TIÊU ĐIỂM TUẦN 35 NĂM 2018

Dai-ichi Life thâu tóm BHNT Suncorp; Myanmar mở cửa thị trường bảo hiểm; PVI được Forbes định giá 32,7 triệu USD

Tiêu điểm bảo hiểm tuần 35

I. Tin trong nước

1. Tin bồi thường, tổn thất

MIC trao tiền bảo hiểm cho gia đình chiến sĩ bị tai nạn máy bay Su-22U

(MIC) – Sáng ngày 04/09/2018, Đoàn cán bộ Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) đã đến thăm hỏi, động viên, chia buồn và trao 60 triệu đồng cho gia đình 2 cán bộ sĩ quan hy sinh trong tai nạn máy bay Su-22U rơi tại Nghệ An.
Trước đó vào ngày 26/07/2018, máy bay Su-22U, số hiệu 8551 thuộc Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không – Không quân đang thực hiện bay huấn luyện chiến đấu, thì mất liên lạc lúc 11 giờ 35 phút và rơi tại làng Dừa, xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Hai đồng chí hy sinh trong tai nạn này là Thượng tá Phạm Giang Nam – Chủ nhiệm bay Trung đoàn Không quân 921 và Trung tá Khuất Mạnh Trí – Phó Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn Không quân 921.

Tại gia đình đồng chí Khuất Mạnh Trí (số 53 ngõ 2 Phạm Ngũ Lão, phường Lê Lợi, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) và đồng chí Phạm Giang Nam (số 53 B Tổ 13, phường Kỳ Bá, TP Thái Bình), bà Lê Thị Thanh Hải – Kế Toán Trưởng, Giám Đốc Khối GĐBT của MIC đã trao tận tay cho thân nhân 2 gia đình cán bộ, chiến sĩ hy sinh số tiền bảo hiểm, mỗi gia đình nhận 30 triệu đồng; đồng thời gửi lời chia buồn sâu sắc đến các gia đình không may có người thân hy sinh trong vụ tai nạn máy bay.

2. Một vòng doanh nghiệp

Thương hiệu PVI được Forbes định giá 32,7 triệu đô la Mỹ

(PVI) – Ngày 23/8/2018 tại TP. Hồ Chí Minh, Forbes Việt Nam tổ chức sự kiện Forbes Talks với chủ đề: “Xây dựng thương hiệu trong thời đại kỹ thuật số”. Sự kiện đã thu hút 400 khách tham dự là quản lý cấp cao và trung, nhân sự phụ trách thương hiệu từ các công ty và nhãn hàng lớn của Việt Nam và quốc tế.

Xem thêm: Bảo hiểm sức khỏe Libertybảo hiểm sức khỏebảo hiểm sức khỏe Bảo Việt

Sự kiện Forbes Talks diễn ra trong bối cảnh internet và sự trỗi dậy của truyền thông xã hội đã thay đổi toàn diện cách khách hàng tương tác tới thương hiệu, thay đổi cách tiếp thị và khiến nhiều chiến lược truyền thống không còn hiệu quả. Trong khi truyền thông truyền thống vẫn có vai trò quan trọng, các kênh kỹ thuật số như website, truyền thông xã hội, ứng dụng di động, blog, video. Khi Internet và những tương tác tác kỹ thuật số trở thành một phần trong đời sống hàng ngày, cần có những cách khác biệt để xây dựng và quảng bá thương hiệu, và các công ty đang thử nghiệm những cách làm mới để kết nối với các bên liên quan và với khách hàng của mình.

Sự kiện tập trung những diễn giả và khách mời nổi bật, chia sẻ những diễn biến mới nhất trong ngành, cũng như những câu chuyện thành công gần đây nhất trong xây dựng thương hiệu. Trong khuôn khổ sự kiện, Forbes Việt Nam cũng tổ chức lễ giới thiệu và vinh danh Danh sách 40 thương hiệu công ty Việt Nam giá trị nhất.
Đầu tháng 8/2018, Forbes Việt Nam đã lần thứ ba thực hiện và công bố danh sách này, với tổng giá trị thương hiệu đạt gần 8,1 tỷ đô la Mỹ. Năm nay, PVI được Forbes Việt Nam xác định có giá trị 32,7 triệu đô la Mỹ.

