TIÊU ĐIỂM TUẦN 38 NĂM 2018

ABIC bảo hiểm hệ thống điện mặt trời; Nhu cầu BH tín dụng và chính trị gia tăng; Khoảng trống bảo vệ lớn: tiềm năng cho ngành BH

I. Tin trongnước

1. Tin bồi thường, tổn thất

Chi trả bảo hiểm Bảo an tín dụng tại Gò Quao – Kiên Giang

(ABIC) – Ngày 13/09/2018, tại Hội trường UBND xã Định Hòa, huyện Gò Quao, Agribank Chi nhánh Gò Quao – Kiên Giang đã phối hợp với Chi nhánh ABIC Cần Thơ tổ chức Lễ chi trả tiền bảo hiểm Bảo an tín dụng cho gia đình ông Chung Văn Chính là khách hàng vay vốn tại Agribank Gò Quao.

Tới dự buổi lễ có ông Phan Bình Sơn, Trưởng phòng Kinh doanh Khu vực An Giang CN ABIC Cần Thơ; đại diện chính quyền địa phương có sự tham dự của ông Lê Thanh Nhỉ – Phó Chủ tịch HĐND và bà Cao Thị Bạch Tuyết – Phó Chủ tịch UBND xã Định Hòa, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang; đại diện gia đình hộ vay vốn có bà Lâm Thị Hồng, vợ Ông Chung Văn Chính. Về phía Agribank có ông Bùi Duy Hưng, Phó Giám đốc Chi nhánh Gò Quao – Kiên Giang (ngân hàng nơi cho vay), các đồng chí Trưởng, Phó phòng chuyên môn nghiệp vụ cùng đại diện Báo, Đài Phát thanh Truyền hình Kiên Giang đến dự và đưa tin.

Xem thêm: Bảo hiểm sức khỏe Libertybảo hiểm sức khỏebảo hiểm sức khỏe Bảo Việt

Tại địa bàn tỉnh Kiên Giang, thông qua các Chi nhánh, điểm giao dịch của Agribank, ABIC đã phân phối sản phẩm Bảo an tín dụng đến đối tượng khách hàng vay vốn của Agribank, theo đó khi có rủi ro thuộc phạm vi bảo hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người được bảo hiểm và khả năng trả nợ ngân hàng, ABIC sẽ thay mặt người vay thanh toán cho ngân hàng tương ứng với dư nợ của người vay đã được bảo hiểm. Đồng thời, cũng là sản phẩm có tính chất an sinh xã hội, hỗ trợ người nông dân vay vốn an tâm sản xuất, là “chỗ dựa” vững chắc cho người được bảo hiểm vì luôn có nguồn tài chính cần thiết để đối phó với những rủi ro trong cuộc sống, gánh nặng nợ nần cho người thân, tránh bị thanh lý tài sản; về phía Agribank cũng giảm được các khoản nợ xấu không có khả năng thu hồi.

Đây là sản phẩm chiến lược của ABIC và có thể nói rằng đến thời điểm hiện tại, Bảo an tín dụng là sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ duy nhất trên thị trường thực sự đi sâu, đi sát vào quyền lợi của người nông dân Việt Nam. Sản phẩm này ra đời từ năm 2009, được phân phối qua mạng lưới các Chi nhánh, phòng giao dịch của Agribank trên toàn quốc. Kiên Giang là một trong những địa phương đã triển khai sản phẩm bảo hiểm Bảo an tín dụng sớm và đạt kết quả khá tốt. Trong những năm qua, ABIC cũng đã phối hợp tích cực với Agribank và khách hàng để hoàn tất hồ sơ thủ tục bồi thường và giải quyết thỏa đáng quyền lợi bảo hiểm cho người được bảo hiểm khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra.

Cùng là một trong hàng chục nghìn hộ vay vốn tại Agribank trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, ông Chung Văn Chính khi vay vốn để sản xuất nông nghiệp tại Agribank Chi nhánh Gò Quao, qua tư vấn của cán bộ tín dụng đã tham gia sản phẩm Bảo hiểm BATD của ABIC với số tiền bảo hiểm 150.000.000 đồng, thời gian 03 năm, phí bảo hiểm phải nộp khi tham gia là 2.828.000 đồng. Không may xảy ra rủi ro ông Chung Văn Chính đã qua đời vì tai nạn, được bảo hiểm Chi nhánh ABIC Cần Thơ chi trả số tiền bảo hiểm theo quyền lợi bảo hiểm cơ bản là 150.000.000 đồng/1 vụ + quyền lợi bảo hiểm hỗ trợ nằm viện là 1.400.000 đồng + 1.000.000 đồng trợ cấp mai tang phí, tổng cộng là 152.400.000 đồng.

Tai nạn 13 người chết: ABIC tạm ứng 120 triệu đồng cho gia đình nạn nhân

(Danviet) – Liên quan đến vụ tai nạn thảm khốc xảy ra sáng 15.9 tại thị trấn Tam Đường (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) làm 13 người chết, 3 người bị thương, chiều 16/9, Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng nông nghiệp chi nhánh Phú Thọ ( viết tắt là ABIC – Phú Thọ) đã phối hợp với Công ty TNHH Hoành Sơn (chủ xe bồn) tạm ứng 120 triệu đồng bồi thường cho các gia đình có nạn nhân tử vong.

