TIÊU ĐIỂM TUẦN 32 NĂM 2015

Sumitomo Life mua lại Symetra, Hoa Kỳ; Marsh thâu tóm Dovetail Insurance; Bảo hiểm nhân thọ Việt Nam có thêm tân binh

I. Tin trong nước

1. Tin bồi thường, tổn thất

Liberty bảo hiểm cho xe Ford Ranger bị rơi xuống suối

(ĐTCK) – Tin từ bảo hiểm Liberty cho biết, trong thời gian xảy ra cơn lũ lịch sử tại miền Bắc vừa qua, Bảo hiểm Liberty đã đảm bảo việc tiếp nhận các cuộc gọi yêu cầu hỗ trợ cứu hộ và thông báo tổn thất liên tục 24/24 nhằm phục vụ kịp thời cho khách hàng.

Liberty đã kịp thời cử xe đến cứu hộ cho rất nhiều khách hàng, mặc dù các đối tác cứu hộ của công ty đều phải làm việc trong tình trạng quá tải. Bên cạnh đó, Liberty còn chủ động nhắn tin cho toàn bộ khách hàng ở khu vực phía Bắc để hướng dẫn cách bảo vệ xe trong trường hợp nước ngập.

Riêng tại khu vực Quảng Ninh, Bảo hiểm Liberty đã gọi điện thoại cho gần 600 chủ xe ô tô là khách hàng của Công ty để thăm hỏi, tìm hiểu thông tin về tổn thất của khách hàng và ghi nhận thêm 20 vụ tổn thất ngoài 23 tổn thất đã được khách hàng báo trước đó.

Tổng thiệt hại ước tính khoảng trên 1 tỉ đồng, trong đó nặng nhất là trường hợp một chiếc xe Ford Ranger của khách hàng bị rơi xuống suối.

Hiện đội ngũ dịch vụ khách hàng của Liberty đang tích cực làm việc với các garage nhằm đảo bảo tất cả các khách hàng bị thiệt hại đều được chăm sóc kịp thời.

VietinAviva chi trả quyền lợi bảo hiểm nhân thọ

(ĐTCK) – Vừa qua, tại văn phòng Ngân hàng Công thương Việt Nam chi nhánh Nhị Chiểu, Hải Dương, Công ty Bảo hiểm nhân thọ VietinBank Aviva (VietinAviva) vừa tổ chức buổi lễ chi trả quyền lợi bảo hiểm cho gia đình anh Nguyễn Văn Lâm trú tại khu 1 – Tử Lạc – Thị trấn Minh Tân – huyện Kinh Môn – tỉnh Hải Dương.

Anh Lâm tham gia sản phẩm bảo hiểm Phát Lộc Thành Tài của VietinAviva với mức phí 17 triệu đồng/năm vào tháng 01/2013. Không may đến tháng 06/2015, anh Lâm qua đời do căn bệnh ung thư. Chưa đầy một tuần sau khi nhận được giấy yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm của gia đình anh, VietinAviva đã hoàn tất quá trình xác minh hồ sơ và  đưa ra Thông báo Chi trả quyền lợi bảo hiểm cho gia đình anh Lâm với tổng trị giá 114.490.000 đồng.

Trên thực tế, bảo hiểm nhân thọ ngoài việc là công cụ tích lũy, đầu tư thì ưu việt lớn nhất chính là sự bảo vệ cho chủ hợp đồng và gia đình của họ.

Chị Vũ Thị Tuyết, vợ anh Lâm chia sẻ tại buổi Lễ chi trả: “Số tiền đó không thể so sánh với mất mát nhưng có ý nghĩa rất lớn đối với gia đình tôi. Đó là tấm lòng mà chồng tôi gửi gắm cho vợ và các con và là nguồn hỗ trợ tài chính ý nghĩa giúp tôi có một khoản tiền chi trả cho việc học tập của các cháu”.

Chị Tuyết cũng đang tham gia hai hợp đồng bảo hiểm tại VietinAviva từ tháng 11/2013 và tháng 07/2015.

Chỉ hơn 1% tổng thiệt hại do mưa lũ tại miền Bắc được bồi thường

(TBTCO) – 36,5 tỷ đồng tiền bồi thường ước tính so với con số hàng nghìn tỷ đồng thiệt hại từ những tài sản, công trình, hàng hoá… bị tổn thất trong đợt mưa lũ nhưng nằm ngoài phạm vi bảo hiểm, cho thấy sự cần thiết phải tham gia bảo hiểm để có nguồn tài chính khắc phục thiệt hại sau thiên tai.

