TIÊU ĐIỂM TUẦN 34 NĂM 2018

PTI tiên phong bảo hiểm trực tuyến; MetLife bổ nhiệm Giám đốc châu Á; Sun Life ra mắt SUN – Hưu Trí Thanh Nhàn

TIÊU ĐIỂM TUẦN 34:

I. Tin trong nước

1. Tin bồi thường, tổn thất

Cháy lớn tại phố trung tâm Thanh Hóa

(NLĐO) – Vụ cháy lớn trên phố Lê Hoàn, khiến người dân trên tuyến phố kinh doanh sầm uất nhất TP Thanh Hóa bị một phen náo loạn. Tân giám đốc Công an Thanh Hóa đã tới hiện trường chỉ đạo chữa cháy.
Vụ cháy lớn xảy ra vào khoảng 21 giờ 45 phút ngày 28-8, tại tầng 2 căn nhà số 143 đường Lê Hoàn, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Vào thời điểm trên, một số người dân phát hiện đám cháy phát ra từ tầng 2 căn nhà bán hàng hoa nhựa và phụ kiện phục vụ đám cưới. Ngọn lửa nhanh chóng bốc cháy dữ dội kèm theo nhiều tiếng nổ và sau đó bao trùm cả căn nhà 143.
Chỉ vài phút sau, căn nhà bán hàng hoa nhựa bị ngọn lửa bao trùm dữ dội và bắt đầu cháy lan sang 1 tấm biển quảng cáo lớn của tiệm vàng bên cạnh. Thời điểm hỏa hoạn, có 1 bé gái khoảng 10 tuổi ở trong nhà nhưng may mắn thoát được ra ngoài.

Nhận được tin báo, Công an tỉnh Thanh Hóa đã điều động lực lượng cảnh sát PCCC tới hiện trường, cùng nhiều xe chữa cháy và thiết bị chuyên dụng để dập lửa khống chế đám cháy.

Tân Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa, Thiếu tướng Nguyễn Hải Trung, cũng đã có mặt tại hiện trường, trực tiếp chỉ đạo lực lượng nhanh chóng dập lửa, khống chế đám cháy lan rộng.

Đến khoảng 23 giờ cùng ngày, đám cháy cơ bản được khống chế song nhiều tài sản trong căn nhà đã bị thiệu rụi.
Vụ cháy không gây thiệt hại về người, tuy nhiên khiến con phố kinh doanh sầm uất nhất TP Thanh Hóa bị mất điện, người dân bị một phen náo loạn.

Theo lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa, nguyên nhân vụ cháy ban đầu được xác định do chập điện.

2. Một vòng doanh nghiệp

PTI – tiên phong thị trường bảo hiểm trực tuyến

(PTI) – “Chỉ trong 5 – 10 năm tới, thị trường bảo hiểm Việt Nam sẽ tăng gấp đôi nhu cầu so với hiện tại. Trong giai đoạn CNTT phát triển như vũ bão, xu hướng mua sắm trực tuyến bùng nổ, các công ty bảo hiểm cũng không thể “làm ngơ” với xu hướng phát triển này” – ông Kim Kang Wook – Phó Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Bảo hiểm Bưu điện (PTI) cho biết.

Sớm nhận ra điều này, PTI là DN bảo hiểm đi đầu trong việc triển khai bán bảo hiểm trực tuyến và ứng dụng CNTT vào hoạt động kinh doanh. Chỉ sau 2 năm đưa mô hình bảo hiểm trực tuyến vào hoạt động, hiện nay, DN này đã đứng top đầu về bảo hiểm trực tuyến trong các đơn vị bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam.

Xem thêm: Bảo hiểm sức khỏe Libertybảo hiểm sức khỏebảo hiểm sức khỏe Bảo Việt

Hiện tại, hầu hết các DN bảo hiểm đều ứng dụng CNTT, nhưng tùy từng đơn vị mức độ ứng dụng và hiệu quả khác nhau. Việc ứng dụng công nghệ giúp DN bảo hiểm tối ưu được năng lực quản trị, điều hành và tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường.

