TIÊU ĐIỂM TUẦN 31

Bảo hiểm chăm sóc sức khỏe tăng trưởng tại châu Á; Trung Quốc bán đơn bảo hiểm động đất đầu tiên; PVIRe bổ nhiệm tân CEO

  

TIÊU ĐIỂM TUẦN 31:

I. Tin trong nước

1. Tin bồi thường, tổn thất

Sập nhà phố Cửa Bắc, 9 người gặp nạn

(Vnexpress) – 3h30 sáng 4/8, ngôi nhà 3 tầng làm cửa hàng bán nem tại địa chỉ số 43 phố Cửa Bắc (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, TP Hà Nội) bất ngờ đổ sập, khiến 9 người trong ngôi nhà gặp nạn. Sau đó 4 người ở tầng 1 thoát ra ngoài an toàn, 5 người còn lại mắc kẹt, đến trưa cùng ngày tất cả nạn nhân được đưa ra ngoài, tuy nhiên 2 người đã tử vong.

Theo cơ quan điều tra, ngôi nhà số 43 phố Cửa Bắc (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, TP Hà Nội) bị sập do ông Trần Anh Tuấn (52 tuổi) làm chủ hộ. Nhà bị sập có diện tích khoảng 30m², 3 tầng 1 tum; tầng 1, 2 để kinh doanh, tầng 3 là bếp và nơi ngủ của nhân viên.

Chiều 4/8, Công an quận Ba Đình công bố kết quả điều tra ban đầu. Theo đó, nguyên nhân dẫn đến sập nhà được những người liên quan khai nhận do quá trình thi công nhà 41 làm vỡ ống nước, dẫn đến sụt lở móng nhà số 43. “Mặt khác, nhà 43 xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước không có kết cấu bê tông nên nhà rất yếu”, báo cáo kết quả điều tra nêu.

Hồ sơ điều tra cho biết, nhà số 41 nằm kế bên ngôi nhà bị sập đã xây dựng gần 40 năm nên xuống cấp trầm trọng, nhà này do bà Nguyễn Thị Vân (82 tuổi) làm chủ và con trai là Trương Quốc Hùng (43 tuổi) ở thường xuyên. Ngày 7/7, anh Hùng thuê thợ tháo dỡ để xây lại nhà số 41. Khi tháo xong phần mái nhà thì bị Thanh tra xây dựng Ba Đình đình chỉ vì không có giấy phép. Tuy nhiên sau đó hồ sơ xin phép xây dựng, sửa chữa nhà do bà Vân làm chủ đã được UBND quận Ba Đình chấp thuận vào 2/8.

Khi có giấy phép, anh Hùng thuê em vợ là Trần Tiến Tuấn (31 tuổi, Thanh Hóa) xây dựng lại nhà số 41. Anh Tuấn thuê Bùi Quốc Tùng (30 tuổi, ở Tây Hồ, Hà Nội) đào móng và vận chuyển phế thải. Khoảng 22h ngày 3/8, anh Tùng thuê Trần Văn Minh lái máy xúc đến đào móng sâu khoảng 2 mét. Trong quá trình thi công thì xảy ra việc sập nhà số 43.

Một số hộ dân sống cạnh ngôi nhà bị sập cho biết họ đã cảnh báo với chủ ngôi nhà đang xây dựng “phải có biện pháp gia cố để tránh ảnh hưởng đến các ngôi nhà kế bên, vì phần lớn là nhà cũ, xây dựng chất lượng thấp, tuy nhiên chủ nhà bỏ ngoài tai”.

Chiều cùng ngày, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo cơ quan chức năng mời chuyên gia đến gia cố bằng dầm chịu lực, đảm bảo an toàn cho các căn nhà kế bên nhà số 41, lên phương án hướng dẫn người dân tránh nguy hiểm.

UBND TP và các đơn vị tổ chức thăm hỏi, động viên người bị nạn, bước đầu hỗ trợ người bị thương với số tiền 5 triệu đồng/người; hỗ trợ 2 gia đình có nạn nhân tử vong số tiền 22,4 triệu đồng.

2. Một vòng doanh nghiệp

PVIRe bổ nhiệm tân Tổng Giám đốc

(ĐTCK) – Ngày 2/8, ông Trịnh Anh Tuấn đã được Bộ Tài chính chấp thuận giữ chức vụ Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Tổng CTCP Tái bảo hiểm PVI (PVIRe) thay cho ông Vũ Văn Thắng theo công văn 10636/BTC-QLBH.

Thuộc thế hệ 8X, ông Tuấn đã nắm giữ nhiều vị trí chủ chốt tại Tổng CTCP Bảo hiểm dầu khí Việt Nam (nay là Tổng công ty Bảo hiểm PVI) như Giám đốc Ban Tái Bảo hiểm, Giám đốc Ban Bảo hiểm kỹ thuật… cũng như các công ty thành viên thuộc hệ thống PVI Holdings.

Trước khi lên vị trí điều hành cao nhất tại PVIRe, ông Tuấn đã giữ cương vị Phó tổng giám đốc Tổng công ty bảo hiểm PVI, từ tháng 11/2012 và đã có gần 2 năm đảm nhận vị trí Phó tổng giám đốc Công ty Tái Bảo hiểm PVI (PVIRe hiện tại).

Ông Tuấn cũng là Hội viên cao cấp (Senior Associate) của Học viện Bảo hiểm & Tài chính Úc & Newzealand (ANZIIF) (Australian and New Zealand Institue of Insurance and Finance) và từng được phong tặng danh hiệu Huân chương Lao động Hạng 3, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Còn với nguyên Tổng giám đốc Vũ Văn Thắng, theo nguồn tin của Đầu tư chứng khoán, sau khi rời “ghế” CEO PVIRe, ông Thắng đảm nhận vị trí Phó tổng giám đốc thường trực PVI Holdings thay cho ông Phạm Khắc Dũng.

