Bảo hiểm máy bay không người lái tăng trưởng mạnh; Gia tăng tái bảo hiểm P&C; Bổ nhiệm Phó Tổng thư ký phụ trách Hiệp hội Bảo hiểm
TIÊU ĐIỂM TUẦN 37:
I. Tin trong nước
1. Tin bồi thường, tổn thất
Bảo Việt hỗ trợ nạn nhân vụ tai nạn ở Cần Thơ
(TBTCO) – Ngày 19/9/2016, tin từ Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt cho biết, đã tạm ứng ban đầu 3 triệu đồng cho gia đình phụ xe tử vong và 3 triệu đồng cho gia đình hành khách bị thương, trong vụ tai nạn xe giường nằm tại Cần Thơ.
Trước đó, trưa ngày 16/9/2016, xe khách giường nằm Phương Trang chạy hướng từ Kiên Giang đi Sài Gòn. Khi đến địa phận huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ đã đâm trực diện vào xe giường nằm Như Ngọc đi chiều ngược lại.
Cú va chạm mạnh khiến đầu hai ôtô khách biến dạng, phụ xe Phương Trang tử vong tại chỗ, tài xế và 01 hành khách bị thương phải nằm điều trị tại bệnh viện. Ngoài ra, trên xe Như Ngọc, gần 10 người bị thương nhẹ, trong đó có tài xế và phụ xe bị nhiều mảnh kính vỡ găm vào người.
Xe khách Phương Trang đã tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với bên thứ 3, bảo hiểm hành khách trên xe (mức 70/70) và bảo hiểm tai nạn lái, phụ xe (Số tiền bảo hiểm là 10 triệu đồng/người/vụ) tại Bảo hiểm Bảo Việt.
Sau khi nhận được thông tin về thiệt hại, ngày 18/9/2016, Bảo hiểm Bảo Việt đã cử đoàn cán bộ triển khai ngay các công tác hỗ trợ khắc phục hậu quả, thăm hỏi những người bị thương, chia buồn với gia đình phụ xe không may tử vong. Bảo hiểm Bảo Việt tạm ứng ban đầu 3 triệu đồng cho gia đình phụ xe tử vong và 3 triệu đồng cho gia đình hành khách bị thương.
Bảo hiểm Bảo Việt phối hợp với nhà xe Phương Trang cùng các bên liên quan khẩn trương thu thập, hoàn tất hồ sơ để chi trả bồi thường trong thời gian sớm nhất, theo đúng quy định của pháp luật.
2. Một vòng doanh nghiệp
PVI lọt Top 30 Thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2016
(ĐTCK) – Công ty cổ phần PVI (PVI) vừa được vinh danh trong Top 30 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2016 do Tổ chức định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance và Công ty tư vấn thương hiệu Mibrand công bố ngày 15/09/2016.
Đây là năm thứ 2 liên tiếp PVI được vinh danh trong danh sách Top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam của Brand Finance. Nằm trong nhóm thương hiệu dẫn đầu của lĩnh vực tài chính – bảo hiểm, thương hiệu PVI được định giá 45 triệu USD, xếp hạng A, xếp vị trí 29, vượt lên 4 bậc so với năm 2015.
Được biết, để định giá thương hiệu, Brand Finance đã tính toán dựa trên các thông số: chỉ số sức mạnh thương hiệu BSI, tỉ lệ phí bản quyền thương hiệu, dự báo doanh thu và giá trị thương hiệu. Đây là bảng xếp hạng duy nhất có phương pháp định giá thương hiệu đáp ứng các tiêu chuẩn của ISO (ISO 10668 về tiêu chuẩn định giá). Giá trị thương hiệu do Brand Finance công bố được phép sử dụng với cơ quan thuế, kiểm toán và sử dụng trong các cuộc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A).
Nắm bắt được xu thế và tầm quan trọng của thương hiệu, Ban Lãnh đạo PVI ngay từ rất sớm đã đặt ra định hướng phát triển PVI chú trọng tăng trưởng kinh doanh song song với phát triển thương hiệu.
VBI ra mắt mô hình bán lẻ mới
(ĐTCK) – Chiều 15/9, Bảo hiểm VietinBank (VBI) đã tổ chức Lễ ra mắt mô hình bán lẻ mới nhằm thúc đẩy hoạt động bán lẻ theo hướng hiện đại, thỏa mãn nhu cầu đa dạng về bảo hiểm của khách hàng cá nhân.
Để triển khai thành công mô hình bán lẻ mới, ông Lê Tuấn Dũng, Tông giám đốc VBI cho biết, Công ty sẽ đổi mới, cung cấp các sản phẩm dịch vụ vượt trội đối với mọi phân khúc khách hàng bán lẻ, hướng tới mục tiêu dẫn đầu phân khúc bán lẻ trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam.
