TIÊU ĐIỂM TUẦN 34

Động đất ở Italia: hầu hết nhà cửa không được bảo hiểm; Ngành tái bảo hiểm và nguy cơ từ rủi ro thảm họa; PVI thoái toàn bộ vốn tại PVI Sun Life

 

TIÊU ĐIỂM TUẦN 34:

I. Tin trong nước

1. Tin bồi thường, tổn thất

Generali chi trả bảo hiểm cho khách hàng mắc bệnh hiểm nghèo

(TBTCO) – Tại TP. Hải Dương, Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Generali Việt Nam (Generali) vừa tiến hành chi trả hơn 250 triệu đồng quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng không may mắc bệnh hiểm nghèo.

Theo đó, dựa vào hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đã ký, Generali đã chi trả quyền lợi bảo hiểm bệnh hiểm nghèo cho người thân anh Nguyễn Văn Trường, tại phường Nguyễn Trãi, Hải Dương với số tiền hơn 250 triệu đồng. Với số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm, Generali mong muốn khách hàng có thêm nguồn tài chính để chi trả các chi phí điều trị và chi phí khác.

Được biết, anh Trường đã tham gia gói sản phẩm Bảo an Toàn diện từ Generali vào cuối năm 2015, và hiện anh đang được điều trị tại một bệnh viện ở Hà Nội. Tại buổi lễ chi trả quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng, đại diện của Generali đã động viên, chia sẻ với người thân và mong muốn sức khỏe của anh Trường nhanh chóng được hồi phục.

Trước đó, ngày 21/8/2016, cũng tại Hải Dương, Generali đã chi trả quyền lợi bảo hiểm cho người thân của khách hàng Nguyễn Văn Phương tại xã Kim Lương, Kim Thành, Hải Dương không may bị tử vong với số tiền gần 105 triệu đồng.

Với mong muốn mang đến cho khách hàng những quyền lợi bảo hiểm thiết thực và tốt nhất, Generali Việt Nam đã và đang không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ khách hàng nhằm giúp họ tích lũy một nguồn tài chính đảm bảo đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe, phòng tránh và chữa trị bệnh hiểm nghèo, cũng như những rủi ro không mong muốn trong cuộc sống. Điều này thể hiện quyết tâm của Generali trong việc xây dựng văn hóa lấy khách hàng là trọng tâm trong mọi hoạt động của mình.

Được biết, sau 5 năm hoạt động, Generali Việt Nam hiện có hơn 90.000 khách hàng cá nhân và thành viên được bảo hiểm của hơn 500 doanh nghiệp trong và ngoài nước. Từ đầu năm 2014 đến hết tháng 7/2016, Generali Việt Nam đã chi trả quyền lợi bảo hiểm cho hơn 30.000 trường hợp khách hàng tham gia bảo hiểm nhóm và cá nhân với tổng số tiền hơn 210 tỷ đồng.

Fubon: Chi trả 200 triệu đồng bảo hiểm cho khách hàng tại Vĩnh Long

(TBTCO) – Tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Fubon Việt Nam (Fubon Life Việt Nam) vừa chi trả số tiền 200 triệu đồng quyền lợi bảo hiểm (BH) cho người nhà khách hàng mua sản phẩm BH nhân thọ Phúc bảo an nhàn không may gặp rủi ro.

Tháng 1/2013 anh Nguyễn Văn T (trú tại Ấp Mỹ Thạch, xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) đã tham gia sản phẩm BH Phúc bảo an nhàn của Fubon Life Việt Nam. Vừa qua, anh T không may qua đời do tai nạn giao thông.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Fubon Life Việt Nam đã chủ động thăm hỏi gia đình anh T và nhanh chóng giúp gia đình hoàn tất các thủ tục chi trả quyền lợi BH. Các quy trình nghiệp vụ như xác minh, thẩm định đều triển khai trên quy trình một cửa thông suốt để hoàn tất hồ sơ và chi trả cho gia đình anh T với tổng số tiền BH là 200 triệu đồng.

Bà Huỳnh Thị H, mẹ đẻ của anh Nguyễn Văn T chia sẻ: “T là lao động chính trong nhà và là nơi nương tựa cho chúng tôi lúc tuổi già, đau yếu. Nhưng nay, chúng tôi phải tự lo liệu cuộc sống và bệnh tật khi đau yếu. Số tiền BH chi trả lúc này có ý nghĩa rất lớn với gia đình chúng tôi, không những giúp gia đình ổn định cuộc sống sau tổn thất quá lớn này mà còn giúp chúng tôi trang trải viện phí khi ốm đau. Với sự giúp đỡ tận tình từ dịch vụ một cửa thông suốt của Fubon Life Việt Nam, gia đình chúng tôi đã nhanh chóng hoàn thành thủ tục liên quan, chỉ trong một thời gian ngắn, quyền lợi chi trả đã được hoàn tất”.