Bảo Việt tiếp tục dẫn đầu thị trường bảo hiểm

(TBTCO) – Tập đoàn Bảo Việt vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018 (sau soát xét). Theo đó, Bảo Việt và các đơn vị thành viên ghi nhận mức tăng trưởng khả quan, với tổng doanh thu hợp nhất đạt 20.812 tỷ đồng, tăng trưởng 38% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, Bảo hiểm Bảo Việt đạt tổng doanh thu 5.306 tỷ đồng, tăng 25,6%. Cùng với đà tăng trưởng chung, các nghiệp vụ chính như bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm y tế cũng đạt mức tăng trưởng đáng ghi nhận lần lượt là 33,2% và 41,2%.

Các nghiệp vụ khác như bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm tài sản vẫn giữ vững mức tăng trưởng tốt, góp phần giữ vững vị trí số 1 của Bảo hiểm Bảo Việt trên thị trường phi nhân thọ với 21,2% thị phần và tỷ lệ tăng trưởng cao gần gấp đôi so với thị trường.

Bảo Việt Nhân thọ tiếp tục duy trì ngôi vị số 1 thị trường, tăng trưởng mạnh với tổng doanh thu đạt 14.957 tỷ đồng, tăng trưởng 46,3%.

Được biết, trong dòng chảy công nghệ 4.0, Bảo Việt Nhân thọ tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông minh tự động và đầu tư xây dựng các kênh phục vụ khách hàng thuận tiện hơn, đa dạng hình thức thanh toán, quản lý giải quyết quyền lợi bảo hiểm nhằm nâng cao tiện ích, phục vụ khách hàng nhanh chóng. Bên cạnh đó, những giải pháp quản trị thông tin nội bộ tiên tiến cũng được Bảo Việt Nhân thọ triển khai tạo ra kênh kết nối thông suốt của mạng lưới nhân viên toàn hệ thống, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.

Năm 2018, Bảo Việt Nhân thọ sẽ tiếp tục giới thiệu các sản phẩm mới ưu việt để phục vụ tốt nhất các nhu cầu của khách hàng trước các rủi ro của cuộc sống.

Từ ngày 31/8/2018, cổ đông của Tập đoàn Bảo Việt sẽ được nhận hơn 700 tỷ đồng cổ tức bằng tiền mặt (tỷ lệ 10%/mệnh giá cổ phiếu). Cổ đông của Bảo Việt được tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình nhận cổ tức, thông qua hình thức nhận tiền mặt trực tiếp hoặc nhận qua chuyển khoản. Với việc chi trả cổ tức ổn định qua các năm, tính đến nay, Tập đoàn Bảo Việt đã chi trả gần 7.500 tỷ đồng cổ tức bằng tiền mặt từ khi cổ phần hóa (năm 2007).

BIC: Tri ân khách hàng, muôn vàn quà tặng

(BIC) – Nhằm tri ân khách hàng nhân dịp kỷ niệm 10 năm triển khai kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (Bancassurance), từ nay tới ngày 30/09/2018, Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) triển khai chương trình khuyến mại “Tri ân khách hàng, muôn vàn quà tặng” dành tặng cho các khách hàng mua bảo hiểm tại các điểm giao dịch của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) trên toàn quốc.