Còn theo bà Lê Quỳnh Hoa, đại diện Ban dự án triển khai mô hình bán lẻ, trong đợt chuyển đổi lần này, VBI sẽ tập trung vào những thay đổi lớn liên quan đến mảng bán lẻ. Trong đó, tập trung vào các giải pháp trọng tâm như đột phá về cơ cấu tổ chức, phương thức quản trị chiến lược bán lẻ hiện đại, đột phá trong ứng dụng các giải pháp công nghệ, giải pháp tiện ích sản phẩm dịch vụ thân thiện, tiện lợi trong mọi phân khúc bán lẻ. Đồng thời, đổi mới phương thức quản trị rủi ro, quản trị tính toán hiệu quả đến từng đơn vị, cá nhân mảng bán lẻ, tối ưu hóa quy trình nghiệp vụ (rút ngắn thời gian giao dịch, giải quyết nhanh gọn, thuận tiện) đối với từng phân khúc khách hàng…
MIC ra mắt sản phẩm bảo hiểm “Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp khám chữa bệnh trong quân y”
(MIC) – Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng tăng cao. Tuy nhiên đi cùng với đó là những lo lắng về những rủi ro, tai nạn bất ngờ có thể xảy đến do tai nạn, ốm đau, bệnh tật. Để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, số lượng các bệnh viện, các tổ chức hành nghề khám chữa bệnh và số lượng người được đào tạo để tham gia khám chữa bệnh không ngừng được mở rộng bao gồm cả cơ sở Nhà nước và cơ sở quốc tế, tư nhân. Xuất phát từ nhu cầu thực tế của thị trường, yêu cầu của đối tác và quy định của Pháp luật về việc bắt buộc phải tham gia bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp khám chữa bệnh theo Nghị định 102/2011/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/11/2011. Ngày 31/08/2016, Ban Phát triển sản phẩm Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) đã nghiên cứu và triển khai ban hành sản phẩm “Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp khám chữa bệnh trong quân y”.
Đối tượng bảo hiểm là cá nhân hoặc tổ chức khám bệnh, chữa bệnh thuộc quản lý của Bộ Quốc Phòng được cấp giấy phép hoạt động tại Việt Nam và cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (gọi là Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh). Người hành nghề khám bệnh được bảo hiểm gồm: Bác sỹ, y sỹ, điều dưỡng viên, hộ sinh viên, kỹ thuật viên, lương y, người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền. Người tham gia bảo hiểm nghề nghiệp khám chữa bệnh trong quân y tại MIC sẽ được MIC bồi thường đối vớicác khiếu kiện được thực hiện một cách hợp pháp nhằm chống lại Người được bảo hiểm do hoặc được coi là gây ra do sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra bởi lỗi sơ suất, bất cẩn hoặc thiếu sót nào của “Người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh” gây ra cho người bệnh xảy ra trong thời hạn bảo hiểm. Với mức phí bảo hiểm linh hoạt từ 1% đến 1,5% theo tổng hạn mức trách nhiệm bảo hiểm từ 1 tỷ đến 5 tỷ đồng và hạn mức trách nhiệm từng vụ từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng/vụ, thời hạn bảo hiểm 1 năm. Phí bảo hiểm áp dụng theo từng tuyến phường, xã, thành phố, trung ương.
Thương hiệu Bảo Việt được định giá 89 triệu USD
(BVH) – Ngày 15/9/2016 tại Hà Nội, thương hiệu Bảo Việt đã được vinh danh trong Top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2016, do công ty định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance công bố. Theo đó thương hiệu Bảo Việt được đánh giá ở mức A+ với giá trị thương hiệu đạt 89 triệu USD. Giá trị của thương hiệu Bảo Việt đã tăng hơn 10 triệu USD so với năm 2015.
Đây là năm thứ 2 Brand Finance phối hợp với Công ty tư vấn thương hiệu Mibrand công bố danh sách này tại Việt Nam nhằm ghi nhận sự phát triển và tăng trưởng của các thương hiệu dẫn đầu Việt Nam, trong đó có Bảo Việt. Rất nhiều thương hiệu Việt có mặt trong danh sách Top 50 lần này của Brand Finance, cho thấy các doanh nghiệp Việt đã dần bắt kịp với xu thế toàn cầu về đầu tư vào giá trị vô hình trong doanh nghiệp mà tiêu biểu là giá trị thương hiệu.
Trong khuôn khổ chương trình, Brand Finance Vietnam Forum 2016 với chủ đề “Thương hiệu định hướng hoạt động doanh nghiệp, thành công và thất bại” đã nhận được sự quan tâm của hàng trăm đại diện đến từ các thương hiệu dẫn đầu của Việt Nam. Đại diện của Bảo Việt cũng có phần chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu.
Chia sẻ tại buổi lễ, ông Nguyễn Anh Tuấn, Q. Giám đốc Khối Quản lý Hoạt động – Tập đoàn Bảo Việt cho biết: “Giá trị thương hiệu tăng lên là sự ghi nhận những nỗ lực của Bảo Việt trong việc triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường sức mạnh thương hiệu. Để củng cố vị trí thương hiệu hàng đầu, bên cạnh việc duy trì tăng trưởng trong hoạt động kinh doanh, Bảo Việt còn tập trung thực hiện các mục tiêu chiến lược nhằm xây dựng một thương hiệu phát triển bền vững, mang lại lợi ích cao nhất cho khách hàng, nhà đầu tư và cộng đồng”.
Theo các chuyên gia, việc định giá thương hiệu sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao nhận thức cũng như quản lý thương hiệu Việt Nam khi ra thị trường quốc tế.
