷ đồng, chiếm 6,63% thị phần.

Ngoài 5 DNBH dẫn đầu thị trường, một số DNBH có tỷ lệ tăng trưởng doanh thu phí BH gốc trên 50% so với cùng kỳ như Phú Hưng (67 tỷ đồng, tăng 80,46%), Cathay (134 tỷ đồng, tăng 78,22%)…

Cục QLBH cũng cho biết, bên cạnh mức tăng trưởng doanh thu cao, thị trường BH phi nhân thọ 9 tháng đầu năm cũng ghi nhận tỷ lệ bồi thường thấp hơn so với cùng kỳ, điều này cho thấy nỗ lực của DNBH trong việc nâng cao chất lương dịch vụ, quản trị rủi ro.

Cụ thể, 9 tháng đầu năm, số tiền thực bồi thường BH gốc của thị trường phi nhân thọ ước là 8.678 tỷ đồng, tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc là 32,28%, thấp hơn tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc cùng kỳ năm 2015 (42,12%).

17/30 DNBH phi nhân thọ có tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc thấp hơn tỷ lệ bồi thường của toàn thị trường. 13 DNBH còn lại có tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc cao hơn tỷ lệ bồi thường của toàn thị trường.

Xét theo nghiệp vụ, BH xe cơ giới là nghiệp vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu thị trường BH phi nhân thọ, đạt 8.657 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 32,2%, tiếp theo là BH sức khỏe và tai nạn con người (6.120 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 24,62%), BH tài sản và BH thiệt hại (4.237 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 15,76%)…

Cũng theo Cục QLBH, 9 tháng đầu năm, thị trường BH nhân thọ tiếp tục tăng trưởng nhanh và bền vững cho thấy nỗ lực của chính DNBH trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển sản phẩm và mạng lưới, thu hút ngày càng nhiều khách tham gia BH. Theo đó, tổng doanh thu phí BH khai thác mới 9 tháng đầu năm 2016 ước đạt hơn 11.646,4 tỷ đồng, tăng 29,9% so với cùng kỳ.

Top 5 DNBH nhân thọ dẫn đầu thị trường chiếm gần 80% thị phần doanh thu khai thác mới, cụ thể Bảo Việt Nhân thọ (21,15%), Prudential (20,49%), Manulife (13,64%), Dai-ichi (12,59%), AIA (11,15%). Vị trí thứ 6 thuộc về Generali với 5,01% thị phần, tiếp theo là Chubb (4,7%), PVI Sun Life (3,76%), Hanwha (2,58%)…

Về số lượng hợp đồng khai thác mới trong 9 tháng đầu năm, dẫn đầu là nghiệp vụ BH hỗn hợp với 440.002 hợp đồng (chiếm tỷ trọng 41,08%), tăng trưởng 18,35% so với cùng kỳ, tiếp theo là BH liên kết đầu tư với 424.150 hợp đồng (chiếm tỷ trọng 39,6%), tăng trưởng 35% so với cùng kỳ, nghiệp vụ BH tử kỳ là 196.233 hợp đồng (chiếm tỷ trọng 18,32%)…

Cũng theo Cục QLBH, số lượng hợp đồng có hiệu lực (hợp đồng chính) đến thời điểm hiện nay đạt 6.159.500 hợp đồng, tăng 12,71% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu phí BH nhân thọ đạt 34.377,8 tỷ đồng, tăng 30,94% so với cùng kỳ.

Theo các chuyên gia trong ngành BH, tới đây sự xuất hiện trở lại của PVI Sun Life – DNBH nhân thọ 100% vốn nước ngoài sau khi DNBH này mua nốt 25% cổ phần từ PVI sẽ hứa hẹn tạo cú hích cho thị trường BH nhân thọ, cuộc đua thị phần sẽ ngày càng gay gắt hơn đối với DNBH ở nhóm dưới.