Ông Anton Chang – Tổng Giám đốc Fubon Life Việt Nam cho biết: Để sản phẩm BH nhân thọ trở thành điểm tựa tài chính vững chắc cho gia đình, với triết lý kinh doanh “Thành tín, Thân thiện, Chuyên nghiệp, Sáng tạo”, Fubon Life Việt Nam đưa mục tiêu  giải quyết quyền lợi BH nhanh chóng, chính xác là một tiêu chí hàng đầu trong thực hiện cam kết với khách hàng. Việc giải quyết bồi thường theo quy trình thụ lý một cửa thông suốt là minh chứng cho quyết tâm phát triển bền vững tại Việt Nam và xây dựng niềm tin của người dân với ngành BH nhân thọ để sản phẩm BH nhân thọ trở thành điểm tựa tài chính cho nhiều gia đình Việt Nam.

MIC bồi thường bảo hiểm tai nạn hộ sử dụng điện 

(MIC) – Sáng ngày 11/08/2016 tại xã An Hòa, Huyện Tam Dương, Tỉnh Vĩnh Phúc, Công ty Bảo hiểm MIC Vĩnh Phúc đã đến thăm hỏi, động viên, chia buồn và trao 36 triệu đồng tiền bồi thường bảo hiểm tai nạn hộ sử dụng điện cho gia đình anh Đỗ Văn Trường không may bị tử vong do điện giật. Về phía UBND xã An Hòa có đ/c Bùi Văn Nghi – Chủ tịch xã; về phía MIC có đ/c Lê Xuân Mạnh – Giám đốc Công ty Bảo hiểm MIC Vĩnh Phúc cùng cán bộ đại diện xã và cán bộ giám định, bồi thường của MIC. Khoảng 16 giờ 15 phút ngày 20/6/2016, anh Đỗ Văn Trường trong khi sửa ti vi của gia đình, dây điện bị hở và bị điện giật dẫn đến tử vong. Trước đó, vào tháng 10/2015, gia đình anh Tiến đã mua bảo hiểm tai nạn hộ sử dụng điện tại MIC Vĩnh Phúc, với thời hạn 1 năm, phí bảo hiểm là 100.000 đ/hộ, mức trách nhiệm 36 triệu đồng/người. Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Xuân Mạnh  – Giám đốc MIC Vĩnh Phúc chia sẻ, động viên gia đình vượt qua mất mát, đau thương sớm ổn định cuộc sống.

Tại buổi lễ, đồng chí Chủ tịch xã An Hòa chân thành cảm ơn Ban Lãnh đạo MIC Vĩnh Phúc đã kịp thời động viên, chia sẻ với gia đình và đánh giá việc tham gia bảo hiểm tai nạn hộ sử dụng điện là hết sức cần thiết khi không may xảy tai nạn điện. Đây cũng là cách đề phòng hạn chế rủi ro và xã An Hòa sẽ tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn loại hình bảo hiểm này.

2. Một vòng doanh nghiệp

PVI thoái toàn bộ vốn tại liên doanh PVI Sun Life

(ĐTCK) – Công ty Bảo hiểm Sun Life Canada (Sun Life), một công ty con thuộc sở hữu của Tập đoàn Tài chính Sun Life, và Công ty Cổ phần PVI  thông báo rằng cả hai đã đạt được thỏa thuận, theo đó Sun Life sẽ gia tăng tỉ lệ sở hữu cổ phần trong PVI Sun Life từ 75 % lên đến 100 %.

Theo các điều khoản qui định trong thương vụ này, Sun Life sẽ trở thành chủ sở hữu duy nhất của PVI Sun Life.  Các công ty sẽ vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ và PVI tiếp tục là một đối tác phân phối của Sun Life.

Thương vụ dự kiến sẽ hoàn tất trong Quý IV năm 2016, tùy theo sự phê chuẩn từ phía cơ quan quản lý và các điều khoản qui định về mặt pháp lý.

Ông Kevin Strain, Chủ tịch Tập đoàn Tài chính Sun Life tại Châu Á cho biết, chúng tôi đã có một sự khởi đầu rất thành công tại Việt Nam và cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ khách hàng của chúng tôi tại Việt Nam đạt được sự an tâm về mặt tài chính trọn đời bằng việc cung cấp các hạng mục sản phẩm bảo hiểm và quản lý tài chính phong phú và đa dạng.

“Chúng tôi rất tự hào về mối quan hệ hợp tác cùng Sun Life. Điều này bao gồm sự thành công của PVI Sun Life và việc mở rộng đầu tư của Sun Life tại Việt Nam. PVI mong muốn tiếp tục duy trì một mối quan hệ chặt chẽ với Sun Life trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ cũng như các lĩnh vực khác”, theo phát biểu của ông Bùi Vạn Thuận, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần PVI.

Các khách hàng của PVI Sun Life sẽ không cần thay đổi gì cả. Mọi điều khoản của tất cả các hợp đồng bảo hiểm hiện hữu sẽ vẫn giữ nguyên sau thương vụ này.

Kể từ khi ra mắt vào năm 2013, PVI Sun Life đã khẳng định tên tuổi của mình là nhà cung cấp bảo hiểm nhân thọ lớn thứ sáu trên toàn quốc, là công ty tiên phong và dẫn đầu thị trường trong lĩnh vực bảo hiểm hưu trí.

