Hợp tác với Insurtech là yếu tố then chốt; Thiên tai khiến Chubb thua lỗ; VNI khai trương công ty thứ 7 tại Hà Nội
I. Tin trong nước
1. Tin bồi thường, tổn thất
ABIC Thanh Hóa chi trả bảo an tín dụng cho khách hàng vay vốn tín dụng
(ABIC) – Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp – Chi nhánh Thanh Hóa (ABIC Thanh Hóa) vừa phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Nga Sơn tổ chức chi trả tiền bảo hiểm bảo an tín dụng cho khách hàng vay vốn tín dụng trên địa bàn huyện Nga Sơn.
Trong đợt này, ABIC Thanh Hóa đã thực hiện chi trả bảo an tín dụng cho thân nhân 3 khách hàng vay vốn là gia đình ông Hoàng Thế Bút, xóm 4, xã Nga Văn; gia đình bà Phạm Thị Nêm, xóm 4 xã Nga Điền và gia đình ông Phạm Văn Sơn, xóm 6, xã Nga Tân, huyện Nga Sơn. Đây đều là những khách hàng đã vay vốn ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Nga Sơn và có mua bảo hiểm tiền vay.
Xem thêm: bảo hiểm sức khỏe, Bảo hiểm thai sản, bảo hiểm sức khỏe Bảo Việt
Trong quá trình vay, không may các khách hàng vay vốn bị rủi ro mất đi, ABIC Thanh Hóa đã nhanh chóng thực hiện các thủ tục, hồ sơ, chi trả bồi thường số tiền bảo hiểm bảo an tín dụng cho khách hàng. Tổng số tiền bồi thường đợt này là 140 triệu đồng và 3 triệu tiền hỗ trợ mai táng phí cho các gia đình.
Được biết từ đầu năm đến nay, ABIC Thanh Hóa đã phối hợp với Agribank Thanh Hóa giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho 1200 khách hàng vay vốn trên địa bàn tỉnh không may xảy ra rủi ro, với số tiền bồi thường hơn 23 tỷ đồng.
2. Một vòng doanh nghiệp
VNI khai trương công ty thứ 7 trên địa bàn Hà Nội
(VNI) – Ngày 10/10/2018, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không (VNI) đã tổ chức lễ khai trương, công bố thành lập Công ty Bảo hiểm Hàng không Tràng An (VNI Tràng An) & trao quyết định bổ nhiệm cán bộ, nâng tổng số Công ty thành viên hoạt động trên địa bàn trọng điểm TP. Hà Nội 7 đơn vị.
Phát biểu tại buổi lễ khai trương, bà Lê Thị Hà Thanh – Chủ tịch HĐQT VNI đã chúc mừng khai trương thành lập và đánh giá tiềm năng phát triển của thành phố Hà Nội – trung kinh tế, chính trị văn hóa của cả nước, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ còn rất nhiều tiềm năng để khai thác tạo một thành phố năng động, nơi VNI đặt trụ sở chính trong 10 năm qua. Với việc ra đời của VNI Tràng An là đơn vị thành viên thứ 6 của VNI tại thành phố Hà Nội đã tạo nên một mạng dưới mạnh để khai thác, chăm sóc, phục vụ khách hàng ngày được tốt hơn. Chủ tịch cũng chân thành cảm ơn Lãnh đạo UBND Thành phố, Sở, Ban, ngành cùng đối tác, khách hàng đã quan tâm, giúp đỡ và mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ trong thời gian tới để VNI Tràng An phát triển trong thời gian tới.
VNI Tràng An được thành lập theo Giấy phép điều chỉnh số 49/GPĐC25/KDBH ngày 17/9/2018, là đơn vị thứ 6 trên địa bàn Thành phố Hà Nội, nâng tổng số Công ty thành viên lên 33 đơn vị trải dài từ Bắc- Trung- Nam và dự kiến mạng lưới kênh phân phối của VNI sẽ còn tiếp tục phát triển trong thời gian tới. VNI hiện có hơn 800 cán bộ nhân viên đang làm việc tại khắp các địa điểm kinh doanh của VNI trên toàn quốc. Mức tăng trưởng doanh thu bình quân trong 3 năm qua của VNI đạt hơn 60% năm và là một trong những doanh nghiệp TOP đầu về tốc độ tăng trưởng doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ.
