TIÊU ĐIỂM TUẦN 44 NĂM 2015

Geleximco thoái hết vốn tại Bảo hiểm Hàng không; ACE phát hành 5,3 tỷ USD trái phiếu để thâu tóm Chubb; Lợi nhuận Aon sụt giảm

I. Tin trong nước

1. Một vòng doanh nghiệp

Giao dịch giữa BIC và FairFax cơ bản hoàn tất

(TBTCO) – Chủ tịch Tập đoàn Tài chính Fairfax, ông Prem Watsa vừa có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam sau khi đã cơ bản hoàn tất giao dịch mua 35% cổ phần mới phát hành của Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC).

Tại buổi làm việc với Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV Trần Bắc Hà và nhiều lãnh đạo cấp cao của BIDV và BIC, Chủ tịch BIDV và Chủ tịch Fairfax cùng chia sẻ, cam kết và thống nhất tầm nhìn đưa BIC trở thành công ty bảo hiểm quốc tế, chuyên nghiệp, có tỷ suất sinh lời cao trong khu vực, tương xứng với tiềm năng, lợi thế và sự đầu tư của 2 cổ đông lớn.

Ông Phạm Quang Tùng, Phó Tổng Giám đốc BIDV, Chủ tịch HĐQT BIC cho biết: “Với kinh nghiệm và tiềm lực của FairFax, đặc biệt tại Châu Á, chúng tôi kỳ vọng BIC sẽ bước sang giai đoạn phát triển mới, thực sự trở thành công ty bảo hiểm quốc tế, hoạt động chuyên nghiệp và có tỷ suất sinh lời cao”.

Geleximco thoái hết vốn tại Bảo hiểm Hàng không

(ĐTCK) – CTCP Bảo hiểm Hàng không (VNI) cho biết, cổ đông lớn là CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco) vừa thoái hết 11,22% vốn điều lệ (tương đương 15.610.000 cổ phần) tại nhà bảo hiểm này.

Trong vai trò là cổ đông lớn đồng thời là cổ đông sáng lập VNI, nhiều năm qua, Geleximco đã cử người nắm giữ nhiều vị trí chủ chốt tại VNI. Hiện thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc Geleximco, ông Đào Mạnh Kháng cũng là thành viên HĐQT VNI.

Trước đó, sau khi Tổng công ty Hàng không Việt Nam hoàn tất việc thoái toàn bộ 20% cổ phần nắm giữ tại VNI, ngày 26/10, công đoàn Tổng công ty Hàng không Việt Nam cũng đã thông báo bán 8.207.357 cổ phần, chiếm 16,41% vốn điều lệ VNI trong tổng số 9.000.000 cổ phần nắm giữ cho một số tổ chức, cá nhân. Giao dịch này được thực hiện thỏa thuận, dự kiến diễn ra từ 30/10 đến ngày 3/11/2015.

Bảo nhi toàn diện: Đồng hành cùng con yêu trên mọi nẻo đường

(TBTCO) – Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Generali Việt Nam (Generali Việt Nam) vừa ra mắt sản phẩm mới Bảo nhi toàn diện với nhiều quyền lợi ưu việt dành cho trẻ em ngay từ khi còn trong bụng mẹ cho đến 85 tuổi.

Tham gia Bảo nhi toàn diện, cha mẹ hoàn toàn có thể đáp ứng được các nhu cầu tài chính ngắn và dài hạn trên từng bước đường của con với quỹ tiền mặt đảm bảo kết hợp khoản đặc biệt do duy trì hợp đồng linh hoạt, giúp con yêu luôn được chăm sóc một cách chu toàn nhất.

Bảo nhi toàn diện có thời gian đóng phí linh hoạt 8 năm, 12 năm hoặc 15 năm, đồng thời, sức khỏe con yêu luôn được chăm sóc với quyền lợi viện phí ưu việt lên đến 1.000 ngày. Bên cạnh đó, quyền lợi bảo hiểm đảm bảo luôn song hành cùng con trong suốt cuộc đời, giúp cha mẹ vững tâm khi con yêu có thể chủ động ứng phó với những rủi ro khó lường trong cuộc sống. Bảo nhi toàn diện sẽ là món quà ý nghĩa của các bậc cha mẹ dành tặng cho con như một hành trang đồng hành cùng con từ những ngày đầu tiên cho đến suốt cuộc đời.