MIC bảo hiểm hỏa hoạn và rủi ro đặc biệt cho Công ty Z76 

(MIC) – Chiều ngày 22/8 tại Kiêu Kỵ, Gia Lâm, Hà Nội đã diễn ra Lễ ký hợp đồng bảo hiểm hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt giữa Công ty Bảo hiểm MIC Hà Nội thuộc Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội và Công ty TNHH Một thành viên 76. Đến dự lễ ký, về phía MIC có ông Nguyễn Đức Tuấn – Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc MIC Hà Nội, bà Nguyễn Thị Thanh – Phó Giám đốc Ban Tài sản Kỹ thuật cùng cán bộ Ban KHDN và MIC Hà Nội; về phía Công ty Z76 có Đại tá Đỗ Quang Nghinh – Phó Giám đốc cùng cán bộ các phòng ban tại đơn vị. Theo hợp đồng, MIC sẽ bảo hiểm hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt cho Z76 bao gồm nhà xưởng, máy móc, tài sản, nguyên liệu, vật liệu với thời hạn 1 năm. Phát biểu tại lễ ký, Phó Giám đốc Công ty Z76 khẳng định việc mua bảo hiểm là rất cần thiết, chấp hành đúng luật pháp đặc biệt là kinh doanh trong lĩnh vực bao bì, in ấn và thực hiện đúng yêu cầu của đối tác nước ngoài trong việc bảo hiểm. Ông mong muốn thông qua việc ký hợp đồng bảo hiểm này, MIC sẽ cùng với Z76 chia sẻ rủi ro nhằm đảm bảo an toàn tài chính khi không may xảy ra rủi ro.

Tại buổi lễ, Phó Tổng Giám đốc MIC phát biểu MIC sẽ phối hợp chặt chẽ với Z76 trong công tác bảo hiểm, tư vấn đề phòng hạn chế tổn thất và mở rộng hợp tác sang nhiều dịch vụ bảo hiểm khác như bảo hiểm sức khỏe CBNV, bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm nghề nghiệp….Ông mong rằng đây là bước khởi đầu của sự hợp tác giữa hai đơn vị nhưng sẽ đem lại thành công tốt đẹp trong thời gian tới.

Fubon Life Việt Nam lọt ‘Top 10 Thương hiệu nổi tiếng 2016’

(TBTCO) – Ngày 28/8 tại lễ vinh danh doanh nghiệp đoạt giải “Thương hiệu nhãn hiệu nổi tiếng 2016”, Fubon Life Việt Nam tiếp tục được công nhận là 1 trong “Top 10 Thương hiệu nổi tiếng 2016”. Đây là năm thứ 2 liên tiếp Fubon Life Việt Nam vinh dự nhận giải thưởng danh giá này.

Giải thưởng “Thương hiệu nhãn hiệu nổi tiếng 2016” nhằm vinh danh doanh nghiệp có nhiều thành tích trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đóng góp tích cực cho cộng đồng, được xã hội và người tiêu dùng tin cậy.

Chương trình khảo sát được áp dụng theo Điều 75 – Luật Sở hữu trí tuệ với 8 tiêu chí gồm: Độ nhận biết của thương hiệu; phạm vi lưu hành của thương hiệu; doanh số bán hàng, thời gian thương hiệu được sử dụng liên tục; uy tín của thương hiệu; số lượng quốc gia bảo hộ thương hiệu; số lượng quốc gia công nhận thương hiệu là nổi tiếng; giá trị chuyển nhượng của thương hiệu.

Với tính năng bảo vệ cả gia đình trong một hợp đồng bảo hiểm, kết hợp đầu tư và bảo vệ tài chính, sản phẩm “Phúc bảo an trường thịnh” của Fubon Life Việt Nam đã được người tiêu dùng toàn quốc đánh giá cao trên các tiêu chí và vượt lên 340 sản phẩm tham gia giải thưởng để giành vị trí trong “Top 10 thương hiệu và nhãn hiệu nổi tiếng 2016”.

“Phúc bảo an trường thịnh” là sản phẩm bảo hiểm kết hợp tính năng bảo vệ với đầu tư tài chính, giúp đảm bảo cuộc sống gia đình thịnh vượng, đồng thời tăng trưởng tài sản an toàn hiệu quả.

Thế mạnh của “Phúc bảo an trường thịnh” là bảo vệ đến trọn đời, duy trì nguồn tài chính vững vàng cho gia đình. So sánh với sản phẩm bảo hiểm khác trên thị trường, phần lớn chỉ bảo vệ đến khi khách hàng 65 tuổi, nhưng “Phúc bảo an trường thịnh” của Fubon Life Việt Nam sẽ bảo vệ nguồn tài chính cho đến khi 100 tuổi.

Đồng thời với tính năng đầu tư hiệu quả, khách hàng còn có thể tăng cường bảo vệ cho người thân cho gia đình thông qua mua sản phẩm bổ trợ “Bảo hiểm tai nạn cho toàn gia đình” và sản phẩm “Bổ trợ tử kỳ” với mức chi trả cao nhất lên tới 10 tỷ đồng/người giúp đảm bảo nguồn tài chính cho gia đình và tương lai giáo dục chất lượng cao cho con trẻ. Đồng thời có thể lựa chọn sản phẩm bổ trợ “Hỗ trợ viện phí do tai nạn” chi trả tới 300.000 đồng/ ngày tới 90 ngày/năm với mức chi phí thấp.