Tìm ra chủ nhân chiếc Mazda 2 chương trình “Vững tin tay lái – vững vàng 20”
(PTI) – Ngày 15/10/2018, tại Hà Nội, Bảo hiểm PTI đã tiến hành quay thưởng đợt 3 chương trình “Vững tin tay lái – vững vàng 20”. Đáng chú ý, PTI đã tìm ra chủ nhân may mắn của giải thưởng lớn nhất chương trình là chiếc xe ô tô Mazda 2 trị giá 529 triệu đồng
Chương trình “Vững tin tay lái – Vững vàng 20” – chương trình tri ân khách hàng lớn nhất của Bảo hiểm bưu điện PTI cũng vào dịp sinh nhật 20 năm của Tổng công ty diễn ra từ 4/7 đến 30/9/2018 đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo khách hàng với những con số ấn tượng
Bên cạnh đó, thông qua chương trình này, PTI mong muốn chung tay góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông trên toàn quốc. Cụ thể, với mỗi khách hàng tham gia, PTI sẽ ủng hộ 10.000đ vào Quỹ an toàn giao thông. Toàn bộ số tiền đóng góp sẽ được PTI phối hợp với Ủy ban An toàn Giao thông triển khai các hoạt động nhằm chủ động phòng ngừa tai nạn giao thông, nâng cao ý thức của người dân, góp phần xây dựng văn hóa giao thông văn minh hơn.
Ngày 15/10/2018, trước sự chứng kiến của đông đảo khách hàng, cơ quan thông tấn báo chí tại Hà Nội, PTI tiến hành quay thưởng đợt 3 chương trình “Vững tin tay lái – Vững vàng 20”, Bằng phần mềm quay số hiện đại, PTI đã lần lượt tìm ra chủ nhân của gần 100 giải thưởng có giá trị, trong đó có giải thưởng đặc biệt với giá trị cao nhất chương trình – chiếc ô tô Mazda 2 trị giá 529 triệu đồng. Trước đó, PTI đã tổ chức 2 đợt quay thưởng tại Bưu điện Hà Nội và trao tặng gần 200 giải thưởng giá trị và hữu ích tới khách hàng trên toàn quốc.
Danh sách khách hàng trúng thưởng của đợt quay thưởng lần 2 sẽ công bố trên website www.pti.com.vn và thông báo trực tiếp tới khách hàng.
PVI sơ kết hoạt động kinh doanh 9 tháng đầu năm
(PVI) – Sáng ngày 11/10/2018, tại Trụ sở chính Tòa nhà PVI, Công ty cổ phần PVI (PVI) đã tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động kinh doanh 9 tháng đầu năm 2018 và triển khai kế hoạch kinh doanh 3 tháng cuối năm 2018.
Dưới đây là một số kết quả kinh doanh PVI đã đạt được 9 tháng đầu năm 2018:
– Kết quả kinh doanh hợp nhất: Tổng doanh thu ước đạt 7.989 tỷ đồng, hoàn thành 121,9% kế hoạch 09 tháng và tương đương 88% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 592 tỷ đồng, hoàn thành 160,5% kế hoạch 09 tháng và tương đương 100,8% kế hoạch năm.
– Kết quả kinh doanh Công ty Mẹ: Tổng doanh thu ước đạt 562 tỷ đồng, hoàn thành 130,8% kế hoạch 09 tháng và tương đương 92,6% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 348 tỷ đồng, hoàn thành 159% kế hoạch 09 tháng và tương đương 107% kế hoạch năm.
– Toàn hệ thống PVI vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh 09 tháng đầu năm 2018.
– Hoạt động bảo hiểm phi nhân thọ tiếp tục giữ vững thị trường bán buôn và tăng cường kiểm soát hệ thống bán lẻ, đẩy mạnh khai thác thị trường bên ngoài và kênh khai thác mới.
– Hoạt động Tái bảo hiểm tiếp tục phát triển đúng định hướng: Nhận Tái bảo hiểm từ nguồn nước ngoài bắt đầu có lãi nghiệp vụ. Nhận Tái bảo hiểm từ nguồn trong nước tăng trưởng khả quan và tăng dần tỷ trọng so với vùng kỳ.