Được Bộ Tài chính cấp Giấy phép hoạt động ngày 20/4/2011, Generali Việt Nam hiện là một trong những công ty thành viên phát triển mạnh mẽ và năng động tại Châu Á của Tập đoàn Generali. Generali Việt Nam cam kết phát triển các kênh phân phối đa dạng, sản phẩm và dịch vụ bảo hiểm phong phú nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu bảo hiểm và quản lý tài chính của các cá nhân và tổ chức tại Việt Nam.

Từ năm 2014 đến nay, Generali Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ về doanh thu phí bảo hiểm cũng như hệ thống văn phòng trên cả nước. Riêng 9 tháng đầu năm 2015, doanh thu phí bảo hiểm của Generali Việt Nam đạt trên 470 tỷ đồng, tăng 211% so với cùng kỳ năm 2014./.

VietinAviva ra mắt bảo hiểm bệnh hiểm nghèo

(ĐTCK) – VietinAviva vừa ra mắt sản phẩm bảo hiểm nhân thọ Phát Bảo An – giải pháp hỗ trợ bệnh hiểm nghèo với 5 gói quyền lợi phù hợp với các nhu cầu đa dạng khác nhau của khách hàng.

Đây sản phẩm bảo hiểm như là một giải pháp bảo vệ ưu việt trước những bệnh hiểm nghèo gồm ung thư nghiêm trọng, Nhồi máu cơ tim, Tai biến mạch máu não, Suy thận mãn và Suy gan giai đoạn cuối, Phát Bảo An cho khách hàng trong độ tuổi tham gia bảo hiểm từ 18 đến 60 tuổi.

Với 5 gói quyền lợi khác nhau; cao nhất là gói Quyền lợi đặc biệt hỗ trợ chi phí điều trị 1 tỷ đồng, trợ cấp giảm thu nhập 50 triệu đồng x 12 tháng và chi phí phục hồi 100 triệu x 2 lần, tùy theo hoàn cảnh, khách hàng khi lựa chọn sẽ  Phát Bảo An bảo vệ về tài chính để điều trị những căn bệnh trong nhóm

Theo thống kê thì các loại bệnh nguy hiểm và đang có xu hướng gia tăng như Ung thư, Tim mạch, Tai biến mạch máu não và Gan thận. Trong đó, ung thư đã trở thành một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu.

Trên thực tế tại Việt Nam, mỗi năm có tới 150.000 ca mắc mới ung thư và có khoảng 75.000 ca tử vong. Nhóm ung thư phổ biến hay gặp là phổi, trực tràng, đại tràng, gan và ung thư vú, cổ tử cung ở phụ nữ; tiền liệt tuyến ở nam giới. Nhưng quan trọng nhất 1/3 ca ung thư có thể phòng, 1/3 số ca ung thư có thể chữa khỏi và 1/2 còn lại được kéo dài thời gian và nâng cao chất lượng sống nhờ điều trị.

Điều trị các căn bệnh hiểm nghèo rất tốn kém, đòi hỏi người dân phải có nguồn tài chính để điều trị theo phác đồ, tuân thủ chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi, luyện tập. Trên thế giới, đặc biệt ở những quốc gia phát triển, sản phẩm bảo hiểm bảo vệ người dân trước những bệnh hiểm nghèo rất phổ biến.

Nhân dịp này ra mắt sản phẩm mới, VietinAviva giới thiệu dịch vụ tư vấn y khoa toàn cầu Best Doctor với đội ngũ 53.000 chuyên gia y tế quốc tế tham gia. Đặc biệt, Best Doctor được cung cấp miễn phí cho khách hàng, các thành viên trong gia đình khách hàng tham gia các sản phẩm bảo hiểm của VietinAviva.

2. Quản lý thị trường bảo hiểm

Đề xuất bổ sung bảo hiểm vận chuyển bằng đường ống

 

(ĐTCK) – Dự thảo Luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi. Thông qua Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI), các DN bảo hiểm phi nhân thọ đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng.

Trong công văn góp ý gửi Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tư pháp, AVI đề nghị bổ sung các tiêu chí cụ thể nhằm phân định rõ đối với hợp đồng vận chuyển theo chứng từ vận chuyển và hợp đồng vận chuyển theo chuyến. Bởi lẽ, các tiêu chí quy định để phân loại hợp đồng vận chuyển trong Luật Hàng hải 2005 chưa đầy đủ, nên việc phân định giữa hai loại hợp đồng nêu trên gặp khó khăn.