Theo đó, khách hàng mua bảo hiểm BIC tại các điểm giao dịch của BIDV với mức phí từ 1 triệu đồng trở lên sẽ được nhận ngay quà tặng là ô hoặc áo mưa. Với mỗi giấy chứng nhận bảo hiểm đủ điều kiện của chương trình, khách hàng có thể lựa chọn 1 trong 2 quà tặng tùy theo nhu cầu. Đồng thời, khách hàng cũng có thể nhận không giới hạn số lượng quà tặng tùy theo số lượng giấy chứng nhận bảo hiểm đã tham gia thỏa mãn các điều kiện của chương trình.
Chương trình áp dụng với tất cả các sản phẩm bảo hiểm của BIC phân phối qua BIDV bao gồm: bảo hiểm người vay vốn (BIC Bình An), bảo hiểm cho người quản lý doanh nghiệp (BIC Bảo An Doanh nghiệp) và bảo hiểm nhà (BIC HomeCare).

3. Nhịp đập thị trường

Bảo hiểm nhân thọ trực tuyến vướng khung pháp lý

(ĐTCK) – Sau FWD, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã có thêm một hãng bảo hiểm là Prudential thông báo chính thức triển khai bán bảo hiểm ung thư đăng ký hoàn toàn trực tuyến. Bên cạnh đó, nhiều khả năng trong quý III và quý IV/2018, thị trường sẽ đón nhận thêm các sản phẩm bảo hiểm bán qua kênh trực tuyến của 2 doanh nghiệp khác.

Với mức phí bảo hiểm thấp, đăng ký đơn giản, thẩm định nhanh chóng, thanh toán tiện lợi, các công ty bảo hiểm kỳ vọng hoạt động bán sản phẩm qua các kênh trực tuyến không chỉ giúp khách hàng tiết kiệm được chi phí, thời gian, mà còn thể hiện bước tiến mạnh mẽ trong việc chú trọng đầu tư vào phát triển thương mại điện tử của ngành bảo hiểm nhân thọ tại thị trường Việt Nam.

Chẳng hạn, với bảo hiểm ung thư PRU-iProtect vừa ra mắt, khách hàng chỉ cần thao tác 4 bước đơn giản để hoàn tất việc mua sản phẩm. Prudential không yêu cầu khách hàng phải khám sức khoẻ thẩm định, chỉ cần dựa vào các câu trả lời trung thực từ phía người mua.

Tổng giám đốc Prudential, ông Clive Daren Baker chia sẻ, cùng với tốc độ phát triển vượt bậc của công nghệ, lối sống của người tiêu dùng cũng thay đổi. Việc mua sắm trực tuyến đang ngày càng phổ biến và trở thành thói quen của số đông người tiêu dùng, đặc biệt là những khách hàng trẻ ở khu vực thành thị. Do đó, Công ty muốn nhanh chóng bắt kịp xu hướng này bằng việc triển khai bán bảo hiểm hoàn toàn trực tuyến.

Tuy được kỳ vọng sẽ là phân khúc “hot” không kém bancassurance trong tương lai, nhưng bảo hiểm trực tuyến ở khối nhân thọ thực tế đang phát triển theo kiểu “ném đá dò đường”. Theo đó, một số công ty bảo hiểm đang thử nghiệm bằng cách bán các sản phẩm đơn giản nhất, mệnh giá thấp… như một số sản phẩm thuộc dòng bảo hiểm sức khỏe.
“Khung pháp lý chưa hoàn thiện là vấn đề khiến các công ty bảo hiểm nhân thọ rất thận trọng với mô hình này. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất có lẽ nằm ở chính sự phức tạp của các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ”, một chuyên gia trong ngành nhìn nhận.

Thực tế, tại thị trường Việt Nam, không nhiều người nghĩ tới và chủ động tìm mua bảo hiểm khi đang khỏe mạnh. Do vậy, bảo hiểm nhân thọ vẫn phải tự tìm đến với khách hàng hơn là khách hàng chủ động tìm đến doanh nghiệp.
“Nhiều khách hàng chưa quen và cảm thấy không an tâm với việc chi trả một số tiền đều dặn hàng tháng cho sản phẩm “vô hình” , trong khi các công ty bảo hiểm cũng rất lo ngại vấn đề trục lợi bảo hiểm. Do đó, với bảo hiểm nhân thọ, bán qua kênh trực tuyến có lẽ mới chỉ phù hợp với các sản phẩm đơn giản, ngắn hạn hoặc không có giá trị cao”, vị chuyên gia trên cho biết.