– Đẩy mạnh hoạt động đầu tư và quản lý tài sản: Dự án THT ghi nhận doanh thu và lợi nhuận cao, đóng góp vào kết quả kinh doanh hợp nhất. Hoạt động đầu tư tiền gửi có sự dịch chuyển theo đúng định hướng, góp phần làm tăng hiệu quả quản lý dòng tiền.
– Tiếp tục triển khai Chiến lược quản lý, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho toàn hệ thống PVI: Rà soát cơ cấu tổ chức và nhân sự trong toàn hệ thống, sắp xếp nhân sự theo hướng tinh gọn.
– Triển khai tốt các hoạt động liên quan đến quản trị công ty: Tổ chức các cuộc họp HĐQT/ BKS trong 09 tháng đầu năm và tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 (ngày 19/04/ 2018).
– Triển khai công tác kiểm tra, giám sát tuân thủ: Theo mô hình mới, tham gia ngày càng tích cực vào công tác quản lý giám sát các đơn vị.
– Tiếp tục đẩy mạnh hệ thống công nghệ thông tin trong toàn hệ thống đảm bảo hỗ trợ kịp thời công tác kinh doanh, quản trị.
– Thương hiệu PVI tiếp tục được ghi nhận và đánh giá cao: Năm 2018 là năm thứ 3 liên tiếp, PVI được Forbes Việt Nam bình chọn là một trong 40 thương hiệu Công ty có giá trị nhất Việt Nam. Năm 2018 thương hiệu PVI được Forbes Việt Nam xác định có giá trị 32,7 triệu đô la Mỹ.
– Tiếp tục phát huy vai trò của Đảng bộ trong việc phối hợp với HĐQT/ Ban điều hành trong việc định hướng, chỉ đạo sát sao hoạt động kinh doanh của toàn hệ thống PVI. Tích cực triển khai các hoạt động an sinh xã hội.
3. Nhịp đập thị trường
Bảo hiểm nhân thọ: Thị phần doanh thu khai thác mới biến động mạnh
(ĐTCK) – Theo số liệu từ Bản tin thị trường bảo hiểm toàn cầu của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), 7 tháng đầu năm 2018, tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới của khối nhân thọ ước đạt hơn 15.195 tỷ đồng, tăng 33,29% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, 7 tháng năm 2018, thị phần doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới của Bảo Việt Nhân thọ là 18,61%, Dai-ichi Life Việt Nam 17,78%, Prudential 16,33%, Manulife Việt Nam 14,65%, AIA Việt Nam 9,93%, Chubb Life là 3,68%, Generali Việt Nam 3,73%, MB Ageas Life 3,52%…
Dù thị phần doanh thu phí khai thác mới đang có biến động lớn với sự vươn lên đứng thứ 2 của hãng bảo hiểm đến từ Nhật Bản là Dai-ichi Life Việt Nam, nhưng nếu tính thị phần tổng doanh thu phí bảo hiểm 7 tháng năm nay, Bảo Việt Nhân thọ vẫn đứng thứ nhất với 26,4%;
Prudential giữ ngôi vị thứ hai với 21,8%; Manulife Việt Nam và Dai-ichi Life Việt Nam đều chiếm 13% thị phần; AIA Việt Nam 9,8%; Chubb Life 3,5%; Generali 2,7%; Hanwha Life Việt Nam 2,4%; MB Ageas Life 1,3% và Aviva là 1,2%. Các doanh nghiệp còn lại chiếm thị phần nhỏ dưới 1%.
Sự vươn lên của Dai-ichi Life Việt Nam trong nhóm đầu không phải câu chuyện bất ngờ, bởi thời gian qua, hãng bảo hiểm này liên tục đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng doanh thu khai thác phí mới ở mức cao so với bình quân của thị trường.
Không chỉ tăng trưởng doanh thu khai thác phí mới từ hệ thống đại lý, tổng đại lý, mà các kênh bán hàng mở rộng qua bancassurance và hệ thống VNPost độc quyền cũng được hãng bảo hiểm này đầu tư mạnh mẽ.
Hiện tại, Dai-ichi Life Việt Nam đang giữ thị phần lớn thứ hai về doanh thu phí mới tại kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng (theo báo cáo sơ bộ của các doanh nghiệp bảo hiểm), với hơn 14% thị phần. Trong khi đó, công ty có doanh thu từ bancassurance cao nhất trong 7 tháng đầu năm 2018 là Manulife Việt Nam, với trên 20% thị phần.