Theo số liệu cập nhật từ UBND tỉnh Quảng Ninh, đợt mưa lũ lịch sử từ ngày 27/7 đến ngày 4/8 đã khiến địa phương này thiệt hại hơn 2.700 tỷ đồng, trong đó, số thiệt hại từ công ty than có thể vượt 1.200 tỷ đồng.

Báo cáo từ tỉnh Lạng Sơn cho biết, đợt mưa lũ vừa qua khiến 154 ngôi nhà bị ngập, 35 nhà bị sập, hư hỏng do sạt lở đất, đá. Ngập cục bộ khoảng 1.500ha lúa, trên 340ha rau màu bị ngập cục bộ. Một số gia súc, gia cầm, thủy sản bị nước cuốn trôi, 12 công trình thủy lợi bị hư hỏng…, thiệt hại ước tính toàn tỉnh là 120 tỷ đồng.

Còn theo Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai-tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Kạn, trong đợt mưa lũ từ ngày 27/7 đến ngày 4/8, tổng thiệt hại về nhà cửa, hoa màu, các công trình thủy lợi, giao thông… tại tất cả các huyện, thị trong tỉnh là gần 26 tỷ đồng.

Tại Thanh Hóa, mưa lũ đã làm sập hoàn toàn 3 ngôi nhà ở xã Trung Thành; 12 nhà dân thuộc xã Phú Lệ bị ngập; hàng chục ngôi nhà ven Sông Mã ở xã Trung Thành, Trung Sơn, Thành Sơn, Phú Sơn, Phú Lệ, Thanh Xuân, Phú Xuân, thị trấn Quan Hóa bị ngập nước và hư hỏng nặng. Mưa lũ trên sông Mã làm ngập nhiều cây cầu, nhiều đoạn đường trên tuyến quốc lộ 15A, một số đoạn đường ở thị trấn Quan Hóa, bản Ban và xã Hồi Xuân. Con số thiệt hại ước hàng chục tỷ đồng.

Các tỉnh Thái Bình, Lai Châu, Bắc Giang… cũng bị thiệt hại sau trận mưa lũ vừa qua.

Con số thiệt hại do mưa lũ lên đến hàng nghìn tỷ đồng, báo cáo từ Cục QLGSBH cho biết theo ước tính sơ bộ ban đầu, tính đến ngày 7/8/2015, tổng số tiền bồi thường thuộc phạm vi bảo hiểm sau đợt mưa lũ là 36,5 tỷ đồng.

Lãnh đạo Cục QLGSBH cũng cho biết, đang tiếp tục cập nhật số liệu, đôn đốc các doanh nghiệp bảo hiểm khẩn trương bồi thường bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm và báo cáo Cục QLGSBH, Bộ Tài chính kịp thời tình hình giải quyết bồi thường.

2. Một vòng doanh nghiệp

Bảo hiểm nhân thọ Việt Nam có thêm tân binh

(ĐTCK) – Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Tập đoàn Bảo hiểm Ageas (AGEAS, của Vương quốc Bỉ) và Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Muang Thai (MTL, của Thái Lan) vừa chính thức ký kết hợp đồng liên doanh thành lập một công ty bảo hiểm doanh mang tên Liên doanh Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas Life.

Công ty này dự kiến ưu tiên cung cấp các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ trên toàn hệ thống phân phối của MB. Liên doanh MB AGEAS Life được kỳ vọng sẽ phát triển thành công ty bảo hiểm nhân thọ nằm trong Top đầu thị trường về hoạt động bảo hiểm liên kết qua ngân hàng (bancasurance) tại Việt Nam.

Được biết, Ageas là tập đoàn bảo hiểm quốc tế hàng đầu của Vương quốc Bỉ với 190 năm phát triển, hoạt động rộng tại 12 quốc gia.

MTL là công ty bảo hiểm nhân thọ có vốn đầu tư của AGEAS tại thị trường Thái Lan. Tại Thái Lan, hiện tại MTL là nhà bảo hiểm đứng thứ 2 trên thị trường và dẫn đầu thị trường về doanh số bancasurance từ năm 2013, với tăng trưởng bình quân đạt 31%.

LVI khai trương chi nhánh Nam Lào

(BIC) – Ngày 1/8/2015, tại Champasak (Lào), Công ty Liên doanh Bảo hiểm Lào Việt (LVI) đã long trọng tổ chức Lễ khai trương chi nhánh LVI Nam Lào.

Tham dự và chứng kiến buổi lễ có Ông Đào Văn Hiếu, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Champasak; Ông Nguyễn Nam Cường, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Savanakhet, Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Ngoại thương Lào (BCEL), Ngân hàng Liên doanh Lào Việt (LVB); Đại diện lãnh đạo các khách hàng thân thiết của LVI như Tập đoàn Đào Hương, Lao Airlines… cùng toàn thể Ban Tổng Giám đốc LVI, Ban lãnh đạo và cán bộ nhân viên của LVI Nam Lào.