Bên cạnh các khó khăn về thói quen, nhận thức của người dân, những quy định về việc doanh nghiệp bảo hiểm phải chứng minh người mua bảo hiểm cũng chính là người đứng tên hợp đồng sẽ là công việc rất khó thực thi khi triển khai bán bảo hiểm qua kênh trực tuyến. Trong khi đây là nguyên tắc chung của bảo hiểm nhân thọ để chống trục lợi bảo hiểm.

“Chưa nói tới bán hàng trực tuyến, ngay cả việc bán bảo hiểm qua kênh truyền thống thì doanh nghiệp đã rất khó khăn để kiểm soát vấn đề này”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhìn nhận. Ngoài ra, với hợp đồng bảo hiểm trực tuyến, các quy định về chữ ký sống cũng rất mới mẻ với khách hàng và có thể là vấn đề gây tranh chấp sau này.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán về khung pháp lý cụ thể, rõ ràng hơn cho việc phát triển mô hình bảo hiểm trực tuyến mới đây, đại diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, Hiệp hội đang cùng các doanh nghiệp bàn thảo thống nhất để đề xuất Bộ Tài chính về vấn đề này. “Chúng tôi hy vọng chậm nhất là vào năm 2019 các quy định cụ thể về phát triển mô hình bán bảo hiểm trực tuyến sẽ được ban hành”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ chia sẻ.

Để nhiều người biết đến lợi ích của bảo hiểm nhân thọ

(Baodautu) – Tại đất nước đang phát triển nhanh như Việt Nam, nhận biết của người dân về bảo hiểm và bảo hiểm nhân thọ còn chưa đầy đủ. Nhiều khách hàng chưa hiểu được sự khác nhau giữa các loại hình sản phẩm bảo hiểm và lợi ích cụ thể của từng nhóm sản phẩm đó. Nhưng với dân số trẻ và sự phát triển mạnh của nền kinh tế Việt Nam, bảo hiểm thật sự là một công cụ hữu ích giúp người dân đạt được an toàn về tài chính. Vì vậy, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cần phải đưa ra những giải pháp mới, sáng tạo hơn để lợi ích của bảo hiểm nhân thọ được lan tỏa đến mọi người.

Phần lớn người tham gia bảo hiểm tại Việt Nam ở trong lứa tuổi từ 35-45 tuổi, và những người trẻ tuổi vẫn còn chưa quen với khái niệm bảo hiểm nhân thọ. Nhưng điều này có thể thay đổi khi ngày càng nhiều các công ty bảo hiểm nhân thọ tích hợp công nghệ, số hóa các quy trình và sử dụng mạng xã hội để tiếp cận khách hàng trẻ. Vì vậy, để thu hút thế hệ am hiểu về công nghệ này, cách tốt nhất chính là đầu tư vào kênh digital.

Một cách khác để thu hút giới trẻ đến với bảo hiểm nhân thọ là tạo ra những cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn. Các công ty nên cùng nhau truyền thông để các bạn trẻ hiểu được rằng đến với bảo hiểm nhân thọ, họ sẽ được làm việc với thời gian biểu linh hoạt, có cơ hội đạt được thu nhập cao ngay cả khi tuổi còn trẻ, và có thể liên tục phát triển mạng lưới quan hệ của bản thân. Người trẻ tuổi còn được đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế và có cơ hội trở thành thành viên của những hiệp hội quốc tế như Cậu lạc bộ Bàn tròn triệu đô (MDRT).

Mặc dù cạnh tranh lẫn nhau, nhưng tất cả các công ty bảo hiểm nhân thọ đều có chung một quan điểm: Bảo hiểm nhân thọ sinh ra là để giúp đỡ mọi người. Vì vậy, để lan tỏa tinh thần giúp đỡ và lợi ích của bảo hiểm nhân thọ, các công ty nên cùng hợp tác, kiến tạo sức mạnh cộng hưởng. Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam hiểu được điều này và đang thúc đẩy hợp tác giữa các công ty bằng cách tạo ra một mạng lưới và không gian nơi các doanh nghiệp bảo hiểm có thể gặp gỡ và trao đổi chia sẻ kinh nghiệm.