“Tôi nhận thấy thị trường bảo hiểm ở Việt Nam vô cùng vất vả do bán hàng trực tiếp quá nhiều. Khi sang Hàn Quốc tham khảo, doanh thu qua bán hàng online và đối tác của họ chiếm đến 40%. Vì vậy, tôi rất tâm huyết để xây dựng môi trường bảo hiểm trực tuyến. Chắc chắn trong thời gian tới, chúng tôi sẽ xây dựng và triển khai công ty bảo hiểm thời đại số là kênh trọng yếu” – Tổng Giám đốc PTI Bùi Xuân Thu chia sẻ.

Nghĩ là làm, năm 2014, PTI đã tiên phong trong cuộc cách mạng áp dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động kinh doanh. Theo đó, tại PTI, các thông tin yêu cầu của khách được ghi nhận, xử lý và đồng bộ hóa tức thì trên toàn bộ hệ thống thông qua phần mềm quản lý nghiệp vụ. Ngoài ra, để tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng trong việc tìm hiểu, tra cứu thông tin cũng như lựa chọn sản phẩm bảo hiểm phù hợp, PTI đã phát triển một loạt các cổng thông tin như website thông tin www.pti.com.vn và bán hàng trực tuyến tại www.epti.vn. Khách hàng hoàn toàn có thể tự động tìm hiểu, giao dịch hoàn tất các thủ tục trên internet một cách nhanh chóng, dễ dàng. PTI cũng đang áp dụng thành công phần mềm quản lý giúp nhanh chóng xác định được vị trí giám định viên gần nhất để ra hỗ trợ khách hàng nhanh nhất.

Việc ứng dụng CNTT cũng giúp PTI cải thiện chất lượng dịch vụ đáng kể, tăng sự hài lòng của khách hàng, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, tăng tính chính xác và chuyên môn hóa công tác giám định bồi thường, kiểm soát tỷ lệ bồi thường. Đơn cử, khi một vụ va chạm xảy ra đối với xe ô tô, chỉ ít phút sau, giám định viên của PTI đã có mặt tại hiện trường để chụp ảnh, xác định tình trạng ban đầu. Tất cả những nội dung đó được gửi về trung tâm giám định bồi thường để xác nhận và đưa ra phương hướng xử lý ngay tại hiện trường.

Với nỗ lực này, sau 2 năm hoạt động, PTI trở thành DN dẫn đầu thị trường về bảo hiểm trực tuyến. PTI cũng là DN bảo hiểm tiên phong trong việc triển khai các dòng sản phẩm bảo hiểm vi mô với quyền lợi, điều kiện điều khoản được đóng gói theo thói quen mua hàng trên môi trường trực tuyến.

Tổng Giám đốc PTI Bùi Xuân Thu cho biết, dự kiến, PTI sẽ thành lập Công ty Bảo hiểm bưu điện Thời đại số. Đây là một bước hiện thực hóa việc ứng dụng công nghệ vào tối ưu hiệu quả bán hàng và hiệu suất quản trị tại PTI. “Thời gian tới, với sự hỗ trợ của cổ đông chiến lược là bảo hiểm DB – DN dẫn đầu thị trường bảo hiểm Hàn Quốc về ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào quản trị, PTI sẽ đưa vào ứng dụng nhiều công nghệ quản lý hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế” – ông Thu nhấn mạnh.

Bảo Việt tiếp tục nằm trong TOP 40 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2018

(BVH) – Tạp chí Forbes Việt Nam công bố danh sách 40 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2018, Tập đoàn Bảo Việt vinh dự khi đạt được danh hiệu này tiếp nối giải thưởng vừa qua của doanh nghiệp – TOP 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam năm 2018.

Theo danh sách TOP 40 thương hiệu công ty có giá trị nhất Việt Nam năm 2018 với tổng giá trị thương hiệu hơn 8,1 tỷ đô la Mỹ do Forbes Việt Nam công bố, Tập đoàn Bảo Việt tiếp tục được bình chọn trong Top 40 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam.

Để được bình chọn vào danh sách Top 40 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, Bảo Việt và các doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chí đánh giá toàn diện dựa trên đánh giá vai trò đóng góp của thương hiệu vào hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Sau khi lập danh sách các thương hiệu có doanh thu lớn trong các ngành mà thương hiệu đóng vai trò chủ đạo, Forbes Việt Nam tính toán thu nhập thương hiệu mang lại cho doanh nghiệp được xác định từ giá trị đóng góp của tài sản vô hình sau khi đã áp thuế thu nhập doanh nghiệp và phân bổ tùy theo mức độ đóng góp của thương hiệu trong từng ngành. Giá trị thương hiệu chung cuộc được xác định dựa trên chỉ số P/E (hệ số giữa giá thị trường và thu nhập ròng trên mỗi cổ phần mà thương hiệu mang lại) trung bình ngành.