Theo các DN bảo hiểm phi nhân thọ, việc phân định hợp đồng vận chuyển có ý nghĩa rất quan trọng, đặc biệt trong các trường hợp có liên quan đến việc giải quyết tranh chấp phát sinh, vì đây là căn cứ chủ yếu để xác định thời hiệu khởi kiện, là điều kiện tiên quyết để bên có quyền lợi bị xâm phạm thực hiện quyền khởi kiện.

Điều 97 Luật Hàng hải 2005 quy định: “Thời hiệu khởi kiện về hư hỏng, mất mát hàng hóa vận chuyển theo chứng từ vận chuyển là 1 năm, kể từ ngày trả hàng hoặc lẽ ra phải trả hàng cho người nhận hàng”. Điều 118 quy định: “Thời hiệu khởi kiện về việc thực hiện hợp đồng vận chuyển theo chuyến là 2 năm, kể từ ngày người khiếu nại biết hoặc phải biết quyền lợi của mình bị xâm phạm”.

Trong thực tế, việc phân định hợp đồng vận chuyển thuộc loại nào trong số 2 loại hợp đồng trên hoàn toàn phụ thuộc vào quan điểm của người và cơ quan tài phán có thẩm quyền. Vì thế, cùng một hợp đồng, nhưng có cơ quan tài phán xác định là hợp đồng vận chuyển theo chuyến, nhưng có trường hợp lại xác định là hợp đồng vận chuyển theo chứng từ. Dẫn đến việc không thống nhất trong việc áp dụng pháp luật, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các bên. Bởi vậy, các DN bảo hiểm cũng đề nghị bổ sung các tiêu chí cụ thể nhằm phân định rõ đối với hợp đồng vận chuyển theo chứng từ vận chuyển và hợp đồng vận chuyển theo chuyến.

Liên quan đến quy định về mở rộng điều kiện bảo hiểm, Dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 224, Luật Hàng hải 2005 quy định: “Hợp đồng bảo hiểm hàng hải có thể mở rộng theo những điều kiện cụ thể hoặc theo tập quán thương mại để bảo vệ quyền lợi của người được bảo hiểm đối với những tổn thất xảy ra trên đường thủy nội địa, đường bộ, đường sắt hoặc đường hàng không thuộc cùng một hành trình đường biển”.

Theo các DN bảo hiểm, Dự thảo đã không điều chỉnh một hình thức vận chuyển đã tồn tại lâu đời trên thế giới và các DN Việt Nam cũng đã triển khai thực hiện, đó là hình thức vận chuyển bằng đường ống. Trong bối cảnh Việt Nam là nước khai thác, xuất khẩu và nhập khẩu dầu thô cùng các sản phẩm từ dầu thô, ngành lọc hóa dầu chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nền kinh tế, thì hình thức vận chuyển bằng đường ống có mối quan hệ chặt chẽ, mật thiết đối với ngành vận tải biển. Do đó, nhu cầu mở rộng điều kiện bảo hiểm các quyền lợi đối với những tổn thất xảy ra trên đường ống vận chuyển là thiết thực.

“Mặc dù pháp luật hiện hành có chưa có các quy định cụ thể về điều kiện kinh doanh vận chuyển bằng đường ống, nhưng Dự thảo Luật Hàng hải (sửa đổi) không quy định mở rộng điều kiện bảo hiểm đối với hình thức vận chuyển này là chưa thực sự phù hợp với thực tiễn ngành vận tải biển”, lãnh đạo một DN bảo hiểm nói và đề nghị Dự thảo sửa đổi theo hướng: hợp đồng bảo hiểm hàng hải có thể mở rộng theo những điều kiện cụ thể, hoặc theo tập quán thương mại, để bảo vệ quyền lợi của người được bảo hiểm đối với những tổn thất xảy ra trên đường thủy nội địa, đường bộ, đường sắt, đường hàng không, hoặc trên đường vận chuyển bằng đường ống thuộc cùng một hành trình đường biển.

Ngoài ra, theo Luật Hàng hải hiện hành, giá trị bảo hiểm của tàu biển được xác định ngay tại thời điểm bắt đầu bảo hiểm. Tuy nhiên, do tàu biển là đối tượng bảo hiểm đặc thù, có giá trị lớn hoặc rất lớn, việc xác định tổng giá trị của tàu biển tại thời điểm bắt đầu bảo hiểm trong nhiều trường hợp gặp khó khăn và tốn kém, phát sinh chi phí không nhỏ (kiểm tra, giám định, định giá), mà nếu thực hiện sẽ không thể bảo đảm hiệu quả kinh tế cho DN bảo hiểm khi mức phí bảo hiểm có thể thu được là không thể bù đắp. Nếu tăng mức phí bảo hiểm đến mức có thể bù đắp được chi phí này thì bên mua bảo hiểm từ chối giao kết hợp đồng bảo hiểm.