Trong ngành bảo hiểm, phương châm ‘hợp tác, giúp đỡ’ đúng hơn bao giờ hết – vì vậy DN bảo hiểm nên trao đổi và hợp tác nhiều hơn để có thể cùng phát triển, cùng giúp đỡ cộng đồng.

Các công ty bảo hiểm nhân thọ có nhiều lý do để lạc quan về tương lai khi nhu cầu bảo vệ tài sản ở Việt Nam ngày càng tăng. Tuy vậy, khi khách hàng đã quen với sự đơn giản, tốc độ và những tính năng tiện lợi của trải nghiệm cùng Apple/Amazon/kỹ thuật số 4.0, họ sẽ mong muốn bảo hiểm nhân thọ cũng ‘dễ mua sắm’, minh bạch, có tính tương tác và phản hồi cao như những dịch vụ quen thuộc với họ.

Các giải pháp cho thế hệ mới nên thực hiện bao gồm việc đơn giản hóa các ấn phẩm và minh họa về bảo hiểm, sử dụng ngôn ngữ gần gũi, dễ hiểu. Cùng với điều này, sử dụng công nghệ để giúp quá trình mua hàng được đơn giản hơn, nhanh hơn và minh bạch hơn. Khi mua bảo hiểm nhân thọ trở thành đơn giản như đặt một chiếc xe qua Grab, chắc chắn ngành bảo hiểm đã thành công trong việc thay đổi thị trường và mở ra những cơ hội mới để bảo hiểm nhân thọ tiếp tục phát triển.

4. Tin quốc tế

Ấn Độ, Hoa Kỳ hợp tác về bảo hiểm

(IAN) – Cơ quan Quản lý và Phát triển Bảo hiểm Ấn Độ (Irdai) và Văn phòng Bảo hiểm Liên bang Hoa Kỳ đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác và phối hợp với nhau về các vấn đề pháp lý.

Theo thỏa thuận, hai quốc gia sẽ cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm về các chức năng quản lý khác nhau và hỗ trợ lẫn nhau, bao gồm các hoạt động đào tạo.

Hai đơn vị quản lý cũng dự kiến sẽ trao đổi thông tin, cung cấp hỗ trợ nghiên cứu và hỗ trợ việc thực hiện bảo vệ người tiêu dùng thông qua quy định an toàn của ngành bảo hiểm.

Irdai và Văn phòng Bảo hiểm Liên bang cũng đã đồng ý hợp tác trong các hoạt động thiết lập tiêu chuẩn quốc tế.

Hồng Kông ưu đãi thuế cho một số nghiệp vụ bảo hiểm

(IAN) – Thư ký tài chính của chính quyền Hồng Kông cho biết, thành phố sẽ đưa ra một số biện pháp về thuế trong nỗ lực để thúc đẩy bảo hiểm hàng hải, tái bảo hiểm, và bảo hiểm chuyên biệt.

Theo thư ký tài chính Paul Chan Mo-po, đây là một phần trong nỗ lực của thành phố để trở thành một trung tâm chính về quản lý rủi ro.

Ông Chan lưu ý rằng đó là một động thái kịp thời cho việc thúc đẩy lĩnh vực bảo hiểm, xuất phát từ nhu cầu đang gia tăng đối với các dự án cơ sở hạ tầng trị giá 1,7 nghìn tỷ đô la Mỹ được phát triển trên toàn châu Á từ nay đến năm 2030.