MIC hợp tác toàn diện với Học viện Lục Quân
(MIC) – Chiều ngày 12/9 tại Đà Lạt, Lâm Đồng Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) và Học viện Lục quân tổ chức Hội thảo hợp tác toàn diện. Đến dự buổi lễ, về phía Ngân hàng TMCP Quân đội (MB)&MIC có ông Uông Đông Hưng – Phó Tổng Giám đốc MB, Chủ tịch HĐQT MIC, ông Nguyễn Quang Hiện – Thường trực HĐQT, Tổng Giám đốc MIC, ông Nguyễn Văn Dũng – Giám đốc MB Lâm Đồng cùng Ban Tổng Giám đốc, Giám đốc các Khối, Ban và CBNV MIC Lâm Đồng; về phía Học viện Lục quân có Thiếu tướng Hoàng Văn Minh – Giám đốc Học viện, Thiếu tướng Lê Anh Thơ – Chính ủy, cùng Ban Giám đốc và hơn 40 cán bộ phụ trách các khoa của Học viện. Tại Hội thảo, MIC đã giới thiệu sự cần thiết của việc tham gia bảo hiểm như bảo hiểm xe cơ giới, con người, hàng hải, tài sản cũng như MIC đã bảo hiểm cho nhiều dự án công trình lớn trong và ngoài quân đội có giá trị hàng nghìn tỉ đồng. Trong khuôn khổ buổi hội thảo, MIC giới thiệu đến cán bộ sỹ quan Học viện 2 sản phẩm bảo hiểm dành riêng cho quân đội là bảo hiểm tai nạn quân nhân và bảo hiểm học viên trong các nhà trường quân đội giúp cán bộ Học viện nghiên cứu, cân đối ngân sách tham gia bảo hiểm cho các học viên cùng cán bộ tại Học viện Lục quân, với nhiều ưu đãi và quyền lợi bảo hiểm tốt nhất.
Phát biểu tại Hội thảo, Thiếu tướng Hoàng Văn Minh – Giám đốc Học viện Lục quân vui mừng khi có nhiều đơn vị quân đội làm kinh tế hiệu quả, tăng trưởng ấn tượng như MB & MIC và mong muốn hai bên hợp tác toàn diện trong các lĩnh vực. Thiếu tướng khẳng định đây là những sản phẩm bảo hiểm phù hợp với Học viện, giao cho các cán bộ chủ chốt nghiên cứu đề xuất phối hợp với MIC Lâm Đồng để tham gia. Thiếu tướng cũng chúc cho sự hợp tác giữa Học viện cùng 2 đơn vị MB và MIC ngày phát triển.
3. Quản lý thị trường bảo hiểm
7 tháng, phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới đạt gần 4.000 tỷ đồng
(TBTCO) – 7 tháng đầu năm 2016, tổng phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới bảo hiểm ước đạt 3.940 tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ.
Cơ quan quản lý về bảo hiểm cho biết, 7 tháng đầu năm thị trường môi giới bảo hiểm đã duy trì được đà tăng trưởng, mặc dù chưa cao nhưng cũng cho thấy nỗ lực của cơ quan quản lý và của chính DN môi giới bảo hiểm.
Theo đó, 7 tháng đầu năm tổng số phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới bảo hiểm ước đạt 3.940 tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ, trong đó phí bảo hiểm gốc thu xếp qua môi giới bảo hiểm ước đạt 2.318 tỷ đồng, tăng 4,6%, phí bảo hiểm tái thu xếp qua môi giới bảo hiểm ước đạt 1.622 tỷ đồng, tăng 10,8%
Tổng doanh thu hoa hồng môi giới bảo hiểm 7 tháng đầu năm ước đạt 312 tỷ đồng, trong đó hoa hồng môi giới bảo hiểm gốc ước đạt 265 tỷ đồng, hoa hồng môi giới tái bảo hiểm ước đạt 47 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, công tác thanh kiểm tra DN môi giới bảo hiểm cũng tích cực được triển khai theo kế hoạch; đồng thời đẩy mạnh phối hợp với DN môi giới bảo hiểm trong công tác quản lý, xây dựng chế độ, chính sách…
Hiện thị trường môi giới bảo hiểm có 11 DN đang hoạt động, gồm: Công ty môi giới Bảo hiểm Aon Việt Nam, Công ty môi giới Bảo hiểm Marsh Việt Nam, Công ty Jardine Lloyd Thompson, Công ty Gras Savoye, Công ty Toyota Tsusho, Công ty Cimeico, Công ty Việt Quốc, Công ty Á Đông, Công ty Nam Á, Công ty Thái Bình Dương, Công ty Sao Việt.
Thời gian tới để thị trường môi giới bảo hiểm phát triển mạnh mẽ, cơ quan quản lý về bảo hiểm cho biết, sẽ sớm hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về hoạt động môi giới bảo hiểm theo hướng minh bạch, bình đẳng và đồng bộ, tạo thuận lợi cho sự phát triển DN môi giới bảo hiểm phát triển.
Bên cạnh đó, sẽ kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho DN môi giới bảo hiểm. Hỗ trợ các DN môi giới bảo hiểm xây dựng quy tắc ứng xử, nâng cao năng lực chuẩn mực về chuyên môn và hoạt động, đồng thời giúp cho MGBH quảng bá vai trò, hình ảnh của môi giới bảo hiểm trên thị trường, qua đó gia tăng khách hàng, tăng trưởng doanh thu.
Hiệp hội Bảo hiểm kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
(TBTCO) – Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) phi nhân thọ và nhân thọ tại Hội nghị các tổng giám đốc DNBH mới đây, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam vừa có văn bản kiến nghị gửi cơ quan quản lý bảo hiểm là Cục QLGSBH – Bộ Tài chính.