Bảo Việt Fund nhận giải thưởng Công ty Quản lý quỹ tốt nhất Việt Nam

(BVH) – Công ty Quản lý Quỹ Bảo Việt (Baoviet Fund) vừa được Tạp chí Global Banking & Finance Review – Tạp chí uy tín hàng đầu về tài chính ngân hàng của Anh quốc  bình chọn là “Công ty Quản lý Quỹ tốt nhất Việt Nam năm 2016”.  Giải thưởng là sự ghi nhận cho những nỗ lực không ngừng trong việc đa dạng hóa dịch vụ cung cấp và nâng cao hiệu quả đầu tư của Baoviet Fund trong những năm qua.

Giải thưởng “Công ty Quản lý Quỹ tốt nhất Việt Nam” là giải thưởng quốc tế được Tạp chí Global Banking & Finance Review bình chọn hàng năm dựa trên các tiêu chí về: kết quả kinh doanh bền vững và nổi bật; sản phẩm dịch vụ đa dạng; những cải tiến và khả năng thích ứng trong môi trường kinh doanh biến động cùng những đóng góp của doanh nghiệp trong cộng đồng tài chính toàn cầu. Theo bà Wanda Rich, Tổng biên tập của Global Banking & Finance Review, việc trao giải thưởng cho Baoviet Fund dựa trên ghi nhận những kết quả nổi bật của Công ty trong tăng trưởng tổng tài sản quản lý, chất lượng dịch vụ khách hàng và phát triển sản phẩm mới. Trong những năm vừa qua, bên cạnh việc tập trung nâng cao chất lượng hoạt động đầu tư, Baoviet Fund còn không ngừng đầu tư vào phát triển nền tảng như hệ thống phần mềm quản lý đầu tư chuyên nghiệp, phát triển các sản phẩm mới phục vụ nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư.

Ngay trong 6 tháng đầu năm 2016, Baoviet Fund đã có sự tăng trưởng ấn tượng về kết quả kinh doanh cũng như chất lượng dịch vụ. Tổng tài sản quản lý của Công ty đạt gần 35.000 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước, là một trong hai công ty quản lý quỹ nội địa có tổng tài sản quản lý lớn nhất tại Việt Nam. Lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 17 tỷ đồng, tương đương với 67,8% kế hoạch năm, tất cả các danh mục ủy thác và quỹ đầu tư đều đạt kết quả tốt hơn kỳ vọng. Đặc biệt, tháng 4 vừa qua, Baoviet Fund đã ra mắt thành công Quỹ đầu tư Trái phiếu Bảo Việt (BVBF) với số vốn huy động là hơn 78 tỷ đồng từ 190 nhà đầu tư tổ chức và cá nhân. Sau hơn 3 tháng đi vào hoạt động, Quỹ BVBF đã đạt mức tăng trưởng NAV/CCQ khá tốt là 3,02%. Ngoài ra, công ty còn quản lý quỹ thành viên BVIF với vốn điều lệ là 1.000 tỷ đồng, Quỹ mở BVFED và nhiều danh mục ủy thác.

Ông Đậu Minh Lâm, Tổng Giám đốc Baoviet Fund cho biết: “Giải thưởng này sẽ là động lực để chúng tôi tiếp tục quyết tâm thực hiện đổi mới và nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng. Từ kết quả đầu tư khả quan của các danh mục cổ phiếu mà Công ty đang quản lý, trong cuối năm 2016, Baoviet Fund dự kiến sẽ tiếp tục ra mắt sản phẩm quỹ mở đầu tư cổ phiếu theo chiến lược lựa chọn cổ phiếu chủ động. Quỹ mới ra đời nhằm tận dụng những ưu thế của Công ty trong hoạt động đầu tư cổ phiếu, đa dạng hóa lựa chọn đầu tư cho khách hàng.”

3. Quản lý thị trường bảo hiểm

Thị trường bảo hiểm ‘chất’ hơn sau tái cấu trúc

  

(TBTCVN) – Trong Chiến lược phát triển thị trường BH giai đoạn 2011-2015 yêu cầu tái cơ cấu DNBH được đặt ra theo hướng kiện toàn mô hình tổ chức của DNBH hoạt động yếu kém, không hiệu quả, đồng thời từng bước nâng cao chất lượng công tác quản trị DNBH theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Theo đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 195/2014/TT-BTC ngày 17/12/2014 hướng dẫn đánh giá, xếp loại DNBH, trên cơ sở đó có biện pháp phù hợp để đảm bảo an toàn tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp (DN).

Báo cáo tài chính và kết quả tự đánh giá của DNBH cho thấy, tính đến hết năm 2015, toàn thị trường có 46/47 DNBH đáp ứng yêu cầu về vốn và biên khả năng thanh toán, chỉ có 1 DNBH là Công ty cổ phần Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) không đáp ứng yêu cầu.