Ông cho biết ngành bảo hiểm sẽ sớm được hướng dẫn để được hưởng các ưu đãi thuế cho các nghiệp vụ bảo hiểm hàng hải, tái bảo hiểm, và bảo hiểm chuyên biệt.
Hiện tại, Chan chưa thể tiết lộ chi tiết cụ thể về cách thức hoạt động của các chương trình ưu đãi thuế kể trên.

Trung Quốc: phí bảo hiểm P&C trực tuyến tăng nhanh

(IAN) – Nửa đầu năm nay chứng kiến doanh thu phí bảo hiểm tài sản và thiệt hại trực tuyến tại Trung Quốc gia tăng nhanh chóng.

Dữ liệu chính thức cho thấy doanh thu phí bảo hiểm P&C trực tuyến 6 tháng đầu năm đã tăng 37,29% so với cùng kỳ năm trước, đạt 32,64 tỷ Tệ (4,79 tỷ USD).

Theo Hiệp hội Bảo hiểm Trung Quốc, tỷ lệ tăng trưởng của Quý I là 30,9%.
Về phân loại, các công ty bảo hiểm chỉ kinh doanh trực tuyến hiện chiếm thị phần lớn hơn trong thị trường bảo hiểm P&C với 23,94% tổng doanh thu phí bảo hiểm do 4 công ty bảo hiểm trực tuyến đem lại. Con số này cao hơn 7,07% so với năm trước.

Trong khi đó, 16 doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài cũng có kết quả hoạt động tốt hơn, chiếm 5,26% thị phần, tăng 3,22% so với cùng kỳ.

Phí bảo hiểm xe cơ giới chiếm hơn 50% tổng doanh thu toàn thị trường, với tốc độ tăng 15,38% so với cùng kỳ năm trước.

Myanmar mở cửa thị trường bảo hiểm

(INN) – Ủy ban Quản lý kinh doanh bảo hiểm của Myanmar (IBRB) sẽ chính thức cho phép các công ty bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ nước ngoài hoạt động tại nước này bắt đầu từ tháng sau.

Thư ký Ủy ban, ông U Zaw Naing, cho biết sẽ thuê chuyên gia tư vấn quốc tế để giúp sàng lọc các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài trước khi cho phép gia nhập thị trường.

Ông nói: “IBRB đã mời thầu các hãng tư vấn quốc tế. Sau khi lựa chọn được đơn vị tư vấn, IBRB sẽ bắt đầu quá trình cần thiết để cho phép các công ty bảo hiểm nước ngoài tham gia vào thị trường”.

Ba công ty bảo hiểm nước ngoài đã được phép hoạt động tại Đặc khu kinh tế Thilawa, trong khi một số công ty bảo hiểm khác đã mở văn phòng đại diện.

Thị trường Myanmar hiện đang chịu sự chi phối của các doanh nghiệp bảo hiểm thuộc sở hữu nhà nước, tuy nhiên đang sẵn sàng chào đón sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài.

Theo ông Daw Sandar Oo, Giám đốc điều hành: “Thị trường bảo hiểm địa phương cần đầu tư và công nghệ mới để phát triển. Nếu các công ty nước ngoài được phép xâm nhập, các doanh nghiệp bảo hiểm địa phương có thể hợp tác để giúp phát triển ngành bảo hiểm ở Myanmar”.

Ngành bảo hiểm cần “tự phá vỡ chính mình”

(INN) – Theo một báo cáo mới đây của Deloitte, ngành bảo hiểm đang ở ngã tư đường khi fintechs (công nghệ tài chính) có được lực kéo thông qua các sản phẩm tập trung vào khách hàng.

Báo cáo nhận định: “Đó là một khoảnh khắc của sự thật về bảo hiểm. Đã đến lúc phải đổi mới. Khi các mô hình kinh doanh và vận hành truyền thống không còn đem lại các kết quả như mong đợi thì bước tiếp theo hợp lý tất nhiên là tìm kiếm các lựa chọn thay thế hấp dẫn hơn.