Tại nhóm các doanh nghiệp đang nắm giữ từ 5% thị phần doanh thu phí bảo hiểm trở xuống, hãng bảo hiểm MB Ageas Life là tên tuổi gây ấn tượng với những bứt phá mạnh mẽ trong 7 tháng năm 2018.
Theo đó, việc triển khai kênh bancassurance đã tạo bước nhảy vọt cho MB Ageas Life trên thị trường, đưa Công ty từ vị trí thứ 18 lên thứ 9 về doanh thu khai thác mới.
Báo cáo kết quả hoạt động của MB Ageas Life cho thấy, doanh thu của Công ty từ kênh bancasurrance trong 7 tháng đầu năm 2018 đạt 355,169 tỷ đồng, chiếm 86% tổng doanh thu, đạt trên 84% kế hoạch năm. MB Ageas Life đã đặt ra kế hoạch tham vọng với việc sẽ triển khai chiến lược phân phối đa kênh theo lộ trình cụ thể trong năm 2019, để sớm vươn lên vị trí Top 3 công ty bảo hiểm hàng đầu Việt Nam.
Trong khi đó, các hãng bảo hiểm khác như Generali, Hanwha Life Việt Nam hay Chubb Life đều có nhiều hoạt động mở rộng thị trường.
Các công ty bảo hiểm nhân thọ nhìn nhận, thị trường bảo hiểm nhân thọ đang có nhiều cơ hội mới để phát triển, nhất là với phân khúc khách hàng thành thị, những người gia tăng ứng dụng công nghệ số, mong muốn tìm kiếm nguồn thu cao hơn nhờ các hoạt động đầu tư. Đây cũng là nhóm khách hàng mục tiêu được nhiều doanh nghiệp bảo hiểm hướng tới.
4. Bảo hiểm với cộng đồng
PTI tổ chức chương trình “Vì một xã hội an toàn giao thông 2018”
(PTI) – Nằm trong chuỗi hoạt động nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông, ngày 12/10 vừa qua, Tổng công ty CP Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đã đồng hành cùng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, tạp chí Cảnh sát Nhân dân tổ chức chương trình “Vì một xã hội an toàn giao thông năm 2018” tại trường Học viện Cảnh sát nhân dân. Chương trình được triển khai với chủ đề “Câu chuyện của tôi – Bài học của bạn”nhằm giúp nâng cao nhận thức cho sinh viên về nguy cơ của việc lái xe sau khi uống rượu bia và truyền tải thông “Sống chủ động” của Bảo hiểm PTI.
Qua buổi trò chuyện thực tế lần này, Bảo hiểm PTI đã giúp nâng cao nhận thức cho sinh viên về pháp luật trật tự, an toàn giao thông, những nguy cơ của việc lái xe sau khi uống rượu, bia và những hậu quả nghiêm trọng do hành vi này gây ra, giúp các bạn trẻ thay đổi suy nghĩ, hành vi, chủ động bảo vệ mình và xã hội khi tham gia giao thông. Hơn thế, chính họ sẽ là những công dân tích cực tuyên truyền những tác hại của việc lái xe sau khi uống rượu bia đến người thân, gia đình và bạn bè, góp phần làm giảm thiểu số vụ tai nạn thương tích và nâng cao văn hóa giao thông ở nước ta.
Tại buổi trò chuyện, ông Nguyễn Minh Đức – Phó đội trưởng đội tuyên truyền Công an Thành phố Hà Nội đã cho biết, có đến 70% các hành vi vi phạm luật giao thông thuộc về độ tuổi từ 18 – 35 tuổi. Theo đó, 50% những người được hỏi có biết việc uống rượu bia không được lái xe theo quy định nhưng vẫn cố tình thực hiện. Đây là một trong những lý do làm gia tăng những vụ tai nạn nghiêm trọng tại Việt Nam trong vài năm trở lại đây.