Cụ thể có 12 DNBH phi nhân thọ,17 DNBH nhân thọ thuộc nhóm 1- nhóm đảm bảo khả năng thanh toán, hoạt động kinh doanh có lãi; 17 DNBH phi nhân thọ thuộc nhóm 2 – nhóm đảm bảo khả năng thanh toán, tuy nhiên tỷ lệ chi phí hoạt động kinh doanh và tỷ lệ bồi thường cao; duy nhất VASS thuộc nhóm 3- nhóm có nguy cơ không đảm bảo khả năng thanh toán; không có DNBH nào thuộc nhóm 4.

Đối với VASS, Bộ Tài chính cho biết đã yêu cầu DN lập phương án khôi phục khả năng thanh toán, tăng vốn, củng cố tổ chức và hoạt động ngay khi phát hiện VASS gặp khó khăn về khả năng thanh toán.

Đến nay, việc tái cấu trúc VASS đã đạt được những kết quả bước đầu như: Tăng đủ vốn điều lệ lên 300 tỷ đồng theo quy định, công tác tổ chức bộ máy, nhân sự được tăng cường. Đặc biệt, doanh thu phí BH gốc năm 2015 của VASS tăng 2,8 lần so với cùng kỳ, ước đạt 1.287 tỷ đồng. Ngày 29/4/2016, VASS cũng đã báo cáo bổ sung vốn điều lệ thêm 200 tỷ đồng và đang hoàn thiện thủ tục trình Bộ cấp Giấy phép điều chỉnh tăng vốn điều lệ từ 300 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng.

Báo cáo cũng chỉ rõ, thực hiện mục tiêu xóa bỏ hiện tượng khép kín, chia cắt thị trường BH, đồng thời hoàn thiện các quy định đảm bảo sự công khai, minh bạch và bình đẳng trong việc cung cấp dịch vụ BH giữa các DNBH chuyên ngành và các DNBH khác… Theo đó, trong giai đoạn 2011-2015, nhiều giải pháp đã được cơ quan quản lý đưa ra nhằm đảm bảo hoạt động thoái vốn hiệu quả, không làm xáo trộn hoạt động kinh doanh của DNBH.

Đến nay một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã thực hiện thoái toàn bộ vốn góp tại các DNBH. Cụ thể, Tập đoàn Bảo Việt thoái vốn khỏi Bảo hiểm Bảo Long; Tập đoàn Than – Khoáng sản đã hoàn thành thoái toàn bộ vốn đầu tư (19,8%) tại Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội; Tổng công ty Hàng không Việt Nam thoái vốn tại Bảo hiểm Hàng không; Tập đoàn Điện lực đã thoái vốn (22,5%) tại Bảo hiểm Toàn Cầu.

Đối với một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác, trong giai đoạn 2011-2015, bằng nhiều biện pháp như phát hành cổ phiếu, đa dạng hóa sở hữu, kêu gọi đầu tư, góp vốn từ nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, tỷ lệ vốn nhà nước trong các DNBH đã giảm đáng kể. Điển hình như Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đã giảm phần vốn góp của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam từ 36,16% xuống còn 22,67%; Bảo hiểm BIC đã giảm phần vốn góp của BIDV từ 82,3% xuống còn 51%…

Bộ Tài chính cho biết, trong kế hoạch và giải pháp phát triển thị trường BH giai đoạn 2016-2020 bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh BH, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của  DNBH. Theo đó sẽ tập trung giám sát, đôn đốc DNBH tự đánh giá, xếp loại theo các tiêu chí quy định tại Thông tư 195/2014/TT-BTC để có biện pháp quản lý, giám sát phù hợp, đảm bảo DN hoạt động hiệu quả.

Đồng thời, nghiên cứu triển khai mô hình quản lý vốn trên cơ sở rủi ro nhằm tăng cường tính chủ động cho DN trong việc sử dụng và quản lý nguồn vốn, phù hợp với quy mô, phạm vi và đặc thù kinh doanh của từng DN.

Bộ cũng sẽ ban hành các quy định về quản trị rủi ro DN, nhất là các yêu cầu đối với hệ thống công nghệ thông tin (CNTT), đảm bảo hệ thống CNTT của DNBH phải kết nối được với các hệ thống chung của thị trường và cơ quan quản lý, giám sát, đáp ứng được các yêu cầu quản trị DN.

4. Tin đào tạo

MIC: Chuyên gia Munich Re đào tạo chuyên sâu bảo hiểm tài sản kỹ thuật 

(MIC) – Sáng ngày 15/08/2016 tại Hà Nội, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) tổ chức khóa đào tạo chuyên sâu về bảo hiểm tài sản kỹ thuật do Mr Daniel Chan Trưởng phòng Tài sản Kỹ thuật và Mr Loh Jason Chuyên gia cao cấp – Phòng TSKT của Munich Re đến từ Singapore trực tiếp giảng dạy. Tham dự khóa đào tạo là gần 30 học viên của Ban Tài sản kỹ thuật, Ban Giám định, Bồi thường, Ban QPAN và cán bộ kinh doanh các MIC Khu vực Hà Nội. Đến dự và khai mạc khóa đào tạo, Bà Vũ Thị Lê Lan – Phó Tổng Giám đốc yêu cầu các học viên tham dự đầy đủ, đúng giờ, hăng hái phát biểu, đặt nhiều câu hỏi để khóa đào tạo đạt chất lượng cao.