Ông Lê Đình Huy – Phó Giám đốc phụ trách ABIC – Phú Thọ cho biết: Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra sáng qua tại Lai Châu, ABIC đã khẩn trương tra soát, xác định chiếc xe bồn BKS 24C – 063.76 có tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự (TNDS) bắt buộc và vật chất ô tô tại ABIC.

Nguyên nhân ban đầu được xác định là do xe bồn mất phanh đâm vào xe khách, gây ra tai nạn thảm khốc. Ngay lập tức, ABIC – Phú Thọ đã cử cán bộ tại Lai Châu đến hiện trường. Cán bộ ABIC tại Lào Cai đã phối hợp chủ xe bồn – Công ty TNHH Hoành Sơn, hướng dẫn những công việc cần thiết để xử lý công tác cứu hộ, phối hợp cơ quan chức năng, hỗ trợ gia đình nạn nhân trong vụ tai nạn.

Đến nay, ABIC đã xác định mức trách nhiệm trong vụ tai nạn này là trên 2 tỷ đồng và đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để xác định nguyên nhân chính xác vụ tai nạn, sau đó sẽ phối hợp với chủ xe tiến hành bồi thường cho gia đình người bị nạn.

Bước đầu, ABIC tạm thời chi trả 120 triệu đồng bồi thường cho các gia đình có nạn nhân tử vong (mỗi gia đình nạn nhân đi trên xe khách được nhận tạm ứng 10 triệu đồng).Phòng Lao động và Thương binh xã hội huyện Tam Đường đứng ra nhận tiền tạm ứng bồi thường từ ABIC – Phú Thọ, sau đó sẽ trao cho gia đình các nạn nhân tử vong.

Vào hồi 9h10 sáng 15/9, tại Km 57+551, Quốc lộ 4D, đoạn qua địa phận bản Tiên Bình (thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường) đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng giữa xe ô tô tải mang biển kiểm soát 24C – 063.76 của Công ty Hoành Sơn Lào Cai với xe khách mang biển kiểm soát 25B – 000.88 cùng di chuyển theo hướng từ TP.Lai Châu xuống huyện Tam Đường. Vụ tai nạn khiến 13 người chết và 3 người bị thương.

PTI đến thăm hỏi gia đình nạn nhân tử vong trong vụ tai nạn Lai Châu

(PTI) – Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) vừa tạm ứng bồi thường cho gia đình các nạn nhân trong vụ xe vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, giữa xe bồn BKS 24C – 063.76 và ô tô khách 16 chỗ BKS 25B – 000.88.
Được biết, xe khách 16 chỗ trong vụ tai nạn đã tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của PTI. Ngay khi nhận được thông tin về vụ tại nạn, PTI đã cử cán bộ có mặt tại hiện trường, triển khai các công tác hỗ trợ, khắc phục hậu quả, đồng thời đến động viên, thăm hỏi gia đình những nạn nhân bị tử vong trong vụ tai nạn.

Xe khách 25B-000.88 tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc tại PTI Lào Cai, trong đó mức trách nhiệm dân sự đối với hành khách và người thứ ba là 100 triệu đồng/người.

2. Một vòng doanh nghiệp

ABIC tham gia ký thỏa thuận hợp tác bảo hiểm hệ thống điện mặt trời phục vụ sản xuất nông nghiệp

(ABIC) – Chiều ngày 13/09/2018, Agribank tỉnh Bình Thuận tổ chức Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai gói tín dụng sử hệ thống điện mặt trời phục vụ sản xuất nông nghiệp tại Bình Thuận giữa ba bên, gồm Agribank Bình Thuận, Công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC) và Trung tâm phát triển và ứng dụng công nghệ môi trường.

Đại diện ba đơn vị dự Lễ ký kết có Bà Hoàng Thị Tính – Tổng Giám đốc ABIC; ông Nguyễn Thanh Tuấn – Giám đốc Trung tâm phát triển và ứng dụng công nghệ môi trường; ông Huỳnh Tấn Nam – Giám đốc Agribank chi nhánh tỉnh Bình Thuận.
Theo thỏa thuận, Trung tâm phát triển và ứng dụng công nghệ môi trường sẽ triển khai thí điểm Hệ thống phát điện độc lập, lai ghép pin mặt trời và tuabin gió 3 pha hoạt động on/off-grid phục vụ cho cây Thanh Long (gọi tắt là Chương trình 240), Agribank Bình Thuận tài trợ vốn cho các nhà cung cấp hệ thống điện mặt trời, các khách hàng mua hệ thống điện mặt trời và các thiết bị, vật tư khác phù hợp với quy chế cấp tín dụng hiện hành của Agribank và quy định của pháp luật, ABIC cung cấp bảo hiểm Bảo hiểm Bảo an tín dụng, Bảo hiểm tài sản, Bảo hiểm sản lượng điện tạo ra cho khách hàng của Chương trình 240.