Theo đại diện PTI cũng cho biết thêm: PTI là doanh nghiệp bảo hiểm đứng thứ 2 về xe cơ giới, do đó, trên ai hết, PTI hiểu rõ những hậu quả khôn lường của tai nạn giao thông. Thông qua chương trình, PTI muốn chia sẻ bài học thực tế vớinhững bạn trẻ, giúp các bạn có những trải nghiệm thực tế quý báu, cập nhật thêm kiến thức, kỹ năng giao thông cần thiết để chủ động tham gia giao thông một cách văn minh. Trong thời gian tới, PTI và ban tổ chức sẽ tiếp tục mở rộng triển khai chương trình tại nhiều trường đại học tại Hà Nội.
Hơn 500 sinh viên nói chuyện chuyên đề về ‘Nghề bảo hiểm nhân thọ’
(TBTCO) – Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) vừa phối hợp với Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TP. Hồ Chí Minh) tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề “Nghề bảo hiểm nhân thọ”, với sự tham dự của hơn 500 sinh viên của trường.
Tại buổi nói chuyện, ông Ngô Trung Dũng – Phó Tổng thư ký IAV đã trao đổi về lịch sử của bảo hiểm nhân thọ (BHNT) thế giới và Việt Nam; về ngành bảo hiểm nhân thọ hiện nay, cũng như cơ hội và thách thức của nghề.
Với 18 công ty BHNT trên thị trường hiện nay, tổng doanh thu phí BHNT năm 2017 là 66.230 tỷ đồng (xấp xỉ 3 tỷ USD). Mỗi năm thị trường BHNT tăng trưởng khoảng 30%, có nghĩa là cứ sau khoảng hơn 3 năm thì quy mô thị trường lại tăng gấp đôi. “Chúng ta có thể thấy thị trường bảo hiểm ở nước ta còn non trẻ nhưng tốc độ phát triển rất nhanh. Dẫu vậy, chúng ta vẫn chưa khai thác được hết tiềm năng của thị trường” – ông Ngô Trung Dũng nhấn mạnh.
Hiện Việt Nam mới chỉ có khoảng 8% dân số tham gia BHNT. Nếu chia tổng doanh thu phí BHNT theo đầu người thì trung bình một người dân chi tiêu khoảng 32 USD để mua BHNT. Doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ trên GDP của Việt Nam khoảng 1,3%.
So với nhiều nước trên thế giới thì con số này còn quá khiêm tốn, chẳng hạn Hồng Kông mỗi năm trung bình một người dân bỏ ra 8.313 USD để mua BHNT, doanh thu phí BHNT trên GDP của Đài Loan xấp xỉ 22%; Hàn Quốc trên 11%.
Trong bài trình bày của mình, ông Dũng cũng phân tích những cơ hội, thách thức của ngành BHNT hiện nay. Nói đến cơ hội, ông Dũng cho biết: Thứ nhất, ở Việt Nam tiềm năng thị trường BHNT vẫn còn rất lớn. Thứ hai, nhận thức về vai trò của BHNT ngày càng được nâng cao, nhiều người đã bắt đầu cảm nhận được ý nghĩa thiết thực của bảo hiểm. Thứ ba chính là sự gia tăng của tầng lớp trung lưu trong xã hội – vốn là đối tượng quan trọng của BHNT.
Cơ hội thứ tư là tốc độ già hóa nhanh của dân số Việt Nam ngày càng nhanh, mà những người già lại cũng là đối tượng có nhu cầu bảo hiểm lớn…
Tại buổi nói chuyện, các chuyên gia cũng đã cung cấp cho các bạn sinh viên nhiều kiến thức bổ ích để hiểu rõ hơn về nghề bảo hiểm, cơ hội việc làm trong các lĩnh vực như: định phí bảo hiểm, tài chính – kế toán, truyền thông marketing, quản trị kinh doanh, bán hàng, pháp lý, hành chính – nhân sự cũng như giải đáp các thắc mắc của sinh viên về cơ hội, thách thức trong nghề.
Cũng tại buổi nói chuyện, IAV đã trao tặng 50 cuốn Từ điển bảo hiểm, hiện là tài liệu giá trị đối với các giảng viên, sinh viên quan tâm đến đến ngành tài chính – bảo hiểm cho thư viện trường và các sinh viên đạt các thành tích tốt trong học tập.
5. Tin quốc tế
Indonesia bảo hiểm công trình xây dựng công cộng
(IAN) – Phát biểu tại hội nghị IMF-World Bank ở Bali tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Mulyani Indrawati thông báo cho biết, việc sử dụng phương pháp tích hợp mới để quản lý rủi ro thiên tai để bảo vệ tài sản công là rất cần thiết.