“Nói cách khác, ngành bảo hiểm nên tự phá vỡ chính nó trước khi để cho các tác nhân bên ngoài thực hiện điều này”.
Theo Deloitte, có thể có ba kết quả, tùy thuộc vào cách thức phản ứng của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ và mức độ phát triển của công nghệ.

Trong kịch bản “thay đổi kênh”, các công ty bảo hiểm hiện tại có thể đơn giản hóa quy trình mua và cung cấp thêm các giải pháp theo nhu cầu. Khách hàng có thể chọn các tùy chọn phù hợp nhất với lối sống của họ.

Một khả năng khác liên quan đến việc đánh giá rủi ro bằng cách sử dụng các thuật toán phức tạp và trí tuệ nhân tạo, khi việc đánh giá rủi ro do bên thứ ba thực hiện đã trở thành tiêu chuẩn của ngành.
Ngoài ra, công ty bảo hiểm có thể cung cấp bảo hiểm linh hoạt theo thời gian, bảo hiểm định hướng sự kiện – có thể được bật hoặc tắt chế độ bảo hiểm theo ý muốn.

Tokio Marine bổ nhiệm Giám đốc Toàn cầu về rủi ro mạng

(IJN) – Tập đoàn bảo hiểm quốc tế hàng đầu Tokio Marine Holdings (TMH) đã bổ nhiệm ông Daljitt Barn làm Giám đốc Toàn cầu về rủi ro mạng. Ông Barn sẽ làm việc tại Luân đôn.

Ông Barn gia nhập Tokio Marine từ Munich Re và là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực bảo hiểm mạng và rủi ro mạng, kết hợp giữa các kiến thức về chuỗi giá trị bảo hiểm với nền tảng công nghệ bảo mật mạng.
Ông bắt đầu làm việc tại TMH từ ngày 3/9 và chịu trách nhiệm về việc tiếp tục phát triển chiến lược mạng của Tập đoàn Tokio Marine.

Tokio Marine nhận định, với bề dày kiến thức, kinh nghiệm phong phú cùng với tầm nhìn chiến lược của mình, ông Barn sẽ giúp kiểm soát và định lượng rủi ro mạng, cũng như các cơ hội đổi mới và hợp tác của Tập đoàn.

Tại Munich Re, ông Barn là trụ cột trong việc thành lập bộ phận bảo hiểm rủi ro mạng máy tính, tạo ra cộng đồng mạng trên toàn Munich và phát triển chiến lược bảo hiểm mạng toàn Tập đoàn.

Trước khi làm việc cho Munich Re, ông Barn là giám đốc mạng tại PwC, nơi ông xây dựng và quản lý nhóm rủi ro mạng trong lĩnh vực quản lý và bảo hiểm đầu tư.

Ông Barn là một diễn giả thường xuyên tại các sự kiện bảo hiểm và các nhà đầu tư như Advisen, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Hiệp hội Geneva, cũng như kết nối với các hệ sinh thái trên mạng ở Anh, Israel và thung lũng Silicon.

Ông Kuni Fujii, Giám đốc rủi ro Tập đoàn Tokio Marine, cho biết: “Chúng tôi vui mừng khi Daljitt gia nhập Tokio Marine. Rủi ro mạng đem đến cho ngành bảo hiểm cả cơ hội và mối đe dọa, và ông Daljitt sẽ rất quan trọng đối với Tokio Marine khi chúng tôi tiếp tục phát triển sự hiện diện và chuyên môn của mình trong lĩnh vực quan trọng này”.

Willis Towers Watson mở rộng khối rủi ro doanh nghiệp và môi giới châu Á

(IAN) – Willis Towers Watson đã báo hiệu ý định mở rộng Khối kinh doanh rủi ro doanh nghiệp và môi giới tại châu Á thông qua việc bổ nhiệm ông Scott Burnett làm Giám đốc Khối.

Ông Burnett hiện cũng là Giám đốc khu vực châu Á của Willis Towers Watson. Ông sẽ tiếp tục làm việc tại Singapore.
Ông Adam Garrard, Giám đốc rủi ro doanh nghiệp môi giới và môi giới quốc tế, nói: “Chúng tôi nhận thấy những cơ hội to lớn để tăng cường xâm nhập thị trường và tiếp tục tăng trưởng kinh doanh trong khu vực này”.