Chương trình đào tạo tập trung một số nội dung cơ bản về bảo hiểm mọi rủi ro xây dựng, bảo hiểm mọi rủi ro lắp đặt và giải đáp nhiều câu hỏi thực tế của học viên. Thông qua khóa đào tạo, học viên được tiếp nhận những kiến thức quý giá của chuyên gia nước ngoài đối với nghiệp vụ bảo hiểm tài sản kỹ thuật cùng nhiều kỹ năng nghiệp vụ bảo hiểm giúp đáp ứng nhu cầu tham gia bảo hiểm, giám định, bồi thường các dịch vụ lớn cho khách hàng ngày một tốt hơn. Trong thời gian tới, MIC sẽ tập trung tổ chức nhiều khóa đào tạo do chuyên gia nước ngoài giảng dạy, để nâng cao chuyên môn cho CBNV MIC đối với các nghiệp vụ bảo hiểm khác.

PJICO đào tạo nghiệp vụ Bảo hiểm hàng hải

(PJICO) – Nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công việc, ngày 10/08/2016 vừa qua, tại Tỉnh Phú Yên, Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) đã tổ chức khai mạc khóa đào tạo nghiệp vụ Bảo hiểm hàng hải dành cho các đơn vị khu vực phía Nam là các cán bộ trực tiếp khai thác kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm này.

Khóa đào tạo kéo dài 04 ngày từ ngày 10 – 14/08/2016 với sự tham gia giảng dạy của PGS. TS Đoàn Minh Phụng – Trưởng khoa Bảo hiểm Học viện Tài Chính cùng Lãnh đạo các Phòng nghiệp vụ, chức năng PJICO. Nội dung đào tạo gồm 3 chuyên đề: Tổng quan kiến thức cơ bản/nâng cao về nghiệp vụ bảo hiểm Hàng hóa, Tàu thủy và Tái bảo hiểm. Ngoài đào tạo chuyên môn, cuối khóa đào tạo, các học viên có cơ hội giao lưu, tăng cường tình đoàn kết bằng hoạt động ngoại khóa Teambuilding.

Trước đó, trong tháng 6/2016, PJICO đã tổ chức khóa đạo tạo có cùng nội dung trên cho cán bộ thuộc các đơn vị từ PJICO Huế trở ra phía Bắc. Với 2 khóa đào tạo này, các cán bộ khai thác nghiệp vụ Hàng hải trên toàn hệ thống PJICO đã được trau dồi, củng cố kiến thức nghiệp vụ và cập nhật các nội dung mới nhằm đảm bảo phục vụ công tác kinh doanh tốt hơn trong thời gian tới.

5. Tin quốc tế

Động đất ở Italia: hầu hết nhà cửa không được bảo hiểm

(Bloomberg) – Trận động đất mạnh 6,2 độ richte xảy ra ở tây nam thành phố Perugia, vùng Umbria, miền trung Italia vào lúc 3h36 (1h36 GMT) ngày 24/8/ vừa qua làm rung động một khu vực rộng lớn, làm thiệt mạng ít nhất 250 người và gây thiệt hại kinh tế ước tính từ 1 tỷ tới 11 tỷ USD. Tuy nhiên, tổng giá trị thiệt hại được bảo hiểm thấp hơn rất nhiều.

Italia là một trong các nước có mức độ bảo hiểm tài sản và thiệt hại thấp nhất so với các quốc gia công nghiệp khác. Theo số liệu của Swiss Re AG và PwC, tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm trên GDP của Italia năm 2014 chỉ đạt 1,9%, so với 3,3% của Pháp, 3,4% của Đức và 8,1% của Hà Lan.

Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, ông Stefan Schuermann, chuyên gia phân tích tại Công ty chứng khoán Vontobel Securities AG, nói: “Thật bi kịch vì hầu hết mọi người ở đây không được bảo hiểm, mặc dù khả năng xảy ra động đất ở khu vực này đã được cảnh báo từ trước”.

Theo ông Stefan Schuermann, trong vụ động đất mạnh 6,2 độ richte năm 2009 tại khu vực Abruzzo, Italia làm 308 người thiệt mạng, chỉ có khoảng 2% giá trị tổn thất kinh tế được bảo hiểm.

Đối với trận động đất lần này, Italia có thể sẽ phải kêu gọi sự trợ giúp của Quỹ Đoàn kết Liên minh châu Âu trong vòng 12 tuần sau thảm họa.

Nhà môi giới Aon Benefield trích dẫn nguồn thông tin cho biết tổn thất kinh tế ước tính có thể lên tới 11 tỷ USD, trong khi đó, Công ty phân tích nguy cơ Kinetic Analysis Corp. dự kiến thiệt hại ít nhất 1 tỷ USD.

Theo công ty Assicurazioni Generali SpA – hãng bảo hiểm lớn nhất Italia – và công ty bảo hiểm Đức Allianz SE, khiếu nại bồi thường sẽ không nhiều vì hầu hết nhà cửa của dân cư khu vực này không được bảo hiểm động đất.