Với định hướng phát triển bền vững, lấy khách hàng làm trung tâm để triển khai hiệu quả các giải pháp kinh doanh, Bảo Việt đã đạt được sự tăng trưởng bứt phá trong mọi mặt hoạt động với Tổng doanh thu hợp nhất đạt 20.790 tỷ đồng, tăng 37,8% trong 6 tháng đầu năm 2018. Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tính đến hết tháng 6 năm 2018, tổng doanh thu toàn thị trường bảo hiểm nhân thọ ước đạt 37.281 tỷ đồng, tăng 31%. Doanh thu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 22.230 tỷ đồng, tăng trưởng 12% so với cùng kỳ năm 2017. Bảo Việt tiếp tục dẫn đầu thị phần doanh thu phí trong cả hai lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ. Là doanh nghiệp với quy mô tài sản hàng đầu trên thị trường bảo hiểm, Bảo Việt đạt trên 100.000 tỷ đồng tại ngày 30/6/2018, tương đương hơn 4 tỷ USD, là nguồn lực để Bảo Việt tăng cường đầu tư trở lại nền kinh tế.

Sun Life Việt Nam ra mắt SUN – Hưu Trí Thanh Nhàn

(ĐTCK) – Sun Life Việt Nam vừa chính thức ra mắt sản phẩm bảo hiểm hưu trí SUN – Hưu Trí Thanh Nhàn, một giải pháp phúc lợi toàn diện và hiệu quả, giúp doanh nghiệp gia tăng bảo vệ tài chính cho người lao động để họ yên tâm gắn bó và phát triển cùng doanh nghiệp.

Theo ông Larry Madge, Tổng giám đốc Sun Life Việt Nam, sản phẩm này sẽ giúp doanh nghiệp tạo dựng Quỹ hưu trí tự nguyện cho người lao động, qua đó, tạo nguồn thu nhập bổ sung ổn định cho họ khi về hưu, tăng sự gắn kết giữa doanh nghiệp và người lao động, góp phần tạo động lực để họ an tâm cống hiến và đóng góp hiệu quả hơn cho doanh nghiệp.
Cụ thể với sản phẩm này người lao động sẽ có giải pháp hưu trí hiệu quả, bổ sung nguồn thu nhập đều đặn sau khi nghỉ hưu; Tăng cường bảo vệ tài chính trước các rủi ro trong cuộc sống như rủi ro tử vong hoặc thương tật toàn bộ và vĩnh viễn; được khấu trừ khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân lên đến 12 triệu đồng/năm…

Tính đến 31/7/2018, tổng tài sản quản lý của Quỹ hưu trí Sun Life Việt Nam tăng lên đến gần 1300 tỷ đồng và đang phục vụ cho hơn 60 Tập đoàn, Doanh nghiệp nhà nước, Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với gần 30.000 người lao động.

Fubon ra mắt sản phẩm bảo hiểm mới

(ĐTCK) – Ngày 24/8 vừa qua, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Fubon Việt Nam (Fubon Life Việt Nam) ra mắt sản phẩm bảo hiểm bảo vệ kết hợp tiết kiệm mới “Phúc Bảo Phát Lộc”.
Với “Phúc Bảo Phát Lộc”, khách hàng tham gia chỉ phải đóng phí bảo hiểm trong 5 năm đầu và được hưởng quyền lợi bảo vệ trong suốt thời gian còn lại của hợp đồng.

Theo ông Rick Chiang, Tổng giám đốc Fubon Life Việt Nam, khi tham gia bảo hiểm “Phúc Bảo Phát Lộc”, chỉ với 10.000 đồng mỗi ngày, người trụ cột gia đình có thể thảnh thơi hưởng lợi ích hai trong một, vừa tiết kiệm với lãi suất ưu việt, vừa tạo lập nguồn tài chính dự phòng bảo vệ gia đình trươc rủi ro tử vong, thương tật toàn bộ vĩnh viễn với nguồn tài chính lên tới 140% số tiền bảo hiểm, bảo vệ tương lai cho cả cha mẹ và các con với thời hạn bảo hiểm lên tới 20 năm và lên tới 85 tuổi.