Phát biểu tại buổi lễ, Ông Đoàn Văn Hiếu, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Champasak, đánh giá cao những kết quả hoạt động của LVI trong những năm qua khi khẳng định được thương hiệu tại thị trường bảo hiểm Lào và là một trong 2 công ty bảo hiểm có thị phần lớn nhất tại thị trường này. Sự thành công của LVI đã góp phần vào sự lớn mạnh của cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào, qua đó, tạo động lực để các doanh nghiệp nước nhà tiếp tục nghiên cứu, đầu tư sang thị trường này.

Theo Ông Phạm Đức Hậu, Tổng Giám đốc LVI, LVI hiện là một trong những công ty bảo hiểm lớn và kinh doanh hiệu quả nhất tại thị trường Lào. 7 tháng đầu năm 2015, tổng doanh thu phí bảo hiểm của LVI đạt 7,124 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2014. Lợi nhuận trước thuế đạt 1,377 triệu USD, tăng 37%. Năm 2015, LVI phấn đấu đạt 14,5 triệu USD doanh thu thu phí bảo hiểm, tăng 26% so với năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế ở mức 1,6 triệu USD, tăng trưởng 17%. Với việc thành lập chi nhánh LVI Nam Lào, LVI đã trở thành công ty bảo hiểm đầu tiên tại Lào mở chi nhánh trực thuộc. Đây sẽ là cơ sở để LVI đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, mang tới cho khách hàng các dịch vụ tiện lợi và kịp thời nhất. Năm 2015, chi nhánh LVI Nam Lào đặt mục tiêu đạt 1,76 triệu USD doanh thu phí bảo hiểm.

Tại buổi lễ, LVI cũng đã trao các quyết định bổ nhiệm nhân sự quan trọng cho chi nhánh LVI Nam Lào. Theo đó, Ông Trần Văn Soái, Trưởng Phòng Kinh doanh 2 – BIC Đông Đô, được bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Chi nhánh LVI Nam Lào; Ông Võ Tấn Duy Minh, Trưởng Phòng Kinh doanh 3 LVI, được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc Chi nhánh LVI Nam Lào.

Cũng trong buổi lễ khai trương, Chi nhánh LVI Nam Lào cũng đã ký kết các hợp đồng bảo hiểm đầu tiên với các khách hàng: Tập đoàn Đào Hương (Hợp đồng bảo hiểm tài sản nhà máy chế biến cà phê trị giá 115 triệu USD), Douangdy Construction Bridge and Road Co, LTD (Hợp đồng bảo hiểm xây dựng đường 16 trị giá 16 triệu USD), Hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Chi nhánh LVI Nam Lào và Ngân hàng SHB Champasak.

PJICO sẽ đẩy mạnh bán hàng qua Petrolimex

(ĐTCK) – Tổng CTCP Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) vừa tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2015.

Theo đó, 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu bảo hiểm gốc ước đạt 1.087,2 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2014; bồi thường bảo hiểm gốc ước 385,3 tỷ đồng, chiếm 35,4% doanh thu bảo hiểm gốc và tương đương với 6 tháng đầu năm 2014.

Chi phí quản lý bán hàng 6 tháng đầu năm 2015 của PJICO ước giảm 2% so với cùng kỳ năm 2014, tương đương 15 tỷ đồng, trong khi doanh thu tăng 69 tỷ đồng cho thấy kết quả khả quan của công tác kiểm soát chi phí. Công tác thực hành tiết kiệm toàn PJICO cũng cho thấy kết quả tích cực khi các khoản chi văn phòng phẩm, công tác phí, điện thoại… giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2015 ước đạt 65 tỷ đồng, tăng 24% so với 6 tháng đầu năm 2014.

Từ nay đến cuối năm, PJICO sẽ đẩy mạnh bán hàng qua hệ thống các cửa hàng xăng dầu Petrolimex; nâng cao chất lượng dịch vụ bảo hiểm ô tô; nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý tài chính, quản lý kinh doanh theo hướng bền vững, an toàn.