Singapore cải thiện chất lượng chương trình ElderShield

(IAN) – Theo Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, quốc đảo này đang rà soát lại ElderShield – chương trình bảo hiểm của chính phủ cho các nhu cầu chăm sóc y tế của người dân.

Mục tiêu của hoạt động rà soát nhằm nâng cao khả năng cung cấp dịch vụ của ElderShield tới nhiều người hơn, từ đó nâng cao chất lượng hệ thống an sinh xã hội cho người dân nước này.

Ông Lý cho biết, dân số Singapore đang già đi rất nhanh khiến cho ngày càng nhiều người phải đối mặt với gánh nặng chi phí chăm sóc y tế cho trẻ nhỏ và đặc biệt là cha mẹ già – những người hay đau ốm và thậm chí có thể không di chuyển được.

Từ khi triển khai vào năm 2002 đến nay, đã có khoảng 7.000 người được nhận quyền lợi bảo hiểm theo chương trình này. Theo đó, hàng tháng mỗi người sẽ được nhận vài trăm SGD và tối đa lên đến 6 năm.

Ông Lý cho rằng cần tăng số lượng người được hưởng quyền lợi bảo hiểm và thành lập một ủy ban nhằm nghiên cứu cách tiếp cận của chương trình tới người dân, cung cấp bảo vệ tốt hơn và duy trì phí bảo hiểm ở mức chấp nhận được.

Ông cho biết việc cải thiện chương trình bảo hiểm ElderShield là bước hoàn thiện quá trình nâng cao chất lượng hệ thống an sinh xã hội tại Singapore trong 10 năm qua – giai đoạn chứng kiến chi tiêu xã hội tăng gấp 3 lần.

Ngành bảo hiểm phi nhân thọ Malaysia tăng trưởng 3%

(IAN) – Theo Hiệp hội Bảo hiểm phi nhân thọ Malaysia (PIAM), ngành bảo hiểm phi nhân thọ nước này đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 3% trong 6 tháng đầu năm 2016.

Phí bảo hiểm phi nhân thọ 6 tháng đầu năm đạt 9,34 tỷ ringgit (2,3 tỷ USD), tăng so với 9,07 tỷ ringgit cùng kỳ năm trước.

Ông Mark Lim, Tổng Giám đốc PIAM, bảo hiểm xe cơ giới tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất toàn thị trường với 44,1%.

Lĩnh vực này đạt doan thu 4,12 tỷ ringgit, tăng trưởng 0,7% so với 4,09 tỷ ringgit cùng kỳ năm 2015.

Đứng thứ hai là bảo hiểm hỏa hoạn với 18,7% thị phần. Trong 6 tháng đầu năm, doan thu phí bảo hiểm hỏa hoạn đạt 1,75 tỷ ringgit, tăng trưởng tới 8,9% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm cũng cao hơn so với cùng kỳ năm trước, tương ứng là 836 triệu ringgit và 754 triệu ringgit.

Ông Antony Lee Fook Weng, Chủ tịch PIAM, cho biết PIAM đã và đang nỗ lực để duy trì tỷ lệ tăng trưởng cả năm 2016 đạt từ 2,5% đến 3,5%, do những bất ổn của nền kinh tế vĩ mô.

Ngành tái bảo hiểm và nguy cơ từ rủi ro thảm họa

(INN) – Theo báo cáo mới đây của Standard & Poor’s (S&P), giá phí giảm khiến cho ngành tái bảo hiểm toàn cầu đứng trước nguy cơ thua lỗ nếu tổn thất thảm họa trở lại mức thông thường.

S&P nhận định, nguồn vốn dồi dào sẽ giúp doanh nghiệp trong ngành nâng cao khả năng gánh chịu rủi ro.

“Tuy nhiên, do giá phí tiếp tục giảm nên ngành tái bảo hiểm sẽ không còn an toàn kể cả trong điều kiện rủi ro thảm họa ở mức thấp như những năm vừa qua”.

“Sức ép lợi nhuận khiến cho các doanh nghiệp trong ngành đối mặt với nguy cơ biến động thu nhập và vốn. Chỉ cần xảy ra hàng loạt các vụ thảm họa ở quy mô trung bình, khiến tổng giá trị tổn thất trong năm vượt mức trung bình nhiều năm, sẽ khiến công ty tái bảo hiểm rơi vào tình trạng không có lãi từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm”.

Theo S&P, người chiến thắng trong cuộc đua này là các hãng triển khai sớm các hành động nâng cao khả năng sinh lời ngoài lĩnh vực rủi ro thảm họa và giảm thiểu mức độ chịu tác động trước các rủi ro có tần suất cao.

“Nếu giá phí tiếp tục giảm đối với tất cả các nghiệp vụ và tổn thất thảm họa quay trở lại mức thông thường, các nhà tái bảo hiểm tập trung nhiều vào rủi ro thảm họa sẽ bị tác động đáng kể tới khả năng sinh lời cũng như vị thế cạnh tranh trên thị trường”.

Châu Á: hàng lang pháp lý thay đổi làm gia tăng nhu cầu tái bảo hiểm

(IAN) – Theo báo cáo của tổ chức định hạng tín nhiệm Fitch, những thay đổi về quy định pháp luật tại châu Á sẽ làm gia tăng nhu cầu tái bảo hiểm.