Do đó, theo các DN bảo hiểm, nên sửa đổi quy định trên như sau: “Giá trị bảo hiểm của tàu biển là tổng giá trị của tàu biển vào thời điểm xảy ra tổn thất. Trong trường hợp tổn thất toàn bộ, mà không thể xác định được vì nguyên nhân khách quan, thì giá trị bảo hiểm của tàu biển là tổng giá trị thực tế của tàu biển cùng chủng loại có đặc điểm tương tự tại nơi đóng tàu hoặc nơi người khai thác, quản lý tàu biển có trụ sở vào thời điểm xảy ra tổn thất”.

Chất lượng nguồn nhân lực, nỗi lo thường trực ngành bảo hiểm

(ĐTCK) – Theo ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, có trên 90% cán bộ bảo hiểm chưa được đào tạo bảo hiểm, họ chỉ được  hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ theo hình thức “cầm tay chỉ việc”.

Điều này đang đặt ra vấn đề lớn trong việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho sự phát triển bền vững của thị trường. Dưới đây là ghi nhận các ý kiến tại Hội thảo Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2020, do Cục quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) tổ chức.

Theo ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, để nâng cao chất nguồn nhân lực cho thị trường bảo hiểm Việt Nam, IRT phải thực sự trở thành trường nghề, trung tâm đào tạo nghề nghiệp bảo hiểm lấp vào khoảng trống đào tạo hiện nay. Trước mắt, trong giai đoạn 2016-2020, IRT cần xây dựng chương trình học và giáo trình giảng dạy bài bản cho cán bộ bảo hiểm từ chuyên ngành khác đã được tuyển dụng vào các vị trí của DNBH.

Theo PGS. TS Hoàng Mạnh Cừ, Học viện Tài chính, để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho thị trường bảo hiểm Việt Nam, nhiều cơ sở giáo dục đã đưa chuyên ngành bảo hiểm vào chương trình giảng dạy. Tuy nhiên, do chỉ tiêu quá ít nên số lượng cán bộ được đào tạo đúng chuyên ngành cung ứng cho thị trường đến nay vẫn chỉ như “muối bỏ bể”.

Các cơ sở đào tạo nên chăng dành ít nhất 3%-5% chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm vào chuyên ngành bảo hiểm. Với tỷ lệ trên, ước tính sẽ có thêm khoảng 600-700 sinh viên chuyên ngành bảo hiểm mỗi năm. Con số này sẽ còn tăng hơn nữa trong những năm sau, đảm bảo giải quyết đủ nguồn nhân lực cho sự phát triển bền vững của thị trường. Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên cho phép các cơ sở giáo dục đưa môn học bảo hiểm là học phần bắt buộc đối với tất cả các chuyên ngành đào tạo.

Bà Hồ Thủy Tiên, Trường ĐH Tài chính

Do thiếu hụt nhân lực có trình độ chuyên môn nên các DNBH đã tạm thời tuyển dụng từ các chuyên ngành khác và đào tạo ngắn hạn kiến thức cơ bản về bảo hiểm, sau một vài năm công tác, các nhân sự này được đề bạt lên những vị trí chủ chốt trong DNBH. Điều này tiềm ẩn rủi ro không chỉ cho riêng DNBH mà còn cho cả thị trường.

Theo bà Nguyễn Thanh Nga, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo bảo hiểm (IRT): theo Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam 2011-2020, nguồn nhân lực cần thiết  đến năm 2015 đối với lĩnh vực nhân thọ là gần 350.000 người; với lĩnh vực phi nhân thọ là gần 180.000 người. Đến năm 2020, ước tính số nhân lực này cần tăng gấp đôi, chưa kể tới nhu cầu nhân lực phục vụ hoạt động tái bảo hiểm, đầu tư. Với nhu cầu lớn như vậy, mặc dù nguồn nhân lực đã tăng nhanh trong những năm qua nhưng vẫn chưa đáp ứng được thị trường.

Hiện tại, luật pháp mới chỉ quy định tiêu chuẩn cho một số chức danh, vị trí quản trị, điều hành cấp cao và cấp trung (phòng/ban) ở mức thấp theo chuẩn mực của Hiệp hội quốc tế Các cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm (IAIS), tương ứng với mức độ phát triển của thị trường bảo hiểm mới nổi. Do đó, tính chuyên nghiệp và ổn định của nguồn nhân lực bảo hiểm còn thấp so với yêu cầu của thị trường, dẫn tới chất lượng dịch vụ cung cấp chưa cao, không đồng đều.

Đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã đưa ra lộ trình thực hiện nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành bảo hiểm. Theo đó, giai đoạn 2015-2016 sẽ xây dựng tiêu chuẩn chức danh, yêu cầu chuyên môn cho từng vị trí nhân sự cụ thể; 2015-2020 tiếp tục mở rộng địa điểm thi tập trung, nâng tỷ lệ thi tập trung lên 50% số lượng các kỳ thi đại lý bảo hiểm; 2016-2017 xây dựng khung chương trình đào tạo theo các chức danh; 2016-2020 xây dựng đội ngũ giảng viên đáp ứng đủ yêu cầu; năm 2018 thực hiện các kỳ thi theo tiêu chuẩn chứng chỉ nghề nghiệp và từ năm 2018 trở đi sẽ đào tạo và hoàn thiện các chức danh.

3. Bảo hiểm với cộng đồng

MIC tài trợ xây dựng 02 nhà chờ xe buýt tại Hưng Yên 

(MIC) – Chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ 18, sáng ngày 29/10 tại Hưng Yên, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hưng Yên đã tổ chức khánh thành 02 nhà chờ xe buýt do Công ty Bảo hiểm MIC Hải Hưng thuộc Tổng công ty Bảo hiểm Quân đội (MIC) tài trợ tại hai điểm dừng xe buýt gần cổng Sở Tài chính và Bệnh viện đa khoa tỉnh. Công trình được xây dựng với tổng kinh phí hơn 60 triệu đồng, mỗi nhà chờ xe buýt có diện tích từ 2 đến 2,5m2 đáp ứng từ 15 đến 17 hành khách chờ xe. Việc làm nhà chờ xe buýt còn thể hiện mỹ quan, văn minh đô thị và nâng cao chất lượng dịch vụ đi xe buýt.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Đức Đoàn – Trưởng phòng Quản lý Phương tiện, Sở Giao thông Vận tải Hưng Yên khẳng định công trình xây dựng nhà chờ xe buýt do Bảo hiểm Quân đội (MIC) tài trợ hết sức ý nghĩa và thiết thực nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho nhân dân đi lại bằng xe buýt, thời gian tới sẽ có thêm 30 nhà chờ xe buýt được xây dựng trên địa bàn tỉnh cũng bằng nguồn vốn xã hội hóa.

II. Tin quốc tế

Máy bay Nga rơi tại Nam Sudan

TTO – 41 người và 5 thành viên phi hành đoàn người Nga đã thiệt mạng trong vụ máy bay rơi sáng 4-11 sau khi vừa cất cánh không lâu từ sân bay tại thủ đô Nam Sudan.

Máy bay gặp nạn khi đang trên đường đến Paloich ở vùng sông Nile Thượng.

Truyền thông địa phương Nam Sudan và một cảnh sát giấu tên cho biết chỉ duy nhất 2 hành khách sống sót sau vụ tai nạn này, trong đó có một trẻ em. Tuy nhiên quan chức này không cho biết rõ số người trên khoang máy bay khi tai nạn xảy ra.

Reuters dẫn lời nhân chứng của hãng cho biết người này thấy phần đuôi và các bộ phận khác của chiếc máy bay gặp nạn trên sông Nile Trắng.

Nhân chứng này cũng đã đếm thấy có đến hơn 40 thi thể trên sông nhưng không rõ có bao nhiêu người trong máy bay.

National Courier cho biết một phụ nữ và 7 trẻ em trong số các nạn nhân thiệt mạng.

Theo Hãng tin Sputnik, máy bay này là loại Antonov An-12. Trong khi đó đài phát thanh địa phương cho biết máy bay rơi cách sân bay Juba khoảng 800m.

Reuters cho biết hiện vẫn chưa thể liên hệ với các nhà chức trách địa phương để biết thêm thông tin về nguyên nhân tai nạn cũng như máy bay thuộc hãng nào.

Đại sứ quán Nga tại Uganda đang xác minh thông tin về vụ rơi máy bay tại Nam Sudan.

“Chúng tôi đang xác minh các chi tiết. Chúng tôi không thể nói trước điều gì. Chúng tôi đang liên lạc với các nhà chức trách có thẩm quyền ở Nam Sudan” – phát ngôn viên Đại sứ quán Nga tại Uganda nói với hãng RIA Novosti.