Sản phẩm này còn có thể kết hợp với nhiều sản phẩm bảo hiểm tăng cường quyền lợi chi trả của Fubon Life Việt Nam như “Phúc Bảo Bổ Trợ Bệnh hiểm nghèo” giúp chuẩn bị nguồn tài chính chữa bệnh nếu không may mắc một trong 100 bệnh hiểm nghèo, chi trả gấp đôi khi mắc ung thư, đảm bảo cả cha mẹ và con trẻ đều có sẵn nguồn tài chính lên tới 2 tỷ đồng/người để chữa trị.

3. Nhịp đập thị trường

Ngành Bảo hiểm đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế đất nước

(TBTCVN) – Thời gian qua thị trường BH đã đạt mức tăng trưởng cao và ổn định, năng lực tài chính của các DNBH tiếp tục được nâng cao. Các DNBH cũng đã nâng cao công tác quản trị, điều hành; đa đạng hóa sản phẩm; chuyên nghiệp hóa kênh phân phối… Bên cạnh đó, công tác quản lý, giám sát BH ngày một nâng cao; hệ thống pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh BH ngày càng hoàn thiện. Theo đó, thị trường BH Việt Nam được coi là một trong các kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế; tổng số tiền các DNBH đầu tư trở lại nền kinh tế tăng trưởng bình quân 17,7%/năm.

Cụ thể, năm 2016, tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế của các DNBH ước đạt 186.572 tỷ đồng, tăng 16,49% so với năm 2015; năm 2017, các DNBH đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 251.639 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2016. Riêng 6 tháng đầu năm 2018, thị trường BH tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, các DNBH đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 277.384 tỷ đồng, tăng 27,47% so với cùng kỳ năm 2017.

Theo đại diện Cục Quản lý, giám sát BH, hoạt động đầu tư của các DNBH đảm bảo an toàn, hiệu quả. Cơ cấu đầu tư của các DNBH tập trung vào các tài sản có tính an toàn cao như trái phiếu chính phủ, tiền gửi ngân hàng (chiếm tỷ trọng trên 85%). Cụ thể năm 2016, riêng đầu tư vào trái phiếu chính phủ của các DNBH chiếm tỷ trọng 57,21%; năm 2017, đầu tư vào trái phiếu chính phủ chiếm tỷ trọng hơn 60% trong tỷ trọng danh mục đầu tư… Các DNBH cũng đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu DN, góp vốn vào DN khác, chiếm tỷ trọng 8%, các tài sản đầu tư còn lại (cho vay, kinh doanh bất động sản, ủy thác đầu tư và hoạt động khác, chiếm tỷ trọng không đáng kể 5%).

Bên cạnh hoạt động đầu tư, các DNBH luôn tích cực hỗ trợ, khẩn trương thực hiện bồi thường cho khách hàng khi không may xảy ra rủi ro.

Theo đó, năm 2016, tổng số tiền thực bồi thường và trả tiền BH của các DN ước đạt 25.872 tỷ đồng; năm 2017, tổng số tiền thực bồi thường và trả tiền BH ước đạt 31.325 tỷ đồng, tăng 22,2% so với năm 2016. 6 tháng đầu năm 2018, các DNBH chi trả quyền lợi BH ước đạt 16.322 tỷ đồng, tăng 22,43% so với cùng kỳ.

Việc giải quyết bồi thường, chi trả quyền lợi BH nhanh chóng đã giúp khách hàng kịp thời khắc phục khó khăn, góp phần ổn định cuộc sống và sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh – xã hội; đồng thời, thể hiện uy tín, tính chuyên nghiệp cũng như cam kết lâu dài của các DNBH nhằm mang lại lợi ích cao nhất cho khách hàng và cộng đồng.