PVIRe – công ty con của PVI Holdings, trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam được thành lập từ tháng 7/2011.

Sau 5 năm, tính đến ngày 30/6/2016, PVIRe đạt được những con số đáng ghi nhận như: tổng doanh thu đạt 7.786 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân doanh thu là 24,1%; tổng lợi nhuận trước thuế đạt 476,2 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân lợi nhuận là 68,9%; tổng phí giữ lại là 1.549 tỷ đồng; chi trả bồi thường tái bảo hiểm 2.781,5 tỷ đồng. Tổng tài sản đạt 3.605 tỷ đồng, tăng gấp 6,6 lần so với năm 2011.

BIC được A.M.Best tái định hạng tín nhiệm B+ với triển vọng Tích cực

(BIC) – Ngày 28/7/2016, tại Singapore – A.M.Best đã công bố kết quả tái định hạng tín nhiệm của Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV, theo đó, A.M.Best nâng triển vọng của BIC năm 2016 lên Tích cực (năm 2015 kết quả này là Ổn định) và tiếp tục khẳng định xếp hạng năng lực tài chính của BIC là B+ (Tốt), xếp hạng năng lực tổ chức phát hành là bbb-.

A.M.Best cho rằng, việc nâng triển vọng của BIC phản ánh năng lực vốn hóa dựa trên rủi ro của BIC được tăng cường sau khi có sự hợp tác và hỗ trợ của cổ đông chiến lược nước ngoài FairFax Asia Limited. BIC tiếp tục duy trì tỷ lệ bồi thường thấp hơn mức bình quân thị trường, thu nhập ròng tăng trưởng đều trong vòng 5 năm qua cũng là các nhân tố quan trọng để A.M.Best nâng triển vọng lên Tích cực cho BIC.

Đánh giá về việc hợp tác chiến lược của BIC với FairFax, A.M.Best cho rằng, với việc sở hữu 35% cổ phần, FairFax sẽ mang lại cho BIC những hỗ trợ kỹ thuật trên các lĩnh vực như nghiệp vụ bảo hiểm, quản trị rủi ro và công nghệ thông tin, điều này giúp BIC tăng cường hiệu quả điều hành và vị thế kinh doanh trên thị trường.

A.M. Best đánh giá cao khả năng nâng hạng tín nhiệm của BIC trong tương lai nếu tiếp tục cải tiến hiệu quả kinh doanh và phát triển một chính sách phân bổ nguồn vốn nhằm củng cố năng lực vốn hóa dựa trên rủi ro.

Ông Trần Hoài An, Tổng Giám đốc BIC cho biết: “A.M.Best là một tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới đối với doanh nghiệp bảo hiểm. Việc A.M.Best nâng triển vọng xếp hạng của BIC cho thấy tín hiệu tích cực trong hoạt động của BIC trong bối cảnh thị trường bảo hiểm cạnh tranh ngày càng gay gắt. Các đánh giá, khuyến nghị của A.M.Best là cơ sở để BIC tiếp tục hoàn thiện, nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo an toàn cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm”.

MIC nhận Giấy chứng nhận Doanh nghiệp bảo hiểm uy tín tại Việt Nam 

(MIC) – Ngày 27/7/2016, tại Khách sạn Sheraton, TP. Hà Nội, Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đã tổ chức “Lễ trao giấy chứng nhận Top 10 DNBH uy tín năm 2016” nhằm mục đích ghi nhận thành quả hoạt động của các DNBH Việt Nam cũng như những đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành bảo hiểm nói riêng và lĩnh vực tài chính nói chung.

Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) nằm trong Top 10 Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ (DNBH) uy tín năm 2016. Đây là năm đầu tiên Top 10 DNBH uy tín được Vietnam Report và Báo VietnamNet – Bộ Thông tin Truyền thông công bố, dựa trên kết quả nghiên cứu và đánh giá độc lập của Vietnam Report.

Sau gần 9 năm hoạt động, MIC có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ và đầu tư tài chính, tổng tài sản MIC đạt hơn 2.200 tỷ đồng, hiệu quả tỷ suất lợi nhuận trên vốn đạt mức cao. MIC đã xây dựng được thương hiệu là doanh nghiệp bảo hiểm uy tín, quy mô lớn, có trách nhiệm với xã hội. MIC đã phát triển được hơn 100 sản phẩm bảo hiểm phù hợp với thị trường và thông lệ quốc tế được thị trường đánh giá cao. Ngoài ra, MIC còn ứng dụng nhiều dịch vụ tiện ích như hợp tác với nhiều garage uy tín bảo lãnh sửa chữa, thanh toán, cứu hộ giao thông, tổng đài chăm sóc khách hàng, tra cứu bồi thường qua boithuong247.mic.vn, mua bảo hiểm online qua website: www.emic.vn, qua điện thoại *566# giúp khách hàng dễ dàng mua bảo hiểm mọi lúc, mọi nơi và thành lập bộ phận giám định, bồi thường độc lập theo trục dọc, xuyên suốt với phương châm hoạt động Nhanh chóng – Chinh xác – Chuyên nghiệp bảo đảm bồi thường cho khách hàng nhanh, đúng, đủ nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.

Tính đến hết tháng 6/2016, tổng doanh thu MIC đạt gần 900 tỷ đồng, hoàn thành 46% kế hoạch, tăng trưởng hơn 23%, lợi nhuận đạt hơn 60 tỷ đồng, hoàn thành 83,33% kế hoạch. Trong đó, doanh thu bảo hiểm xe cơ giới tăng trưởng 16,3%, doanh thu bảo hiểm tài sản kỹ thuật tăng trưởng 28,3%, doanh thu bảo hiểm con người tăng trưởng 23,6%, bảo hiểm hàng hải tăng trưởng 38,7%, doanh thu qua các kênh Bancass, quân đội, đăng kiểm tăng trưởng 4,5%, tỷ lệ bồi thường 27% thấp hơn tỷ lệ bồi thường bình quân trên thị trường.