Các quan chức Nam Sudan xác nhận máy bay chở hàng Antonov gặp nạn đã chở 20 người trên máy bay. Tuy nhiên, các nguồn tin chưa nói rõ vì sao tổng số người  trên mặt lên tới 41 người.

Người phát ngôn chính quyền Nam Sudan, ông Ateny thông tin rằng các nhà chức trách vẫn đang thu thập thông tin và đối chiếu các số liệu về số người chết trong tai nạn.

Hãng tin Sputnik cho biết nhà sản xuất máy bay Antonov của Ukraine đang xác minh lại báo cáo về vụ tai nạn máy bay Antonov An-12 tại Nam Sudan.

“Chúng tôi đang giải quyết trường hợp này. Các chuyên gia của chúng tôi đang cố gắng tìm ra số hiệu trên thân máy bay” – phòng tiếp báo chí của công ty trên nói với RIA Novosti.

Truyền thông địa phương dẫn lời bộ hàng không dân dụng Sudan cho biết máy bay chở quá tải, các vấn đề kỹ thuật có thể là những nguyên nhân khả dĩ dẫn đến vụ rơi máy bay này.

IS tuyên bố ‘bắn rơi máy bay Nga tại Ai Cập’

TPO – Vào tối 31/10 (giờ Việt Nam), nhóm phiến quân thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Ai Cập đã ra tuyên bố chính họ bắn hạ máy bay chở khách Nga làm toàn bộ 224 người trên khoang thiệt mạng, theo Reuters.

Trong một tuyên bố đang được lan truyền rộng rãi bởi những người ủng hộ trên Twitter, nhóm phiến quân IS ở Ai Cập lên tiếng nhận trách nhiệm về việc bắn rơi một máy bay chở khách của Nga ở Sinai.

“Các tay súng của Nhà nước Hồi giáo (IS) đã bắn hạ một phi cơ Nga bay qua tỉnh Sinai khi nó đang chở theo hơn 220 quân viễn chinh của Nga. Tất cả chúng đều đã bị tiêu diệt, cám ơn đấng tối cao”, thông báo của IS lan truyền trên Twitter.

Ngoài ra, website Aamaq, được coi là “hãng thông tấn” bán chính thức của tổ chức IS cũng đăng tải thông tin nhận trách nhiệm tương tự. IS không nêu rõ thêm thông tin chi tiết quanh vụ việc.

Địa điểm máy bay bị rơi nằm tại khu vực quân chính phủ Ai Cập vẫn đang giao chiến với lực lượng nổi dậy, do một nhánh của IS tại bán đảo Sinai cầm đầu.

Các nguồn tin an ninh Ai Cập trước đó cho biết không có dấu hiệu nào cho thấy máy bay bị bắn hạ hay phát nổ trên không.

224 người gồm 217 hành khách và 7 thành viên phi hành đoàn đã thiệt mạng trên chuyến bay của hãng hàng không Nga Kogalymavia, số hiệu 7K9268. Các nguồn tin an ninh của Ai Cập cho hay, theo điều tra ban đầu, máy bay A-321 rơi do vấn đề kỹ thuật.

Lực lượng cứu hộ đã tìm thấy hộp đen của chiếc máy bay, việc giải mã hộp đen sẽ nhanh chóng được tiến hành.

Trước đó, hôm 13/10, IS từng dọa sẽ tiêu diệt Nga do nước này triển khai chiến dịch không kích nhằm vào nhóm phiến quân ở Syria.

ACE sẽ phát hành 5,3 tỷ USD trái phiếu để thâu tóm Chubb 

(Bloomberg) – Hãng bảo hiểm ACE đang lên kế hoạch phát hành 5,5 tỷ USD trái phiếu để tài trợ cho việc thâu tóm công ty bảo hiểm Chubb (Hoa Kỳ) trị giá xấp xỉ 30 tỷ USD.

Trong đó, kỳ hạn dài nhất là 30 năm có thể có mức lãi suất cao hơn 1,70% so với trái phiếu chính phủ cùng kỳ hạn.

Theo Công ty, để thực hiện kế hoạch này, có thể phải thực hiện tới 4 đợt phát hành.

Hồi tháng 7 năm nay, ACE đã công bố giao dịch thâu tóm Chubb. Theo đó, một nửa giá trị hợp đồng sẽ được trả bằng cổ phiếu và phần còn lại trả bằng tiền mặt và công cụ nợ. Dự kiến khoản tiền tích lũy hàng năm sẽ đạt 650 triệu USD vào năm thứ 3 sau khi sáp nhập.