Kết quả là, chính phủ sẽ bắt đầu bảo hiểm các tòa nhà chính phủ từ năm tới.
Indonesia thường xuyên phải gánh chịu thiên tai với thiệt hại vật chất giai đoạn từ năm 2004 đến năm 2013 khoảng 126,7 nghìn tỷ Rupi (8,3 tỷ USD).
Trận động đất sóng thần gần đây ở Sulawesi đã gây ra thiệt hại lớn và đã giết chết ít nhất 2.000 người.
Theo Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim, Indonesia có thể khai thác các giải pháp thay thế thay thế cho các nhu cầu tài chính thiên tai như Quỹ Bảo hiểm Rủi ro Thiên tai Đông Nam Á, được ra mắt đầu năm nay với sự hợp tác của Nhật Bản.
MSIG bổ nhiệm Giám đốc Phát triển kinh doanh và số hóa
(IAN) – MSIG châu Á vừa tuyển dụng và bổ nhiệm ông Mack Eng (ảnh) làm Giám đốc Phát triển kinh doanh và số hóa, làm việc tại Singapore.
Trong vai trò mới của mình, ông Eng chịu trách nhiệm phát triển kinh doanh khu vực trên các thị trường, kênh phân phối và sản phẩm. Ông báo cáo cho Giám đốc điều hành khu vực châu Á của MSIG Alan Wilson.
MSIG hiện đang triển khai các hoạt động tại Brunei, Campuchia, Hồng Kông, Indonesia, Lào, Ma Cao, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Ông Eng có 26 năm kinh nghiệm trong ngành bảo hiểm và đã đảm nhận cả vai trò quản lý khu vực cũng như quản lý quốc gia. Ông có bề dày thành tích tốt trong việc mở rộng kinh doanh và phát triển con người.
Cabral gia nhập Peak Re
(IAN) – Công ty Peak Re (trụ sở Hồng Kông) vừa tuyển dụng và bổ nhiệm ông David Cabral làm Giám đốc Hoạt động.
Là người kỳ cựu trên thị trường tái bảo hiểm, ông Cabral đã từng thành lập Artemis Specialty, một công ty tư vấn cung cấp lời khuyên cho các nhà tái bảo hiểm và các công ty khởi nghiệp Insurtech.
Tại Peak Re, ông Cabral có nhiệm vụ tích hợp các quy trình kinh doanh, đạt được hiệu quả hoạt động và thúc đẩy sự phát triển chiến lược công nghệ.
Ông Franz Josef Hahn, Tổng Giám đốc Peak Re, nói: “Ông Cabral là một nhà lãnh đạo xuất sắc trong ngành tái bảo hiểm, và tôi vui mừng chào đón ông ấy gia nhập Peak Re. Tôi tin rằng quyết định bổ nhiệm này sẽ giúp Peak Re mạnh hơn nữa trong việc cải thiện trải nghiệm của các bên liên quan”.
Trước khi thành lập Artemis Specialty, ông Cabral là một thành viên sáng lập của một công ty tái bảo hiểm khởi nghiệp tại Bermuda, với vai trò quản lý đánh giá rủi ro và hỗ trợ hoạt động của công ty.
Ông cũng đã từng làm việc tại Mỹ trong các vai trò quản lý bồi thường, quản lý rủi ro, đánh giá rủi ro, hoạt động và chuyển đổi công nghệ.
AGCS thúc đẩy năng lực Chuyển giao rủi ro thay thế (ART)
(IAN) – Richard Green (ảnh), cựu môi giới cấp cao của Marsh, tuần này đã bắt đầu làm việc tại AGCS (Công ty bảo hiểm Rủi ro doanh nghiệp và chuyên biệt Allianz) với cương vị Giám đốc Chuyển giao rủi ro thay thế (ART) của AGCS khu vực châu Á Thái Bình Dương. Ông Green sẽ giám sát việc phát triển và thực hiện chiến lược toàn cầu cho cả bảo hiểm ART và giải pháp vốn và phát triển kinh doanh ở Châu Á Thái Bình Dương.
Bình luận về quyết định bổ nhiệm này, ông Mark Mitchell, Giám đốc điều hành khu vực AGCS, Châu Á Thái Bình Dương, nhận xét: “Chuyển giao rủi ro thay thế không phải là một khái niệm mới cho khu vực và chúng tôi đã thành công với các giải pháp ART ở đây trong quá khứ”.