Fubon Life Việt Nam khai trương Tổng Đại lý Tuyên Quang

(ĐTCK) – Ngày 31/7/2016, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Fubon Life Việt Nam (Fubon Life Việt Nam) chính thức khai trương văn phòng tổng đại lý mới tại tỉnh Tuyên Quang tại tầng 4, số 155, tổ 19, đường Bình Thuận, phường Tân Quang, TP. Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang.

Việc khai trương này không chỉ mang tới khách hàng sản phẩm bảo hiểm, dịch vụ khách hàng và đội ngũ tư vấn chuyên sâu, mà còn là minh chứng cho quyết tâm thực hiện chiến lược phát triển lâu dài bền vững tại Việt Nam.

5 năm gần đây, kinh tế tỉnh Tuyên Quang tăng trưởng ổn định, chất lượng đời sống của người dân được nâng cao đã thúc đầy nhu cầu bảo vệ và lập kế hoạch tài chính của người dân Tuyên Quang trước rủi ro tai nạn, bênh tật, tử vong không lường trước được của cuộc sống.

Nhằm đáp ứng nhu cầu trên và thực hiện chiến lược phát triển bền vững lâu dài tại Việt Nam, Tổng đại lý Tuyên Quang hứa hẹn sẽ giúp người dân có thể chuẩn bị sẵn sàng một nguồn tài chính đủ lớn để đảm bảo cuộc sống, chữa bệnh và tương lai giáo dục con trẻ trước biến cố cuộc sống một cách thuận tiện, hiệu quả.

Để đạt được mục tiêu này, Tổng đại lý này sẽ thúc đẩy 3 trọng điểm phát triển như cung cấp sản phẩm bảo hiểm chuyên sâu tới khách hàng, cung cấp dịch vụ chuyên sâu tới khách hàng, đội ngũ tư vấn chuyên sâu phục vụ khách hàng.

Tổng Giám Đốc Fubon Life Việt Nam Chang, Chin-Tang chia sẻ: “Bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm đi cùng khách hàng suốt chặng đường cuộc sống, vì vậy, Fubon Life Việt Nam luôn nỗ lực đào tạo đội ngũ đại lý chuyên môn sâu, đạo đức nghề nghiệp vững vàng.

Nhận thức rõ trọng trách của một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ trước sứ mệnh phục vụ xã hội, bảo vệ cuộc sống và tương lai vững chắc của gia đình trước rủi ro của cuộc sống, bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển kinh doanh, mở rộng mạng lưới, ra mắt nhiều sản phẩm mới, trong suốt 5 năm qua, Fubon Life Việt Nam nỗ lực không ngừng, tiên phong thực hiện trách nhiệm cộng đồng”.

Nhân dịp khai trương, Fubon Life Việt Nam đã trao tặng 40 suất quà tổng trị giá 20 triệu đồng cho bệnh nhân bệnh có hoàn cảnh gia đình khó khăn tại Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang.

PTI ra mắt sản phẩm bảo hiểm bệnh hiểm nghèo đầu tiên tại Việt Nam

(PTI) – Ngày 1/8, PTI chính thức ra mắt sản phẩm bảo hiểm Bệnh hiểm nghèo, bảo vệ ngay 5 bệnh lý nghiêm trọng thường gặp ở Việt Nam. Đây là sản phẩm bảo hiểm chuyên biệt về bệnh hiểm nghèo đầu tiên được triển khai tại Việt Nam.

Ưu điểm nổi bật của sản phẩm này là khi không may mắc phải một trong những bệnh lý nghiêm trọng, khách hàng sẽ được chi trả toàn bộ số tiền bảo hiểm mà không cần phải các chứng từ liên quan đến chi phí y tế, với số tiền bảo hiểm ở mức cao nhất lên đến 330 triệu đồng.

Sản phẩm sẽ được bảo vệ lên đến 14 bệnh thường gặp, trong đó, 5 bệnh sẽ được bảo vệ ngay trong năm đầu tiên: Ung thư, đột quỵ, suy thận, nhồi máu cơ tim và liệt chi vĩnh viễn.  Bên cạnh đó, với mỗi năm tái tục, PTI sẽ mở rộng phạm vi bảo hiểm thêm 1 bệnh lý, lần lượt là: U não lành tính, phẫu thuật động mạch vành, cấy ghép nội tạng, đa sơ cứng, phẫu thuật ghép động mạch chủ, tăng huyết áp động mạch phổi, thay thế van tim, bệnh parkinson, bệnh gan giai đoạn cuối.

Sản phẩm được xây dựng theo 3 chương trình quyền lợi khác nhau, với số tiền bảo hiểm lần lượt là 110 triệu, 220 triệu đồng và 330 triệu. Việc xây dựng các chương trình khác nhau nhằm giúp cho khách hàng có thể linh hoạt lựa chọn các chương trình bảo hiểm phù hợp với nhu cầu và mong muốn của mình. Sản phẩm thiết kế cho khách hàng ở lứa tuổi từ 1 tuổi đến 65 tuổi.

Bảo hiểm bệnh hiểm nghèo sẽ chính thức được triển khai vòa ngày 1/8 – nhân kỉ niệm 18 năm thành lập PTI. Khách hàng đăng ký mua sản phẩm bảo hiểm trong tháng 8 sẽ được nhận ngay 1 hộp thuốc gia đình tiện dụng.  Đặc biệt, để tri ân hách hàng nhân trong ngày sinh nhật, PTI sẽ tặng ngay 1 máy đo huyết áp cao cấp cho những khách hàng đăng ký mua sản phẩm trong ngày 1/8.