Theo đó, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (HHBHVN) kiến nghị cơ quan quản lý về BH sớm xây dựng, sửa đổi bổ sung các Thông tư liên quan đến Nghị định 73/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, bao gồm việc ban hành Thông tư mới thay thế hoặc sửa đổi bổ sung các Thông tư hướng dẫn bảo hiểm liên kết chung, bảo hiểm liên kết đơn vị, Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm; sớm ban hành Thông tư hướng dẫn thương mại điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm (là nội dung mới được quy định theo Nghị định 73)…
Bên cạnh đó, cũng kiến nghị cơ quan quản lý về BH đẩy nhanh tiến độ xây dựng và ban hành hợp đồng mẫu về bảo hiểm nhân thọ truyền thống, bảo hiểm đầu tư, bảo hiểm sức khỏe để thực hiện quy trình phê duyệt sản phẩm bảo hiểm nhân thọ với Bộ Tài chính và đăng ký sản phẩm bảo hiểm nhân thọ với Bộ Công thương theo Nghị định 73/2016/NĐ-CP và xây dựng quy tắc, điều khoản, biểu phí thuần bảo hiểm vật chất xe ô tô để Bộ Tài chính phê chuẩn cho DNBH theo Nghị định 73.
Ngoài ra, kiến nghị cơ quan quản lý về BH một số vấn đề nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DNBH như: Cho phép triển khai thí điểm bán bảo hiểm nhân thọ cho người nước ngoài sinh sống, làm việc tại Việt Nam và nước ngoài bằng ngoại tệ; hướng dẫn và tạo điều kiện cho DNBH có thể tiếp cận và sử dụng một số thông tin cần thiết từ cơ sở dữ liệu bảo hiểm y tế của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nhằm xử lý gian lận bảo hiểm và chi trả quyền lợi bảo hiểm nhanh chóng, chính xác. Đồng thời ủng hộ và chỉ đạo hướng dẫn các DNBH nhân thọ xây dựng cơ sở dữ liệu bảo hiểm nhân thọ nhằm đảm bảo quyền lợi khách hàng…
Cùng với đó, Hiệp hội cũng kiến nghị cơ quan quản lý BH đẩy nhanh tiến độ xây dựng chế độ bảo hiểm: Bảo hiểm thiên tai, bảo hiểm tài sản công, bảo hiểm nông nghiệp; chỉ đạo các DNBH tham gia bảo hiểm khai thác thủy sản xa bờ theo Nghị định 67 tháo gỡ khó khăn vướng mắc, chuẩn bị tiến hành tổng kết đánh giá và định hướng triển khai cho giai đoạn tiếp theo…
Về phía cộng đồng DNBH, để công tác kiến nghị đạt hiệu quả cần phối hợp chặt chẽ với HHBHVN qua việc gửi các ý kiến kiến nghị kịp thời về HHBHVN; cử cán bộ, chuyên gia giỏi cùng HHBHVN giải trình về các nội dung kiến nghị và tham gia các tổ tư vấn, xây dựng dự thảo các văn bản pháp luật khi được cơ quan quản lý yêu cầu.
Bổ nhiệm Phó Tổng thư ký phụ trách Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam
(ĐTCK) – Ông Ngô Trung Dũng vừa được bổ nhiệm chức vụ Phó Tổng thư ký phụ trách Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam (IAV) kể từ ngày 16/9/2016.
Đồng thời, ông Phùng Đắc Lộc, Tổng Thư ký IAV cũng chính thức thôi chức vụ Tổng Thư ký IAV kể từ ngày 15/9,
Sinh năm 1973, ông Dũng đã gắn bó với thị trường bảo hiểm Việt Nam hơn 22 năm qua. Với chuyên môn và kinh nghiệm quản lý ở cả 2 khối bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ, trong gần 3 năm qua, ông Dũng đã được trao nhiệm vụ quản lý IAV ở cả 2 mảng trên. Từ tháng 7/2005 – 9/2015, ông Dũng đảm trách vị trí Phó Tổng thư ký phụ trách mảng bảo hiểm nhân thọ; từ tháng 10/2015 giữ vị trí Phó Tổng thư ký phụ trách mảng bảo hiểm phi nhân thọ.
Trước đó, ông Dũng từng kinh qua nhiều vị trí quản lý nghiệp vụ tại các doanh nghiệp bảo hiểm. Từ tháng 4/2013- tháng 3/2013, tại PJICO, ông Dũng phụ trách các bộ phận quản lý nghiệp vụ bảo hiểm, marketing, văn phòng.
Giai đoạn tháng 9/1994 đến 6/2005, khi còn công tác tại Bảo Việt, ông Dũng đã đảm trách các phần việc quan trọng thuộc các nghiệp vụ quan hệ quốc tế, tái bảo hiểm, bảo hiểm dầu khí-hàng không, bảo hiểm tài sản, kỹ thuật, trách nhiệm, marketing.
Ông Dũng cũng thuộc số ít các chuyên gia bảo hiểm có bằng cấp chuyên ngành bảo hiểm quốc tế, thành thạo 3 ngoại ngữ là Anh, Nga, Đức.