Theo Chiến lược phát triển thị trường đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 193/QĐ-TTg, đến năm 2020, thị trường BH sẽ đạt được các chỉ tiêu phát triển như: tổng doanh thu ngành BH đạt 3% 4% GDP; quy mô các quỹ dự phòng nghiệp vụ BH nhằm đáp ứng nghĩa vụ chi bồi thường và trả tiền BH cho khách hàng tăng gấp 4,5 lần so với năm 2010; tổng nguồn vốn huy động cho nền kinh tế của các DNBH đến năm 2020 tăng gấp 3,5 lần so với năm 2010…

Để đảm bảo thị trường BH phát triển bền vững song vẫn đảm bảo quyền lợi của các DNBH cũng như quyền lợi của bên mua BH, cơ quan quản lý về BH cho biết, sẽ tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý. Theo đó, sẽ sớm sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh BH một cách tổng thể theo hướng hệ thống pháp luật mới sẽ có phạm vi điều chỉnh rộng hơn và đồng bộ hơn hoạt động kinh doanh BH trong mối liên kết với các mảng thị trường dịch vụ tài chính, đảm bảo thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế về dịch vụ BH; đánh giá kết quả thực hiện Luật Kinh doanh BH giai đoạn 2000 – 2017…

Bên cạnh đó, sẽ sớm ban hành những chính sách phù hợp khuyến khích các DN phát triển sản phẩm BH, đảm bảo đáp ứng nhu cầu BH đa dạng của mọi lĩnh vực kinh tế và tầng lớp dân cư; triển khai những chính sách ưu đãi phù hợp để hỗ trợ các DNBH phát triển các sản phẩm BH có ý nghĩa an sinh – xã hội và các sản phẩm BH có ý nghĩa lớn đối với nền kinh tế như BH vi mô, BH thiên tai, BH tài sản công… Đồng thời, đa dạng và chuyên nghiệp hóa các kênh phân phối BH; nâng cao chất lượng của đội ngũ đại lý BH; nghiên cứu để ban hành các quy định tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển các kênh phân phối mới như phân phối BH qua thương mại điện tử, qua mạng điện thoại di động…

Đồng thời, cơ quan quản lý sẽ xây dựng và ban hành các quy định về quản trị rủi ro DN, đặc biệt là các yêu cầu đối với hệ thống công nghệ thông tin và các chuẩn mực về ngành nghề quản trị điều hành, nhân lực, làm định hướng cho các DNBH nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị điều hành đạt chuẩn mực quốc tế, hoạt động hiệu quả, đảm bảo khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, góp phần tạo lập môi trường pháp lý đồng bộ, minh bạch hỗ trợ DNBH phát triển bền vững.

4. Tin đào tạo

Tổ chức Khóa đào tạo cơ bản về bảo hiểm phi nhân thọ cho cán bộ BIC

(IRT) – Tiếp theo khóa đào tạo cơ bản về bảo hiểm phi nhân thọ tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 14 đến 19 tháng 8 năm 2018, sáng ngày 21/8/2018, tại Thành phố Đà Nẵng, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo bảo hiểm tổ chức khai giảng khóa đào tạo cơ bản về bảo hiểm phi nhân thọ cho hơn 40 học viên là cán bộ của Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam khu vực miền Trung.

Trong 40 giờ đào tạo, khóa học trang bị cho các học viên những kiến thức liên quan tới lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ như: Tổng quan về bảo hiểm, Hợp đồng bảo hiểm; Bảo hiểm con người, bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm hàng hóa, bảo hiểm tàu thuyền, bảo hiểm tài sản, bảo hiểm kỹ thuật, bảo hiểm trách nhiệm.

Đây là khóa đào tạo được tổ chức theo nhu cầu riêng của doanh nghiệp bên cạnh các khóa đào tạo chung cho toàn thị trường đã liên tục được tổ chức hằng tháng tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tiếp theo khóa đào tạo này, Trung tâm tiếp tục tổ chức một lớp tại Hà Nội cho các cán bộ BIC khu vực phía Bắc.

5. Tin quốc tế

AIA tăng 17% doanh thu khai thác mới

(IAN) – Giá trị khai thác mới (VONB) công ty bảo hiểm nhân thọ AIA trong sáu tháng đầu năm 2018 đã tăng 17% lên 1,95 tỷ USD từ 1,61 tỷ USD cùng kỳ năm trước.

Sự gia tăng của VONB là do AIA bán được nhiều sản phẩm bảo hiểm có lợi nhuận cao hơn, đặc biệt là tại các thị trường chính Trung Quốc và Hồng Kông.

AIA cho biết, gần một thế kỷ sau khi được thành lập tại Thượng Hải, hiện nay công ty đã có sự hiện diện tại ít nhất 18 thị trường trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Phần lớn doanh thu khai thác mới đến từ Hồng Kông, nơi công ty đặt trụ sở

China Life tăng trưởng lợi nhuận 34%

(IAN) – Sáu tháng đầu năm, lợi nhuận của China Life, công ty bảo hiểm lớn thứ hai ở Trung Quốc về giá trị thị trường, đã tăng 34% nhờ sự tăng trưởng mạnh của các nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe.