Bảo hiểm Bảo Việt ra mắt sản phẩm bảo hiểm ung thư

(BVH) – Ngày 02/08/2016, Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt (Bảo hiểm Bảo Việt) chính thức ra mắt sản phẩm Bảo Việt K-Care – sản phẩm bảo hiểm chuyên biệt dành cho bệnh ung thư lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam.

Là sản phẩm bảo hiểm được thiết kế dành riêng cho bệnh ung thư, Bảo Việt K-Care mang đến bốn quyền lợi chi trả bảo hiểm đa dạng và hấp dẫn cho người mua bảo hiểm bao gồm: quyền lợi bảo hiểm ung thư (giai đoạn sớm và giai đoạn trễ), quyền lợi trợ cấp nằm viện, quyền lợi khi tử vong do bệnh ung thư và quyền lợi khi tử vong do tai nạn. Đặc biệt, quyền lợi bảo hiểm ung thư sẽ được chi trả một khoản tiền cố định lên đến 1 tỷ đồng, nhằm giúp người mua bảo hiểm có thể chủ động tài chính điều trị ung thư sớm và yên tâm lựa chọn các địa chỉ, phương pháp điều trị bệnh tiên tiến, đạt hiệu quả tốt nhất.

Thủ tục để tham gia bảo hiểm Bảo Việt K-Care được đơn giản hóa tối đa. Cụ thể, người mua bảo hiểm không cần phải thực hiện khám sức khỏe mà chỉ cần trả lời bảng khảo sát rủi ro ngắn gọn. Ngoài ra, phí bảo hiểm cũng được xây dựng rất hợp lý và mức phí được duy trì không thay đổi trong kỳ hạn 10 năm. Đây chính là những lợi ích vượt trội hơn hẳn của Bảo Việt K-Care so với các hình thức bảo hiểm chi trả cho bệnh ung thư khác đang có trên thị trường thường có giới hạn chi trả cho các danh mục thuốc, bệnh viện điều trị và mức trách nhiệm bảo hiểm khiêm tốn trong khi chi phí mua bao hiểm lại cao hơn.

Ung thư hiện nay đang dần trở thành một thảm họa sức khỏe, là nỗi ám ảnh của mọi người dân. Theo dự báo của Bộ Y tế, đến năm 2020, nước ta sẽ có 189.000 trường hợp mắc mới và số người chết do ung thư lên tới 82.000 người, chiếm 43,5% của tổng số người bệnh. Đáng buồn không kém, Việt Nam lại là một trong những quốc gia có số tử vong do ung thư lớn nhất trên thế giới.

Thực tế nghiên cứu cũng cho thấy hàng ngàn trăm ngàn bệnh nhân ung thư của Việt Nam kéo theo hàng trăm ngàn gia đình phải gánh chịu những hệ lụy về tài chính nặng nề từ việc điều trị ung thư. Số liệu được thống kê từ Theo Trung tâm Y học Hạt nhân và Ung bướu cũng cho thấy 34% bệnh nhân không đủ tiền mua thuốc điều trị sau 12 tháng phát hiện bệnh, 22% không thể thanh toán chi phí đi lại, 24% không đủ khả năng chi trả chi phí thường xuyên trong gia đình như tiền điện nước, gas…

Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, năm 2015, quỹ Bảo hiểm Y tế  đã chi hơn 4.400 tỉ đồng cho bệnh nhân ung thư. Tổng gánh nặng trực tiếp của 6 bệnh ung thư (ung thư vú, cổ tử cung, gan, đại trực tràng, dạ dày, khoang miệng) ước tính chiếm 0,22% tổng GDP của Việt Nam hàng năm. Thêm vào đó, kể từ 01.01.2015,  Bộ Y tế chính thức giảm chi trả cho 28 loại thuốc điều trị bệnh ung thư từ mức 50-100% xuống còn 30-50%.

Cũng tại buổi lễ ra mắt sản phẩm Bảo Việt K-Care, đại diện lãnh đạo Bảo hiểm Bảo Việt và Tổng Công ty Tái bảo hiểm Quốc gia VinaRe đã trao tặng 100 triệu đồng vào Quỹ Ngày mai tươi sáng – tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ chăm sóc, điều trị bệnh nhân ung thư.

3. Quản lý thị trường bảo hiểm 

Bảo hiểm phi nhân thọ: Tăng trưởng gắn với cạnh tranh lành mạnh

(TBTCVN) – Theo số liệu mới nhất từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (HHBHVN), 6 tháng đầu năm, thị trường bảo hiểm (BH) phi nhân thọ đạt mức tăng trưởng khả quan, với tổng doanh thu ước đạt 17.753 tỷ đồng, tăng trưởng 15,81% so với cùng kỳ, thị trường duy trì được đà tăng trưởng như kỳ vọng.

Theo HHBHVN, 6 tháng đầu năm Bảo hiểm PVI tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu thị trường, với doanh thu 3.611 tỷ đồng, tăng trưởng 8%, vị trí thứ hai thuộc về Bảo hiểm Bảo Việt, với doanh thu 2.969 tỷ đồng, tăng trưởng 6%. Bảo hiểm PTI sau một thời gian dài nỗ lực đã bứt phá vươn lên vị trí thứ 3 thị trường với doanh thu 1.501 tỷ đồng, tăng trưởng 36%. Bảo hiểm Bảo Minh lùi về vị trí thứ 4 sau nhiều năm giữ ở vị trí thứ 3, đạt doanh thu 1.445 tỷ đồng, tăng trưởng 9%; vị trí thứ 5 thuộc về Bảo hiểm PJICO, với doanh thu 1.182 tỷ đồng, tăng trưởng 8%.

Theo đó, có thể thấy hơn 60% thị phần BH phi nhân thọ đang nằm trong tay 5 “ông lớn” quen thuộc, 24 doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) còn lại và 1 chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài tại Việt Nam chỉ chiếm gần 40% thị phần còn lại.