“Tuy nhiên, một doanh nghiệp ở Châu Á Thái Bình Dương theo truyền thống đòi hỏi phải có chuyên môn của các đồng nghiệp từ các khu vực khác. Theo nhận thức ngày càng tăng và nhu cầu về giá trị của các giải pháp ART trong khu vực, tôi tin rằng bây giờ là thời điểm hợp lý để xây dựng một đội ngũ chuyên gia xung quanh Richard Green nhằm thúc đẩy kinh doanh và cải thiện giá trị đem lại cho khách hàng”.
Làm việc tại Châu Á từ năm 2005, Green là Giám đốc khu vực gần đây nhất về ART và bảo hiểm mạng của Marsh, đồng thời phát triển giải pháp cho các lĩnh vực: giá trị còn lại, thông số thời tiết, mất danh mục đầu tư, gián đoạn kinh doanh không gây tổn hại và tài trợ rủi ro.
Từ ngày 01/11, nhóm thị trường liên kết bảo hiểm của Allianz sẽ trở thành một nghiệp vụ kinh doanh độc lập với tên gọi là Giải pháp vốn, do Giám đốc Đánh giá rủi ro ART Richard Boyd điều hành. Các nhóm thực hành ART còn lại cung cấp các giải pháp công ty, tái bảo hiểm và các giải pháp khí hậu sẽ tiếp tục dưới tên gọi Chuyển giao rủi ro thay thế, do ông Michael Hohmann điều hành.
Ông Michael Hohmann hiện là Giám đốc Toàn cầu về Bảo hiểm trách nhiệm của AGCS.
ART là phương thức xây dựng các giải pháp bảo hiểm, tái bảo hiểm và các giải pháp quản lý rủi ro phi truyền thống khác cho khách hàng doanh nghiệp, bảo hiểm và đầu tư.
Ping An tăng cường đầu tư ra nước ngoài
(IAN) – Theo ông Jonathan Larsen, Giám đốc Đổi mới của Ping An, công ty đang tìm kiếm các khoản đầu tư vào lĩnh vực công nghệ và y tế kỹ thuật số.
Ping An đang theo đuổi cơ hội thông qua Quỹ Global Voyager Fund, một quỹ trị giá hàng tỷ đô la tập trung vào đầu tư nước ngoài.
“Chúng tôi đang tìm kiếm những cơ hội thực sự tuyệt vời ngay bây giờ”, ông Larsen nói trong một cuộc phỏng vấn với Nancy Hungerford của CNBC tại IMF và các cuộc họp thường niên của Ngân hàng Thế giới tại Bali, Indonesia.
“Hiện nay, chúng tôi đang làm việc với một công ty và có thể xác định 30 bệnh với một thuật toán AI bằng cách quét phía sau mắt của bạn”.
Larsen cũng là Tổng Giám đốc của quỹ, theo sau bước chân của gã khổng lồ công nghệ cao Alibaba và Tencent đang thiết lập các phương tiện đầu tư tương tự.
Ping An có các công ty con trong lĩnh vực bảo hiểm P&C, bảo hiểm y tế, bảo hiểm nhân thọ, ngân hàng, đầu tư và công nghệ.
Hợp tác với Insurtech là yếu tố then chốt
(IAN) – Doanh nghiệp bảo hiểm ở châu Á, gồm cả các doanh nghiệp thế hệ mới và các công ty truyền thống, nên tập trung hợp tác để khai thác các cơ hội xuất phát từ công nghệ bảo hiểm (Insurtech). Đây là nhận định của ông Balaji Prabhakaran, Giám đốc Giải pháp và các sản phẩm kỹ thuật số Allianz châu Á-Thái Bình Dương.
Trình bày tại Hội nghị Thượng đỉnh Bảo hiểm Châu Á tại Hồng Kông hồi tuần trước, ông Prabhakaran nói rằng Insurtech đang được coi là tương lai của ngành bảo hiểm, và theo một báo cáo của UBS gần đây, Insurtech có thể giúp ngành bảo hiểm châu Á tiết kiệm 300 tỷ USD mỗi năm vào năm 2025.