3. Quản lý thị trường bảo hiểm

Bảo hiểm bắt buộc xây dựng: Bảo vệ công trình trước mọi rủi ro

(TBTCVN) – Ngày 7/8 tại Hải Phòng, Vụ Pháp chế phối hợp với Cục QLGSBH (Bộ Tài chính) tổ chức Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định chi tiết về bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Trước năm 2007, quy tắc, điều khoản, biểu phí về bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng được thực hiện theo Quyết định số 14/2007/QĐ-BTC ngày 16/1/2004 và Quyết định số 33/2004/QĐ-BTC ngày 12/4/2004 của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, từ năm 2007, theo Nghị định số 45/2007/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm, Bộ Tài chính chỉ ban hành quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với các loại hình bảo hiểm bắt buộc. Theo đó, bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng không phải là bảo hiểm bắt buộc, các DNBH được chủ động triển khai quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm. Bộ Tài chính cũng bãi bỏ các quyết định trước đó.

Báo cáo từ các DNBH cho thấy, trong giai đoạn 1994-2014, doanh thu phí bảo hiểm xây dựng tăng bình quân 12%/năm, đạt 2.300 tỷ đồng vào năm 2014. Trung bình hàng năm các DNBH bồi thường khoảng 700 tỷ đồng, góp phần giúp các chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn, thi công chủ động khắc phục hậu quả thiệt hại, đảm bảo tiến độ công trình.

Tuy nhiên, cũng theo đại diện các DNBH, việc không ban hành quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng đã dẫn đến một số tồn tại, hạn chế. Theo đó, nhiều chủ đầu tư chưa chú trọng việc mua bảo hiểm hoặc mua bảo hiểm dưới giá trị và khi xảy ra tổn thất, DNBH chỉ bồi thường trong phạm vi trách nhiệm bảo hiểm mà chủ đầu tư tham gia bảo hiểm. Đối với phần thiệt hại mà chủ đầu tư không mua bảo hiểm, chủ đầu tư phải tự khắc phục thiệt hại.

Việc không ban hành quy định bảo hiểm bắt buộc trong xây dựng cũng dẫn đến việc quy tắc, điều khoản, biểu phí tối thiểu của sản phẩm bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng chưa thống nhất; chưa có quy định về điều kiện triển khai bảo hiểm (điều kiện đối với DNBH, DN nhận tái bảo hiểm, mức giữ lại) nên mức giữ lại của các DNBH thấp. Đặc biệt, tính hợp tác giữa các DNBH còn hạn chế, mức thu hoa hồng nhượng tái bảo hiểm không đủ bù đắp chi phí khai thác; DNBH gốc và DN nhận tái bảo hiểm không đủ năng lực tài chính khi nhận bảo hiểm các công trình có giá trị xây dựng lớn…

Các tồn tại hạn chế này đã ảnh hưởng đến an toàn tài chính của DNBH, tính kịp thời trong công tác bồi thường bảo hiểm và hiệu quả hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Bên cạnh đó, việc chưa quy định mức trách nhiệm bảo hiểm đối với người lao động, dẫn đến nhà thầu thi công mua mức trách nhiệm thấp và khi người lao động gặp rủi ro trong quá trình thi công, việc bồi thường theo trách nhiệm bảo hiểm chưa đủ để bù đắp chi phí y tế tối thiểu và mất thu nhập của người lao động. Vì vậy, chưa tạo được sự an toàn cho các nhà đầu tư, nhà thầu tư vấn, thi công và người lao động khi tham gia hoạt động đầu tư xây dựng; thiếu quy định pháp lý làm căn cứ để lập dự toán về phí bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng…

Điều 9, Luật xây dựng 2014 có nêu: Bảo hiểm xây dựng là bảo hiểm bắt buộc; đồng thời điều 8 Luật kinh doanh bảo hiểm cũng đã quy định về bảo hiểm bắt buộc.

Dự thảo Nghị định cũng quy định trách nhiệm mua bảo hiểm như: Chủ đầu tư phải mua bảo hiểm công trình quốc gia, công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp do Thủ tướng Chính phủ quyết định hàng năm; công trình có vốn nhà nước… Đối với nhà thầu tư vấn phải mua bảo hiểm trách nhiệm tư vấn; đối với nhà thầu thi công phải mua bảo hiểm đối với người lao động…

Phát biểu tại Hội thảo, đại diện Bảo hiểm Bảo Việt cho rằng, Điều 7 quy định vốn chủ sở hữu của DNBH triển khai bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng tối thiểu là 500 tỷ đồng sẽ khó cho DNBH nhỏ muốn tham gia, nên quy định DNBH có vốn pháp định theo quy định (300 tỷ đồng) có thể triển khai bảo hiểm bắt buộc xây dựng. Vị đại diện cũng đề xuất dự thảo cần quy định rõ thời hạn bảo hiểm, chính là thời hạn bảo hiểm cụ thể theo tiến độ được phê duyệt, nếu kéo dài, DNBH được tự thỏa thuận với khách hàng và có thể yêu cầu thêm phí, vì kéo dài thời gian có thể gia tăng rủi ro cho DNBH.