Cũng theo HHBHVN, 6 tháng đầu năm, tổng vốn chủ sở hữu của các DNBH phi nhân thọ đạt 22.269 tỷ đồng; các DNBH phi nhân thọ đã đầu tư vào nền kinh tế khoảng 32.325 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 1.170 tỷ đồng.

Xét theo nghiệp vụ, BH xe cơ giới tiếp tục dẫn đầu thị trường BH phi nhân thọ với doanh thu 5.828 tỷ đồng, tăng trưởng 23,4%, bồi thường 2.487 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 42,6% đã giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước (65%) và đang dần ổn định.

Bảo hiểm sức khỏe đạt doanh thu 4.192 tỷ đồng, tăng trưởng 29%; bảo hiểm cháy nổ và mọi rủi ro đạt doanh thu 1.695 tỷ đồng, tăng 38%; bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu đạt doanh thu 1.136 tỷ đồng, tăng 10%; bảo hiểm hàng không đạt doanh thu 386 tỷ đồng, tăng 19%… Đây cũng là những nghiệp vụ có tỷ lệ bồi thường thấp hơn so với cùng kỳ.

Có thể thấy 6 tháng đầu năm, các DNBH đã vượt qua những khó khăn nhất định, nỗ lực hoàn thành mục tiêu đề ra, thị trường đã duy trì đà tăng trưởng ở mức kỳ vọng. Tuy nhiên theo cơ quan quản lý về BH, thị trường vẫn còn tồn tại tình trạng doanh nghiệp chạy theo mục tiêu doanh thu trước mắt, cạnh tranh, hạ phí, mở rộng các điều khoản…, trong đó BH con người và BH xe cơ giới là hai nghiệp vụ có mức độ cạnh tranh phi kỹ thuật mạnh mẽ nhất.

Để thị trường phát triển bền vững trong thời gian tới nhằm hoàn thành mục tiêu đề ra, mới đây tại Hội nghị “Tổng giám đốc các DNBH phi nhân thọ”, cơ quan quản lý về BH, HHBHVN và các DNBH đã cùng nhau bàn bạc và thống nhất một chương trình hành động chung. Theo đó, các DNBH đã đồng ý biện pháp xử lý doanh nghiệp cạnh tranh phi kỹ thuật khi bi phát hiện, đồng thời các tập thể, cá nhân có thể tố giác và gửi bằng chứng về HHBHVN để Hiệp hội báo cáo Bộ Tài chính làm căn cứ để thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các DNBH sẽ cùng nhau xây dựng chương trình tuyên truyền và giải pháp phòng chống trục lợi BH, đặc biệt tập trung vào BH xe cơ giới và BH sức khỏe.

Bên cạnh đó, các DNBH cũng sẽ cùng nhau xây dựng quy tắc, điều khoản, điều kiện, biểu phí BH cơ bản chuẩn cho các sản phẩm BH đã được pháp luật quy định như: Bảo hiểm du lịch lữ hành trong nước và quốc tế, BH trách nhiệm dân sự chủ phương tiện vận tải thủy nội địa, BH nghề nghiệp chứng khoán, BH nghề nghiệp khám chữa bệnh…

Cũng tại hội nghị CEO phi nhân thọ, các DNBH đã kiến nghị Bộ Tài chính sớm ban hành hợp đồng mẫu về BH sức khỏe để các DNBH thuận lợi trong việc cải tiến, phát triển sản phẩm, phê duyệt sản phẩm; chỉ đạo và thúc đẩy nhanh tiến độ xây dựng sản phẩm BH thiên tai, trong đó có BH tài sản công và BH nông nghiệp. Đồng thời có biện pháp giải quyết tình trạng môi giới BH gốc và tái đưa ra điều kiện trong đấu thầu BH gốc dẫn đến DNBH gốc thắng thầu phải chấp nhận điều kiện tái BH của môi giới BH…, tạo điều kiện cho DNBH kinh doanh thuận lợi cũng như phát triển sản phẩm mới, tăng trưởng doanh thu, thị phần, hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2016.

“Hậu” mua sản phẩm bảo hiểm trả góp lãi suất 0 đồng

(ĐTCK) – PTI vừa lần đầu áp dụng việc mua bảo hiểm trả góp không lãi suất đối với chủ thẻ của 3 ngân hàng VIB, HSBC và Sacombank.

Khoan bàn về những lợi ích mà phía PTI cũng như các ngân hàng bảo lãnh được thụ hưởng liên quan đến việc quản lý dòng tiền từ việc bán bảo hiểm theo hình thức trả góp hiện đang khá phổ biến, cũng không cần nói nhiều đến tính hấp dẫn của dịch vụ mua bảo hiểm trả góp lãi suất 0 đồng và được hưởng mức giảm phí 10% (đối với mua bảo hiểm ô tô), dù trước đó, PTI từng áp dụng hình thức khuyến mại “khủng” với mức giảm phí lên tới 40%. Ở đây, chỉ tập trung bàn về một nội dung cần lưu ý, đó là với hình thức bán bảo hiểm trả góp không lãi suất này thì việc bồi thường có được đảm bảo như đóng phí đủ 1 lần?

Theo thông báo của PTI, đây là sản phẩm bảo hiểm với hình thức thanh toán phí theo kỳ lần đầu tiên được đưa ra thị trường tại kênh bán hàng trực tuyến của Công ty. Cụ thể, khi tham gia bảo hiểm vật chất ô tô tô, khách hàng có thể lựa chọn hình thức thanh toán 1 lần hoặc thanh toán theo nhiều lần theo tháng (3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng), áp dụng từ 10/7 đến 31/12/2016.