Cụ thể, lợi nhuận trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6 đạt 16,42 tỷ Tệ (2,39 tỷ USD), tăng từ mức 12,24 tỷ Tệ cùng kỳ năm trước.

Tổng tài sản của hãng cũng đã vượt qua con số 3 nghìn tỷ Tệ lần đầu tiên trong cùng thời kỳ.
Tổng doanh thu phí của hãng đạt 348,99 tỷ Tệ, so với 336,27 tỷ Tệ 6 tháng đầu năm 2017.

Kết quả hoạt động khả quan trong thời gian gần đây cho thấy, giống như một số công ty bảo hiểm lớn, China Life đang tận dụng lợi thế của chính phủ trong việc xử lý mạnh tay tình trạng sử dụng quá mức đòn bẩy tại các công ty bảo hiểm nhỏ hơn.

MetLife bổ nhiệm Giám đốc châu Á

(IAN) – MetLife đã bổ nhiệm ông Kishore Ponnavolu, Giám đốc bảo hiểm ô tô và gia đình của MetLife tại Hoa Kỳ, làm Giám đốc Châu Á. Quyết định có hiệu lực từ ngày 1 tháng 9 năm 2018.

Ông Kishore Ponnavolu sẽ làm việc tại Hồng Kông, tham gia Ban điều hành của công ty và báo cáo lên Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Steven Kandarian. Ông sẽ trực tiếp phụ trách Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và LumenLab, trung tâm đổi mới của MetLife châu Á.

Ông Kandarian nhận xét: “Ông Ponnavolu có bề dày kinh nghiệm về sự lãnh đạo chuyển đổi thu hút khách hàng, thúc đẩy nhân viên và thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận”.

“Những kỹ năng có khả năng chuyển giao cao này khiến cho ông Ponnavolu trở thành nhà lãnh đạo phù hợp cho hoạt động kinh doanh lớn mạnh và đang phát triển ở châu Á của chúng tôi, và tôi tin rằng ông ấy sẽ thúc đẩy nhằm đạt được thành công cao hơn”.

Bên cạnh đó, MetLife đã bổ nhiệm bà Rebecca Tadikonda, Giám đốc chiến lược, giữ chức Giám đốc các thị trường tăng trưởng chiến lược, châu Á. Quyết định có hiệu lực từ ngày 1/9. Bà sẽ báo cáo lên ông Ponnavolu và làm việc tại Singapore.

Bà sẽ chịu trách nhiệm quản lý hoạt động kinh doanh tại các nước Bangladesh, Trung Quốc, Hồng Kông, Ấn Độ, Malaysia, Nepal và Việt Nam.

Ngoài các nhiệm vụ mới của mình, bà Tadikonda sẽ vẫn là Giám đốc chiến lược cho đến khi tìm được người thay thế.

Đài Loan điều chỉnh quy định về niêm yết cổ phiếu doanh nghiệp bảo hiểm

(IAN) – Ủy ban Giám sát Tài chính của Đài Loan (FSC) vừa đưa ra giới hạn, không cho phép doanh nghiệp bảo hiểm phân bổ hơn 10% vốn đầu tư vào bất động sản.

Động thái này là một phần của các tiêu chuẩn về điều kiện niêm yết cổ phiếu của các cơ quan quản lý tài chính được sửa đổi cho doanh nghiệp bảo hiểm.

Việc phê duyệt sẽ được dựa trên lợi nhuận, khả năng thanh toán và thanh khoản của công ty bảo hiểm, cũng như hồ sơ theo dõi tuân thủ quy định của công ty bảo hiểm.

FSC cho biết họ đã sửa đổi các tiêu chí đủ điều kiện niêm yết chứng khoán cho các doanh nghiệp bảo hiểm để thiết lập một bộ quy tắc chuẩn hóa sẽ cung cấp cho tất cả các ứng viên một lộ trình minh bạch và nhất quán về việc niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Đài Loan và Sở giao dịch Đài Bắc.