Đại diện VINARE đề xuất dự thảo cần quy định bảo hiểm trách nhiệm đối với người thứ 3.

Còn đại diện lãnh đạo PVI đề xuất, cần bổ sung vào dự thảo quy định mua bảo hiểm cho quá trình vận chuyển hàng hóa và máy móc thiết bị bởi nhiều dự án lớn phải nhập máy móc giá trị lớn, nếu rủi ro xảy ra sẽ ảnh hưởng đến năng lực của chủ đầu tư, ảnh hưởng đến tiến độ công trình…

Đại diện Bảo hiểm Bảo Minh cho biết, Điều 10 có quy định, bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường: Số tiền bồi thường tối thiểu là 100 triệu đồng/ người/ vụ. Ông đề xuất, mức bồi thường cần căn cứ theo Luật lao động thì phù hợp hơn…

Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đề xuất cần quy định vào dự thảo: Hàng năm công bố danh sách DNBH được phép triển khai bảo hiểm bắt buộc xây dựng, đảm bảo tính minh bạch, tạo điều kiện cho DN tiếp cận dự án…

Phát biểu kết thúc Hội thảo, ông Nguyễn Quang Huyền, Phó Cục trưởng Cục QLGSBH cho biết, sẽ ghi nhận, tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu, các DNBH và sẽ thực hiện đúng trình tự thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật (xin ý kiến của các bộ, ngành, DNBH, chủ đầu tư, nhà thầu…), hoàn thiện dự thảo sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định.

4. Bảo hiểm với cộng đồng

BSH chia sẻ khó khăn với đồng bào vùng lũ tỉnh Quảng Ninh

(ĐTCK) – Hướng tới đồng bào đang gặp khó khăn vì mưa lũ tại các tỉnh miền Bắc với tâm điểm là Quảng Ninh, ngày 5/8, Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH) đã tổ chức trao quà cứu trợ cho người dân chịu nhiều thiệt hại tại hai thành phố Hạ Long và Cẩm Phả (Quảng Ninh).

Trước đó, BSH đã phát động chương trình quyên góp ủng hộ nhân dân tỉnh Quảng Ninh tới toàn thể cán bộ nhân viên. Chỉ sau hơn 1 ngày phát động, số tiền ủng hộ thu được là hơn 200 triệu đồng.

Đoàn công tác của BSH đã đi tới những nơi chịu thiệt hại nặng nề về người và tài sản sau trận mưa lũ tại tỉnh Quảng Ninh, trực tiếp trao 15 suất quà cho 15 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất quà gồm 2 triệu đồng tiền mặt cùng 10 kg gạo và một số loại thuốc y tế ngăn ngừa dịch bệnh.

Bảo hiểm Bảo Long ủng hộ người dân Quảng Ninh chịu mưa lũ

(ĐTCK) – Tổng CTCP Bảo hiểm Bảo Long (Bảo hiểm Bảo Long) đã phát động toàn thể cán bộ nhân viên trên toàn quốc quyên góp, ủng hộ nhằm chia sẻ những khó khăn với người dân Quảng Ninh do đợt mưa lũ kéo dài gây ra.

Số tiền quyên góp tới thời điểm hiện tại là 62 triệu đồng. Phong trào phát động bắt đầu từ ngày 30/7/15 và kéo dài đến hết ngày 7/8/15.

Ngay sau khi phong trào kết thúc, Tổng công ty sẽ cử người đại diện trực tiếp tới Quảng Ninh để trao toàn bộ số tiền quyên góp được tới tận tay những đồng bào thiếu may mắn.

Hưởng ứng tinh thần chung mà Tổng công ty phát động, riêng Bảo Long Quảng Ninh đã tiến hành quyên góp ủng hộ 10 triệu đồng và 100 bộ áo mưa. Toàn bộ số tiền và hiện vật quyên góp được Công ty chuyển qua Qũy Xã hội từ thiện Báo Quảng Ninh để gửi đến người dân.

Đây là một hoạt động thể hiện rõ tinh thần tương thân tương ái, tấm lòng nghĩa tình của Bảo Long đối với người dân đang gặp nạn.

5. Tin đào tạo

Khai giảng Khóa đào tạo Y khoa trong Bảo hiểm Nhân thọ tại Hà Nội

 

(IRT) – Ngày 10/8/2015, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Bảo hiểm (Trung tâm) đã khai giảng khóa đào tạo Y khoa trong bảo hiểm Nhân thọ cho đối tượng học viên là các cán bộ công tác tại bộ phận giải quyết quyền lợi bảo hiểm trong DNBH Nhân thọ.