Ông Dũng cũng được cấp bằng Hội viên cao cấp Viện bảo hiểm và tài chính Úc &New Zealand (ANZIIF) và bằng Hội viên của Viện đào tạo bảo hiểm nhân thọ Mỹ (LOMA), chứng chỉ tốt nghiệp Khoá đào tạo tập trung và thực tập nghề 10 tháng tại trụ sở chính công ty tái bảo hiểm Munich (Munich Re).
Ông Dũng cũng là tác giả của cuốn Từ điển bảo hiểm – hiện là tài liệu giá trị đối với những ai quan tâm đến đến bảo hiểm.
4. Bảo hiểm với cộng đồng
MIC Đà Nẵng chia sẻ với trẻ em nghèo Khánh Sơn
(MIC) – Hưởng ứng các chương trình hành động vì cộng động xã hội do Đảng ủy, Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội đề ra. Ngày 14/09/2016, Chi bộ Đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh Niên, Phụ Nữ cùng toàn thể CBNV tại Công ty Bảo hiểm MIC Đà Nẵng đã vận động và quyên góp được số tiền là 20 triệu đồng. MIC Đà Nẵng phối hợp với Ban Lãnh đạo Quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng tổ chức gặp mặt và trao quà cho con em người lao động có hoàn cảnh khó khăn tại bãi rác Khánh Sơn, Hòa Khánh, Đà Nẵng.
Tại đây, MIC Đà Nẵng đã trao 250 suất quà đến từng hộ gia đình và các em nhỏ, với ý nghĩa mang đến cho những số phận không may mắn và đặc biệt là trẻ em nghèo ở bãi rác Khánh Sơn có một mùa tết Trung thu đầy niềm vui và hạnh phúc. Phát biểu tại buổi lễ đồng chí Phạm Quang Toàn – Giám đốc Vùng MT&TN đã đánh giá cao mục đích, ý nghĩa của chương trình, thể hiện sự quan tâm của Lãnh đạo Quận Liên Chiểu cũng như tâm tư tình cảm và trách nhiệm đối với Cộng động của CBNV MIC Đà Nẵng, góp phần phát huy truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của dân tộc Việt Nam từ bao đời nay. Qua đây, MIC mong muốn các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ các em cùng nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Bảo Việt chung tay lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường
(BVH) – Ngày 17/9/2016, gần 300 cán bộ nhân viên, Tập đoàn Bảo Việt và các đơn vị thành viên cùng gia đình đã tham gia sự kiện “Ngày làm sạch hồ Hà Nội” tại Công viên Thống Nhất, Hà Nội. Đồng hành cùng chương trình, Bảo Việt mong muốn chung sức cùng các doanh nghiệp lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường, vì một Việt Nam tươi đẹp hơn.
“Ngày làm sạch hồ Hà Nội” là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường do Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR) và các doanh nghiệp lớn trên địa bàn Hà Nội tổ chức. Chương trình được tổ chức với mục tiêu nâng cao nhận thức và thúc đẩy nỗ lực cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường nước nói chung, phục hồi và bảo tồn các hồ tại Hà Nội nói riêng; gia tăng sự tham gia của xã hội đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, dân cư và giới trẻ trong các hoạt động bảo vệ môi trường nước.
Nhận thức được những tác động tiêu cực của con người lên môi trường gây ra ảnh hưởng không chỉ hiện tại mà còn đến thế hệ tương lai, chương trình “Ngày làm sạch hồ Hà Nội” đã được Đoàn Thanh niên Tập đoàn Bảo Việt phát động và truyền thông liên tục tới đoàn viên thanh niên, cán bộ nhân viên và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của gần 300 cán bộ nhân viên cùng những người thân trong gia đình. Như vậy, hàng năm, cán bộ nhân viên Bảo Việt dành khoảng 20.000 giờ cho các hoạt động vì môi trường. Trong những năm qua, Đoàn thanh niên Tập đoàn Bảo Việt luôn tích cực khơi dậy các phong trào cơ sở, thu hút thêm nhiều đoàn viên tham gia nhằm lan tỏa sức trẻ trong các hoạt động cộng đồng, nâng cao ý thức đoàn viên, thanh niên trong các hoạt động chung, gắn với việc triển khai nhiệm vụ kinh doanh và định hướng phát triển bền vững của Bảo Việt.
Trong khuôn khổ Chương trình “Ngày làm sạch hồ Hà Nội”, Bảo Việt đã tổ chức trưng bày các bức tranh trong cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi với chủ đề “Em yêu biển lắm”.
Fubon Life Việt Nam mang tết trung thu đến ba miền Tổ quốc
(TBTCO) – Tiếp nối truyền thống tốt đẹp “tương thân tương ái”, Fubon Life Việt Nam vừa phối hợp với các văn phòng Tổng đại lý tại nhiều tỉnh thành phố trao tặng hàng trăm suất quà trung thu cho các em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, các bệnh nhi tại ba miền Tổ quốc.
Các phần quà thiết thực như đồ dùng học tập, bánh trung thu…, với tổng giá trị lên đến gần 70 triệu đồng là lời động viên các em khắc phục khó khăn vươn lên học tập.
Theo đó, ngày 9/9/2016, Fubon Life Việt Nam đã cùng với Văn phòng Tổng đại lý Fubon Life Việt Nam tại thành phố Tuyên Quang cùng các em tham gia lễ hội đèn lồng, tặng quà cho các em nhỏ tại địa phương.