Ngoài ra, FSC cho biết các ứng viên có liên quan đến tranh chấp lao động lớn sẽ không được chấp thuận cho niêm yết.
Đối với những ứng viên nộp đơn niêm yết lên TWSE hoặc TPEX, lợi nhuận một lần từ việc bán bất động sản hoặc trái phiếu sẽ được khấu trừ khi đánh giá lợi nhuận.

Allianz PNB Life sẽ kinh doanh bảo hiểm vi mô tại Philippines

(IAN) – Allianz PNB Life Insurance đang có kế hoạch chuyển sang kinh doanh bảo hiểm vi mô tại Philippines.
Trong một cuộc họp báo gần đây, Giám đốc tài chính Allianz PNB, ông Efren Caringal, cho biết liên doanh Allianz và Ngân hàng Quốc gia Philippine (PNB) đang dự định ra mắt một số sản phẩm vi mô trong nước.

Mục tiêu của liên doanh là hướng tới thu hẹp khoảng cách bảo vệ bằng cách cung cấp bảo hiểm cho khách hàng trước các rủi ro tổn thất tài sản.

Phát biểu tại một sự kiện ở thành phố Makati ở Philippines tuần trước, ông Caringal cho biết Allianz là một trong những công ty lớn nhất thế giới về bảo hiểm vi mô, đặc biệt tại các thị trường như Indonesia và Ấn Độ. Ông cho biết, hãng đang hướng tới đạt được những thành công đó tại Philippines.

Aon gợi ý kế hoạch 3 điểm cho AI

(INN) – Theo Aon, hiểu được trí thông minh nhân tạo (AI), tách công nghệ khỏi sự cường điệu và phát triển các ứng dụng thực tế là chìa khóa để thực hiện thành công.

Ông Paul Eaton, Giám đốc Marketing bộ phận phân tích kinh doanh giải pháp tái bảo hiểm, cho biết kế hoạch ba điểm sẽ giúp các công ty bảo hiểm có được lợi ích tốt nhất từ AI.

Ông nói rằng hoạt động kinh doanh bảo hiểm nặng về sở hữu trí tuệ, công nghệ và dữ liệu – đầu vào cần thiết của AI.
“AI đang đói dữ liệu… nhưng cũng đói cả các hệ thống có thể được tự động hóa và các vấn đề phân loại độc quyền có thể được cải thiện. Điều đó đặt bảo hiểm vào đúng mục tiêu của trí thông minh nhân tạo và lời hứa về khả năng chuyển đổi của AI”.

Nhật Bản: Lũ lụt gây tổn thất bảo hiểm tới 4 tỷ USD

(INN) – Theo AIR Worldwide, tổn thất thuộc phạm vi bảo hiểm từ lũ lụt ở Nhật Bản vào tháng trước có thể lên đến 4 tỷ USD.

Đây là đợt lũ lụt tồi tệ nhất trong hơn 30 năm, với những trận mưa lớn ở phía tây và nam trung tâm.
Đã có ít nhất 200 người đã thiệt mạng trong thảm họa tự nhiên nguy hiểm nhất của đất nước kể từ trận động đất và sóng thần năm 2011.

Ước tính của Modeller AIR bao gồm thiệt hại về tài sản, xe cộ, nhưng không tính đến tổn thất ở các lĩnh vực khác như đất đai, cơ sở hạ tầng và gián đoạn kinh doanh.

Italy: thảm họa cầu sập gây tổn thất bảo hiểm 600 triệu Euro

(INN) – Theo các nhà phân tích của JP Morgan, thảm họa cầu đường cao tốc Genoa tại Ý có thể khiến các công ty bảo hiểm phải chịu tổn thất lên đến 600 triệu Euro (950 triệu USD).

Kịch bản tốt nhất của họ gây thiệt hại ở mức tối thiểu 400 triệu Euro ($ 633 triệu USD), trong đó chủ yếu là thiệt hại bảo hiểm tài sản và gián đoạn kinh doanh.

JP Morgan cho biết, Talanx, Allianz và Swiss Re là 3 trong số các công ty bảo hiểm liên quan.
Swiss Re phải đối mặt với yêu cầu bồi thường trị giá 70 triệu Euro (111 triệu USD), Allianz 50 triệu Euro (79 triệu USD) và Talanx 20 triệu Euro (31,7 triệu USD).

Cây cầu sụp đổ vào ngày 14 tháng 8 và giết chết hơn 40 người.

BTV (Tổng hợp).