Với thời lượng đào tạo 5 ngày (từ 10-14/8/2015), các giảng viên đã truyền đạt các vấn đề liên quan đến giải quyết quyền lợi bảo hiểm, trục lợi bảo hiểm và nguyên tắc giải quyết tranh chấp, v.v…

Đây là khóa đào tạo đầu tiên liên quan đến lĩnh vực Nhân thọ, dự kiến Trung tâm sẽ tổ chức khóa đào tạo tương tự tại thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 9/2015.

II. Tin quốc tế

Đồng USD mạnh lên làm giảm lợi nhuận của Marsh & McLennan

(Insurancenews) – Thu nhập thuần của Marsh & McLennan trong 6 tháng đầu năm giảm 2,7%, xuống còn 419 triệu USD, nguyên nhân chính là do đồng USD mạnh.

Trong quý II, doanh thu hợp nhất của Tập đoàn giảm 2%, đạt 3,2 tỷ USD.

Khối kinh doanh dịch vụ rủi ro và bảo hiểm, trong đó bao gồm công ty môi giới Marsh và công ty tái bảo hiểm chuyên biệt Guy Carpenter, ghi nhận tăng trưởng doanh thu 2%, lên mức 1,8 tỷ USD. Thu nhập hoạt động giảm 4,6% xuống còn 427 triệu USD.

Ông Dan Glaser, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn, nói: “Mặc dù phải đối mặt với những bất lợi của nền kinh tế vĩ mô, chúng tôi vẫn đạt được kết quả tốt trong 6 tháng đầu năm”.

Doanh thu chính của công ty tăng 3%, trong đó dịch vụ rủi ro và bảo hiểm tăng 2% và tư vấn tăng 4%.

Ông Glaser nói: “Chúng tôi đã thực hiện được các mục tiêu đề ra về tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận và thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) trong 6 tháng đầu năm”.

Đối với Marsh, doanh thu bảo hiểm và tái bảo hiểm quý II tăng 3% lên mức 1,5 tỷ USD. Khối quốc tế của Công ty đã đem lại 2% tăng trưởng doanh thu, trong đó Hoa Kỳ và Canada tăng 4%, Mỹ La tinh tăng 5%. Doanh thu khu vực châu Á-Thái Bình Dương không đổi.

Về phần Guy Carpenter, doanh thu bảo hiểm quý II giảm 2% còn 275 triệu USD.

Swiss Re tăng trưởng tốt trong 6 tháng

(Insurancenews) – Swiss Re vừa cho biết kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, theo đó lợi nhuận thuần tăng 11%, đạt 2,3 tỷ USD.

Trong 6 tháng, tái bảo hiểm tài sản và thiệt hại (P&C) là lĩnh vực kinh doanh chủ đạo, đem lại 1,3 tỷ USD lợi nhuận thuần. Tiếp theo là tái bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe với 495 triệu USD, Admin Re đạt 249 triệu USD và các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đạt 239 triệu USD lợi nhuận.

Tổng Giám đốc Tập đoàn, ông Michel Liès nói, kết quả trên “tiếp tục đóng góp vào chuỗi thành tích nhiều năm thực hiện tốt hoạt động kinh doanh bảo hiểm và đầu tư của Công ty” trong điều kiện “biến động” của thị trường vốn và môi trường kinh doanh bảo hiểm đầy thử thách.

“Mặc dù những bất ổn về tăng trưởng kinh tế vẫn tiếp diễn tại nhiều nơi trên thế giới – biểu hiện như mức lãi suất thấp lịch sử tiếp tục duy trì – song chúng tôi vẫn có thể đem lại kết quả đầu tư tốt nhằm bù đắp cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm”.

Lợi nhuận bảo hiểm P&C giảm so với mức 1,5 tỷ USD cùng kỳ năm trước. Mặc dù có ảnh hưởng tích cực từ tình trạng tổn thất thiên tai thấp nhưng kết quả này lại phải chịu tác động tiêu cực từ điều kiện thị trường định giá mềm và những thay đổi trong môi trường kinh doanh”.

Tỷ lệ kết hợp trong 6 tháng tăng lên 88,7% so với 86,1% cùng kỳ năm trước.

Doanh thu phí bảo hiểm gần như không đổi, đứng ở mức 7,3 tỷ USD.

Đối với Công ty Giải pháp doanh nghiệp Swiss Re, thu nhập thuần tăng trưởng 64% do hầu hết các sản phẩm đều sinh lời tốt.