Ngày 11/9/2016 đến ngày 14/9/2016, Fubon Life Việt Nam và Văn phòng Tổng đại lý Fubon Life Việt Nam tại Hải Phòng phối hợp với Trung tâm chính trị huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng tổ chức chương trình văn nghệ “Đêm hội trăng rằm” và trao tặng quà cho 60 em học sinh giỏi vượt khó tại ba trường Tiểu học Quang Phục, Tiểu học Khởi Nghĩa và Tiểu học Đại Thắng.
Tại thành phố Thái Nguyên, tối ngày 13/9/2016, Fubon Life Việt Nam cùng Văn phòng Tổng đại lý Fubon Life Việt Nam tại TP. Thái Nguyên, kết hợp với đoàn thanh niên và hội phụ nữ phường Tân Lập –TP. Thái Nguyên tổ chức chương trình múa lân, rước đèn… cho các em thiếu nhi.
Tại miền Nam, trong hai ngày 13 và 14/9/2016, Fubon Life Việt Nam phối hợp với các văn phòng Tổng đại lý Fubon Life Việt Nam tại Tây Ninh, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Dương và chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, trò chơi dân gian… và tặng quà cho các em học sinh giỏi vượt khó tại địa phương.
Tại miền Trung, ngày 15/9/2016, Fubon Life Việt Nam kết hợp Văn phòng Tổng đại lý Fubon Life Việt Nam tại thành phố Vinh, Nghệ An tổ chức tặng quà cho các bệnh nhi tại Bệnh viện Đa Khoa huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An…
5. Tin quốc tế
M&A ngành bảo hiểm tiếp tục tăng trưởng
(IAN) – Theo báo cáo mới đây của Trung tâm Bảo hiểm Insurance Intelligence Center (IIC) thuộc Timetric (công ty chuyên cung cấp dữ liệu trực tuyến, dịch vụ phân tích và tư vấn), hoạt động thâu tóm và sáp nhập (M&A) ngành bảo hiểm diễn ra mạnh trên toàn cầu trong năm 2015 và sẽ vẫn tiếp diễn trong giai đoạn 2016-2017, mặc dù với tốc độ chậm hơn.
Bản báo cáo có tựa đề “Báo cáo chuyên sâu: hoạt động M&A trong ngành bảo hiểm toàn cầu”. Báo cáo cho biết, nhờ có một số lượng lớn các giao dịch giá trị cao trong năm 2015 nên tổng giá trị giao dịch đã tăng trưởng 176%, từ mức 74,2 tỷ USD năm 2014 lên 204,5 tỷ USD năm 2015.
Theo thông tin từ Life Insurance International, Bắc Mỹ là thị trường M&A lớn nhất của ngành bảo hiểm toàn cầu giai đoạn 2011–2015.
Trong năm 2015, có tổng số 522 giao dịch đã được thực hiện, ít hơn so với con số 545 của năm 2012. Tuy nhiên, tổng giá trị giao dịch năm 2015 cao nhất giai đoạn 5 năm 2011–2015.
Ở chiều ngược lại, số giao dịch M&A tại thị trường châu Âu thấp nhất trong giai đoạn 2011–2015, với 187 thương vụ thành công trong năm 2013.
Trên thực tế, số giao dịch M&A bảo hiểm hầu như không đổi trong giai đoạn 2013–2015. Điều này một phần xuất phát từ sự không chắc chắn do việc áp dụng Luật Đảm bảo khả năng thanh toán II – có hiệu lực từ ngày 01/01/ 2016.
Gia tăng tái bảo hiểm tài sản và thiệt hại
(IAN) – Lần đầu tiên trong mấy năm lại đây, có sự tăng nhẹ về nhu cầu tái bảo hiểm.
Theo báo cáo Triển vọng thị trường Tái bảo hiểm của Aon Benfield, phiên bản tháng 9/2016, nhu cầu tái bảo hiểm tăng lên trong vòng 18 tháng qua. Trong đó, tỷ lệ nhượng tái của ngành bảo hiểm tài sản và thiệt hại toàn cầu đạt tốc độ tăng trung bình lần đầu tiên trong mấy năm gần đây.
Báo cáo cho biết năm 2015 cũng là năm đầu tiên các hãng bảo hiểm Hoa Kỳ sử dụng dịch vụ tái bảo hiểm nhiều hơn, và xu hướng này sẽ tiếp tục vào năm 2016.
Điều này xuất phát từ sự cải thiện của nền kinh tế và sự đa dạng của các hình thức bảo hiểm trong môi trường kinh doanh hiện nay.
Bản báo cáo mới phát hành hôm Chủ nhật vừa qua, với nội dung đánh giá vị trí hiện tại của ngành tái bảo hiểm và triển vọng cho mùa tái tục 1/1 sắp tới, cũng như các lĩnh vực tăng trưởng chính của ngành bảo hiểm/tái bảo hiểm, bao gồm: bảo hiểm tài sản và thiệt hại, bảo hiểm mạng, bảo hiểm cho vay mua bất động sản và bảo hiểm nông nghiệp.
Thị trường bảo hiểm máy bay không người lái tăng trưởng mạnh
(INN) – Theo công ty bảo hiểm Doanh nghiệp và Chuyên biệt toàn cầu Allianz (AGCS), đến năm 2020, thị trường bảo hiểm máy bay không người lái có thể đạt doanh số trên 1 tỷ USD trên toàn cầu, trong đó riêng thị trường Mỹ chiếm 500 triệu USD.