Qua đó, ABIC tự hào được đóng góp một phần cho việc thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ vào khu vực tam nông và xu thế sử dụng nguồn năng lượng sạch áp dụng vào sản xuất giúp giảm thiểu chi phí, tiết kiệm năng lượng, nhiên liệu, góp phần bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Tổng công ty bảo hiểm đầu tiên được cấp chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thông tin

(VBI) – Tổng công ty Bảo hiểm VietinBank (VBI) vừa được Trung tâm chứng nhận phù hợp (QUACERT) – Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cấp Giấy chứng nhận Hệ thống quản lý an toàn thông tin (ATTT) theo tiêu chuẩn ISO/IEC 27001:2013.

Tiếp theo thành công trong việc áp dụng các tiêu chuẩn và công cụ tiên tiến, nhằm đảm bảo ATTT trong các hoạt động kinh doanh bảo hiểm, VBI đã áp dụng hệ thống quản lý ATTT theo tiêu chuẩn quốc tế và được cấp cấp giấy chứng nhận ISO/IEC 27001:2013 từ ngày 29/8/2018 cho phạm vi “Quản lý hạ tầng và dịch vụ Công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ”. Đây là giấy chứng nhận có giá trị toàn cầu với thời hạn 3 năm.

Hệ thống quản lý ATTT là một trong những công cụ hữu hiệu, được các tổ chức, doanh nghiệp trên khắp thế giới áp dụng nhằm quản lý tốt về rủi ro, có cơ chế kiểm soát được an ninh thông tin, nâng cao lòng tin, sự tin cậy và hướng tới đáp ứng yêu cầu hội nhập sâu, rộng của nền công nghiệp 4.0 từ đó góp phần nâng cao vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp.

Việc áp dụng hệ thống quản lý ATTT sẽ giúp công tác đảm bảo ATTT tại doanh nghiệp được duy trì liên tục, được xem xét đánh giá định kỳ và không ngừng cải tiến để đối phó với các rủi ro mới phát sinh. Các hoạt động đảm bảo ATTT trong tổ chức sẽ mang tính hệ thống, giảm sự phụ thuộc vào cán bộ thực thi và luôn được xem xét, đánh giá để nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Hệ thống quản lý này không chỉ đem đến cho VBI rất nhiều thành tựu trong việc cung cấp các dịch vụ bảo hiểm chất lượng cao đến khách hàng mà còn là công cụ hiệu quả để quản lý các rủi ro. Bên cạnh đó, VBI còn tiết kiệm thời gian, chi phí, nguồn lực trong các hoạt động, từ đó gia tăng lợi nhuận và mang lại các giá trị gia tăng cho khách hàng cũng như tăng sức cạnh tranh trên thị trường bảo hiểm toàn cầu.

Ông Lê Tuấn Dũng – Tổng Giám đốc VBI cho rằng: “Việc đạt được chứng nhận ISO/IEC 27001:2013 là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, khẳng định quyết tâm và đầu tư đúng hướng, bài bản của VBI trong cải thiện năng lực, đảm bảo tính an toàn, toàn vẹn của hệ thống nhằm hướng đến khách hàng. Trong thời gian tới, Ban Lãnh đạo VBI sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện, chỉ đạo sát sao, dành nguồn lực tương xứng cho mục tiêu duy trì và cải tiến các hệ thống quản lý tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế trong hoạt động kinh doanh”.

Lợi ích của việc áp dụng tiêu chuẩn ISO/IEC 27001:2013 bao gồm: Phát hiện sớm các rủi ro mà hệ thống thông tin phải đối mặt, từ đó có các biện pháp phù hợp và kịp thời; Đảm bảo ATTT của Tổng Công ty, đối tác và khách hàng, giúp cho hoạt động luôn thông suốt và an toàn; Giúp nhân viên tuân thủ việc đảm bảo ATTT trong hoạt động nghiệp vụ thường ngày; Các sự cố ATTT do người dùng gây ra sẽ được hạn chế tối đa khi nhân viên được đào tạo, nâng cao nhận thức ATTT; Giúp hoạt động đảm bảo ATTT luôn được duy trì và cải tiến. Các biện pháp kỹ thuật và chính sách tuân thủ được xem xét, đánh giá, đo lường hiệu quả và cập nhật định kỳ; Đảm bảo hoạt động nghiệp vụ của Tổng Công ty không bị gián đoạn bởi các sự cố liên quan đến ATTT; Nâng cao uy tín của Tổng Công ty, tăng sức cạnh tranh, tạo lòng tin với khách hàng, đối tác, thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa và tăng cơ hội hợp tác quốc tế.

8 tháng, Bảo hiểm Hàng Không (VNI) tăng trưởng 40% doanh thu

(ĐTCK) – Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không (VNI) cho biết, tính đến hết 8 tháng năm 2018, tổng doanh thu của VNI đạt hơn 616,7 tỷ đồng, bằng 66% kế hoạch và tăng trưởng 40% so với cùng kỳ.

Mục tiêu năm 2018, VNI phấn đấu đạt tổng doanh thu xấp xỉ 1.000 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 25%, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác bán hàng như website bán hàng online.