Công ty này đang tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động tại Melbourne (Úc) và 8 địa điểm khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Công ty đã hoàn tất việc thâu tóm hãng bảo hiểm Sun Alliance vào tháng 5 và hiện nay đã được cấp phép kinh doanh tại Trung Quốc với tên gọi Công ty Bảo hiểm Giải pháp doanh nghiệp Swiss Re Trung Quốc.

Mùa tái tục tháng 7 vừa qua của Swiss Re với trọng tâm là các thị trường châu Mỹ, Úc và New Zealand đã đạt được thành công. Doanh thu tái tục các hợp đồng tái bảo hiểm cố định tăng trưởng 31%.

Ông Liès nói: “Mặc dù điều kiện thị trường có nhiều khó khăn song quan trọng là không được để mất tầm nhìn về các cơ hội kinh doanh hiện hữu.

Đáp ứng nhu cầu cao của thị trường đang ở mức bảo hiểm dưới giá trị như hiện nay là một cơ hội quan trọng cho ngành tái bảo hiểm đạt được mục tiêu tăng trưởng trong dài hạn”.

Marsh thâu tóm Dovetail Insurance vào Quý III/2015

(Propertycasualty360) – Thứ 5 tuần trước, hãng môi giới bảo hiểm toàn cầu Marsh cho biết đã đạt được thỏa thuận cuối cùng về thâu tóm nhà cung cấp dịch vụ công nghệ bảo hiểm Dovetail. Giao dịch dự kiến sẽ hoàn tất trong quý III/2015.

Dovetail có trụ sở tại Columbia, South Carolina, Hoa Kỳ. Nền tảng công nghệ đám mây bậc cao của Công ty cho phép các đại lý bảo hiểm độc lập tự xây dựng được các bản chào phí từ nhiều doanh nghiệp bảo hiểm khác nhau đồng thời thay mặt khách hàng của mình ký hợp đồng bảo hiểm theo thời gian thực.

Theo ông John Drzik, Giám đốc Rủi ro và Bảo hiểm chuyên biệt toàn cầu của Marsh: “Việc bổ sung Dovetail vào hệ thống Marsh là một phần trong chiến lược toàn cầu của chúng tôi nhằm mở rộng dịch vụ tới phân khúc khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ”.

“Thông qua việc kết hợp nền tảng công nghệ hiện đại của Dovetail với năng lực dẫn đầu thị trường của Marsh trong các lĩnh vực: dữ liệu, kênh phân phối và khả năng tiếp cận với nguồn vốn bảo hiểm, chúng tôi sẽ tạo lập nên cơ chế trung gian bảo hiểm trực tuyến đầy sáng tạo cho thị trường bảo hiểm thương mại quy mô nhỏ”.

Sau khi giao dịch này hoàn tất, toàn bộ nhân sự của Dovetail, gồm cả ban lãnh đạo, sẽ hợp nhất vào Marsh và thuộc Khối Rủi ro và Bảo hiểm chuyên biệt toàn cầu.

Tổng Giám đốc Dovetail, ông Steve Francis, nói: “Chúng tôi rất vui mừng được gia nhập Marsh nhằm tăng cường hơn nữa khả năng xâm nhập thị trường và cung cấp đa dạng hơn các loại hình sản phẩm cho doanh nghiệp vừa và nhỏ”.

MetLife bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Truyền thông khu vực châu Á 

(Insurance-business-review) – MetLife vừa thông báo tiếp nhận và bổ nhiệm bà Cindy Tang giữ chức Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Truyền thông khu vực châu Á.

Bà Cindy sẽ làm việc tại văn phòng MetLife khu vực châu Á tại Hồng Koong bắt đầu từ ngày 20/8/2015. Bà sẽ báo cáo lên ông Jeanmarie McFadden, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Truyền thông MetLife. Đồng thời, bà cũng sẽ trở thành thành viên Nhóm Lãnh đạo MetLife châu Á và phối hợp công việc chặt chẽ với ông Christopher Townsend, Giám đốc MetLife châu Á.

Trong vai trò này, bà Cindy sẽ đưa ra các định hướng chiến lược trong lĩnh vực truyền thông để hỗ trợ các nhà quản lý cấp cao của Công ty tại châu Á trong việc triển khai các chiến lược kinh doanh đầy tham vọng của MetLife trong khu vực. Bà đồng thời cũng là người chỉ đạo mọi kế hoạch về truyền thông.

Bình luận về sự kiện này, ông Christopher Townsend nói: “MetLife đã đạt được kết quả tăng trưởng vượt trội tại châu Á với chiến lược tăng trưởng năng động và năng lực dồi dào. Sự gia nhập của bà Cindy sẽ đem lại những kinh nghiệm phong phú, khả năng lãnh đạo nhạy bén và các kỹ năng chuyên sâu cho Công ty.