Các chuyên gia dự đoán đến thời điểm đó sẽ có khoảng 4,7 triệu thiết bị bay không người lái (UAS) hoạt động với tổng giá trị thương mại dao động từ 2 tỷ USD đến 127 tỷ USD.
Sự gia tăng số lượng thiết bị UAS cũng sẽ kéo theo rủi ro tăng lên, chủ yếu là va chạm với các máy bay khác, hỏng hóc ở hệ thống điều khiển và bay ngoài dải tín hiệu quy định.
Ông James Van Meter, Giám đốc Thực hành Hàng không của AGCS, nhận định: “Đã có đủ bằng chứng cho thấy khả năng va chạm trên không và các tổn thất khác sẽ tăng lên khi số lượng UAS gia tăng nhanh chóng”.
Ông cũng cho biết, mối quan ngại chủ yếu là không có hệ thống quy định pháp lý hoặc tiêu chuẩn thống nhất về an toàn bay cho UAS trên thế giới.
“Ở nhiều nơi, thậm chí có rất ít hoặc không có huấn luyện bay và tiêu chuẩn bảo trì. Bên cạnh quy định của luật pháp, giáo dục cũng tiếp tục là yếu tố then chốt trong việc đảm bảo an toàn bay của UAS”.
Nội dung đào tạo nên bao gồm các lĩnh vực khí tượng thủy văn, hướng dẫn khẩn cấp, luật giao thông hàng không (bao gồm quy định bay qua các tòa nhà), bảo trì hệ thống, tính toán thời gian bay và việc sử dụng hình ảnh từ camera tích hợp trên UAS.
Theo AGCS, thậm chí một thiết bị bay nhỏ cũng có thể gây thiệt hại trị giá 10 triệu USD nếu đâm vào động cơ máy bay. Trong trường hợp phi công mất khả năng điều khiển UAS khi đang khảo sát các tòa nhà thì có thể gây ra thiệt hại bằng một nửa số đó.
Những mối quan ngại khác là khả năng bọn khủng bố sử dụng UAS để tấn công các hạ tầng quan trọng, hacker chiếm quyền kiểm soát hoặc phá sóng, ăn cắp dữ liệu, và khả năng vi phạm quyền riêng tư.
Phí bảo hiểm hàng hải toàn cầu giảm
(IAN) – Theo Liên đoàn Quốc tế Bảo hiểm Hàng hải (IUMI), phí bảo hiểm hàng hải toàn cầu giảm 10,5% trong năm 2015, xuống còn 29,2 tỷ USD.
Bà Astrid Seltmann (ảnh), Phó Chủ tịch Ủy ban Số liệu của IUMI, giải thích rằng nguyên nhân của tình trạng trên một phần là do đồng USD mạnh lên so với các đồng tiền khác. Tuy nhiên, đó chưa phải là toàn cảnh bức tranh, nhất là đối với nghiệp vụ bảo hiểm thân tàu và năng lượng ngoài khơi – lĩnh vực mà giá trị của các hợp đồng chủ yếu thể hiện bằng đồng USD.
Theo bà Astrid, tất cả các dòng sản phẩm đều ghi nhận mức giảm doanh thu phí bảo hiểm, nguyên nhân chính là do sự trì trệ của nền kinh tế toàn cầu, giá hàng hóa thấp và sự giảm sút của các hoạt động hàng hải, đặc biệt là hoạt động ngoài khơi.
Các nghiệp vụ bảo hiểm vận chuyển và hàng hóa đóng góp nhiều nhất trong tổng phí thu, với 52,9%. Tiếp đó là bảo hiểm thân tàu với 25%, bảo hiểm ngoài khơi và năng lượng với 15% và bảo hiểm trách nhiệm hàng hải với 7,1%.
Châu Âu tiếp tục là thị trường bảo hiểm hàng hải lớn nhất, chiếm 50,4% thị phần toàn cầu. Sau đó là khu vực châu Á-Thái Bình Dương với 27,1% thị phần, châu Mỹ La tinh với 9,8% và Bắc Mỹ 5,9%. Các khu vực khác chiếm 6,8% thị phần còn lại.
Trung Quốc và Hà Lan thỏa thuận song phương về BHXH
(IAN) – Trung Quốc và Hà Lan vừa ký thỏa thuận bảo hiểm xã hội giữa hai nước, theo đó công dân của mỗi nước làm việc tại nước kia sẽ sớm được miễn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Theo Bộ trưởng Nguồn nhân lực và Bảo hiểm xã hội Trung Quốc, ba vòng đàm phán bắt đầu từ tháng 11/2014 là cơ sở cho việc chính thức ký kết thỏa thuận này tại thành phố Hague, Hà Lan.
Thỏa thuận sẽ có hiệu lực sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý tại mỗi nước.
Như vậy, tính đến nay, Trung Quốc đã ký các thỏa thuận BHXH song phương tương tự với Đức, Bắc Triều Tiên, Đan Mạch, Phần Lan, Canada, Thụy Sỹ và Hà Lan.
Trước khi có thỏa thuận này, công dân Hà Lan làm việc tại Trung Quốc phải tham gia 5 chương trình bảo hiểm, bao gồm: bảo hiểm hưu trí, chăm sóc y tế, thương tật nơi làm việc, thất nghiệp và thai sản. Trong đó, cả người lao động và người sử dụng lao động cùng đóng góp tiền nộp cho quỹ BHXH.