Công ty cũng dự kiến xây dựng công nghệ lõi insurtech, tăng cường công tác quản trị rủi ro, giám định online, gara liên kết, dịch vụ cứu hộ giao thông miễn phí tại thành phố lớn.

Theo kế hoạch, VNI cũng đặt mục tiêu hợp tác với nhiều đối tác, ngân hàng lớn, uy tín triển khai đẩy mạnh kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) cùng nhiều kênh bán bảo hiểm qua showroom, trạm đăng kiểm, đại lý, trên toàn quốc giúp khách hàng dễ dàng tham gia và trải nghiệm dịch vụ bảo hiểm tại VNI.

Ngày 17/9/2018, VNI đã được Bộ Tài chính cấp phép thành lập 4 công ty thành viên nâng tổng số đơn vị thành viên của VNI lên 33 công ty, hơn 100 phòng kinh doanh cùng hệ thống đại lý trên toàn quốc.

3. Quản lý thị trường bảo hiểm

Quỹ bảo hiểm xe cơ giới: Góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông

(TBTCVN) – Thời gian qua, Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới (BHXCG) – Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền bảo hiểm (BH) bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; tài trợ đầu tư xây dựng nhiều công trình khắc phục điểm đen tai nạn giao thông… góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu tai nạn giao thông.

Công tác quản lý, sử dụng Quỹ BHXCG thời gian qua đã được Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam tiến hành chặt chẽ, công khai; hàng năm quỹ đều đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền BHXCG; đầu tư xây dựng các công trình khắc phục điểm đen tai nạn giao thông (TNGT); chi hỗ trợ nhân đạo nạn nhân TNGT… Trong năm 2017, quỹ đã thực hiện tài trợ 9 công trình hạn chế TNGT tại các tỉnh: Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hà Nam, Bình Định, Hòa Bình, Yên Bái, Quảng Ninh, Hưng Yên, Nghệ An, với tổng số tiền tài trợ gần 10 tỷ đồng và đã đưa vào sử dụng góp phần hạn chế TNGT.

Cụ thể, tại Quảng Ninh, Quỹ BHXCG cùng Ban Quản lý dự án vốn sự nghiệp giao thông tỉnh Quảng Ninh đã bàn giao, đưa vào sử dụng công trình: “Lắp đặt 2 đèn tín hiệu tại ngã tư Quốc lộ (QL).279 với đường từ QL.18 vào KCN Việt Hưng và ngã tư QL.279 với ĐT.337, tỉnh Quảng Ninh”; tổng giá trị công trình hơn 3,7 tỷ đồng, quỹ tài trợ 1,3 tỷ đồng, phần còn lại là vốn đối ứng của địa phương.

Tại huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa, Quỹ BHXCG cùng Ban An toàn giao thông tỉnh Thanh Hóa cũng đã cắt băng khánh thành và đưa vào sử dụng công trình “Lắp đặt cụm đèn tín hiệu xanh đỏ ở ngã tư trung tâm thị trấn và đèn chớp vàng cảnh báo nguy hiểm ở ngã ba trên đường tỉnh 530 đi qua địa bàn trung tâm huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa”. Tổng giá trị công trình là 1,9 tỷ đồng, trong đó quỹ tài trợ 1,33 tỷ đồng (tương đương với 70% giá trị công trình).

Trong 6 tháng đầu năm 2018, Quỹ BHXCG cũng đã tích cực khảo sát và triển khai thực hiện nhiều công trình đề phòng hạn chế TNGT. Cụ thể, năm 2018, có 9 công trình được phê duyệt tại các tỉnh: Quảng Bình, Huế, Quảng Trị, Lai Châu, Hà Giang, Lào Cai, Thái Bình, Hải Dương và Vĩnh Phúc, với tổng số tiền tài trợ hơn 10 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện nay đã có 6 công trình được triển khai hồ sơ tại tỉnh Quảng Bình, Huế, Hà Giang, Thái Bình, Hải Dương, Lào Cai; 3 công trình gồm Lai Châu, Quảng Trị, Vĩnh Phúc đang hoàn thiện hồ sơ gửi về quỹ.

Theo đại diện Quỹ BHXCG, đây đều là những điểm đen về TNGT, nếu các công trình được xây dựng và đưa vào sử dụng sẽ đem lại ý nghĩa rất lớn trong việc giảm thiểu tai nạn cho người dân khi tham gia giao thông. Bên cạnh đó, quỹ đã triển khai tuyên truyền về chế độ BH bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới trên cơ sở hợp tác với các cơ quan truyền thông; tập trung tuyên truyền về quyền và nghĩa vụ của chủ xe cơ giới; chế độ chi hỗ trợ nhân đạo… Hiện quỹ cũng đang thực hiện triển khai dự án kết nối cơ sở dữ liệu TNGT của Cục Cảnh sát giao thông với Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam…