Thực tế cho thấy, ngay sau khi đưa ra hình thức mua bảo hiểm mới kể trên, Trung tâm Chăm sóc bán hàng trực tuyến của PTI, cũng như Báo Đầu tư Chứng khoán đã nhận được một số phản ánh của độc giả băn khoăn về dịch vụ “hậu” bán bảo hiểm, bởi đây là sản phẩm/dịch vụ đặc biệt, không giống với các sản phẩm bảo hiểm thông thường khác khi có thêm quyền lợi bồi thường.

PTI cho biết, trong trường hợp khách hàng không may xảy ra sự cố trong khi chưa đóng đủ phí theo năm, thì vẫn được bồi thường như bình thường sau khi hoàn tất các khoản phí các đợt còn lại.

Điều này cũng được quy định rõ tại Thông tư 194/2014/TT-BTC, theo đó, trường hợp đóng phí bảo hiểm theo kỳ, nếu xảy ra sự kiện bảo hiểm trong thời hạn thanh toán phí bảo hiểm, công ty bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường bảo hiểm và được phép thu toàn bộ số phí bảo hiểm phải đóng theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm.

Việc bán sản phẩm bảo hiểm theo hình thức trả góp lãi suất 0 đồng không phải là mới, vì trước đó, một số doanh nghiệp bảo hiểm cũng đã áp dụng đóng phí nhiều kỳ (2-4 kỳ/năm) chủ yếu cho các hợp đồng bảo hiểm lớn. Điểm khác ở đây là cho nợ phí với cả khách hàng cá nhân (mua qua kênh bán hàng trực tuyến), có bảo lãnh thanh toán (ngân hàng), giúp doanh nghiệp bảo hiểm bớt nỗi lo mất phí.

Theo đó, việc đóng phí bảo hiểm theo định kỳ sẽ được thông báo và tiến hành cùng với việc thanh toán ghi nợ thẻ tín dụng của chủ thẻ khi tham gia chương trình. Điều này, theo các ngân hàng bảo lãnh, cũng đồng nghĩa với việc tiền đóng phí bảo hiểm được sử dụng hoàn toàn bằng nguồn tiền của ngân hàng và đến hạn, ngân hàng sẽ tự động trích nộp cho doanh nghiệp bảo hiểm, còn khách hàng sẽ chuyển tiền bổ sung cho ngân hàng bằng cách nộp tiền mặt hoặc chuyển khoản.

Theo các chuyên gia tài chính, với hình thức trả góp nói riêng và đóng phí theo kỳ nói chung, khách hàng phải lưu ý đến nguồn tiền để bảo đảm quyền lợi cho mình, nhất là khi có sự tham gia của bên thứ ba là ngân hàng hay môi giới. Bởi nếu không đóng đủ phí bảo hiểm theo thời hạn thanh toán do sơ suất của bên thứ ba, thì hợp đồng bảo hiểm sẽ tự động chấm dứt hiệu lực khi hết thời hạn thanh toán phí bảo hiểm.

4. Bảo hiểm với cộng đồng

PJICO trao tặng mũ bảo hiểm cho phụ nữ dân tộc Thái

(PJICO) – Ngày 05/8/2016 tại Tỉnh Sơn La, Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia (UBATGTQG) phối hợp cùng UBND Tỉnh Sơn La và Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) tổ chức “Lễ trao tặng mũ bảo hiểm cho phụ nữ đồng bào dân tộc Thái”.

Tham dự buổi Lễ có đồng chí Tòng Thị Phóng – Ủy viên Bộ Chính trị – Phó Chủ tịch Quốc Hội, đồng chí Trương Quang Nghĩa – Ủy viên BCH TW Đảng – Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải – Phó Chủ tịch TT UBATGTQG, đồng chí Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch Chuyên trách UBATGTQG; về phía Tỉnh Sơn La, có đồng chí Hoàng Văn Chất – Bí thư Tỉnh Ủy – Chủ tịch HĐND Tỉnh, đồng chí Bùi Đức Hải – Phó Chủ tịch UBND Tỉnh – Phó trưởng Ban ATGT Tỉnh, cùng đại diện các Cơ quan, Sở, Ban, Ngành địa phương, các Cơ quan báo đài TW và địa phương; cùng Đại diện đơn vị đồng hành Tổng Công ty Bảo hiểm PJICO.

Tại buổi Lễ, đại diện Lãnh đạo PJICO trao tặng 800 mũ bảo hiểm trị giá trên 300 triệu đồng cho cho phụ nữ đồng bào dân tộc Thái với ý nghĩa góp phần nâng cao ý thức chấp hành việc đội mũ bảo hiểm nhằm giảm hậu quả tai nạn giao thông của người dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.

Tại Việt Nam, có khoảng 1,5 triệu người dân tộc Thái, trong đó phụ nữ chiếm 3/4. Với phong tục phụ nữ dân tộc Thái khi lấy chồng có tóc búi trên đỉnh đầu nên không sử dụng được mũ bảo hiểm bình thường, mà phải sử dụng loại mũ bảo hiểm đặc biệt có phần chóp nhô lên để chứa búi tóc.

Đây là năm thứ 2 liên tiếp PJICO hưởng ứng Chương trình vận động hỗ trợ mũ bảo hiểm do UBATGTQG phát động. Trước đó, vào tháng 8/2015, PJICO cũng đã trao tặng mũ bảo hiểm cho trẻ em và đồng bào nghèo trên toàn quốc với trị giá 1,2 tỷ đồng. Bên cạnh hoạt động kinh doanh, PJICO luôn có trách nhiệm và quan tâm thực hiện các hoạt động an sinh xã hội, phát triển cộng đồng. Vừa qua, PJICO được công nhận đứng ở vị trí Top 4 trong 10 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ uy tín năm 2016. Hiện PJICO có mạng lưới phủ sóng rộng khắp trên toàn quốc, cùng hàng trăm sản phẩm đa dạng và các dịch vụ tiện ích.