Cũng theo các chuyên gia trong ngành, lĩnh vực BH được đánh giá là màu mỡ nên thời gian tới chắc chắn sẽ có thêm nhiều cái tên mới xuất hiện, nhất là trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới. Theo đó, sự góp mặt của các DNBH nhân thọ mới vào thị trường sẽ buộc các doanh nghiệp phải cạnh tranh mạnh mẽ, khiến “cuộc chiến” thị phần sẽ gay gắt hơn, điều này đồng nghĩa với việc DNBH sẽ phải chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, ra mắt sản phẩm mới…, và người tiêu dùng sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn các sản phẩm, dịch vụ phù hợp, thị trường sẽ ngày càng phát triển bền vững.

4. Tin quốc tế

Châu Á cần mở rộng các chương trình bảo hiểm xã hội

45-9(IAN) – Theo hai báo cáo mới đây của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), để đảm bảo cho phần lớn người dân được bảo hiểm, các quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương cần mở rộng các chương trình bảo hiểm xã hội.

Trong nghiên cứu của mình, ADB thu thập dữ liệu về sự ủng hộ của chính quyền trung ương đối với bảo hiểm xã hội (ví dụ bảo hiểm hưu trí và bảo hiểm sức khỏe), hỗ trợ xã hội (ví dụ các chương trình phúc lợi cho trẻ em và hỗ trợ người cao tuổi) và các chương trình thị trường lao động. Phạm vi nghiên cứu tại 25 nước châu Á và 13 nước khu vực Thái Bình Dương

Theo ông Wening Handayani, chuyên gia phát triển xã hội thuộc Phòng phát triển bền vững và biến đổi khí hậu của ADB, bộ chỉ số cập nhật và hoàn thiện này sẽ cung cấp cho chính phủ các nước cơ chế hiệu quả để nâng cao chất lượng hoặc phát triển các chương trình an sinh xã hội mới cho người dân của mình.

Ông Handayani nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy các chương trình này vì chúng là một phần quan trọng trong các mục tiêu phát triển bền vững.

Theo các báo cáo nêu trên của ADB, hệ thống bảo vệ của các quốc gia đã không thể với tới những người nghèo và nhóm yếu thế trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Nhật Bản là hình mẫu về việc giảm thiểu quy định pháp luật đối với bảo hiểm

45-10(IAN) – Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế châu Á đang hứa hẹn nhiều cơ hội cho ngành bảo hiểm phi nhân thọ, có thể việc giảm thiểu các quy định pháp luật của Nhật Bản sẽ được coi là phương cách để nuôi dưỡng thị trường bảo hiểm.

Ông Yasuyoshi Karasawa, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc công ty bảo hiểm MS&AD, nhận định việc gỡ bỏ các quy định pháp luật đối với thị trường bảo hiểm Nhật Bản có thể là mô hình hữu hiệu cho ngành bảo hiểm vì dân số châu Á tiếp tục tăng nhanh, đồng thời sự gia tăng của tầng lớp trung lưu đang tìm kiếm sự bảo vệ các tài sản có giá trị như nhà cửa và xe cộ.

Tại Diễn đàn Quản trị toàn cầu Nikkei gần đây, ông Karasawa nói, việc gỡ bỏ hàng loạt quy định pháp luật đối với ngành bảo hiểm Nhật Bản đã diễn ra từ thập niên 1990 nhằm thích ứng với xu hướng tự do hóa và quốc tế hóa của thị trường tài chính toàn cầu.

Mặc dù quá trình này ban đầu vấp phải sự phản đối mạnh mẽ nhưng cuối cùng đã thành công do tạo ra được những tác động tích cực trong việc nâng cao tính minh bạch của ngành bảo hiểm, đồng thời tạo tiền đề cho việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm thực sự có lợi cho khách hàng.

Theo ông Karasawa, kinh nghiệm này là bài học tốt cho tất cả các thị trường châu Á, đặc biệt là tại các quốc gia như Ấn độ và Indonesia, nơi dân số đang tăng nhanh và dự kiến vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.

MetLife bổ nhiệm tân Tổng Giám đốc Hồng Kông

45-11(IAN) – Hãng bảo hiểm nhân thọ MetLife vừa bổ nhiệm ông Lee Wood làm Tổng Giám đốc Metlife tại Hồng Kông.