Bên cạnh việc triển khai xây dựng nhiều công trình đề phòng TNGT, Quỹ BHXCG cũng đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nhân đạo cho gia đình các nạn nhân tử vong do TNGT. Mới đây, quỹ đã hỗ trợ nhân đạo cho gia đình nạn nhân tử vong do TNGT tại Nghệ An. Cụ thể, vụ tai nạn xảy ra tại Cầu Rộ, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Xe ô tô biển kiểm soát 37S-06202 do ông Phạm Văn Lai điều khiển đã đâm vào xe máy biển kiểm soát 37C-06202 do anh Võ Văn Tĩnh điều khiển, trên xe chở bà Nguyễn Thị Xuân, chị Vi Thị Xuân, cháu Võ Văn Quang Huy lưu thông ngược chiều. Vụ tai nạn xảy ra làm 3 người tử vong, riêng anh Võ Văn Tĩnh bị cắt cụt chân. Xe ô tô BKS 37S-06202 do ông Phạm Văn Lai điều khiển tham gia BH tại Công ty Bảo hiểm BSH, tuy nhiên thời hạn BH đã hết hiệu lực nên chủ xe không được doanh nghiệp BH bồi thường. Theo đó, quỹ đã trao số tiền nhân đạo 60 triệu đồng cho 3 nạn nhân trong vụ TNGT (số tiền theo quy định là 20 triệu đồng/1 người).

Tại UBND xã Hải Tây, huyện Hải Hậu, quỹ cũng đã hỗ trợ nhân đạo 20 triệu đồng cho gia đình nạn nhân Trần Văn Huynh, không may bị tử vong do TNGT và không xác định được xe gây tai nạn.

Trước đó, quỹ cũng đã tiến hành chi hỗ trợ nhân đạo cho 2 nạn nhân bị tử vong do TNGT không tìm được xe gây tai nạn. Cụ thể, quỹ đã trao số tiền 20 triệu đồng cho gia đình nạn nhân Phạm Thị Quyên, xã Điền Trung, huyện Bá Thước , tỉnh Thanh Hóa tử vong do TNGT; hỗ trợ nhân đạo 20 triệu đồng cho gia đình bà Nguyễn Thị Hồ, xã Việt Xuyên, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh, bà Hồ cũng tử vong do TNGT và không tìm được xe gây tai nạn. Cả 2 vụ tai nạn trên công an đã phát thông báo truy tìm tung tích lái xe gây tai nạn xong vẫn không có kết quả. Theo đó, quỹ đã khẩn trương xem xét hồ sơ và chi hỗ trợ nhân đạo, mặc dù số tiền không lớn xong phần nào đã xoa dịu nỗi đau cho gia đình các nạn nhân.

4. Bảo hiểm với cộng đồng

PTI 3 năm liên tiếp đồng hành cùng lễ hội chọi trâu Đồ Sơn

(PTI) – Sáng ngày 18/9 tức ngày 9/8 Âm lịch, tại quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng đã diễn ra Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn năm 2018. Với mong muốn góp phần tích cực cùng địa phương khu vực Thành phố Hải Phòng phát huy tiềm năng thế mạnh,và giữ gìn di sản văn hoá cấp quốc gia một tập tục cổ, có từ xa xưa, một lễ hội truyền thống của người dân vạn chài tại vùng biển Đồ Sơn, Hải Phòng. Đây là lần thứ 3 liên tiếp, Bảo hiểm Bưu Điện (PTI) đồng hành cùng chương trình.

Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn năm nay có sự tham gia của 16 “ông trâu” và 12.000 người tham gia xem lễ hội. Cũng trong năm nay là năm đầu tiên, quận Đồ Sơn tổ chức thực hiện đề án đổi mới công tác quản lý và tổ chức Lễ hội chọi trâu, không bán vé mà mở cửa tự do đón người dân và du khách vào xem hội, công tác bảo đảm an toàn các chủ trâu và du khách được siết chặt…

Theo đó PTI với vai trò là nhà bảo hiểm đồng hành trong lễ hội chọi trâu Đồ Sơn và là nhà bảo hiểm duy nhất của lễ hội. Cụ thể với 16 “ ông Trâu” và 12.000 người dân tại lễ hội sẽ được bảo hiểm bởi bảo hiểm PTI trong suốt thời gian diễn ra trận đấu. Tất cả người dân khi tham gia lễ hội, cụ thể là trong sân khi diễn ra các trận chọi trâu sẽ được bảo hiểm bởi bảo hiểm Bưu điện.

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được diễn ra hàng năm được đưa vào danh sách di sản văn hoá cấp Quốc Gia do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận. 3 năm liên tiếp đồng hành cùng lễ hội, Bảo hiểm Bưu điện – PTI muốn khẳng định sự gắn bó với cộng đồng, khách hàng cùng chung mục tiêu đưa hình ảnh di sản văn hóa của Quốc gia được lan toả trên khắp mọi miền Tổ quốc và đến với nước bạn lân cận.

5. Tin quốc tế

Phí bảo hiểm hàng hải toàn cầu tăng 2%

(IAN) – Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Bảo hiểm Hàng hải Quốc tế (IUMI), phí bảo hiểm hàng hải toàn cầu đã tăng khoảng 2% lên 28,5 tỷ USD vào năm 2017.