Chúng tôi rất vui mừng được chào đón những nhân tài xuất sắc như bà Cindy nắm giữ các vị trí quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển của MetLife trong khu vực”.

Trước khi gia nhập MetLife, bà Cindy là Giám đốc Truyền thông Tập đoàn khu vực châu Á của ngân hàng HSBC tại Hồng Kông. Trong quá khứ, bà đã có 10 năm công tác tại ngân hàng Standard Chartered, đảm nhận nhiều vị trí khác nhau về truyền thông khu vực châu Á, châu Mỹ, châu Âu và Trung Đông. Bà cũng từng làm nhiều công việc khác nhau tại Hoa Kỳ và Đài Loan, như: marketing, bán hàng và tài chính. Bà từng làm trong nhiều phòng ban như quan hệ cổ đông, phát triển bền vững, quan hệ với chính quyền và chiến lược thương hiệu tại khu vực châu Á.

Ông Jeanmarie McFadden nói: “Tôi rất vui được chào đón bà Cindy đến với MetLife. Bà ấy là người tư vấn tin cậy cho ban lãnh đạo các doanh nghiệp lĩnh vực dịch vụ tài chính trong hơn 1 thập kỷ qua. Bà ấy sẽ mang lại những cách tiếp cận mang tính toàn cầu và riêng biệt cho MetLife châu Á”.

MetLife là một trong các công ty BHNT lớn nhất thế giới. Công ty được thành lập từ năm 1868 và là hãng bảo hiểm toàn cầu, cung cấp các sản phẩm BHNT, niên kim, bảo hiểm quyền lợi người lao động và dịch vụ quản lý tài sản.

Sumitomo Life sẽ mua lại Symetra, Hoa Kỳ

(Insurance-business-review) – Công ty BHNT Sumitomo Life của Nhật Bản vừa ký thỏa thuận thâu tóm công ty bảo hiểm Symetra Financial (Hoa Kỳ) với giá 3,8 tỷ USD.

Theo đó, mức giá Sumitomo phải trả là 32 USD/cổ phần và khoản cổ tức đặc biệt trị giá 0,5 USD/cổ phần Symetra Financial – cao hơn 32% so với mức giá trung bình cổ phiếu công ty này vào ngày 5/8/2015 (24,64 USD/cổ phần).

Ông Masahiro Hashimoto, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Sumitomo Life, nói: “Chúng tôi rất hào hứng với cơ hội thâu tóm hoạt động kinh doanh năng động của Symetra và tin tưởng rằng giao dịch này sẽ có lợi cho cả hai bên, đem lại giá trị lớn cho Symetra và Sumitomo Life”.

Được thành lập từ năm 1957 và có trụ sở tại Bellevue, Washington, công ty Symetra cung cấp các sản phẩm bảo hiểm quyền lợi người lao động, niên kim và bảo hiểm nhân thọ thông qua mạng lưới các nhà tư vấn, các tổ chức trung gian tài chính và các đại lý độc lập.

Tại thời điểm 30/6/2015, Công ty có khoảng 34 tỷ USD giá trị tài sản, 1,7 triệu khách hàng và 1.400 nhân viên trên toàn quốc.

Giao dịch thâu tóm này sẽ giúp Sumitomo Life mở rộng hoạt động của mình tại thị trường Hoa Kỳ.

Ông Thomas Marra, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Symetra, cùng ban lãnh đạo của Công ty sẽ tiếp tục điều hành hoạt động kinh doanh cùng với thương hiệu, đội ngũ nhân viên, kênh phân phối và hệ thống sản phẩm hiện tại.

Ông Marra nói: “Chúng tôi rất vui mừng được gia nhập vào hệ thống Sumitomo Life – công ty bảo hiểm dẫn đầu thị trường với bề dày kinh doanh thành công nhiều năm. Sumitomo Life cùng chia sẻ với chúng tôi các cam kết kinh doanh nhằm đem lại giá trị tốt nhất cho khách hàng”.

Giao dịch hiện đang chờ sự thông qua của cổ đông Symetra, cơ quan quản lý nhà nước cũng như các điều kiện có liên quan. Dự kiến sẽ hoàn tất vào quý I hoặc đầu quý II năm 2016.

Sumitomo Life là hãng BHNT đứng đầu thị trường Nhật Bản, kinh doanh các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ truyền thống, bảo hiểm chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm y tế và bảo hiểm hưu trí.

BTV (tổnghợp).

Comments are closed.