Ông Lee Wood đã có hơn 15 năm kinh nghiệm trong ngành bảo hiểm và tại vị trí này, ông sẽ báo cáo lên ông Damien Green, Giám đốc khu vực của MetLife châu Á.
Công việc gần đây nhất của ông Wood là Phó Tổng Giám đốc công ty BHNT Allianz Đài Loan, chịu trách nhiệm quản lý các lĩnh vực marketing, phát triển sản phẩm và kênh phân phối trực tiếp.

Trước đó, ông có 5 năm làm việc tại công ty BHNT HSBC Đài Loan, gặt hái được nhiều thành công trong việc lãnh đạo bộ phận khởi nghiệp bancassurance tại đây, trước khi bị Allianz Đài Loan thâu tóm.

Trong một tuyên bố mới đây, ông Green nói Hồng Kông vẫn là thị trường quan trọng của MetLife tại châu Á. Với việc bổ nhiệm nhân sự mới này, ông Green kỳ vọng MetLife Hồng Kông sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong tương lai.

Ping An mở hơn 10.000 phòng khám tại Trung Quốc

45-12(IAN) – Trong một hành động chiến lược nhằm xây dựng một siêu thị tài chính “một chạm” (one-stop) để đáp ứng mọi nhu cầu khách hàng, công ty bảo hiểm Ping An đã mở một loạt các phòng khám tại Trung Quốc.

Theo Tổng Giám đốc Ping An, ông Lee Yuansiong, hãng đã khai trương 10.000 phòng khám trong hệ thống Wanjia Clinics của mình từ hồi tháng 7 để phục vụ 110 triệu người dùng cổng thông tin sức khỏe Ping An.

Ông Lee so sánh hệ thống này với mô hình kinh doanh chuỗi siêu thị 7-Eleven.
Tính trung bình, mỗi khách hàng hiện đang có 2 sản phẩm tài chính của Ping An, và ông Lee nói họ sẽ nỗ lực để gia tăng con số này.

Trong bối cảnh hệ thống chăm sóc y tế công của chính phủ Trung Quốc đang bị quá tải, số lượng 200.000 phòng khám tư nhân hiện tại sẽ có thể tăng gấp đôi, đạt nửa triệu phòng khám trong thập niên tới.

Theo báo cáo của tổ chức Dự báo Dân số thế giới của Liên hợp quốc, dân số Trung Quốc đang ngày càng già đi và số lượng người trên 60 tuổi dự kiến sẽ tăng từ mức 209,2 triệu năm 2015 lên 492,5 triệu người vào cuối năm 2050.

Singapore nghiên cứu sâu về chi phí bảo hiểm sức khỏe

45-13(IAN) – Hiệp hội Bảo hiểm nhân thọ Singapore (LIA) đã thành lập các ủy ban và nhóm làm việc để nghiên cứu sâu về khuyến nghị của Ủy ban chuyên trách Bảo hiểm sức khỏe (HITF) trong việc giảm chi phí chăm sóc sức khỏe.

LIA cho biết, sẽ cần khoảng 6 tháng để rà soát các vấn đề do báo cáo của HITF phát hành hồi tháng trước.

Theo đó, mối quan hệ hợp tác giữa các bên có liên quan trong ngành là rất quan trọng để khắc phục tình trạng chi phí chăm sóc y tế và chi phí bồi thường bảo hiểm sức khỏe đang tăng lên tại Singapore.

Ủy ban chuyên trách này cũng đã gợi ý một loạt các giải pháp để nâng cao hiệu quả, đặc biệt là nhằm kiểm soát tình trạng gia tăng chi phí bồi thường và giữ cho phí bảo hiểm của chương trình Kế hoạch Lá chắn tích hợp (Integrated Shield Plan) ở mức chấp nhận được.

Chủ tịch LIA, ông Khoo Kah Siang, nói Hiệp hội đã tiếp thu toàn bộ các khuyến nghị của HITF và sẽ đặc biệt chú trọng vào những lĩnh vực như thành lập hội đồng bác sỹ, giấy cho phép trước (pre-authorisations), và xem xét về việc giảm phí trong trường hợp đồng bảo hiểm.
Cũng theo ông Khoo, Hiệp hội ghi nhận sự cần thiết phải làm việc với các bên có quyền lợi liên quan, bao gồm Bộ Y tế và Hiệp hội Y khoa Singapore.