Willis Towers Watson cho biết, trong hai năm qua, hãng đã đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực rủi ro doanh nghiệp và môi giới kinh doanh ở châu Á, đặc biệt là ở các thị trường Bắc Á, Indonesia và Malaysia. Đồng thời hãng đang có kế hoạch tăng trưởng lạc quan đối với lĩnh vực này.

Ông Burnett, nhận định: “Đang có những cơ hội quan trọng để chúng tôi tăng cường tập trung vào việc phục vụ trực tiếp các khách hàng ở châu Á với một đề xuất giá trị theo kiểu từ cuối đến cuối (loại bỏ các bên trung gian). Môi trường kinh doanh toàn cầu ngày nay tiếp tục phát triển với tốc độ ngày càng nhanh.”

Công nghệ mới, những thay đổi đa dạng về nhân khẩu học và xã hội cũng như tác động của chúng đối với tương lai của công việc đang làm thay đổi cách thức hoạt động của doanh nghiệp trong khu vực, ông Burnett cho biết thêm.
“Trong giai đoạn tiếp theo, chúng tôi sẽ tiếp tục đi sâu vào năng lực phân tích và tư vấn rủi ro của mình và cung cấp các giải pháp sáng tạo và tích hợp nhằm giải quyết các thách thức rủi ro và con người mà khách hàng đang phải đối mặt”, ông nói.

Bổ nhiệm Giám đốc bảo hiểm Citi Hồng Kông

(IAN) – Citi vừa bổ nhiệm ông Alson Ho làm Giám đốc bảo hiểm tại Hồng Kông.

Ông Ho chịu trách nhiệm về sự tăng trưởng và quản lý hoạt động kinh doanh bảo hiểm của Citi tại đặc khu này, bao gồm phát triển kinh doanh, bán hàng và phân phối, quản lý kênh và đảm bảo sản phẩm.
Ông Ho gia nhập Citi Hồng Kông vào năm 2006 với tư cách là quản trị viên tập sự và gần đây nhất là Giám đốc các sản phẩm tiền gửi, giao dịch và ký quỹ.

Trong một diễn biến khác, ông Lawrence Li, người đã ở Citbank hơn mười năm, được bổ nhiệm Giám đốc thẻ tín dụng và cho vay không có bảo đảm.

Nhiệm vụ chính của ông Li là xây dựng và quản lý chiến lược phát triển sản phẩm, bán hàng và kinh doanh cho toàn bộ thẻ tín dụng và danh mục cho vay không có bảo đảm.

Dai-ichi Life khẳng định mua lại công ty BHNT của Suncorp

(IAN) – Việc Dai-ichi, hãng bảo hiểm có trụ sở tại Tokyo, mua lại công ty bảo hiểm nhân thọ Suncorp, trụ sở tại Brisbane (Australia), trị giá 640 triệu là một phần của một nỗ lực của hãng bảo hiểm Nhật Bản nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh hải ngoại do những khó khăn kéo dài trên thị trường nội địa.

Trong một tuyên bố mới đây, Dai-ichi Life cho biết thỏa thuận này có thể sẽ hoàn tất trong giai đoạn từ tháng 12 năm nay đến tháng 2 năm 2019. Giao dịch này ban đầu được định giá ở mức 725 triệu AUD (538,82 triệu USD).
Bên cạnh đó, hãng bảo hiểm Nhật Bản cho biết họ đang hoàn tất một liên minh chiến lược 20 năm với Suncorp để bán sản phẩm bảo hiểm nhân thọ thông qua các kênh phân phối của Tập đoàn Suncorp.

Về phần mình, Suncorp sẽ vẫn giữ lại hoạt động kinh doanh ngân hàng bảo hiểm phi nhân thọ.

BTV (Tổng hợp).