Tuy nhiên, Insurtech chủ yếu mới ở trong giai đoạn phát triển ban đầu tại châu Á, chiếm 7% tổng số doanh nghiệp khởi nghiệp.
Theo ông Adrian Chng, Tổng Giám đốc nền tảng so sánh dịch vụ tài chính có trụ sở tại Hồng Kông GoBear, rủi ro đối với các công ty bảo hiểm truyền thống là nếu không hợp tác và cung cấp dữ liệu cho các khởi nghiệp Insurtech, nhiều khởi nghiệp loại này sẽ chuyển sang lựa chọn các nhà cung cấp khác, chẳng hạn doanh nghiệp tái bảo hiểm.
Chubb: thiên tai khiến kinh doanh thua lỗ
(INN) – Chubb dự báo khoản lỗ ròng quý hiện tại lên đến 372 triệu USD.
Theo công ty, tổn thất từ hơn 20 thảm họa thiên nhiên, bao gồm bão và mưa bão ở Mỹ, Nhật Bản và Đông Nam Á và cháy rừng ở California là nguyên nhân chính gây ra tình trạng này.
Tổn thất chủ yếu xảy ra trong các nghiệp vụ tài sản thương mại và cá nhân, bảo hiểm thiệt hại và tái bảo hiểm.
Lloyd’s chuyển trụ sở tại EU sang Brussels
(INN) – Lloyd’s sẽ chuyển toàn bộ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của mình tại Liên minh châu Âu (EU) sang Brussels (Bỉ) trước cuối năm 2020.
Theo hãng, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ tiếp tục chi trả tiền bảo hiểm cho các khiếu nại bồi thường trong trường hợp nước Anh rời khỏi EU mà không có kế hoạch chuyển đổi.
Lloyd’s hy vọng sẽ có sự hỗ trợ đầy đủ của tất cả các cơ quan quản lý bảo hiểm châu Âu và Cơ quan quản lý Tài chính Anh quốc.
Lloyd’s Brussels sẽ bắt đầu đánh giá rủi ro và cấp đơn bảo hiểm cho Khu vực kinh tế châu Âu từ tháng Giêng 2019.
Bồi thường bão Michael có thể tới 8 tỷ USD
(INN) – Công ty mô hình thảm họa Karen Clark & Company ước tính thiệt hại bảo hiểm tư nhân từ cơn bão Michael tại vùng bờ biển Florida tuần trước có thể lên tới 8 tỷ USD.
Michael là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Hoa Kỳ kể từ cơn bão Andrew năm 1992 và cũng gây ra sạt lở đất lớn nhất tại vùng Florida Panhandle. Bão đã tăng cấp gió lên Hạng 4 ngay trước khi đổ bộ.
Đây là cơn bão thứ hai gây ra thiệt hại trên diện rộng ở Mỹ trong những tuần gần đây, theo sau cơn bão Florence làm ngập lụt hồi tháng trước ở Bắc Carolina, kết thúc một giai đoạn khởi đầu khá yên ả trước khi bước vào mùa mưa bão.
Fitch Ratings nhận định “Với chính sách bảo hiểm cho các tổn thất liên quan đến gió nhiều hơn, các công ty bảo hiểm tư nhân sẽ phải gánh chịu tỷ lệ bồi thường do Michael gây ra lớn hơn so với Florence, do hầu hết các tổn thất do lũ lụt không được bảo hiểm hoặc chỉ được bảo hiểm dưới giá trị từ Chương trình Bảo hiểm lũ lụt quốc gia”.
Fitch Ratings cho biết, các công ty bảo hiểm chuyên biệt của Florida có khả năng phải chịu tổn thất đáng kể, tuy nhiên do được tái bảo hiểm ra bên ngoài khá nhiều nên ngành bảo hiểm vẫn có khả năng hấp thụ hết các tổn thất này.
Fitch dự đoán cơn bão này sẽ không làm tỷ lệ phí tái bảo hiểm bị tăng lên, do năm 2017 thị trường đã phải gánh chịu những thảm họa bão lụt lớn hơn nhiều.
Modeller AIR Worldwide cho biết Michael là cơn bão mạnh nhất tháng 10 đổ bộ vào đất liền ở khu vực ven biển Bắc Đại Tây Dương, bao gồm Vịnh Mexico và Caribê.
BTV (Tổng hợp).