Khoảng trống bảo vệ tại Philippines lên tới 300 tỷ USD

45-14(IAN) – Chính phủ Philippine có thể sẽ phải trả trên 500 tỷ Peso (10 tỷ USD) mỗi năm phí bảo hiểm nhân thọ hàng năm để lấp đầy khoảng trống bảo vệ tại quốc đảo này. Đó là phát biểu của ông Antonio de Rosas, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Pru Life trong một cuộc hội thảo gần đây, do nhiều người dân Philippines vẫn chưa được bảo hiểm và ngành bảo hiểm nhân thọ không tập trung vào việc bán các sản phẩm bảo vệ tại thời điểm này.

Dẫn nguồn dữ liệu từ Báo cáo Khoảng trống bảo vệ rủi ro tử vong châu Á-Thái Bình Dương 2015, ông Antonio de Rosas, cho biết tổng giá trị các hợp đồng bảo hiểm mà người dân Philippines cần có hiện nay đang đứng ở mức 300 tỷ USD. Nếu quy đổi ra phí bảo hiểm, thì ngành bảo hiểm còn có thể tăng trưởng gấp 5 lần.

Theo báo cáo vừa nêu, khoảng trống bảo vệ rủi ro tử vong tại Philippines năm 2014 lên tới 372 tỷ USD. Trong khi đó, khoảng trống bảo vệ của khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã mở rộng lên 58 nghìn tỷ USD, tương đương 255% tổng sản phẩm quốc nội của khu vực.
Khoảng trống bảo vệ được hiểu là sự chênh lệch giữa số tiền bảo hiểm của chủ hợp đồng so với số tiền họ cần phải có để duy trì mức sống cho những người phụ thuộc trong trường hợp chủ hợp đồng qua đời.

ASEAN:Khung tài chính thống nhất để thu hút ngành bảo hiểm

45-15(AIR) – Theo ông Arthapas Cheuasangpan, chuyên gia định phí công ty bảo hiểm Viriyah của Thái Lan, một khung tài chính chuẩn xuyên suốt Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ dẫn tới việc thành lập các công ty bảo hiểm mới cũng như mở rộng các công ty bảo hiểm hiện có.

Trả lời phỏng vấn thời báo “Tài chính Thế giới”, ông Arthapas cho biết quá trình hợp nhất ASEAN sẽ kéo theo nền kinh tế khu vực mạnh hơn, đảm bảo tăng trưởng nhu cầu bảo hiểm của người dân cũng như hình thành nên các doanh nghiệp bảo hiểm mới và mở rộng các công ty hiện có.

“Mặc dù tại thời điểm hiện tại, có một số ví dụ về các nước sử dụng các hệ thống khác nhau hoặc hành lang pháp lý khác nhau, khiến cho người tiêu dùng và doanh nghiệp gặp khó khăn. Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ hướng tới việc chuẩn hóa khung tài chính nhằm tự do hóa thị trường bảo hiểm”, ông nhấn mạnh.

Ở một diễn biến khác, bà Evelina Pietruschka, Tổng Thư ký Hội đồng bảo hiểm ASEAN, nói với A.M. Best rằng hội nghị Thượng đỉnh Hội đồng bảo hiểm ASEAN lần 2 diễn ra vào ngày 23/11 tại Yogyakarta sẽ hướng tới việc định vị lại ngành bảo hiểm trong khu vực để lớn mạnh hơn và đóng góp vào sự phát triển kinh tế các nước thành viên ASEAN.

Theo bà Pietruschka, tại hội nghị sẽ diễn ra các cuộc thảo luận giữa cơ quan quản lý và khối tư nhân “với hy vọng giải quyết tất cả các vấn đề và thay đổi về quy định liên quan đến sự tăng trưởng của ngành bảo hiểm”.

Để tối đa hóa lợi ích từ các cuộc thảo luận này, bà Pietruschka cho rằng hội nghị sẽ tập trung vào bảo hiểm hàng hải, hàng không và vận tải (MAT); mức độ đào tạo trong ngành bảo hiểm; khoảng trống về hạ tầng các nước trong khu vực; tài trợ tài chính thảm họa và bảo hiểm vi mô.

BTV (tổng hợp).