Tuy nhiên, báo cáo cũng nhấn mạnh rằng đang có sự không phù hợp ngày càng tăng giữa mức thu nhập và mức độ rủi ro khi phí bảo hiểm hiện tại được xem xét trong mối tương quan với rủi ro được bảo hiểm và tác động của khiếu nại bồi thường.

Cụ thể là trên thị trường thân tàu, giá trị tàu ngày càng giảm. Điều này khiến cho thu nhập bị xói mòn đến mức mà giờ đây không đủ trang trải chi phí sửa chữa bình thường trong một năm.

Dữ liệu từ 10 năm qua cho thấy sự gia tăng biến động về những tác động của bồi thường đối với kết quả kinh doanh bảo hiểm do sự xuất hiện của các khiếu nại với chi phí lớn chưa từng có.

Xu hướng này, theo IUMI, có thể không đảo ngược được, do kích cỡ tàu tiếp tục tăng.

Fitch: xu hướng hợp nhất tiếp tục diễn ra trong ngành tái bảo hiểm

(INN) – Fitch cho biết,xu hướng hợp nhất của ngành tái bảo hiểm toàn cầu sẽ tiếp tục diễn ra dosự gia tăng mạnh của cạnh tranh và vốn đầu tư.

Cơ quan xếp hạng này cho rằng, những doanh nghiệp nhỏ hơn thiếu quy mô và sự đa dạng hóa sẽ phải chịu áp lực tăng thêm về tăng trưởng và khả năng sinh lời.

Báo cáo nói: “Nhiều công ty đang ngày càng nỗ lực tìm hiểu M&A khi họ phải đối mặt với những thách thức của hoạt động trong môi trường kinh doanh khó khăn.

“Những lợi ích tiềm năng của việc hợp nhất cho các công ty tái bảo hiểm bao gồm đa dạng hóa doanh thu, kinh tế theo quy mô, cải thiện lợi nhuận trên vốn và nâng cao vị thế cạnh tranh”.

Tuy nhiên, người mua nên suy nghĩ cẩn thận trước khi cam kết mua lại cổ phần.

“Những người mua trong cuộc đấu giá cạnh tranh sẽ đứng trước nguy cơ cổ phiếu của công ty bị pha loãng thay vì gia tăng giá trị, đặc biệt khi đánh giá mức độ dự trữ phù hợp của công ty mục tiêu và sự phức tạp tiềm ẩn trong việc thực hiện và tích hợp hiệu quả”.

Các giao dịch gần đây gần đây bao gồm việc Axa mua lại XL Group và AIG mua lại Validuscó trụ sở ở Bermuda.
Fitch nói: “Cả hai giao dịch đều cung cấp quyền truy cập vào các nền tảng vốn thay thế mà cả hai công ty đều đang không có”.

Nhu cầu bảo hiểm tín dụng và chính trị gia tăng

(IAN) – Nhu cầu bảo hiểm rủi ro tín dụng thương mại và chính trị đang gia tăng, do những lo ngại từ cuộc chiến thương mại liên tục giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu tiếp tục xấu đi.

Rủi ro chính trị gia tăng, có sự khuếch đại của Brexit và chủ nghĩa dân túy tại các nền kinh tế phát triển, khiến cho ngày càng có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực này.

Theo báo cáo của Công ty Dịch vụ thông tin bảo hiểm Axco: “Chủ nghĩa bảo hộ, bất ổn, biến động tiền tệ và can thiệp kinh tế đang thúc đẩy sự gia tăng tương ứng về nhu cầu rủi ro chính trị và bảo hiểm tín dụng thương mại”.

“Môi trường chính trị toàn cầu hiện nay được xác định bởi sự bất ổn cao ở các thị trường mới nổi cũng như sự trở lại của các rủi ro chính trị ở các nền kinh tế phát triển, nơi những cử tri thất vọng mới thu hút sự hấp dẫn của chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa bảo hộ”.

Axco cho biết số bảo hiểm rủi ro chính trị đã tăng gấp đôi lên hơn 60 trong tám năm qua.
Quy mô thị trường tư nhân ở Luân đôn là khoảng 3,25 tỷ USD cho các rủi ro dự án và thương mại.

Ngành bảo hiểm đủ sức trang trải thiệt hại bão Florence

(INN) – Công ty xếp hạng toàn cầu S&P cho biết, các công ty bảo hiểm Mỹ và ngành tái bảo hiểm toàn cầu đủ mạnh để quản lý thiệt hại từ cơn bão Florence.

Bão Florence được xếp vào cấp độ 1, đổ bộ vào thứ bảy tuần trước tại Bắc Carolina, sau đógiảm sức gió trở thành áp thấp nhiệt đới, gây ra mưa rất lớn ở Bắc Carolina và Nam Carolina.

“Thiệt hại liên quan đến gió và sóng biển dâng cao là nguyên nhân chính gây ra các tổn thất bảo hiểm đối với các sản phẩm bảo hiểm tài sản, gián đoạn kinh doanh và xe cơ giới”, S&P nhận định.