Fitch lý giải rằng những điểm mới trong khuôn khổ pháp luật do chính phủ các nước châu Á ban hành sẽ khiến cho các công ty bảo hiểm cân nhắc lại về chiến lược quản trị rủi ro và khẩu vị rủi ro của mình.

Những năm gần đây, cơ quan quản lý tại các nước châu Á đã ban hành (hoặc đang trong quá trình ban hành) hàng loạt các quy định mới sẽ làm thay đổi môi trường hoạt động và kinh doanh trong khu vực.

Chẳng hạn, các văn bản pháp luật mới tại Indonesia, Việt Nam và Ấn Độ hướng tới gia tăng sự bảo hộ, nhằm nỗ lực tăng tỷ trọng số giao dịch bảo hiểm với các nhà tái trong nước.

Fitch cũng dự kiến cạnh tranh gia tăng do có thêm một số công ty tái bảo hiểm nội địa được thành lập tại Trung Quốc các năm 2015, 2016.

Mặc dù khoảng cách giữa tổn thất được bảo hiểm và tổng giá trị tổn thất kinh tế phát sinh từ thảm họa thiên nhiên đã được cải thiện trong năm 2015, song Fitch cho rằng khoảng cách này vẫn còn rất lớn.

Bên cạnh đó, tỷ lệ xâm nhập bảo hiểm vẫn thấp tại nhiều thị trường khu vực châu Á, là tiềm năng cho những tăng trưởng lớn hơn trong tương lai.

Thị trường tái bảo hiểm Trung Quốc đạt 198 tỷ USD vào năm 2020

(IAN) – Theo nghiên cứu mới được tổ chức nghiên cứu Zion Research công bố gần đây, thị trường tái bảo hiểm Trung Quốc dự kiến sẽ đạt giá trị 198 tỷ USD vào năm 2020.

Bản báo cáo có tựa đề: “Thị trường tái bảo hiểm tại Trung Quốc (Nhân thọ và Phi nhân thọ) theo phân nhóm phí bảo hiểm (tái bảo hiểm cố định và tái bảo hiểm tạm thời): triển vọng ngành, phân tích toàn diện và dự báo giai đoạn 2013-2018”. Theo đó, ngành tái bảo hiểm nước này đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 40% từ năm 2014 đến năm 2018.

Trong năm 2013, thị trường tái bảo hiểm nước này đạt quy mô doanh thu 35 tỷ USD.

Thị trường tái bảo hiểm Trung Quốc có sự tham gia của cả các nhà tái trong nước và nước ngoài.

Theo Zion, các hãng tái bảo hiểm hàng đầu gồm Swiss Re, Munich Re, Lloyd’s, China Life Reinsurance và Taiping Reinsurance.

Với sự tăng trưởng của thị trường, dự kiến doanh thu phí tái bảo hiểm sẽ tăng với tốc độ khoảng 10-15% trong một vài năm tới.

Mỹ ứng dụng công nghệ hiện đại vào mô hình hóa rủi ro lũ lụt

(INN) – Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA) vừa cho ra mắt công cụ mô hình hóa lũ lụt siêu hạng nhằm tăng cường năng lực dự báo lũ lụt của nước này, có tên gọi là Mô hình Nước Quốc gia.

Theo đó, công cụ này sẽ cung cấp dự báo hàng giờ cho toàn bộ hệ thống sông ngòi tại Mỹ, sử dụng dữ liệu từ hơn 8.000 tính toán Thống kê Địa lý Hoa Kỳ để mô phỏng điều kiện tại hơn 2,7 triệu địa điểm trên toàn quốc.

Trước đó, NOOA chỉ có thể dự báo dòng chảy tại 4.000 địa điểm với định kỳ vài giờ.

Công cụ này ra đời xuất phát từ những đòi hỏi thực tế của bang Louisiana phải đối mặt với những cơn lũ lớn nhất toàn quốc kể từ sau siêu bão Katrina năm 2005.

Ông Louis Uccellini, Giám đốc Dịch vụ Thời tiết Quốc gia của NOAA, nói: “Do biến đổi khí hậu, chúng ta đang phải chứng kiến hạn hán kéo dài và nhiều trận lụt lớn kỷ lục trên toàn quốc. Từ đó, nhu cầu thông tin mở rộng về mưa, lụt tăng lên”.

“Mô hình Nước Quốc gia sẽ nâng cao năng lực giảm thiểu nguy cơ lũ lụt đối với các cộng đồng tại châu Mỹ. Bên cạnh đó, với chất lượng công tác dự báo tăng lên, chúng ta sẽ có thể lập kế hoạch và bảo vệ tốt hơn đời sống và tài sản của người dân trong các trường hợp có quá nhiều nước, quá ít nước hoặc nước kém chất lượng”.

Theo NOAA, mô hình này cuối cùng sẽ cung cấp các dự báo chi tiết đến từng con phố và bản đồ ngập lụt nhằm cải thiện chất lượng công tác cảnh báo lũ lụt.

BTV (tổng hợp).

 

Comments are closed.