Khoản nộp BHXH chiếm khoảng 40% tiền lương của lao động nước ngoài, tuy nhiên, người lao động sẽ không được hưởng lương hưu nếu chưa đóng đủ 15 năm.
Trung Quốc: bảo hiểm trực tuyến tăng trưởng mạnh
(IAN) – Trong 6 tháng đầu năm nay, thị trường bảo hiểm trực tuyến Trung Quốc đã đạt tốc độ tăng trưởng mạnh.
Theo báo cáo mới đây của Hiệp hội Bảo hiểm Trung Quốc, doanh thu phí bảo hiểm trực tuyến 6 tháng đạt 143,11 tỷ Tệ (21,37 tỷ USD), bằng 1,75 lần so với cùng kỳ năm trước và chiếm 5,2% tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn ngành.
Đặc biệt, thị trường các sản phẩm bảo hiểm cá nhân ghi nhận tốc độ bứt phá ngoạn mục.
Cụ thể, từ tháng 1 đến hết tháng 6, tổng doanh thu phí các sản phẩm bảo hiểm cá nhân qua kênh internet đạt 113,39 tỷ Tệ, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước và cao hơn nhiều lần so với doanh thu bảo hiểm tài sản trực tuyến.
Về tốc độ tăng trưởng: doanh thu phí bảo hiểm trực tuyến cá nhân tăng tới 150,4%, là tác nhân quan trọng đóng góp vào sự tăng trưởng chung của toàn ngành bảo hiểm nước này.
Lloyd’s sắp hiện diện tại Malaysia
(IAN) – Theo nhận định của Lloyd’s, Malaysia là một trong các nền kinh tế tăng trưởng nhanh hàng đầu thế giới, các doanh nghiệp nước này đang mở rộng phạm vi kinh doanh và tìm kiếm các cơ hội kinh doanh trong nước cũng như quốc tế. Cơ hội mới cũng song hành với các nguy cơ rủi ro, đòi hỏi phải có sự bảo vệ của các hợp đồng bảo hiểm chuyên biệt.
Do vậy, Lloyd’s đang đệ trình hồ sơ để được cấp phép hoạt động tái bảo hiểm lớp 1 (Tier 1) tại thị trường này.
Ông John Nelson, Chủ tịch Lloyd’s, hy vọng Ngân hàng Trung ương Malaysia (Bank Negara Malaysia) sẽ phê duyệt hồ sơ xin cấp phép của Lloyd’s trong 2 tháng tới.
Ông cho biết, hiện hãng đang trong quá trình thảo luận chuyên sâu với giới chức nước này. Dự kiến Quý I năm 2017, văn phòng Lloyd’s tại Malaysia sẽ chính thức hoạt động.
Hiện tại, Lloyd’s đang cung cấp dịch vụ tái bảo hiểm cho thị trường Malaysia bằng giấy phép tái bảo hiểm lớp 2 (Tier 2), thông qua 9 Công ty Dịch vụ tại hòn đảo Labuan, và dịch vụ tái bảo hiểm xuyên biên giới từ Luân đôn và Singapore.
Giấy phép tái bảo hiểm lớp 1 sẽ giúp hãng có thể cung cấp năng lực tái bảo hiểm lớn hơn cũng như các kiến thức sâu về đánh giá rủi ro chuyên biệt đối với các rủi ro mới nổi và phức tạp. Qua đó nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với ngành bảo hiểm Malaysia.
Các lĩnh vực Lloyd’s sẽ cung cấp cho thị trường này bao gồm hàng hải, năng lượng, xây dựng, kỹ thuật và trách nhiệm.
Hãng cũng nhận định, thị trường Malaysia có nhiều tiềm năng trong việc phát triển các sản phẩm bảo hiểm/tái bảo hiểm takaful (dành cho người Hồi giáo).
AIR Worldwide mở rộng mô hình rủi ro khủng bố
(INN) – AIR Worldwide vừa mở rộng mô hình rủi ro khủng bố nhằm cung cấp dịch vụ “chạy thử tình huống” tại Hoa Kỳ và 27 nước khác.
Ông Shane Latchman, Trợ lý Phó Tổng Giám đốc, cho biết Mô hình Khủng bố AIR đã bổ sung mô hình hóa xác định đối với các vụ tấn công bằng vũ khí truyền thống tại các nước trên thế giới.
Kỹ thuật phân tích tổn thất xác định có thể giúp ước lượng tổn thất đối với đơn bảo hiểm tài sản và bồi thường cho người lao động từ các tình huống tấn công xác định.
Theo AIR Worldwide, nền tảng Touchstone cho phép người dùng lựa chọn tài sản và loại vũ khí, chẳng hạn bom trên xe tải, để thử nghiệm “tình huống nếu xảy ra”.
“Thêm vào đó, trong phiên bản mới nhất này, những ước tính về tần suất tấn công đã được cập nhật nhằm phản ánh xu hướng hiện tại của rủi ro khủng bố”, ông Latchman bổ sung.
Dữ liệu về các mục tiêu tấn công tiềm năng đã được cập nhật, bao gồm trụ sở chính của các công ty Mỹ, các sân vận động chuyên nghiệp, tòa nhà văn phòng và khách sạn và các mục tiêu mang tính “chiến công”.
BTV (tổng hợp).
Comments are closed.