“Đồng thời, có nguy cơ ngập lụt trong đất liền do cơn bão di chuyển chậm. Các công ty bảo hiểm chính có thể sẽ chịu thua lỗ, nhưng không quá nặng nề”.

Trong khi việc ước tính tổn thất ban đầu vẫn đang được thực hiện, S&P tin rằng con số cuối cùng có nhiều khả năng là một “sự kiện thu nhập”, song chỉ gây ra tác động hạn chế đối với quy mô vốn của ngành bảo hiểm.

“Mặc dù tác động cá nhân sẽ khác nhau giữa các doanh nghiệp bảo hiểm/tái bảo hiểm, chúng tôi hy vọng rằng hồ sơ rủi ro sẽ phần lớn không thay đổi sau sự kiện này”, cơ quan xếp hạng cho biết.

“Chúng tôi hy vọng bão Florence chỉ có tác động ở mức tối thiểu đối với doanh nghiệp tái bảo hiểm. Chúng tôi hy vọng khoản lỗ kết hợp từ Florence và các thảm họa thiên nhiên từ đầu năm đến nay sẽ được trang trải đầy đủ bằng thu nhập trong năm của ngành”.

Khoảng trống bảo vệ lớn: tiềm năng cho ngành bảo hiểm

(IAN) – Swiss Re nói rằng giải quyết “khoảng trống bảo vệ” có thể đem đến cho các công ty bảo hiểm hơn 800 tỷ USD doanh thu phí bảo hiểm tiềm năng.

Khoảng trống bảo vệ là một trong những cơ hội đem lại khả năng tăng trưởng đầy hứa hẹn cho ngành bảo hiểm khi các doanh nghiệp trong ngành đang phải đối mặt với tình trạng vốn dư thừa và giá phí thấp.

Swiss Re cho biết,tổn thất từ những thảm họa tự nhiên năm 2017 là lời cảnh tỉnh về tình trạng khoảng trống bảo vệ vẫn tồn tại với quy mố lớn trên toàn thế giới – bao gồm cả các nền kinh tế phát triển.

Khoảng 70% trong số 2 nghìn tỷ USD tổn thất do thiên tai gây ra trong thập kỷ vừa qua không được bảo hiểm.
Báo cáo nhận định: “Số liệu thống kê như vậy là nghiêm túc. Khoảng 2 tỷ người trên toàn thế giới không được bảo hiểm, dẫn đến khoảng cách bảo vệ rất rộng. Vì vậy, đang tồn tại tiềm năng thực sự cho ngành bảo hiểm/tái bảo hiểm tồn tại để hỗ trợ người dân toàn cầu”.

Marsh & McLennan mua JLT với giá 5,6 tỷ USD

(AIR) – Marsh & McLennan Companies (MMC) – công ty dịch vụ nghề nghiệp toàn cầu chuyên cung cấp các tư vấn và giải pháp về rủi ro, chiến lược và nhân sự – mới đưa ra thông báo đã đạt được thỏa thuận mua lại Jardine Lloyd Thompson Group (JLT), nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm, tái bảo hiểm và quyền lợi người lao động hàng đầu.

Theo các điều khoản của thương vụ, MMC sẽ thâu tóm tất cả các cổ phiếu đã phát hành và sẽ phát hành của JLT với trị giá 19,15 GBP (25,18 USD)/cổ phiếu. Trên cơ sở giá đóng cửa của cổ phiếu JLT vào ngày 17/9/2018 là 14,32 GBP – tương ứng thặng dư 33,7%.

Tổng giá trị tiền mặt tương đương 5,6 tỷ USD trong giá trị vốn chủ sở hữu đã pha loãng hoàn toàn, tương ứng với giá trị doanh nghiệp ước tính là 6,4 tỷ USD.

Giao dịch sẽ được thanh toán trên cơ sở kết hợp giữa nguồn tiền mặt tại quỹ và nguồn tiền đi vay. Giao dịch đã được Hội đồng quản trị cả hai công ty chấp thuận.

Việc mua lại JLT thúc đẩy chiến lược của MMC trở thành công ty toàn cầu ưu việt trong lĩnh vực rủi ro, chiến lược và con người. Hồ sơ theo dõi tăng trưởng hữu cơ mạnh mẽ của JLT và đa dạng hóa về các khu vực địa lý hấp dẫn sẽ nâng cao khả năng của MMC để thúc đẩy tăng trưởng và mở rộng lợi nhuận trên các sản phẩm và khu vực địa lý.

MMC cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi dự đoán trong 3 năm tới sẽ tiết kiệmchi phí hàng năm khoảng 250 triệu đô la. Dự kiến việc tiết kiệm các chi phí này sẽ tương ứng với khoản chi phí tiết kiệm một lần khoảng 375 triệu USD”.

Ông Dan Glaser, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc MMC, bình luận: “Việc mua lại Jardine Lloyd Thompson tạo ra những hứa hẹn về giá trị hấp dẫn cho khách hàng, đồng nghiệp và các cổ đông của chúng tôi.