5. Tin quốc tế

Bảo hiểm chăm sóc sức khỏe sẽ gia tăng tại châu Á

(IAN) – Do chi phí chăm sóc sức khỏe tại châu Á tiếp tục tăng nên các doanh nghiệp trong khu vực này sẽ phải chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm bảo hiểm y tế trong những năm tới.

Theo khảo sát của Willis Towers Watson, chi phí chăm sóc sức khỏe năm 2016 dự kiến tăng 8% so với năm 2015. Xu hướng này sẽ vẫn tiếp diễn trong tương lai gần.

Khảo sát được thực hiện đối với 174 công ty bảo hiểm y tế hàng đầu tại 55 quốc gia. Trong đó, 45% số công ty tại 12 nước thuộc khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Mục tiêu khảo sát nhằm tìm hiểu về nguyên nhân phát sinh và cách thức quản lý chi phí y tế.

Kết quả khảo sát cho thấy, khoảng 72% chuyên gia bảo hiểm y tế dự kiến chi phí y tế sẽ tăng do sự lạm dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe – chẳng hạn bác sỹ khuyến cáo sử dụng quá nhiều dịch vụ và 49% dự kiến chi phí tăng do ít sử dụng các biện pháp phòng ngừa.

Bảo hiểm tương hỗ đang phục hồi trên toàn cầu

(IAN) – Sau khi chứng kiến sự sụt giảm trong các thập kỷ vừa qua, bảo hiểm tương hỗ đang dần phục hồi trong những năm gần đây. Đó là nội dung chính của báo cáo tổng hợp mới đây do Swiss Re phát hành có tựa đề “Bảo hiểm tương hỗ trong thế kỷ 21: quay trở lại tương lai?”.

Báo cáo cho biết, tỷ trọng của bảo hiểm tương hỗ trên tổng doanh thu toàn thị trường bảo hiểm đã tăng từ 24% năm 2007 lên 26% năm 2014.

Các tổ chức bảo hiểm tương hỗ thành lập và hoạt động chủ yếu với mục đích cung cấp dịch vụ bảo vệ rủi ro cho các thành viên, thay vì tìm kiếm lợi nhuận cho cổ đông như tại công ty cổ phần.

Theo ông Kurt Karl, Kinh tế gia trưởng tại Swiss Re, quá trình phục hồi này có thể sẽ khá chắc chắn do quy mô doanh thu bảo hiểm tương hỗ không còn bị tác động kể từ khi kinh tế thế giới thoát ra khỏi khủng hoảng tài chính.

Trên thực tế, một số tập đoàn bảo hiểm tương hỗ đã mở rộng phạm vi hoạt động toàn cầu trong những năm gần đây và tại một số thị trường đã xuất hiện thêm các tổ chức bảo hiểm tương hỗ mới.

Tuy nhiên, khu vực này vẫn phải đối mặt với một số thách thức, chủ yếu từ việc tìm cách thích nghi với yêu cầu mới về vốn dựa trên rủi ro và các chính sách chặt chẽ hơn về quản trị doanh nghiệp.

Philippines: nâng gấp đôi quy định vốn tối thiểu với doanh nghiệp bảo hiểm

(IAN) – Từ nay đến cuối năm 2016, tất cả các công ty bảo hiểm tại Philippines đều phải nâng mức vốn tối thiểu từ 250 triệu Peso (5,3 triệu USD) lên 550 triệu Peso.

Chủ tịch Ủy ban bảo hiểm Philippines, ông Emmanuel Dooc, đã nhắc lại yêu cầu kể trên theo quy định tại Luật Bảo hiểm sửa đổi mới ban hành.

Vào quý IV/2015, ông Dooc đã chỉ đạo tất cả các doanh nghiệp bảo hiểm đệ trình kế hoạch về nguồn vốn.

Tháng 11/2015, các doanh nghiệp bảo hiểm đã được nhắc nhở lần đầu tiên về yêu cầu tăng vốn điều lệ tối thiểu.

Sau đó, cơ quan quản lý đã tổ chức hội thảo với một số doanh nghiệp nhằm thảo luận cách thức tăng vốn.

Dự kiến, quy định mới sẽ tạo ra làn sóng thâu tóm và sáp nhập mạnh mẽ trong ngành bảo hiểm nước này.

Theo quy định của Luật Bảo hiểm sửa đổi, yêu cầu về vốn tối thiểu của doanh nghiệp bảo hiểm sẽ tăng 3 năm 1 lần cho đến năm 2022.

Lộ trình tăng cụ thể như sau: từ mức 250 triệu Peso hiện nay lên 550 triệu Peso vào ngày 31/12/2016, sau đó lên 900 triệu Peso vào 31/12/2019 và cuối cùng là 1,3 tỷ Peso vào ngày 30/12/2022.

Singapore tài trợ startup về công nghệ bảo hiểm

(IAN) – Công ty bảo hiểm NTUC Income của Singapore đang tìm kiếm doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) có triển vọng trong lĩnh vực công nghệ bảo hiểm nhằm phục vụ cho chương trình phát triển startup của mình.

Đây là chương trình được NTUC Income phối hợp với Infocomm Investments – công ty đầu tư thuộc Cơ quan phát triển Infocomm – có nhiệm vụ lựa chọn 12 startups trên toàn cầu có tiềm năng thay đổi ngành bảo hiểm.

Trong một thông báo gần đây, NTUC cho biết một số lĩnh vực ưu tiên lựa chọn của startup như: nâng cao hiệu quả quy trình giải quyết khiếu nại bảo hiểm, chống gian lận và dịch vụ tư vấn tự động.

Theo ông Ken Ng, Tổng Giám đốc NTUC Income, việc triển khai chương trình này xuất phát từ thực tế là các sản phẩm bảo hiểm trực tuyến, lập kế hoạch tài chính số hóa và hệ thống giám sát rủi ro thời gian thực đang là các xu hướng chính mới nổi lên trong ngành.