Giao dịch này sẽ giúp ACE có đủ sức cạnh tranh với các đối thủ lớn trên thị trường như AIG và Allianz.

Tuy nhiên, nếu giao dịch không thành hoặc thỏa  thuận sáp nhập bị chấm dứt trước ngày 309/2016, ACE sẽ phải chuộc lại trái phiếu với giá bằng 101% giá phát hành, cộng với lãi lũy kế.

Từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu của ACE đã giảm 0,3%.

ACE bổ nhiệm Giám đốc Tín dụng và Rủi ro chính trị tại Nhật Bản

(InsuranceAsiaNews) – Tập đoàn bảo hiểm ACE vừa bổ nhiệm ông Hiroya Takagi giữ chức Giám đốc Tín dụng và Rủi ro chính trị tại Nhật Bản trong bối cảnh hãng đang nỗ lực tăng cường sự hiện diện tại thị trường này.

Trong bản thông báo gần đây, ACE cho biết Công ty sẽ cung cấp đa dạng các giải pháp bảo hiểm toàn diện, bao gồm bảo hiểm cho các khoản phải thu thương mại không thể thu hồi, bảo hiểm cho rủi ro vỡ nợ của chính phủ và bảo hiểm rủi ro quốc gia.

Theo ACE, nhu cầu bảo hiểm rủi ro chính trị và tín dụng tại Nhật Bản đang ngày càng tăng lên vì quốc gia này phải dựa rất nhiều vào hoạt động ngoại thương để phục vụ mục tiêu tăng trưởng.

Trước khi gia nhập ACE, ông Takagi làm việc cho Euler Hermes tại Nhật Bản. Trong cương vị mới, ông sẽ làm việc tại Tokyo và quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.

Hiện nay, Tập đoàn ACE đang cung cấp các sản phẩm bảo hiểm thương mại cũng như cá nhân, trong các lĩnh vực bảo hiểm tài sản và thiệt hại, tai nạn con người, bảo hiểm sức khỏe bổ trợ, tái bảo hiểm và bảo hiểm nhân thọ.

Lợi nhuận của Swiss Re tăng cho dù phải bồi thường vụ nổ Thiên Tân

(InsuranceAsiaNews) – Hãng tái bảo hiểm Zurich Re của Thụy Sỹ công bố lợi nhuận quý III tăng 13%, bất chấp việc phải bồi thường 260 triệu USD cho vụ thảm họa tại cảng Thiên Tân, Trung Quốc hồi tháng 8 năm nay.

Theo đó, lợi nhuận thuần quý III đạt 1,4 tỷ USD, cao hơn so với mức 1,2 tỷ USD cùng kỳ năm trước.

Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh các doanh nghiệp bảo hiểm lớn trên thế giới vừa công bố những thiệt hại phải gánh chịu từ vụ nổ Thiên Tân. Cụ thể, con số bồi thường của Validus vào khoảng 44 triệu USD, PartnerRe là 60 triệu USD. Về phần mình, Zurich dự kiến khoản lỗ quý III là 275 triệu USD, còn Guy Carpenter ước tính lỗ tháng 11 trong lĩnh vực bảo hiểm và tái bảo hiểm tương ứng là 1,6 tỷ USD và 3,3 tỷ USD.

Giám đốc Chiến lược của IAG thôi việc 

(InsuranceAsiaNews) – Một tháng sau khi ông Mike Wilkins từ chức Tổng Giám đốc Tập đoàn bảo hiểm Australia (IAG), một thành viên chủ chốt khác trong ban điều hành cũng lên kế hoạch nghỉ việc.

Cụ thể, bà Leona Murphy, Giám đốc Chiến lược Tập đoàn, sẽ nghỉ việc tại IAG từ ngày 31/12 năm nay.

Một nguồn tin cho biết, bà Murphy sẽ quay trở lại Queensland (Australia) để tập trung vào công việc của mình tại vị trí thành viên HĐQT không điều hành.

Quyết định này của bà Murphy xảy ra sau khi IAG từ bỏ chiến lược mở rộng thị trường Trung Quốc hồi tháng 9 do những lo ngại từ phía cổ đông.

Trước đó, bà Murphy đã từng là Giám đốc chuyển đổi trong giai đoạn IAG sáp nhập bộ phận kinh doanh bảo hiểm của Wesfarmers.