Sự bổ sung phù hợp giữa hai bên tạo ra một nền tảng để cung cấp dịch vụ đặc biệt cho khách hàng và là cơ hội tốt cho những người cộng sự. Ở cấp độ cá nhân, tôi đã biết, và tôn trọng ông Dominic Burke và đội ngũ quản lý của ông ấy từ lúc tôi ở MMC và là đơn vị đánh giá rủi ro. Tôi tin tưởng rằng với việc bổ sung các đồng nghiệp tài năng của JLT, Marsh & McLennan sẽ mạnh mẽ hơn và năng động hơn”.

Sau khi hoàn tất giao dịch, ông Burke, Giám đốc điều hành của JLT, sẽ tham gia MMC với tư cách Phó chủ tịch và là thành viên Ban điều hành MMC.

JLT được thành lập năm 1997 khi Jardine Insurance Brokers, công ty được thành lập gần 50 năm trước, sáp nhập với Lloyd Thompson Group. Công ty hiện hoạt động ở 40 quốc gia với thế mạnh mạnh ở Anh và Úc cũng như tại các thị trường mới nổi trên khắp châu Á và châu Mỹ Latinh.

Hàn Quốc: Tỷ lệ vốn dựa trên rủi ro tăng

(IAN) – Tỷ lệ vốn dựa trên rủi ro của hầu hết các công ty bảo hiểm tại Hàn Quốc đều tăng trong quý II năm nay.
Dữ liệu thống kê cho thấy rằng bước nhảy vọt trong lợi nhuận và đầu tư là một trong những lý do làm cải thiện tỷ lệ này.

Theo thống kê từ Cơ quan Giám sát Tài chính (FSS), tỷ lệ vốn dựa trên rủi ro – hoặc khả năng thanh toán vốn thực tế chia cho vốn khả năng thanh toán tối thiểu bắt buộc – của các công ty bảo hiểm ở mức 253,5% vào cuối tháng Sáu, tăng 3,6% so với quý trước.

Cũng theo FSS, tỷ lệ của các công ty bảo hiểm nhân thọ tăng lên 263,3% từ 258,2% và tỷ lệ của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ tăng lên 234,8% từ 233,7%.

FSS đã chỉ ra rằng các tỷ lệ này cao hơn tiêu chuẩn quy định 100%.

Trong một tuyên bố mới đây, cơ quan này khuyến nghị các công ty bảo hiểm ưu tiên củng cố sự ổn định tài chính của mình.

Ấn Độ: ban hành hướng dẫn mới cho Chương trình bảo hiểm nông nghiệp

(AIR) – Chính phủ Ấn Độ đã ban hành hướng dẫn vận hành mới cho Chương trình bảo hiểm nông nghiệp Pradhan Mantri Fasal Bima Yojana (PMFBY), trong đó quy định hình thức phạt tiền các tiểu bang và các công ty bảo hiểm đối với bất kỳ sự trì hoãn nào trong việc giải quyết khiếu nại bồi thường.

Theo hướng dẫn mới, nông dân sẽ được trả lãi suất 12% đối với bất kỳ sự chậm trễ nào trong các khiếu nại vượt quá hai tháng thời hạn. Mặt khác, chính quyền các tiểu bang sẽ phải trả lãi suất 12%cho sự chậm trễ trong việc trợ cấp phí bảo hiểm của tiểu bang quá thời hạn ba tháng kể từ ngày khóa sổ.

Những hướng dẫn mới này sẽ có hiệu lực từ mùa rabi (mùa đông) bắt đầu từ ngày 1 tháng 10 và đã bao gồm chương trình thí điểm đối với các loại cây trồng lâu năm và mất mùa do bị động vật hoang dã tấn công. Hướng dẫn cũng bao gồm các rủi ro mưa đá, mưa bất thường và xoáy, sẽ được xem xét để đánh giá tổn thất sau thu hoạch. Bên cạnh đó, lửa tự nhiên, lở đất, ngập lụt và mưa giôngcũng đã được bao gồm trong thiên tai địa phương.

Các hướng dẫn cũng nêu chi tiết quy trình vận hành chuẩn để đánh giá các công ty bảo hiểm với tùy chọn loại bỏ chúng ra khỏi chương trình nếu chứng minh được sự không hiệu quả trong việc cung cấp các dịch vụ.

Các công ty bảo hiểm sẽ phải thực hiện chiến dịch nâng cao nhận thức và được giao chỉ tiêu đăng ký thêm được 10% nông dân không vay vốn so với mùa trước. Mỗi công ty bảo hiểm giờ đây sẽ phải chi 0,5% phí bảo hiểm gộp vào mỗi mùa để công khai và nâng cao nhận thức của dân chúng về chương trình này.

Trong khi đó, Hội nghị Bảo hiểm Nông nghiệp Châu Á lần thứ 5 của Asia Insurance Review, có chủ đề “Tương lai của Bảo hiểm Nông nghiệp – Tác động của Biến đổi Khí hậu, Công nghệ và Bảo hiểm Toàn diện”, đã được tổ chức ở New Delhi. Sự kiện kéo dài hai ngày20-21/9/2018 với sự tham dự của 125 đại biểu đến từ 10 quốc gia.

BTV (Tổng hợp).