Ông Ken nhận định, khi các công nghệ này xâm nhập sâu vào môi trường kinh doanh ngành bảo hiểm, sẽ gây tác động tới quá trình thiết kế và định phí bảo hiểm, khiến cho ngành này trở nên linh hoạt hơn trong việc đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Theo chương trình, các startup có tên trong danh sách lựa chọn sẽ được nhận một khoản tài trợ trị giá 28.000 SGD (20.853 USD), đồng thời được sự hướng dẫn của các chuyên gia trong ngành.

AXA và Alibaba thiết lập quan hệ đối tác

(IAN) – AXA, Alibaba và Ant Financial Services vừa đồng ý tham gia vào thỏa thuận đối tác toàn cầu. Theo đó, sản phẩm của AXA sẽ được phân phối qua hệ thống phân phối toàn cầu của Alibaba.

Các bên sẽ phối hợp với nhau để sáng tạo và phát triển các sản phẩm, dịch vụ giá trị gia tăng cho khách hàng toàn cầu cũng như hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình tìm kiếm và phát triển các thị trường mới.

Ông Thomas Buberl, Phó Tổng Giám đốc AXA, nói: “Mối quan hệ hợp tác này sẽ đem lại cho chúng tôi kênh phân phối toàn cầu và trực tiếp riêng có của Alibaba. Nhờ vào những hiểu biết sâu rộng của Alibaba về thị trường Trung Quốc, chúng tôi sẽ có điều kiện mở rộng hoạt động kinh doanh của mình tại đây”.

Giai đoạn 1 của thỏa thuận hợp tác sẽ tập trung vào các nội dung sau:

• AliExpress, thị trường bán lẻ toàn cầu: AXA sẽ xây dựng và phân phối các sản phẩm bảo hiểm thông qua hệ thống khách hàng toàn cầu của AliExpress, chẳng hạn mở rộng dịch vụ bảo hành, sửa chữa đối với hàng hóa bị hư hỏng và nâng cao mức độ bảo vệ đối với việc thanh toán các giao dịch online;

• Thị trường bán buôn của Alibaba (Alibaba.com, 1688.com): AXA cung cấp các sản phẩm bảo hiểm cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ toàn cầu đã và đang giao dịch trên các website này.

• Thông qua Công ty Dịch vụ tài chính Ant (công ty con của Alibaba): AXA bán sản phẩm bảo hiểm cho du khách Trung Quốc du lịch nước ngoài.

Ông Michael Evans, Tổng Giám đốc Alibaba, nói: “Mối quan hệ hợp tác với AXA – công ty bảo hiểm dẫn đầu thị trường – là một bộ phận trong chiến lược toàn cầu và tầm nhìn của Alibaba nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và người tiêu dùng sử dụng các tính năng và sự tiện dụng của thương mại điện tử trong môi trường giao dịch an toàn”.

“Chúng tôi nhận thấy, trong bối cảnh thương mại điện tử xuyên biên giới tăng trưởng nhanh như hiện nay, việc phát triển và cung cấp các dịch vụ cho doanh nghiệp và người tiêu dùng trên nền tảng của Alibaba là rất cần thiết”.

Trung Quốc bán đơn bảo hiểm động đất đầu tiên

(IAN) – Đơn bảo hiểm động đất đầu tiên của Trung Quốc vừa được bán tại thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc – nơi xảy ra trận động đất 7,8 độ richte vào năm 1976 hủy diệt gần như toàn bộ thành phố này.

Việc phát hành đơn bảo hiểm động đất tại Trung Quốc nhằm mục tiêu sử dụng các nguồn lực trên thị trường để bồi thường cho tổn thất mang tính thảm họa.

Thiên tai xảy ra khá thường xuyên tại Trung Quốc, tuy nhiên động đất thường gây ra nhiều thương vong và tổn thất kinh tế lớn.

Trọng tâm của chính phủ trong các vụ thiên tai chủ yếu là cứu trợ khẩn cấp, vì vậy sẽ rất khó khăn để tài trợ vốn cho việc tái thiết nhà cửa và các công trình xây dựng sau khi xảy ra thảm họa.

Do đó, cơ quan quản lý rủi ro động đất đã ghi nhận những nỗ lực thành lập hệ thống bảo hiểm thảm họa tại nước này.

Trong một thông cáo phát đi gần đây, chính phủ Trung Quốc cho rằng hệ thống này sẽ giúp chuyển đổi mô hình cứu trợ từ đơn cực sang đa cực, đa kênh. Bên cạnh đó, hệ thống bảo hiểm thảm họa còn có tác dụng hợp nhất các giải pháp giảm nhẹ thiên tai và ngăn ngừa rủi ro cũng như hợp nhất các nỗ lực của chính phủ và các tổ chức, cá nhân sở tại, từ đó nâng cao tính xã hội hóa trong hoạt động này.

Aon đạt kết quả kinh doanh quý II khả quan

(INN) – “Kết quả kinh doanh khả quan trong quý II” đã đem lại cho Aon 272 triệu USD thu nhập thuần, so với 178 triệu USD cùng kỳ năm trước.

Tổng doanh thu giảm 1% xuống còn 2,8 tỷ USD, chi phí hoạt động giảm 7% còn 2,4 tỷ USD.

Doanh thu từ mảng kinh doanh giải pháp rủi ro đạt 1,85 tỷ USD, trong đó 334 triệu USD đến từ hoạt động tái bảo hiểm.

Ông Greg Case, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, phát biểu: “Nhìn chung, chúng tôi đã đạt kết quả khả quan trên tất cả các thước đo chính”.

“Mặc dù môi trường vĩ mô sẽ còn tiếp tục biến động, song chúng tôi kỳ vọng vào khả năng tăng trưởng và hiệu quả hoạt động hữu cơ (không thông qua M&A) trong nửa cuối năm 2016 này”.

BTV (tổng hợp).

 

Comments are closed.