Trong năm 2015, bà được vinh danh là 1 trong 100 người phụ nữ ảnh hưởng lớn nhất Australia.

Doanh nghiệp bảo hiểm Trung Quốc giải quyết khiếu nại quy mô nhỏ trong vòng 5 ngày

(InsuranceAsiaNews) – Cơ quan Quản lý bảo hiểm Trung Quốc (CIRC) vừa ban hành quy định trong lĩnh vực giải quyết bồi thường bảo hiểm. Theo đó, đối với các vụ khiếu nại bồi thường có quy mô nhỏ, các doanh nghiệp bảo hiểm Trung Quốc phải giải quyết ít nhất 80% số vụ trong vòng 5 ngày làm việc, tính từ khi nhận được hồ sơ.

Căn cứ hướng dẫn của CIRC, các vụ khiếu nại quy mô nhỏ bao gồm khiếu nại bảo hiểm ô tô có giá trị dưới 5.000 Tệ (789 USD) và khiếu nại bảo hiểm y tế nhỏ hơn 3.000 Tệ (473 USD).

Bên cạnh đó, CIRC cũng hướng dẫn về việc đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ mới và tăng cường phối hợp giữa các hình thức khiếu nại bảo hiểm trực tuyến và khiếu nại thông thường nhằm nâng cao chất lượng công tác giải quyết bồi thường.

Marsh mở văn phòng đại diện tại Myanmar

(InsuranceAsiaNews) – Marsh đã chính thức mở văn phòng đại diện tại Yangon – thành phố lớn nhất Myanmar.

Văn phòng này có nhiệm vụ khảo sát thị trường và nghiên cứu khả thi hoạt động môi giới bảo hiểm tại Myanmar, đồng thời thay mặt Marsh Singapore tiến hành hoạt động hỗ trợ kinh doanh và là đầu mối liên lạc.

Ông Jerry Westmore, Trưởng Văn phòng đại diện Myanmar, nói Marsh đang nỗ lực giúp phát triển nguồn nhân lực bảo hiểm tại chỗ vì họ nhìn thấy tiềm năng rất lớn tại quốc gia này.

Trong thời gian gần đây, Myanmar có tốc độ phát triển kinh tế rất nhanh sau khi thoát ra khỏi chế độ độc tài quân sự và tình trạng cô lập chính trị với thế giới.

Theo ông Martin South, Tổng Giám đốc Marsh châu Á-Thái Bình Dương, Công ty rất vinh dự được đóng góp vào quá trình chuyển mình của đất nước chùa vàng.

Biến động tỷ giá làm lợi nhuận Aon sụt giảm

(Insurancenews) – Aon cho biết lợi nhuận quý III đã giảm 5% do biến động tỷ giá làm giảm sút doanh thu.

Cụ thể, lợi nhuận thuần quý III của hãng môi giới này đạt 295 triệu USD. Tổng doanh thu giảm 5% xuống còn 2,7 tỷ USD, chủ yếu do tác động -7% từ chênh lệch tỷ giá (tương ứng tác động -30 triệu USD lên doanh thu trước thuế).

Tuy nhiên, Aon vẫn lạc quan về kết quả kinh doanh cả năm.

Ông Greg Case, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Aon, nói: “Theo quy luật hàng năm, quý III thường là giai đoạn có kết quả kinh doanh kém nhất trong năm. Quý III năm nay, Công ty đã đạt được tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận tốt ở cả hai khối kinh doanh… mặc dù phải chịu tác động tiêu cực từ chênh lệch tỷ giá và những khó khăn kinh tế vĩ mô”.

“Dựa vào danh mục dẫn đầu ngành bảo hiểm, hoạt động đầu tư và phân tích của Công ty, chúng tôi dự kiến quý IV sẽ có kết quả kinh doanh khả quan và năm tài chính 2015 sẽ kết thúc tốt đẹp với sự tăng trưởng về dòng tiền tự do và tạo lập giá trị cho cổ đông”.

Trong tổng thể kết quả kinh doanh của hãng, Aon Risk Solutions ghi nhận sụt giảm 8% doanh thu xuống còn 1,7 tỷ USD do tác động -8% đến từ biến động tỷ giá. Doanh thu bán lẻ tăng 2%, trong đó New Zealand và châu Á đóng góp 1% tăng trưởng. Doanh thu tái bảo hiểm giảm 4% do những tác động bất lợi từ thị trường toàn cầu.

BTV (tổnghợp).

 

Comments are closed.